Biên dịch: Nguyễn
Vĩnh Hằng | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Việc Trung Quốc lặng
lẽ trở thành một nước nhập khẩu ròng về dầu thô vào năm 1993 đã đánh dấu sự
chuyển hướng mạnh mẽ sau “cuộc thử nghiệm” tự cung tự cấp kéo dài ba thập kỉ của
Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng thời mở ra khả năng một ngày nào đó Trung Quốc
có thể trở nên dễ bị ảnh hưởng như các nước công nghiệp khác trước những biến cố
không mong muốn tác động tới thị trường dầu mỏ toàn cầu. Những tác động của
thay đổi này lên quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Trung Quốc vẫn đang
diễn ra. Nhưng có một điều chắc chắn là những lo ngại về an ninh dầu mỏ đang
ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ lên những tính toán chiến lược và ngoại giao của
Trung Quốc. Một cường quốc bậc hai thế giới, với mối quan tâm đối ngoại (ngoài
vấn đề hạt nhân) chủ yếu là bảo vệ biên giới lãnh thổ, đang trở thành chủ thể
toàn cầu với những lợi ích mở rộng qua Âu Á sang Trung Đông và cả Bắc và Tây
Phi. Nỗ lực tìm kiếm nguồn cung cấp dầu mỏ đã đưa Bắc Kinh tiến xa đến tận các
nước Mỹ Latinh. Nó cũng đang tác động đến thái độ của Trung Quốc đối với các
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Xét theo lô-gíc, việc
là một nước nhập khẩu dầu thô có thể đưa những lợi ích của Trung Quốc gần hơn với
những lợi ích của các nước phương Tây lệ thuộc vào dầu mỏ. Năm 1990, Trung Quốc
đã bỏ phiếu trắng khi Hoa Kỳ huy động quân đội liên minh quốc tế đưa quân Iraq
ra khỏi Kuwait. Do đó, một cuộc khủng hoảng trong tương lai, sau khi Trung Quốc
trở thành một nước nhập khẩu lớn, có thể sẽ khiến Trung Quốc đứng trên lập trường
ủng hộ hơn đối với những sự kiện tương tự.
Nhưng sự thay đổi
trong những lợi ích và định hướng của Trung Quốc cũng đặt ra những thử thách
cho phương Tây: dưới tác động này, các nước công nghiệp tiêu thụ dầu mỏ của Hoa
Kỳ, Châu Âu và Đông Bắc Á phải thuyết phục một Trung Quốc tham vọng, khát năng
lượng rằng mức cung an toàn cho tất cả đòi hỏi một chính sách đối ngoại hợp
tác. Tuy nhiên cho đến nay thật không may, Trung Quốc lại đang thực hiện một đường
lối khác biệt. Đó là tìm kiếm an ninh năng lượng thông qua theo đuổi các tiếp cận
song phương, đạt được mối quan hệ với những nước xuất khẩu dầu lớn như Saudi
Arabia, Iraq, Iran và Sudan. Ý nghĩa của những động thái này đang gây ra nhiều
quan ngại. Một khi thị trường dầu mỏ vẫn đang khan hiếm như trong hai năm gần
đây, các thỏa thuận song phương có thể gợi ra nhu cầu thỏa hiệp về chính trị để
đổi lấy một nguồn cung ổn định. Tệ nhất là những thỏa hiệp về chính trị đó có
thể là việc trao đổi công nghệ liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt giữa
Trung Quốc với những thị trường nhạy cảm về chính trị này.
Trung Quốc không phải
là nạn nhân tiềm năng duy nhất của tình trạng bị uy hiếp vì nhu cầu dầu mỏ. Hoa
Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đã từng phải đối mặt với vấn đề tương tự, đặc biệt
trong những năm thập niên 70, và đã thỏa thuận với các nước này để đạt được mức
độ thành công thay đổi theo từng năm. Các nước sản xuất dầu đã yêu cầu chuyển
vũ khí từ các nước phương Tây, và vài nước đã sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, liên
minh các nước tiêu thụ dầu mỏ phương Tây đã ngăn chặn, tới một mức độ nào đó,
tác động quá đáng của các nước sản xuất dầu chống lại các quốc gia đơn lẻ. Cụ
thể, các liên minh đa quốc gia đã làm giảm bớt sức mạnh độc quyền của Tổ chức
các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trên thị trường thế giới, làm giảm nguy cơ của
một cuộc khủng hoảng kiểu năm 1973. Sự hợp tác của phương Tây về an ninh năng
lượng được hỗ trợ bởi liên minh chính thức của Tổ chức Năng lượng Thế giới
(IEA), giúp chống lại các đòi hỏi về chính trị của các nước sản xuất dầu bằng
cách đe dọa bán ra đồng loạt cổ phiếu của các nước tiêu thụ dầu, để đáp trả bất
cứ sự kìm giữ sản lượng dầu nào nhằm mục đích chính trị của OPEC hay của các
nhà sản xuất dầu lớn khác. Công cụ chính sách này đã giúp giữ cho chính sách đối
ngoại của phương Tây không bị gắn chặt, phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu dầu mỏ.
Cuộc chiến chống khủng bố chỉ là một ví dụ cho thấy sự tách biệt này là quan trọng.
Nếu Trung Quốc từ chối tham gia câu lạc bộ các quốc gia tiêu thụ dầu mỏ trên thế
giới, cái giá phải trả có thể rất đắt. Chính sách đối ngoại dầu mỏ song phương
của Trung Quốc hiện nay có thể dẫn đến những phản ứng chính sách cản trở những
sáng kiến đa quốc gia hiệu quả trong khu vực như việc giải quyết xung đột hay
chính sách thương mại, hoặc cản trở những nỗ lực của phương Tây trong việc ngăn
chặn sự phổ biến của các công nghệ quân sự nhạy cảm, cũng như việc tích trữ vũ
khí truyền thống ở các vùng sản xuất dầu vốn đang bị chia rẽ sâu sắc.
Bắc Kinh đã có minh
chứng về những lợi ích của việc chống lại những chính sách cấm vận của Hoa Kì.
Ngành công nghiệp dầu mỏ của Trung Quốc đang thu được những mối lợi ở Sudan,
đánh dấu sự xuất hiện của mình ở Iraq và Iran, cũng như đang đàm phán với
Lybia. Trung Quốc cũng đang tiếp cận với các nước sản xuất dầu tiềm năng có sản
lượng không ổn định ở Bắc và Tây Phi. Chính sách đối ngoại về dầu mỏ của Bắc
Kinh cũng bao gồm việc thắt chặt hơn quan hệ với Ảrập Xêut, coi Trung Quốc là một
thị trường thay thế tiềm năng cho thị trường Hoa Kì và Nhật Bản. Một khi Trung
Quốc phát triển các mối quan hệ song phương này và phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn
dầu mỏ nước ngoài, Bắc Kinh sẽ trở nên nhạy cảm hơn với áp lực từ các nhà sản
xuất năng lượng, bao gồm cả những nước đang tìm kiếm công nghệ quân sự chiến lược.
Ít nhất chính phủ của một vài nước sản xuất dầu sẽ mua những vũ khí hạng nhẹ
dùng cho các cuộc nội chiến và xung đột địa phương.
Áp lực về chính trị
có thể khiến Trung Quốc ủng hộ lập trường của các nước sản xuất dầu mỏ tại các
diễn đàn như Liên Hiệp Quốc. Điều này có thể đặt ra những thách thức cho phương
Tây trong hàng loạt các vấn đề, trong đó lớn nhất là sự phản đối của Trung Quốc
và Nga đối với những lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc, cũng như phản đối những
cuộc tấn công quân sự nhằm vào Iraq. Những động thái này đã cản trở việc thực
thi các chính sách hiệu quả chống lại Baghdad trong quá khứ.
Trung Quốc chưa thực
sự được xem là một thành viên trong liên minh đa phương với các nước tiêu thụ dầu
khác. Phương Tây có thể phải chịu trách nhiệm một phần vì đã không tạo điều kiện
đủ sức thuyết phục để thiết lập liên minh, hoặc đã không đưa ra những hỗ trợ
trong lĩnh vực năng lượng, như tìm cách đưa Trung Quốc vào hệ thống dự trữ của
IEA, hay thực hiện những nỗ lực chuyển giao công nghệ năng lượng mới, sạch hơn
cho ngành công nghiệp Trung Quốc. Riêng đối với Hoa Kỳ, hợp tác năng lượng có
thể là chìa khóa cho việc xây dựng một mối quan hệ tích cực với Trung Quốc. Nó
có thể làm cho con đường tiến tới chương trình không phổ biến vũ khí Trung-Mỹ
hiệu quả trở nên bằng phẳng hơn, cũng như giúp Trung Quốc ghi nhớ tầm quan trọng
của các vấn đề về môi trường.
Tình thế tiến thoái
lưỡng nan về năng lượng của Trung Quốc
Trong suốt những năm
1970 và 1980, Trung Quốc giữ thái độ trung lập xa xỉ đối với những sự kiện chấn
động trên thị trường dầu mỏ thế giới. Giá dầu nội địa ở Trung Quốc được ấn định
bởi các nhà hoạch định chính sách của chính quyền trung ương và không chịu ảnh
hưởng của giá cả thế giới bên ngoài. Nguồn cung nội địa vừa đủ đáp ứng mức cầu
nội địa. Với nền kinh tế tránh được những thay đổi thất thường của giá dầu toàn
cầu, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không cần phải quan tâm đến những cuộc xung đột
ở Trung Đông hay những vùng sản xuất dầu mỏ khác. Mặc dù việc xuất khẩu dầu mỏ
với số lượng khiêm tốn đã đem về cho Trung Quốc một lượng nhỏ ngoại tệ để phục
vụ các chương trình hiện đại hóa công nghiệp và quân sự của họ trong những năm
giữa thập niên 1970, sự trồi sụt của thị trường năng lượng về căn bản không tạo
ra lợi ích hay thiệt hại gì cho Trung Quốc.
Ngược lại, nền kinh tế
Mỹ, với tư cách là nước tiêu thụ và nhập khẩu dầu mỏ lớn, lại nhạy cảm với những
chuyển biến đột ngột trên thị trường dầu mỏ thế giới. Chính sự nhạy cảm này khiến
cho chính sách đối ngoại của Mỹ phải xúc tiến những nguồn cung ổn định và đáng
tin cậy. (Lợi ích của Liên Xô lại hoàn toàn ở phía ngược lại: Nền kinh tế Liên
Xô chủ yếu dựa vào xuất khẩu dầu và khí đốt và thu về ngoại tệ mạnh, kiếm lợi
nhuận từ việc nâng giá dầu.)
Trong những năm gần
đây, cùng với sự phát triển kinh tế đáng kinh ngạc, nhu cầu về dầu mỏ ở Trung
Quốc đã tăng nhanh hơn sản lượng dầu sản xuất trong nước. Trong thập niên vừa
qua, lượng tiêu thụ dầu tăng từ 2,1 triệu thùng/ngày năm 1990 lên 3,5 triệu
thùng/ngày năm 1997 và hiện nay vào khoảng 4,6 triệu thùng/ngày.1 Trung Quốc hiện
xếp thứ 3 trên thế giới về sử dụng sản phẩm từ dầu mỏ, sau Mỹ và Nhật.
Sự tăng trưởng này đã
biến Trung Quốc thành nước nhập khẩu dầu lớn. Trong sáu tháng đầu năm 2001, lượng
dầu thô nhập khẩu ở mức 1,29 triệu thùng/ngày, giảm nhẹ so với mức 1,41 triệu
thùng/ngày trong năm 2000. Lượng nhập khẩu các sản phẩm dầu thành phẩm trong những
năm gần đây đạt trung bình 400.000 thùng/ngày, không bao gồm lượng
70.000-100.000 thùng/ngày khí thiên nhiên, xăng và các sản phẩm từ dầu khác do
buôn lậu. Những con số này được dự đoán sẽ tăng lên hơn gấp đôi trong 15 năm tới
khi cầu nội địa của Trung Quốc tăng lên – nhất là ở các tỉnh ven biển phía Nam
và Đông Trung Quốc nơi kinh tế tăng trưởng đầy sức sống nhưng lại nghèo về năng
lượng – và sản lượng dầu sản xuất trong nước không thể theo kịp.2 Căn cứ vào tốc
độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, lượng dầu tiêu thụ của nước này dự kiến
sẽ tăng từ 750.000 thùng/ngày đến 3 triệu thùng/ngày, nâng tổng lượng tiêu thụ
lên mức từ 5,4 triệu thùng/ngày đến 7,6 triệu thùng/ngày vào năm 2010.
Đến năm 2020, nếu
tăng trưởng mạnh về kinh tế tiếp tục, lượng cầu về dầu mỏ của Trung Quốc sẽ ở mức
cao 7-12 triệu thùng/ngày.3 Nếu sản lượng dầu của Trung Quốc tiếp tục trì trệ
so với lượng cầu, như trong vài năm gần đây, lượng nhập khẩu dầu của Trung Quốc
sẽ tăng lên mức 2-4 triệu thùng/ngày trong 10 năm tới. Nếu lượng dầu sử dụng
trong lĩnh vực vận tải từ mức 60-90% tổng lượng dầu hiện nay tăng lên, như những
gì thường xảy ra ở các nước công nghiệp hóa, lượng cầu về dầu của Trung Quốc
vào năm 2010 có thể lên đến 6,3-8,1 triệu thùng/ngày, tùy thuộc vào tốc độ tăng
trưởng GDP, từ 11,4-17,9 triệu thùng/ngày vào năm 2020.4
Các chuyên gia nước
ngoài nhìn chung dự đoán rằng Trung Quốc sẽ nhập khẩu 3-4 triệu thùng/ngày vào
năm 2010 và 5-8 triệu thùng/ngày vào năm 2020. Mặc dù những báo cáo công khai gần
đây gợi ý rằng lượng dầu nhập khẩu đang tiến gần tới những dự báo nước ngoài,
trong những năm gần đây các cơ quan chính phủ Trung Quốc và các nguồn công nghiệp
dự đoán Trung Quốc sẽ nhập khẩu 1.3-1.9 triệu thùng/ngày năm 2010 và khoảng 2-3
triệu thùng/ngày năm 2020.
Trung Quốc đã đáp ứng
nhu cầu nhập khẩu dầu tăng nhanh chóng những năm gần đây bằng cách chuyển từ
các nguồn ở Châu Á sang một số nước Trung Đông – nhất là Oman, Yemen và Iran –
và đang tăng cường ở Châu Phi, Nga và Trung Á.
Sản xuất dầu trong nước
Sản lượng khai thác
trong lục địa Trung Quốc bị chi phối bởi hai tổ hợp dầu khí quốc gia bán tư
nhân khổng lồ, Công ty Dầu Quốc gia Trung Quốc (CNPC) và Sinopec. Hoạt động
khai thác gần bờ của các công ty dầu hỏa phương Tây ở Trung Quốc đã bị giới hạn
chủ yếu ở các mỏ dầu nhỏ hơn và thực hiện các thăm dò liều lĩnh. Trong số các
công ty đầu tư tại các mỏ dầu của Trung Quốc có Exxon, Texaco, Agip, BP, Shell,
và một số công ty Indonesia và Nhật Bản. Trung Quốc đã đặt hi vọng vào việc
phát triển các mỏ dầu phía tây lòng chảo Tarim, nhưng giá dầu thấp và môi trường
không ổn định cho đầu tư nước ngoài đã làm chậm sự phát triển của khu vực này.
PetroChina, công ty con quốc tế của CNPC, đã đưa ra bán một giấy phép khu vực gồm
15 lô dầu mỏ và khí thiên nhiên ở Đông Bắc lòng chảo Vịnh Bohai của Trung Quốc
vào tháng 9 năm 2000, nhưng đến nay vẫn chưa có hợp đồng thương mại nào được
kí. PetroChina cũng dự định đưa ra bán những lô mới ở lòng chảo Erdos ở tây bắc
Trung Quốc vào cuối năm 2001.
Sản lượng dầu ngoài
khơi tăng từ 300.000 thùng/ngày vào cuối thập niên 1990 lên mức 410.000
thùng/ngày vào giữa năm 2001. Một công ty sản xuất và thăm dò dầu khí bán tư
nhân, Công ty Dầu Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (China National Offshore Oil
Corporation – CNOOC) gần như độc quyền phát triển các mỏ dầu ngoài khơi.5 Các
nhà thăm dò nước ngoài đã tham gia cơ bản vào các cuộc khai phá các mỏ dầu
ngoài khơi của Trung Quốc trong ba năm qua, phát hiện hơn một tỷ thùng dầu ở
phía đông Vịnh Bohai6, châu thổ sông Châu Giang ở phía nam Trung Quốc và Vịnh Bắc
Bộ. Ở biển Nam Trung Hoa, những cuộc thăm dò thất bại trong thập niên 1980 và
1990 mở đường cho những phát hiện mới. Các mỏ của Phillip ở Xiajiang gần đây đạt
đỉnh với 100.000 thùng/ngày, nhưng đang giảm xuống còn 80.000 thùng/ngày. Mỏ
Liuhua của BP hiện đang hoạt động với 26.000 thùng/ngày trong khi mỏ Lufeng của
Statoil đạt trung bình 12.000 thùng/ngày. Trong khi đó, tập đoàn CACT, bao gồm
Eni của Ý, Chevron, Texaco và CNOOC đã công bố phát hiện một mỏ dầu mới ở biển
Nam Trung Hoa.7 Sáu mỏ dầu ở đây sản xuất khoảng 140.000 thùng/ngày và bốn mỏ dầu
nữa đang được phát triển. Khoảng một phần ba sản lượng ngoài khơi được bán ra
nước ngoài, chủ yếu cho các nhà máy lọc dầu ở Singapore, và phần còn lại được
chuyển đến các tỉnh miền nam Trung Quốc.
Tuy phát hiện thêm
nhiều mỏ dầu mới nhưng không thể trông đợi sản lượng dầu mỏ sản xuất trong nước
của Trung Quốc sẽ tăng trong những năm tới. Giá dầu thấp, cải cách giá cả không
hiệu quả, lũ lớn ở mỏ dầu Daqing và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải không thỏa
đáng, tất cả gộp lại đã làm sản lượng dầu của Trung Quốc giảm từ 3,3 triệu
thùng/ngày năm 1997 xuống 3,2 triệu thùng/ngày năm 1998. Sau đó giá dầu tăng đã
kích thích sản lượng khôi phục nhẹ. Sản lượng năm nay đạt khoảng 3,21-3,31 triệu
thùng/ngày.8
Trong khi vài phân
tích vẫn dự đoán rằng sản lượng dầu của Trung Quốc sẽ tăng trở lại trong vòng
10 năm tới, có nhiều yếu tố chống lại khả năng này, bao gồm: thiếu hụt vốn
trong các ngành công nghiệp chủ chốt của Trung Quốc; những chính sách tài chính
hạn chế của chính quyền trung ương; thách thức cho các chính quyền địa phương
và doanh nghiệp nhà nước phải hy sinh nguồn vốn khan hiếm để trang trải chi phí
sa thải và việc tư hữu hóa các dịch vụ xã hội; sự thờ ơ của các nhà đầu tư đối
với các vùng được đề nghị thăm dò và khả năng giá dầu tiếp tục giữ ở mức thấp
trong dài hạn.9 Vì những lí do trên và nhiều lí do khác, sản lượng nội địa nhìn
chung được cho là giữ nguyên một cách tương đối trong thập kỉ tới. Có thể thấy
trong bảng 4, dự đoán sản lượng năm 2010 từ các nguồn đáng tin cậy nhìn chung
trong khoảng 3,0-3,9 triệu thùng/ngày.
Chính sách năng lượng
của Trung Quốc giai đoạn 1996 – 2000.
Nhận thức được sự hạn
chế của nguồn dầu nội địa, cũng như cái giá phải trả về kinh tế và môi trường đối
với việc phụ thuộc nặng nề vào than, giới lãnh đạo Trung Quốc đã phát triển những
chiến lược đa dạng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng trong tương lai của nước
này.
Thay thế bằng khí
thiên nhiên
Sáng kiến chủ chốt của
Trung Quốc là tập trung vào việc mở rộng nguồn khí thiên nhiên bên trong quốc
gia này, với mục tiêu tăng nguồn sử dụng khí thiên nhiên từ 3% hiện tại lên
8-10% trước năm 2015. Trung Quốc có nguồn dự trữ khí phong phú tại các khu vực ở
Erdos, Sichuan, Tarim Basin, Junggar và Qaidam, cũng như ở phía tây biển Nam
Trung Hoa. Chính quyền trung ương gần đây đã môi giới thành công một hợp đồng hợp
tác giữa Sinopec và CNOOC cùng hợp tác phát triển mỏ khí Chunxiao ở Xihu Basin,
ngoài khơi Thượng Hải.
Tham vọng hơn, Bắc
Kinh còn có kế hoạch xây dựng một hệ thống đường ống dài 4000 km, nối liền vùng
dự trữ khí phía Bắc và phía Tây của lòng chảo Tarim, Tân Cương với Thượng Hải.10
Các công ty Exxon Mobil, cùng với CLP của Hong Kong; Royal Dutch Shell với công
ty Dầu và Khí của Hong Kong; cùng với Gazprom của Nga và Stroitrangas là những
nhà đấu thầu cho đường ống dẫn khí Đông –Tây Tarim – Thượng Hải trị giá 4.8 tỷ
đô la, đường ống dự tính sẽ vận chuyển từ 34 đến 54 mét khối khí một ngày.11
Mặc dù cả chính quyền
trung ương Trung Quốc lẫn các quan chức của CNPC đều nói đến đường ống Đông –
Tây này như một kế hoạch đã được triển khai, vẫn còn có nhiều khó khăn đáng kể
đối với sự phát triển của dự án. Đường ống này được liệt kê như công trình trọng
điểm của Kế hoạch Năm Năm lần thứ 10, 2001 – 2005. Tuy nhiên chính quyền trung
ương lại đang bỏ mặc phần tài chính phát triển dự án cho các hợp tác xã nhà nước,
các chính quyền địa phương, và các đối tác nước ngoài. Bên cạnh đó, cũng không
tồn tại một cơ chế pháp lý nào đủ minh bạch và hiệu quả để giải quyết các tranh
chấp tiềm tàng nổi lên từ việc xây dựng và hoạt động của dự án cơ sở hạ tầng
năng lượng liên khu vực đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tiềm
năng, cả trong và ngoài nước đều đang nhìn nhận dự án đường ống này như một thí
nghiệm chính sách đắt tiền. Cam kết của chính phủ đối với những công trình lớn
tương tự, như Đập Tam Hiệp và hệ thống truyền tải điện miền Trung, đã được thể
hiện một cách truyền thống thông qua việc thiết lập một nhóm làm việc cấp cao
trong Đảng Cộng Sản Trung Quốc nhằm phối hợp giữa chính quyền trung ương, chính
quyền địa phương và với các doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, công trình đường ống
dẫn khí Đông – Tây lại chưa có một nhóm làm việc cấp cao nào của Đảng cầm quyền
hỗ trợ, đây là một thiếu sót có thể ngăn cản sự phát triển của dự án.
Quốc tế hóa ngành
công nghiệp dầu hỏa Trung Quốc
Một chiến lược khác của
Bắc Kinh nhằm bảo đảm an ninh cho nguồn cung cấp dầu đó là tiến tới quốc tế hòa
ngành công nghiệp dầu hỏa của Trung Quốc. Bắt đầu từ năm 1996, chính phủ Trung
Quốc đã tiến hành thực hiện một kế hoạch với mục đích đạt được khoảng 1/3 nguồn
năng lượng cần thiết của Trung Quốc thông qua các hoạt động thu thập và khai
thác ở nước ngoài.12 Mặc dù mức độ nhập khẩu dầu của Trung Quốc vào thời điểm
đó còn thấp, một nguồn tiền mặt thặng dư bất ngờ trong ngân sách của CNPC năm
1996 đã thúc đẩy Trung Quốc đầu tư ngay lập tức, nhằm ngăn ngừa việc ngân sách
dư thừa này sẽ bị phân tán sang nhiều nơi. Thực hiện hướng dẫn của chính phủ
trong việc mua lại các mỏ dầu ở nước ngoài, năm 1996 – 1997, CNPC đã nhanh
chóng đầu tư vào các mỏ dầu quốc tế ở Sudan, Venezuela, Kazakhstan, và Peru, những
nơi đang mở cửa cho các hoạt động thăm dò dầu và đồng thời cũng là những nơi
CNPC có nhiều cơ hội có thể giành được các mỏ dầu một cách nhanh chóng. CNOOC
cũng thực hiện chiến lược tương tự vào đầu năm 2002 khi mua hai mỏ dầu Widuri
và Cinta của Indonesia từ Repsol-YPF với mức giá 585 triệu đô la Mỹ. Điều này đồng
nghĩa với việc mỗi ngày sẽ có thêm 100,000 thùng dầu thô nhẹ được xử lý tại các
nhà máy lọc dầu sẵn có ở Trung Quốc.13
Các hoạt động thăm dò
và đầu tư dầu mỏ ở Trung Đông
Trung Quốc cũng đang
tích cực tìm kiếm khả năng hợp tác về thăm dò dầu mỏ và đầu tư vào các mỏ dầu ở
Trung Đông, bao gồm hai quốc gia Iran và Iraq.14 Tháng 6/1997, CNPC và tổ hợp
công nghiệp vũ khí nhà nước Northern Industries Cooperation của Trung Quốc đã
ký một bản ghi nhớ “hậu cấm vận”, với mục tiêu phát triển mỏ dầu al-Ahdab ở miền
trung Iraq. Dự án này chỉ có thể thực sự bắt đầu sau khi lệnh cấm vận đối với
Iraq được Liên Hiệp Quốc gỡ bỏ. Mỏ dầu này ước tính chứa khoảng 360 triệu thùng
dầu và cần một khoảng đầu tư khai thác 1,3 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, do lệnh cấm
vận của Liên Hiệp Quốc, hoạt động của các công ty dầu lửa Trung Quốc hầu như chỉ
giới hạn trong việc thăm dò khu vực mỏ dầu ở al-Ahdab. Năm 1998, CNPC bắt đầu
tiến hành thương lượng về mỏ dầu thứ hai, mỏ Halfayah, nhưng không đạt được thỏa
thuận nào. CNPC cũng đã tìm kiếm các khả năng hợp tác với Iran nhưng cuối cùng
cũng không có giao dịch nào được thực hiện.15
Trung Quốc đã theo đuổi
các hợp đồng “đầu tư chéo” với Ảrập Xêut 16, theo đó, Trung Quốc sẽ để cho các
công ty Ảrập đầu tư vào công nghệ lọc dầu tại Trung Quốc, trong khi các công ty
dầu lửa của Trung Quốc sẽ thực hiện các hoạt động khai thác dầu thô tại Ảrập. Cả
Riyadh và Bắc Kinh đều đạt được lợi ích của mình: Trung Quốc bảo đảm cho dầu
thô của Ảrập Xêut một thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng đang tăng trưởng; trong
khi Ảrập Xêut với vị thế là nước cung cấp dầu lớn nhất thế giới, lại là nguồn
cung quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng của Trung Quốc.
Nền tảng của hợp tác
Trung Quốc – Ảrập là một hiệp định được ký vào tháng 9/1999 khi Chủ tịch Trung
Quốc Giang Trạch Dân đến thăm Ảrập Xêut.
Theo hiệp định này, Trung Quốc cam kết mở cửa ngành công nghiệp lọc dầu của
mình cho Ảrập Xêut. Tuy nhiên đồng thời, hiệp định cũng quy định Ảrập Xêut sẽ mở
cửa thị trường nội địa cho các đầu tư của Trung Quốc, ngoại trừ trong lĩnh vực
thăm dò và khai thác dầu mỏ.17 Do thiếu hụt về tài chính, Trung Quốc rất hào hứng
với khoản tài chính của Arab Saudi trong những dự án đầu tư, điều này cho phép
các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc có thể xử lý một lượng lớn dầu thô của Arập.
Tuy nhiên, sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài vào ngành công nghiệp lọc
dầu của Trung Quốc chẳng dễ dàng gì, và hầu như rất ít dự án có thể diễn ra
suôn sẻ.18 Nhìn chung, chính không khí đầu tư kém thân thiện trong ngành lọc dầu
của Trung Quốc đã khiến ngăn cản sự xây dựng các nhà máy trên quy mô lớn để đáp
ứng nhu cầu đang tăng của chính quốc gia này.
Việc hợp tác giữa
Trung Quốc và Trung Đông cũng mang một ý nghĩa chính trị nhất định. Những nhà
phân tích chính sách đối ngoại Trung Quốc đã đưa ra hàng loạt bài viết về tầm
quan trọng của việc Trung Quốc cần thúc đẩy đưa ra một chiến lược ở khu vực
này.19 Một số học giả lập luận rằng chính ưu thế của phương Tây tại Trung Đông
có thể sẽ đe dọa đến nỗ lực tiếp cận với các nguồn cung cấp dầu của Trung Quốc.20
Vì thế, để hạn chế mối đe dọa này, Trung Quốc đã sử dụng vấn đề buôn bán vũ khí
quân sự như một cách để thiết lập mối quan hệ khăng khít hơn với các quốc gia
trong khu vực, đồng thời bù đắp cho khoản thâm hụt cán cân thanh toán do những
hóa đơn mua dầu lớn gây nên.21 Lượng dầu nhập khẩu từ Iran của Trung Quốc đã
tăng từ 20,000 thùng/ngày năm 1994 lên đến 60,000 thùng/ngày năm 2000. Cùng lúc
đó, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp ổn định các thiết bị quân sự cho Iran. Tổng
trị giá các tên lửa và thiết bị kỹ thuật tiên tiến Trung Quốc bán cho Iran là
900 triệu đô la Mỹ giai đoạn 1993-1996, và 400 triệu đô la Mỹ giai đoạn 1997 –
2000. Sự sụt giảm này là do áp lực căng thẳng từ phía Mỹ đối với vấn đề buôn
bán vũ khí cho Iran.22
Một phần trong chiến
lược Trung Đông của Trung Quốc là ủng hộ Iraq tại Liên Hiệp Quốc. Trong thập
niên 1990, Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ của Nga và Pháp trong việc kêu gọi
Liên Hiệp Quốc sớm dỡ bỏ các lệnh cấm vận đối với Iraq, cũng như phản đối nhiều
chiến dịch quân sự nhằm vào Baghdad.23 Quan hệ giữa Ảrập Xêut với Đài Loan cũng
xấu đi vào năm 1990, khi nước này thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.24 Cuối cùng,
Trung Quốc cũng có khả năng phải đương đầu với áp lực khi chấp nhận một mối
liên hệ giữa các nguồn cung cấp dầu ở Trung Đông với việc cung cấp các trợ giúp
quân sự. Bắc Kinh được coi là lựa chọn thay thế hàng đầu khi các quốc gia muốn
tìm kiếm kỹ thuật vũ khí đạn đạo mà Hoa Kỳ không sẵn sàng cung cấp. Vụ tấn công
khủng bố 11/9 đã làm suy giảm sự trợ giúp quân sự của Hoa Kỳ đối với Ảrập Xêut,
chính vì vậy nước này đang tìm đến Trung Quốc như một nguồn cung cấp khả thi nhằm
đa dạng hóa kho vũ khí của mình.25
Tuy nhiên nỗ lực xây
dựng quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh của Trung Quốc cũng gặp không ít rào cản.
Các lệnh cấm vận quốc tế tại Iraq đã ngăn không cho Trung Quốc phát triển hợp
tác ở đây, trong khi sự phức tạp về địa chất cùng những khó khăn về điều kiện
kinh tế đã ngăn cản các kế hoạch đầu tư vào Iran. Ngoài ra, Ảrập Xêut, nơi mà
việc tư nhân hóa các mỏ dầu bị coi là điều cấm kỵ, hiện chỉ dám xem các nguồn đầu
tư nước ngoài như một phần của những dự án khai thác nội địa. CNPC cho biết tập
đoàn này có rất ít lợi nhuận trong việc đầu tư kiểu này, bởi nó không thể nắm
giữ cổ phần trong nguồn cung cấp dầu để có thể mang về Trung Quốc. Các nguồn
tin của Trung Quốc cũng bày tỏ quan ngại về khả năng tìm kiếm và khai thác dầu
tại khu vực theo cách mà họ thực sự mong muốn.26
Các vấn đề kỹ thuật
cũng là một rào cản đối với các hợp tác năng lượng của Trung Quốc tại Trung
Đông. Các cơ sở lọc dầu cũ kỹ và lạc hậu của Trung Quốc chỉ được trang bị để xử
lý một lượng lớn các sản phẩm dầu thô dạng sáp chất lượng cao nội địa của Trung
Quốc, chứ không thể xử lý loại dầu nặng chất lượng thấp được nhập khẩu từ các
nước Iraq, Iran, Ảrập Xêut và Kuwait. Để Trung Quốc có thể thật sự có lợi trong
việc xử lý các nguồn dầu này, nước này cần đến hàng tỷ đô la đầu tư vào các cơ
sở lọc dầu của mình. Mức đầu tư theo kế hoạch của 5 năm tới cũng chỉ giúp Trung
Quốc xử lý không quá 1 triệu thùng dầu/ngày
đối với loại dầu chất lượng thấp các quốc gia Vùng Vịnh, mặc dù cũng có
khả năng Trung Quốc có thể sẽ nhập khẩu được các sản phẩm dầu thô chất lượng
cao hơn của Abu Dhabi, Yemen hay Oman.27
Cuối cùng, việc tăng
cường nhập khẩu dầu từ các quốc gia Vùng Vịnh có thể gây ra những tổn hại chiến
lược. Quân đội của Trung Quốc, mà đặc biệt là hải quân, mặc dù có ưu thế về số
lượng đông đảo, nhưng rất khó có khả năng kiểm soát các tuyến đường biển ở Đông
Á, và càng ít khả năng bảo vệ các tuyến đường đến khu vực dầu mỏ ở Vùng Vịnh.28
Do đó, trong tương lai trước mắt, có thể khẳng định rằng Trung Quốc sẽ phải dựa
vào quân đội Mỹ để bảo vệ các tuyến đường vận chuyển này, hạn chế đáng kể các lựa
chọn địa chiến lược cho Trung Quốc.
Nguồn: Jaffe, Amy
Myers and Lewis, Steven W. (2002) ‘Beijing’s oil diplomacy‘, Survival, 44:1,
pp. 115 – 134.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét