Vũ Hồng Trang
Nguồn: Isaac Stone
Fish, “Stop Calling Taiwan a ‘Renegade Province’,” Foreign Policy, 15/01/2016.
Ngân hàng Thế giới
(WB) đôi khi gọi Đài Loan là “quận Đài Loan”. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thường
chọn cách gọi “tỉnh Đài Loan thuộc Trung Quốc.” Ủy ban Olympic Quốc tế dùng cụm
từ “Đài Bắc Trung Hoa” (Chinese Taipei). Chính quyền Đài Bắc tự xưng là “Cộng
hòa Trung Hoa.” Washington chỉ gọi là “Đài Loan” với hy vọng không ai hỏi thêm
điều gì. Bắc Kinh kiên quyết gọi là “tỉnh Đài Loan,” có lẽ hy vọng rằng việc lặp
đi lặp lại cách gọi này sẽ nghiễm nhiên biến nó trở thành sự thật. Nhưng có một
cụm từ dường như chỉ tồn tại trên các báo và tạp chí tiếng Anh: “Tỉnh nổi loạn”
(renegade province). Nhiều bài báo về cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan diễn ra
vào ngày 16/01 – một cuộc bầu cử có thể có tác động lớn tới mối quan hệ giữa
hòn đảo tự trị với Trung Quốc và Hoa Kỳ – đã dựa vào cách gọi “tỉnh nổi loạn” để
mô tả quan điểm của Bắc Kinh đối với Đài Loan.
Đó là một sai lầm. Kể
từ khi Tướng Tưởng Giới Thạch chạy khỏi Trung Hoa đại lục vào năm 1949, tình trạng
của hòn đảo có diện tích cỡ trung bình này đã luôn là một câu hỏi mở. Nhưng gần
như chắc chắn rằng Đài Loan không phải là một “tỉnh nổi loạn.” Tuy nhiên, cách
gọi này vẫn mặc nhiên tồn tại. Vào đầu tháng 1, hãng thông tấn Reuters cho biết:
Bắc Kinh “chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo 23 triệu dân
này trở lại tầm kiểm soát của Bắc Kinh, nơi vốn luôn gọi Đài Loan là một tỉnh nổi
loạn”, trong khi tạp chí Wall Street Journal viết vào cuối tháng 12 năm 2015:
“Bắc Kinh coi hòn đảo như một tỉnh nổi loạn nhưng Washington theo luật pháp Mỹ
có nghĩa vụ giúp bảo vệ nó. Tờ The Washington Post, Hãng thông tấn Associated
Press, báo Los Angeles Times, tạp chí
Time, Bloomberg và nhiều hãng tin khác gần đây đều sử dụng thuật ngữ này.
Nhưng thuật ngữ này hầu
như không tồn tại ở Trung Quốc, cho dù là phiên bản tiếng Trung hay tiếng Anh.
Shen Dingli, Phó chủ nhiệm Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Phúc Đán nói với
tôi rằng”Chúng tôi chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ tiếng Anh”renegade province”.
Đây là một thuật ngữ do người phương Tây nghĩ ra.” Maochun Yu, một học giả
Trung Quốc tại Hoa Kỳ cũng đồng tình với quan điểm này. Ông cho hay: “Tôi chưa
bao giờ nghe bất cứ một quan chức nào ở đại lục nói Đài Loan là một tỉnh nổi loạn.”
Người Trung Quốc
không sử dụng thuật ngữ này với lý do đơn giản là họ không coi Đài Loan là tỉnh
nổi loạn. Họ coi đây một tỉnh giả vờ là đang độc lập – không khác gì nhân vật
chính trong truyện ngắn năm 1890 “Biến cố ở cầu Owl Creek” (An occurrence at
Owl Creek bridge) của tác giả Ambrose Bierce. Nhân vật này bị treo cổ và ảo tưởng
rằng ông sẽ được cứu, trong khi dây thòng lọng dần dần thắt chặt xung quanh cổ
ông.
Hầu hết các tài liệu
tham khảo của Trung Quốc về Đài Loan đều thẳng thắn coi đây là một tỉnh.
Truyền thông quốc gia
Trung Quốc thường cho thêm dấu ngoặc kép khi nhắc tới các ví dụ về Đài Loan thực
hiện quyền dân chủ, như thể có ý hạ thấp hòn đảo này. Một bài viết trên tờ China
News tháng 12 đưa tin về cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan chế nhạo:
Các tranh cãi về ‘cuộc bầu cử’ vẫn tiếp tục không ngừng. Một bài báo được đăng
trên cổng thông tin China.com ngày 05/01 cho hay: ‘Ứng viên tổng thống’ Đảng
Dân chủ Tiến bộ (DPP) Thái Anh Văn đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với cách
biệt 20%.
Trong khi đó, thay vì
dùng từ tổng thống, truyền thông nhà nước Trung Quốc dùng thuật ngữ lãnh đạo.
(Trong cuộc gặp gỡ tháng 11 giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống
Đài Loan Mã Anh Cửu, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của hai chính phủ hai bờ eo
biển Đài Loan gặp gỡ kể từ năm 1949, họ gọi nhau là “ông”). Và thay vì chính phủ,
phía Trung Quốc thường sử dụng thuật ngữ các nhà chức trách. Trên Baike, trang
web của Trung Quốc tương tự Wikipedia, có một trang với tiêu đề “Nhà chức trách
Đài Loan” được định nghĩa là” bộ phận hành chính hiện tại kiểm soát quận Đài
Loan thuộc Trung Quốc.” Khi tỏ ra lịch sự, đôi khi họ chỉ nhắc tới Đài Loan là
một hòn đảo.
Dĩ nhiên, người Đài
Loan không tự gọi hay coi bản thân họ là một tỉnh. “Làm thế nào chúng tôi lại bị
gọi là một tỉnh nổi loạn?” Lyushun Shen, người đứng đầu Văn phòng đại diện Kinh
tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hoa Kỳ, đặt cho tôi câu hỏi tu từ này. Shen thừa nhận
đúng là Trung Quốc lớn hơn nhiều: “diện tích lớn gấp 266 lần, dân số lớn hơn 58
lần Đài Loan, nhưng xét trên tư cách là một thị trường cho hàng hóa Mỹ, thì chỉ
lớn hơn 4,5 lần.” Với tư cách là một Đại sứ Đài Loan trên thực tế tại Hoa Kỳ,
Shen nói với tôi: “Các bạn gọi chúng tôi là một tỉnh nổi loạn bé tí, nhỏ xíu,
xinh xắn, xa xôi ? Chúng tôi quá lớn để bị phớt lờ.” Vậy người Đài Loan tự nhận
mình là gì? “Một nhà nước có chủ quyền,” ông phát biểu một cách tự hào.
Những ai ủng hộ quyền
tự quyết của Đài Loan đều không thích cụm từ này. Perry Link, một học giả Trung
Quốc và nhà ủng hộ nhân quyền lâu năm cho biết. “Nổi loạn (renegade) ám chỉ Đài
Loan vốn dĩ hoàn toàn là một phần của Trung Quốc nhưng rồi quyết định nổi dậy
và ly khai”. Chính phủ Trung Quốc đại lục “sáp nhập hoàn toàn Đài Loan năm 1887
và cai trị đến năm 1895, khi Nhật tiếp quản; sau đó lại cai trị Đài Loan từ
1945 đến 1949” – những năm từ sau khi kết thúc Chiến tranh Trung – Nhật lần 2
cho đến khi Quốc Dân Đảng thất bại trước lực lượng Cộng Sản. Link cho biết
thêm: “Tôi cho rằng hầu hết người phương Tây đều nghĩ Đài Loan là một bộ phận
lâu đời của Trung Quốc nhưng thực chất nó chỉ hoàn toàn bị đại lục cai trị
trong khoảng chục năm.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét