VietTuSaiGon
Từ thị trường lộc đầu năm béo bở
Chỉ riêng chuyện đánh nhau và tai nạn, con số đã lên đến vài
vạn, môt con số kinh đầu Bác! (nói theo cách của người miền Bắc), miền Nam gọi
là con số kinh đầu gà! Đó là chuyện tai nạn, đánh nhau, chặt chém, chuyện mà
nhà nước xem là vô văn hóa, là nằm ngoài khả năng quản lý của họ, họ đang cố gắng
khắc phục và chấn chỉnh. Còn chuyện lễ hội, chuyện tranh ấn, cướp lộc, chà đạp
lên nhau thì sao?
Phải nói rõ rằng đây là những lễ hội do nhà nước tổ chức. Nếu
không có nhà nước đứng ra tổ chức thì không có đền miếu, ông từ hay ông thầy
nào dám đứng ra tổ chức một lễ hội to lớn như vậy. Và cũng không phải ngẫu
nhiên hay vô tư mà các đài truyền hình nhà nước đưa tin, loan tải những hình ảnh
tranh ấn, cướp lộc. Nói cách khác, đây là một kiểu PR cho lễ hội mà nhìn bề
ngoài khó thấy được. Mọi năm, lễ hội chỉ có những người nông dân xứ Bắc tranh lộc,
giành giật nhau một cách vui vẻ, không đến mức đổ máu, ngất xỉu như hai năm trở
lại đây. Vì sao?
Vì cách đây năm năm, các đài truyền hình đã đưa hình ảnh
tranh giành, cướp lộc một cách hồ hởi, vui vẻ của người nông dân miền Bắc. Và
điều này gây tò mò cho những nhà giàu miền Nam. Đương nhiên những người giàu họ
không có thời gian, sự liều lĩnh cũng như sức khỏe để xông vào cướp lộc mà họ
chỉ mua lại lộc của người đã cướp được. Ví dụ như lộc hoa tre ở Đền Gióng chẳng
hạn, giá sẽ dao động từ vài trăm triệu đồng đến một tỉ đồng. Tương đương với
vài chục ngàn đến năm chục ngàn đô la Mỹ. Một con số có thể kích thích cho các
băng nhóm, các tổ chức xã hội đen vào cuộc để giành lấy.
Trước lễ phát lộc một ngày, giới nhà giàu cả Bắc lẫn Nam có
một cuộc đấu giá bên ngoài đền, họ làm rất có tổ chức, ngồi đấu giá hẳn hoi, có
giá sàn, giá trần. Giá sàn lộc hoa tre của lễ hội đền Gióng năm nay là một trăm
triệu đồng, và mức đấu cuối cùng là bốn trăm bảy chục triệu đồng, sau năm lần bảy
lượt mua qua bán lại, giá cuối là một tỉ một trăm triệu đồng, rơi vào một tay
nhà giàu người Bình Dương.
Thường những tay nhà giàu rất tin vào lộc và phép ở các lễ hội
miền Bắc. Kể cả giới nghệ sĩ, ví dụ như Hoài Linh và Xuân Hinh, hai nghệ sĩ này
thường đến các các đền ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai… để hầu đồng và hát chầu
văn.
Riêng Hoài Linh có cả một CD anh ngồi đồng và cậu nhập vào
anhh để hát múa, cho lộc, CD này bán khá nhiều ở các thành phố Hải Phòng, Hà Nội.
Nhưng trong giới đi đền miếu phía Bắc kháo nhau rằng Hoài Linh ngồi đồng xấu
hơn Xuân Hinh và cho lộc cũng không linh nghiệm bằng Xuân Hinh ngồi đồng. Nhưng
đó chỉ là những chuyện ngoài lề, vấn đề vẫn là cướp lộc.
Một khi lộc ở đền miếu được biến thành một sản phẩm có giá hời,
trong đó có cả những quan chức đứng sau những “đại gia” mua lộc thì câu chuyện
sẽ còn đi xa nữa. Bởi tay mua lộc hoa tre người Bình Dương mua lộc một tỉ một
trăm triệu đồng không phải để mang về nhà mà để mang đến biếu cho một anh cả
đang công tác trong trung ương đảng. Đương nhiên không có cách đầu tư và lót
tay nào chắc và khôn hơn cách lót tay này. Vài chục tỉ lót tay cho anh cả cũng
chỉ là cái phong bì. Nhưng một tỉ mốt trầy vi tróc vảy để có được lộc hoa tre
mang về cho anh cả thì còn gì hơn!
Và cũng theo thông tin của giới giang hồ phía Bắc, hai năm
nay họ tổ chức được những đội chuyên đi tranh lộc, cướp lộc để bán. Những nông
dân không bao giờ vào tranh được lộc và nếu có tranh được chăng nữa cũng sẽ bị
cướp trên đường về. Lộc chỉ rơi vào tay các quan và giới quyền lực, có nhiều tiền,
lộc ở các đền miếu không bao giờ rơi vào tay dân nghèo. Điều này giống như một
chân lý thời bây giờ.
Và chuyện tranh cướp lộc, giẫm đạp lên nhau, chém giết nhau
vì cướp lộc chỉ dừng lại, chỉ chấm dứt khi nó không còn giá tiền tỉ. Hay nói
cách khác, chuyện tranh lộc, cướp ấn sẽ không còn lộn xộn như hiện tại nếu các
quan biết từ chối món quà cầu may đầu năm của đàn em tặng. Thị trường lộc cầu
may ở các đền miếu trở nên lộn xộn và phức tạp bởi vì các quan quá tin vào lộc
và đàn em sẵn sàng bỏ ra hàng núi tiền để mua lộc tặng cho các quan. Một khi
các quan cùng với đàn em trọc phú biến các lễ hội thành thị trường mua bán lộc
đầu năm thì chuyện người ta giết nhau vì lộc vẫn có thể xảy ra.
Đài truyền hình nhà nước, trong thời điểm này đưa tin về
chuyện cướp lộc và thả sức chê trách người dân vô ý thức là một chuyện hoàn
toàn sai phạm với nhân dân. Bởi không có người dân nào sai trong chuyện cướp lộc,
không những thế, người dân đi lễ với tâm thành kính bị ảnh hưởng không nhỏ do
giẫm đạp cướp lộc. Nếu các đài trong nước còn một chút tự trọng thì phải tìm hiểu,
điều tra tận gốc rễ vấn đề. Mà vấn đề dễ tìm nhất là thử điều tra các ấn, lộc,
hoa tre, tú cầu may… trong ba năm nay đang nằm trên bàn thờ gia đình nào. Kết
quả điều tra này sẽ nói lên tất cả!
Đến cúng nhương sao và ngày thơ Việt Nam
Nếu như chuyện mua bán lộc đầu năm béo bở chừng nào thì chuyện
nhương sao và ngày thơ Việt Nam cũng béo bở không kém phần. Bởi theo qui luật,
người ta gây bao nhiêu tội thì sợ bấy nhiêu, tham nhũng, hối lộ, đút lót càng
nhiều thì lễ nhương sao, cầu an càng đắt đỏ bấy nhiêu. Khi cả một xã hội nháo
nhào lên vì lòng tham thì cái xã hội đó cũng cuống cuồng lo sợ tội lỗi. Chính
vì vậy những ngày tháng Giêng là ngày hốt bạc ở các chùa chiền, đền miếu nhờ
vào lễ nhương sao, cầu siêu…
Nhưng còn ngày thơ Việt Nam thì liên quan gì đến lộc? Có đó,
đây là ngày mà những ban bệ tổ chức (gồm các nhà văn, nhà thơ quốc doanh) hốt bạc.
Họ hốt ở cả hai phía, từ tiền tổ chức đến thành phần tham gia, tham dự. Về phía
tiền tổ chức, một đêm thơ nguyên tiêu cấp huyện tốn ít nhất ba trăm triệu đồng,
cao nhất chừng một tỉ đồng. Tiền chuẩn của nhà nước rót là ba trăm triệu, tiền
mạnh thường quân cho thêm thì không biết được. Ban tổ chức thả sức chi tiêu và
ghi hóa đơn.
Về phía người tham gia, hầu hết những đêm nguyên tiêu đều là
đêm thăng hoa của các nhà thơ hưu trí. Họ làm thơ Đường, thơ lục bát, vè lục
bát và kính thưa các loại ò e í e vần vèo. Nếu xét về mặt nghệ thuật thì không
có gì nhưng họ lại được lăng xê hết mức như những nghệ sĩ lớn trong đêm nguyên
tiêu. Và, phía ban tổ chức đã có sẵn những tham luận về thơ của mấy vị hưu trí.
Họ viết phê bình, tham luận, bình luận để đọc trước khi vị nhà thơ hưu trí lên
đọc thơ.
Và để được như vậy, các nhà thơ hưu trí đã có một cuộc chạy
đua ngấm ngầm trước đó, từ tháng Chạp, họ đã quà cáp, biếu xén, lót tay ban tổ
chức. Thậm chí có những vị hưu trí mạnh tiền sẵn sàng bỏ ra vài trăm triệu đồng
để ban tổ chức mạnh tay làm riêng cho mình một đêm thơ nguyên tiêu.
Xét trên khía cạnh này, ngày nhà thơ cũng là một ngày cầu lộc,
cầu siêu. Nếu như việc đọc thơ của các nhà thơ hưu trí là một cái lộc cho ban tổ
chức thì đêm thơ nguyên tiêu lại là nơi cầu siêu, làm cho những bài thơ hưu trí
được siêu thoát sau một năm mắc kẹt trong giấy bút của các vị. Và không chừng,
tuy nghỉ hưu nhưng các vị vẫn còn đàn em, chân rết trong hệ thống nhà nước rất
mạnh. Như vậy, nịnh những nhà thơ hưu trí cũng là cách để nhanh chân bước lên
ghế cao của ban tổ chức nếu các nhà thơ hưu trí thấy đẹp lòng, chịu cúi xuống để
gởi gắm, nhờ đàn em giúp đỡ cho “đứa cháu văn nghệ” đang công tác tại chỗ cơ
quan A, B, C… nào đó!
Có thể nói rằng câu chuyện đầu năm ở Việt Nam là một câu
chuyện hết sức lộn xộn và chợ búa. Mà sở dĩ nó trở nên lộn xộn và chợ búa như vậy
là do hệ thống lãnh đạo đã không những tìm cách làm cho nó giảm đi mà còn nhúng
tay vào để khuấy cho nó đục thêm. Nó đục đến cỡ nào thì phải hỏi chính các ông
lãnh đạo. Và các ông lãnh đạo, các đài truyền hình nhà nước cũng nên thôi huênh
hoang chê dân vô văn hóa. Chính các ông và hệ thống tuyên truyền, truyền thông
của ông mới là những kẻ vô văn hóa đúng nghĩa!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét