Thứ Tư, 8 tháng 1, 2020

173 - Chính trường VN 2020: Sóng to ngay đầu tháng Giêng

BTV Tiếng Dân
Phe “đốt lò” xướng tên Lê Thanh Hải và Hoàng Trung Hải
Hơn hai năm sau khi phe Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng khởi động chiến dịch “đốt lò” ở miền Nam, bắt đầu từ sai phạm Thủ Thiêm, hôm nay họ đã xướng tên được một trong những “con hổ đầu đàn” nguy hiểm nhất: “Lãnh chúa thành Hồ” Lê Thanh Hải. Chiều 8/1/2020, các báo “lề đảng” đồng loạt dẫn thông báo từ Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Theo đó, từ ngày 3 đến 8/1, cơ quan này đã tiến hành kỳ họp 42 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Trần Cẩm Tú.
Thường mỗi kỳ họp của UBKTTƯ có thể quyết định đến 5, 6 nội dung lớn, riêng kỳ họp này chỉ làm việc về 2 nội dung chính, nhưng đủ để khuynh đảo nội bộ đảng. Nội dung quan trọng nhất của kỳ họp có thể định hình chính trường VN trong năm 2020: UBKTTƯ đã xem xét kết quả kiểm tra đối với Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM và xem xét kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và nguyên Bí thư Lê Thanh Hải, VOV đưa tin. 
UBKTTƯ kết luận, Ban Thường vụ Thành ủy và ban cán sự đảng UBND thành Hồ đã “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn ngân sách và tài sản Nhà nước.
Ông Lê Thanh Hải, cựu Bí thư thành Hồ phải chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy. Ngoài ra, còn có hai ông cựu Phó Bí thư là Lê Hoàng Quân và Nguyễn Văn Đua, ông Vũ Hùng Việt, cựu Phó Chủ tịch UBND TP, cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy và UBND TP này.
Nội dung thứ hai cũng có sức tác động rất lớn đến chính trường VN: UBKTTƯ đã xem xét sai phạm ở Tổng Công ty Thép VN và dự án gang thép Thái Nguyên, đồng thời đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải, theo báo Thanh Niên. UBKTTƯ còn đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TƯ kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng Công ty Thép VN các nhiệm kỳ 2005-2010 và 2010-2015.
Riêng dàn lãnh đạo của Tổng Công ty Thép VN, UBKTTƯ quyết định khai trừ Đảng đối với 5 cựu lãnh đạo của công ty này, gồm Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT; Đậu Văn Hùng, cựu TGĐ; Trần Văn Khâm, cựu Chủ tịch HĐQT; Trần Trọng Mừng, cựu TGĐ; Ngô Sỹ Hán, cựu Phó TGĐ. 
Nhà báo Hoàng Hải Vân viết: Lửa lò đang đến hồi lô hỏa thuần thanh. Ông Vân bình luận: “Lửa trong lò đang đến hồi lô hỏa thuần thanh. Nhưng bọn ăn tàn phá hại có quá nhiều, trong khi chỉ còn hơn 1 năm nữa thì bước vào nhiệm kỳ mới, không biết bọn chúng có được đưa vào lò đốt cho hết hay không. Dù sao thì ngọn lửa lô hỏa thuần thanh này cũng là sự cảnh báo đanh thép: Không phải chiếm được quyền lực thì muốn ăn cướp là ăn cướp được!”
Nhận định về kết quả kỳ họp 42 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương:
Chủ trương quy hoạch Thủ Thiêm bắt đầu từ năm 1992, đến ngày 4/6/1996, Thủ tướng lúc đó là Võ Văn Kiệt đã ký Quyết định số 367 phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến ngày 27/12/2005, Phó Chủ tịch UBND thành Hồ khi đó là Nguyễn Văn Đua đã ký Quyết định 6565, thay thế Quyết định 367 của Thủ tướng, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.
Các quyết định này đã khiến hàng ngàn dân Thủ Thiêm bị cướp nhà, cướp đất. Trong số các dân oan Thủ Thiêm có không ít người ngày xưa đã từng nuôi giấu lực lượng CS hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Tiếng oan ngút trời, người dân Thủ Thiêm đã kêu oan suốt gần 20 năm ròng rã, nhưng tất cả rơi vào im lặng.
Sai phạm đất đai lớn nhất ở miền Nam đã chìm trong bóng tối gần 20 năm. Một số người cho rằng, nếu không phải vì nhu cầu thanh trừng phe phái ở miền Nam đang có dấu hiệu “kiêu binh”, nhiều khả năng vụ sai phạm này sẽ còn bị che giấu cho đến tận ngày chế độ CS kết thúc ở VN.
Không phải đến cuối năm 2017, đầu năm 2018, khi phe “đốt lò” bắt đầu cho phép các báo “lề đảng” khơi dậy sai phạm Thủ Thiêm, để dân oan khu vực này mới có dịp lên tiếng. Dân oan Thủ Thiêm đã phản đối từ lúc bị cưỡng chế nhà, đất, nhưng đã bị đàn áp rất khốc liệt, có người bị tan nhà nát cửa, có người bị mất mạng. Chỉ đến khi phe “đốt lò” lật lại vụ sai phạm này thì dân oan Thủ Thiêm mới có thể duy trì phong trào đấu tranh kéo dài từ đầu năm 2018 tới nay. 
Mặc dù Bí thư Thành ủy đương nhiệm là Nguyễn Thiện Nhân nhưng một số nhà quan sát chính trị cho rằng thực quyền kiểm soát trung tâm kinh tế của VN chưa bao giờ rời khỏi tay “lãnh chúa” Lê Thanh Hải, tức Hai Nhựt. Không chỉ thế, “vòi bạch tuộc” của Hai Nhựt còn vươn tới cả Trung ương.
Bằng chứng là, trong khi bao nhiêu quan chức đã vào “lò” ngay khi bị UBKTTƯ xướng tên, nhưng riêng Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy và là “đệ ruột” của Hai Nhựt bị kết luận sai phạm rất nghiêm trọng từ giữa tháng 11/2018 nhưng đến nay vẫn còn là Thành ủy viên thành Hồ, trong khi các cựu Bộ trưởng Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn đều đã ăn cơm tù. 
Lê Thanh Hải sinh năm 1950 ở huyện Châu Thành, Tiền Giang, đến năm 16 tuổi đã tham gia đội vũ trang tuyên truyền khu vực Sài Gòn – Gia Định, đến năm 19 tuổi đã vào đảng CSVN và từ đó con đường quan lộ chỉ có lên chứ không có xuống. 
Gia đình bên vợ Hải nằm trong lực lượng biệt động Sài Gòn, lực lượng có vai trò rất quan trọng đã cung cấp tin tình báo và các cơ sở hoạt động để quân đội CS Bắc Việt tiến vào “giải phóng miền Nam”. Lê Thanh Hải là “phò mã” của “má Sáu Hòa” Nguyễn Thị Tư và là em rể của Trương Mỹ Lệ (bí danh Tư Liêm, cựu biệt động thành Sài Gòn), Trương Mỹ Hoa (cựu Phó Chủ tịch nước) cùng anh vợ là Trương Minh Nhựt (cựu bí thư quận 4, Vụ Trưởng Ban tuyên giáo TW phụ trách phía Nam)…
Không những thế, Quân khu 7 với Hải như môi hở răng lạnh, đây là lực lượng ngày xưa thuộc một trong các nhánh quân chủ lực trong cuộc chiến với Khmer Đỏ ở biên giới Tây Nam. Tất cả những lý do này khiến Hải gần như bất khả xâm phạm, không phải thuộc dạng “củi” muốn đốt là đốt. 
Trường hợp Hoàng Trung Hải không phải là người có gốc gác mạnh như Lê Thanh Hải, dù đến năm 1990, Hoàng Trung Hải mới vào đảng nhưng cũng chắc chắn không phải dạng thân yếu thế cô. Có thông tin chưa được kiểm chứng cho rằng, cái ghế Bí thư Thành ủy Hà Nội của Hoàng Trung Hải là một trong những lý do đưa ra thương lượng để “đồng chí X” chấp nhận về làm “người tử tế”, chấp nhận xuống thang trong mâu thuẫn nội bộ rất kinh khủng hồi đầu năm 2016.
Sai phạm ở dự án Gang thép Thái Nguyên không chỉ liên quan đến Hoàng Trung Hải, mà còn có cả dấu tay của Ba X, rồi liên đới cả Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc, doanh nghiệp quốc doanh quan trọng của “bạn vàng” các lãnh đạo chế độ CSVN. 
Tóm lại, rõ ràng là trong năm 2019, chiến dịch “đốt lò” đạt được một số bước tiến, xử được vụ trọng án kinh tế – chính trị quy mô lớn là Mobifone mua AVG, nhưng tác động đến chính trường VN của vụ này vẫn chưa là gì so với vụ sai phạm Thủ Thiêm và dự án Gang thép Thái Nguyên.
Mobifone mua AVG đơn giản chỉ là nội bộ phe X tranh thủ “hốt cú chót”, còn dự án Gang thép Thái Nguyên là có sự thao túng của Trung Cộng, trong khi sai phạm Thủ Thiêm thì liên đới bao nhiêu nhóm lợi ích ở miền Nam. Lê Thanh Hải và Hoàng Trung Hải đều có thế lực mạnh chống lưng chứ không phải hạng tay sai hết thời rồi bị bỏ rơi như Thăng, Son, Tuấn.
Nhưng diễn biến này cho thấy phe Tổng – Chủ cũng hiểu được tình thế của họ chứ không phải ngủ say trên “chiến thắng”. Chiến dịch “đốt lò” kéo dài hơn 2 năm, nhưng đến thời điểm này mới chỉ có mấy “khúc củi” như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài… vào “lò”.
Những người này, chức vị trên giấy tờ thì to nhưng thực quyền của họ không như Ba X hay Hai Nhựt, đều là những “con hùm” có quyền lực cực mạnh nhờ kết nối với quân đội. Hiện còn khoảng một năm nữa là kết thúc Đại hội 13, nếu phe Tổng – Chủ không nhanh tay thì sang năm 2021, có thể thế cờ lật ngược, chưa biết ai thất thế và trở thành “củi”.
Vấn đề là phe Tổng – Chủ sẽ xử lý Hải miền Bắc với Hải miền Nam như thế nào. Nếu chỉ là khiển trách hoặc cảnh cáo cho có thì quá uổng công các chiến dịch tuyên truyền xoáy vào sai phạm Thủ Thiêm và Gang thép Thái Nguyên, dẫn đến dân Thủ Thiêm nói riêng và dân cả nước nói chung không phục. Nhưng nếu quá mạnh tay thì đó sẽ là những đòn thanh trừng nhắm vào các huyệt hiểm yếu của xương sống chế độ CSVN.
Chiêu bài “dân túy” của Tổng – Chủ Trọng đã dẫn ông vào thế cưỡi cọp, để rồi có muốn xuống cũng không phải dễ. Từ bây giờ đến hết năm 2020, mọi quyết định của phe “đốt lò” đều không dễ dàng, tất cả phải cân nhắc từng nước cờ và những màn kịch càng ngày càng gay cấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét