Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2020

256 - Đồng Tâm và Ô Khảm, hai quốc gia của một chế độ

Jackhammer Nguyễn
Đồng Tâm là một làng quê nông nghiệp ngoại thành Hà Nội, Việt Nam. Ô Khảm là một làng đánh cá ngoại thành Quảng Châu, Trung Quốc. Ngày 9/1/2020, công an Việt Nam ập vào làng Đồng Tâm, đàn áp bắt đi ba mươi người, giết chết một người, chấm dứt sự tồn tại của Tổ đồng thuận chống tham nhũng Đồng Tâm.
Ngày 13/9/2016, công an Trung Quốc tràn vào làng Ô Khảm, bắt bớ đánh đập, chấm dứt sự tồn tại trong gần năm năm một chính quyền được dân bầu lên.
Cả hai vụ nổi dậy và bị đàn áp tại Đồng Tâm và Ô Khảm giống nhau ở bản chất, đều bắt đầu bằng những vụ cưỡng đoạt đất đai, dựa trên nguyên tắc cộng sản, “đất đai là sở hữu toàn dân”.
Ô Khảm
Vào năm 2011, hàng ngàn người dân làng Ô Khảm biểu tình tố cáo các cán bộ xã, huyện, đã lấy đất của họ bán cho các doanh nghiệp để kiếm lời. Các cán bộ sau đó bị cách chức, và Bắc Kinh đồng ý cho dân chúng Ô Khảm bầu cử trực tiếp những chức vụ trong xã. Ông Lâm Tổ Loan, một đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc trở thành người đứng đầu Ô Khảm vào năm 2012.
Từ 2012 đến 2016, ông Lâm tiếp tục đại diện cho dân làng đòi đất đai. Tháng 9/2016 ông bị bắt với tội nhận hối lộ và bị xử tù ba năm. Dân Ô Khảm nói ông không có tội gì. Một cuộc biểu tình bùng nổ và bị đàn áp mạnh, có người phải bỏ trốn ra nước ngoài.
Đồng Tâm
Năm 2014, dân làng Đồng Tâm bắt đầu phản đối việc trưng thu đất đai, giao cho công ty Viettel kinh doanh. Đỉnh điểm của sự xung đột là vụ dân làng bắt hàng chục công an làm con tin vào tháng 4/2017. Hà Nội phải thương lượng việc trao trả con tin, hứa không truy tố dân làng. Sau đó các cán bộ xã, huyện bị cách chức vì “những sai phạm trong quản lý đất đai”.
Một Tổ đồng thuận chống tham nhũng được thành lập do ông Lê Đình Kình, một đảng viên cộng sản “lão thành” đứng đầu, tiếp tục đòi đất. Trong cuộc đàn áp ngày 9/1/2020, ông Lê Đình Kình bị giết chết.



Ảnh trên: Người dân Đồng Tâm (VN) mang cờ, biểu ngữ phản đối quan tham cướp đất năm 2017. Ảnh dưới: Dân Ô Khảm (TQ) với cờ xí rợp trời, phản đối quan tham và ủng hộ ông Lâm Tổ Loan. Photo Courtesy

Hai quốc gia, một chế độ
So sánh Ô Khảm và Đồng Tâm, chúng ta thấy có một diễn biến, dù tên gọi có khác nhau nhưng bản chất rất giống nhau. Đó là quyền lực của chính quyền trung ương bị mất ở cấp làng xã. Chính quyền Quảng Đông mất quyền kiểm soát đối với chính quyền do dân bầu lên ở Ô Khảm. Chính quyền Hà Nội không thể kiểm soát được Tổ đồng thuận của ông Lê Đình Kình, mà rất nhiều người dân nghe theo Tổ đồng thuận này. Trên thực tế Tổ đồng thuận chống tham nhũng đã trở thành một chính quyền De Facto.
Việc này không thể chấp nhận được đối với thể chế cộng sản.
Kết quả đàn áp, có thể có những nguyên nhân, âm mưu cấp địa phương khác nhau, nhưng là điều không thể tránh khỏi cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam.
Một điều rất giống nhau nữa là sự phản kháng của dân làng Ô Khảm và dân làng Đồng Tâm đều nhân danh Đảng Cộng sản. Chúng ta thấy cờ đỏ treo đầy tại Đồng Tâm trong những cuộc biểu tình, đằng sau những chiến lũy phòng thủ. Tại Ô Khảm những cuộc biểu tình cũng rợp cờ đỏ với lời tung hô Đảng Cộng sản Trung Quốc muôn năm. Cả hai ông Lâm Tổ Loan và Lê Đình Kình đều là những… đảng viên trung kiên.
Hơn bất cứ cuộc cách mạng nào, cuộc cách mạng cộng sản ăn thịt nhiều nhất những đứa con của nó.
Cả trong hai sự việc, chúng ta đều thấy sự không khoan nhượng của thể chế với những người dân, những đảng viên của chính đảng cộng sản, cả gan bất bình với thể chế, cả gan thoát khỏi sự kiểm soát của nó, và trên hết, lại tạo ra những tổ chức mà đảng cộng sản không kiểm soát được.
Việt Nam nhỏ hơn Trung Quốc nhiều lần, Đồng Tầm nhỏ hơn Ô Khảm nhiều lần, nhưng sự tàn ác và khốc liệt không hề nhỏ hơn. Ô Khảm chỉ có tù nhân, còn Đồng Tâm có cả xác chết. Sự tàn bạo còn thể hiện ở chỗ là mặc cho sự bất bình của dân chúng, sự tàn khốc của biến cố, những người cộng sản Việt Nam ngay lập tức vinh danh những viên công an mất mạng trong cuộc đàn áp, một cái tát dằn mặt bất cứ người Việt Nam nào cả gan chống Đảng Cộng sản.
Khi ông Nguyễn Đức Chung vào Đồng Tâm hứa hẹn, nhiều người dân đã tin tưởng. Khi Bắc Kinh cho phép Ô Khảm bầu cử tự do, nhiều người Trung Quốc tin rằng sẽ có thay đổi. Nhưng ngay khi vụ Ô Khảm bùng nổ năm 2011, một giáo sư Mỹ tại Wisconsin có nói, sẽ không có thay đổi gì cả, khi đất đai vẫn là sở hữu toàn dân.
Nhưng nếu đất đai không là sở hữu toàn dân nữa, thì liệu thể chế cộng sản và bản thân đảng cộng sản có còn không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét