Thứ Ba, 14 tháng 1, 2020

288 - Nên trao gì cho ông Tô Lâm?



Theo đề nghị của ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị kiêm Bộ trưởng Công an Việt Nam), ông Nguyễn Phú Trọng (Tổng Bí thư đảng CSVN kiêm Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã quyết định tặng Huân chương Chiến công Hạng Nhất cho: Thượng tá Nguyễn Đức Thịnh (Trung đoàn phó Trung đoàn 22 Cảnh sát cơ động - CSCĐ), Thiếu úy Dương Đức Hoàng Quân (Tiều đoàn 1, Trung đoàn 22 CSCĐ 22), Trung uý Phạm Công Huy (Đội PCCC Khu vực 3, Công an Hà Nội). Ông Nguyễn Xuân Phúc (Thủ tướng) đã phê duyệt đề nghị “công nhân ‘liệt sĩ’ và phong quân hàm trước thời hạn cho cả ba” do đã xả thân hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự”.
Lẽ nào ông Tô Lâm – nhân vật đứng phía sau và là người chỉ huy cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rạng sáng 9 tháng 1 – không có gì cả?
Tuy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hết sức dè dặt, kiệm lời khi đề cập đến cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm nhưng đến nay, qua hàng loạt thông tin, hình ảnh về cuộc tấn công này trên mạng xã hội, có thể thấy, cả ý đồ chiến lược, chiến thuật, lẫn việc soạn thảo kế hoạch tác chiến và khả năng tác chiến của các đơn vị tham gia cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm cùng bộc lộ hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Dẫu hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam chưa bao giờ công bố đã chi bao nhiêu tiền cho Bộ Công an mua sắm cả trang bị cá nhân lẫn đủ loại phương tiện hỗ trợ công an nhân dân “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” nhưng các cuộc diễn tập rầm rộ, được tổ chức liên tục trong vài năm gần đây cho thấy, con số này phải tới hàng trăm triệu Mỹ kim.
Xét về mức độ hiện đại, trang bị cá nhân lẫn các loại phương tiện hỗ trợ công an nhân dân “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” vượt xa trang bị cá nhân lẫn các loại phương tiện nhằm hỗ trợ quân đội bảo vệ tổ quốc, chống ngoại xâm. Cứ đặt hình ảnh các cuộc diễn tập “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” của công an bên cạnh các cuộc diễn tập “phòng thủ” của quân đội ắt sẽ thấy tường tận diện mạo của nghịch lý này!
Bất kể “đối tượng” của các đơn vị tham gia cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm chỉ là thường dân. “Tang vật” mà công an nhân dân vừa bày ra theo kiểu trưng bày “chiến lợi phẩm chỉ có thể xem là… vũ khí thô sơ, chưa kể có sự chênh lệch đáng kể về quân số giữa “ta” và “địch” nhưng ông Tô Lâm và thuộc cấp vẫn không thể giấu sự thật: Thiệt hại nhân mạng của “ta” gấp ba lần… “địch”!
Khoan bàn đến tính chính đáng trong việc xác định “ta” và “địch”, chỉ xem xét cuộc tấn công ở các góc độ thuần túy về chiến lược, soạn kế hoạch chiến thuật, khả năng tác chiến trong tương quan giữa hai bên về trang bị, thiết bị, quân số khiển dụng, rõ ràng từ khả năng lãnh đạo, chỉ huy đến thực thi hoạt động “chống khủng bố, bạo loạn, lật đổ” đều là ẩn họa cho trật tự, trị an.
Công khố cần chi thêm bao nhiêu triệu Mỹ kim để ông Tô Lâm và thuộc cấp mua sắm thêm trang – thiết bị, tổ chức thêm các cuộc diễn tập nữa, nhằm giúp những đơn vị vẫn được quảng bá là “đặc biệt tinh nhuệ” không mất thêm “cán bộ, chiến sĩ” nào do rớt xuống khoảng trống giữa hai căn nhà khi tiếp cận “mục tiêu” vào ban đêm? Ba “cán bộ, chiến sĩ” đã hy sinh vì cùng té từ trên cao xuống đất hay có người bị đồng đội giết nhầm?
Về nguyên tắc, sau mỗi cuộc tấn công, đặc biệt là những cuộc tấn công có thiệt hại nhân mạng, bất kể để tiêu diệt ngoại xâm hay những phần tử “khủng bố, bạo loạn, lật đổ”, người ta đều tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội. Song cuộc tấn công vào xã Đồng Tâm không hề có bước mang tính đương nhiên này! Chẳng lẽ ba “Huân chương Chiến công Hạng Nhất” đủ để bỏ bước này?
Có lẽ không quá lời khi cho rằng, vì thiếu bước có tính đương nhiên ấy, Bộ Công an mới chủ động nhường việc cung cấp thông tin cho một số nhóm, một số cá nhân loan báo về những “hầm chông bẫy người thi hành công vụ”, chuyện “kẻ xấu tưới xăng thiêu sống người thi hành công vụ”, hay “đối tượng Lê Đình Kình bị bắn chết mà vẫn còn nắm chặt lựu đạn trong tay”… Những nhóm, những cá nhân này vừa tung tin giả, kích động thù hận, vừa dùng những lời lẽ hạ cấp nhất để rủa những người chia sẻ thông tin, bày tỏ ý kiến về cuộc tấn công Đồng Tâm, chia nhau báo cáo để vô hiệu hóa các trang facebook, các tài khoản You Tube,… có thể khiến công chúng nhận ra và thắc mắc (?).
Bởi ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an lờ đi việc tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội khi tổ chức – thực hiện tấn công, thành ra cần phải hỏi thêm: “Ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trước hay sau khi “đối tượng” Lê Đình Kình bị “tiêu diệt”? Việc “tiêu diệt” ông cụ 84 tuổi đó có nhằm giải trừ trách nhiệm về tổ chức – thực hiện tấn công vào lúc rạng sáng – khiến “ba cán bộ, chiến sĩ hy sinh” trước đó hay không?
Nếu tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xác định đúng – sai, công – tội rõ ràng, sòng phẳng như thiên hạ, công chúng ắt phải được biết, kẻ hoặc những kẻ nào đã nổ súng vào “đối tượng” mà chẳng mấy người tin có thể đe dọa tính mạng của bất kỳ cá nhân “thi hành công vụ nào”, rồi tại sao nổ súng và theo các qui phạm pháp luật, có thể xem việc nổ súng là tương xứng, hợp pháp hay không?
Mạng thường dân đã rẻ, mạng “lão thành cách mạng” như cụ Kình vì khăng khăng thắc mắc, khiếu nại mà cũng trở thành rẻ nhưng chẳng lẽ mạng của “ba cán bộ, chiến sĩ công an” đã hy sinh khi “thi hành công vụ” theo lệnh thượng cấp cũng rẻ, áp dụng sáng kiến: Trao cho mỗi người một “Huân chương Chiến công Hạng Nhất”, vinh thăng mỗi người lên một cấp là coi như… xong?
***
Vì cùng là Ủy viên Bộ chính trị, có thể những người như ông Trọng, ông Phúc dễ đồng cảm với ông Tô Lâm, chẳng thấy lấn cấn chút nào khi dùng thêm ba “Huân chương Chiến công Hạng Nhất”, công nhận thêm ba liệt sĩ, nâng quân hàm mỗi liệt sĩ thêm một cấp và làm lơ để ông Tô Lâm dọn dẹp dư luận, tổ chức phản công bằng đủ mọi kiểu trên Internet, tống giam một vài facebooker để răn đe công chúng…
Song chẳng lẽ công chúng Việt Nam làm ngơ, không trao gì hoặc bỏ qua không vận động để các tổ chức quốc tế trao… gì đó cho ông Tô Lâm – Giáo sư Tiến sĩ về Khoa học An ninh, người đứng đầu một ngành trước nay luôn dẫn đầu về tham nhũng, lạm quyền, tạo ra vô số vụ đột tử trong trại giam, đến bây giờ, vẫn là nghi can mà lực lượng bảo vệ pháp luật nhiều quốc gia tại châu Âu chờ hỏi thăm vì tổ chức bắt cóc?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét