Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

197 - Nước Nga, Iran và Vầng trăng Shia



Bé gái Lebanon mặc đồ đen, phía sau là hình cố Giáo chủ đạo Hồi phái Shia của Iran trong một cuộc tuần hành ủng hộ lực lượng vũ trang Hezbollah. Tehran bị cho là có tham vọng lập Vành đai hình trăng lưỡi liềm Shia cắt ngang Trung Đông-Anwar Amro


Ngay sau khi tướng Iran Qasem Soleimani bị Hoa Kỳ bắn chết ở Iraq (03/01/2020), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bận rộn ngay với nhiều hoạt động. Hôm 07/01, ông có chuyến thăm hiếm có và ngắn ngủi đến Damascus để hội đàm với tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Sang ngày 8/01, Kremlin tuyên bố ông Putin sẽ đón Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Moscow để bàn về Trung Đông ngay tuần sau.

Cũng trong tháng này, ông Putin dự kiến gặp mặt lãnh đạo Israel, Benjamin Netanyahu.

Trong ngày 08/01, khi chưa về Nga, ông Putin có lịch họp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ở Istanbul.

Chính thức mà nói, hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự lễ khai trương đường ống khí đốt xuyên Hắc Hải, TurkStream.

Nhưng hai bên còn bàn về căng thẳng ở Libya, nơi lính đánh thuê người Nga đang giúp phe chống lại phái Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.

Tuy thế, vấn đề chính và cấp bách nhất của Nga mà ông Putin phải giải quyết là hậu quả địa chính trị của vụ Mỹ giết tướng Soleimani.

Cuộc gặp Assad - Putin có nội dung quân sự với sự tham gia của tướng lĩnh hai bên. Reuters

TT Putin có chuyến thăm hiếm có tới đến Damascus để ủng hộ đồng minh Syria, ông Bashar al-Assad. Reuters

David Lesch được trích lời trên trang Moscow Times ở Nga, giải thích về chuyến đi của ông Putin:

"Putin phải sang để củng cố vị thế của Nga ở Syria và vị thế của chính ông Bashar al-Assad, nhất là vì vai trò của Iran bị yếu đi đáng kể, vì Soleimani chính là hiện thân của Iran ở Syria."

Cơ hội của Iran bị Hoa Kỳ tước đi?

Cho đến gần đây, nhờ thắng lợi của một tập hợp các lực lượng đồng sàng dị mộng như Nga, Hoa Kỳ, Iran và quân đội chính phủ Iraq và Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và cả dân quân Kurd, tổ chức tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS) bị đánh bại, mất lãnh thổ.

Đây là cơ hội 'ngàn năm một thuở' cho Iran thực hiện tham vọng lập ra tuyến an ninh Shia Crescent tức Vầng trăng lưỡi liềm Shia.

Nếu thành công, đây sẽ là vùng ảnh hưởng trải từ Ấn Độ Dương sang tận bờ Địa Trung Hải, gồm Iran, miền Nam Iraq, Syria, Yemen và một phần Lebanon, cắt ngang vùng của các nước và cộng đồng Hồi giáo phái Sunni vốn hiềm khích lâu đời với Shia.

Soleimani là nhân vật kiến tạo ra các chiến dịch giúp Giáo chủ Ali Khamenei thực hiện mục tiêu 'đế quốc' này của Iran.

Ông Soleimani cũng là người điều khiển các lực lượng chống IS tại Syria, phối hợp nhịp nhàng với quân Nga vốn tập trung vào không quân mà tránh giao tranh trên bộ.

Mất Soleimani, Iran có thể mất ảnh hưởng ở các quốc gia láng giềng kia và điều này làm thế đứng của Nga trong vùng bị yếu đi.

Một năm trước, khi tình hình Syria chuyển biến theo hướng Nga mong muốn, Dmitriy Frolovskiy viết trên trang Foreign Policy rằng ông Putin coi quyết định của ông Trump rút quân khỏi Syria là "thắng lợi lớn cho Nga".

Nhưng nay mọi việc đột nhiên thay đổi.

Soleimani bị Hoa Kỳ quyết định giết để ngăn chặn vùng ảnh hưởng của Iran lan ra trong vùng, lấp chỗ trống IS để lại, theo một số đánh giá từ Hoa Kỳ.

Vì không kiểm soát trực tiếp các nhóm dân quân trong vùng, Moscow cần giúp Iran làm việc đó.

Thế nhưng Moscow chỉ muốn Tehran tiếp tục duy trì quyền lực trong vùng tới mức không để Iran xung đột lớn với Hoa Kỳ, hoặc tệ hơn là xung đột với Israel.

Leonid Bershidsky viết trên trang Bloomberg 'Putin Now Needs a Plan B on Iran' (Putin cần kế hoạch hai cho Iran), và lập luận rằng:

"Căng thẳng leo thang giữa Iran và Hoa Kỳ có thể xoay chuyển cán cân địa chính trị mà Nga đầu tư vào Syria để duy trì, và đó là điều ông Putin muốn can thiệp để giữ."

Nguy hiểm hơn cho Nga là khả năng Iran đi quá đà và tấn công Israel, gây ra cuộc chiến trả đũa, ít ra là nhắm vào các lực lượng thân Iran tại Syria.

Nếu điều đó xảy ra, quân Nga đóng tại Syria có thể trở thành mục tiêu.

Các tay súng 'tư nhân' người Nga ở Libya

Người Nga cũng đã có mặt ở Libya, quốc gia hiện trên thực tế có hai chính quyền kình chống nhau.

Lính 'tư nhân' Nga đang ủng hộ cho 'chính quyền' của Nguyên soái Khalifa Haftar (Libyan National Army - LNA), ở miền Đông Libya.

Mới đầu tháng 12 năm ngoái, chính quyền GNA ở Tripoli tố cáo họ có bằng chứng ít nhất 800 quân nói tiếng Nga hỗ trợ quân đội của ông Haftar tiến chiếm thủ đô.

Lực lượng của Haftar - còn gọi là chính quyền Benghazi - được Ai Cập, Nga và cả Pháp ủng hộ, còn GNA được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ.

Gần đây nhất, Ankara quyết định điều quân chính quy sang Libya sau khi tố cáo Moscow can thiệp vào Libya.

Theo New York Times (12/2019), Nga đã gửi cả phi cơ, hỏa tiễn, lính bắn tỉa sang Libya.

Chính thức mà nói, quân nói tiếng Nga ở Libya là do Wagner Group, một công ty tư nhân tuyển mộ.

Công ty này đã từng gửi lính đánh thuê sang cả Syria và miền Đông Ukraine.

Đây là lực lượng LNA của nguyên soái Haftar ở Libya được Nga ủng hộ. ABDULLAH DOMA

Theo trang Al Jazeera, Wagner Group là của Yevgeny Prigozhin "doanh nhân có quan hệ thân cận với quan chức Điện Kremlin".

Hiện chưa rõ hai nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết nguy cơ người nước họ xung đột tại Libya ra sao.

Các báo Nga tin rằng cuối cùng thì hai bên sẽ đạt một thỏa thuận chia vùng ảnh hưởng ở quốc gia Bắc Phi bị rơi vào hỗn loạn sau khi ông Muammar Gaddafi bị lật đổ năm 2011.

Nhìn lâu dài thì mục tiêu chính của Putin ở Trung Đông là thông qua các hoạt động khu vực để nâng cao vị thế toàn cầu của Nga.

Trước mắt, kế hoạch này bị đứt một mắt xích quan trọng vì hỏa tiễn Mỹ.

Các tính toán của ông Putin tuy thế, còn tùy thuộc vào các hành động rất bất chợt của một tổng thống khác là Donald Trump.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét