Thứ Hai, 13 tháng 1, 2020

267 - Chết vì giữ đất



Cụ Lê Đình Kình và vợ. (Hình: Facebook)

Xưa nay, người chết vì giữ đất không hiếm. Đất là quê hương, làng mạc, nơi có mồ mả ông cha, nơi đồng ruộng, lúa trổ thành bông nuôi sống con người, nơi tình tự có nghìn lời ca dao đằm thắm. Một ngày bỗng dưng có người đem gươm giáo đến chiếm đoạt, con người hẳn đã phải đứng lên đối kháng, dù trong tay không có một tấc sắt. Dù kẻ chiếm đoạt là ngọai xâm, là thế lực, là cường quyền, nạn nhân thề giữ đất không lui bước, dù đứng trước roi vọt, hơi cay, dùi cui, súng đạn, nhà tù, cuối cùng là máu phải đổ.
Cụ Lê Đình Kình, lãnh đạo của Đồng Tâm, chắc phải biết trước rằng máu của Cụ sẽ phải đổ ra, vì nhân dân đang chống lại một thứ cường quyền ngoan cố, vô cảm, ác tâm không hề nương tay, và sẵn sàng nhúng tay vào máu của kẻ thù! Ngày nay Hoa kỳ hay Trung Cộng có thể là bạn nhưng nhân dân chính lại là kẻ thù của đảng và của nhà nước.
Biến cố ở Đồng Tâm có thể coi bắt nguồn từ năm 1980 khi Bộ Quốc Phòng VNCS lấy 52 hécta đất thuộc địa bàn 3 xã của huyện Chương Mỹ và xã Đồng Tâm, để xây dựng sân bay Miếu Môn. Nhưng đây là vùng đất đồng Sênh, nơi người dân canh tác hàng chục năm qua, không phải là đất vô chủ. Người dân Đồng Tâm muốn chính phủ phải làm rõ trắng, đen, ranh giới đâu là đất nông nghiệp, đâu là đất quốc phòng và khi chiếm đất cần có văn bản chứng minh cụ thể.
Ngày 15 Tháng Tư, 2017, khi công an bắt nhiều người dân để điều tra vụ án giải tỏa đất ở xã Đồng Tâm, chúng đã vấp phải sự phản ứng dữ dội của dân làng, trong số đó có cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, nguyên là bí thư đảng ủy xã, người có hơn 60 năm tuổi đảng và có uy tín, ảnh hưởng lớn đối với dân Đồng Tâm. Sau khi ông Lê Đình Kình và nhiều người khác bị đưa đi, một số công dân Đồng Tâm đã phẫn nộ, đập phá xe cộ, cầm giữ 38 cán bộ huyện Mỹ Đức, công an, cảnh sát cơ động. Đến ngày 18 Tháng Tư, dân Đồng Tâm đã thả 15 cảnh sát, công an, đồng thời dân Đồng Tâm bị bắt trước đó cũng được thả, riêng cụ Lê Đình Kình, bị bắt, “ném lên xe hơi,” phải vào bệnh viện.
Ngày 31 Tháng Mười Hai, 2020, một số bộ đội của Bộ Quốc Phòng về Đồng Tâm, định xây tường rào sân bay Miếu Môn, đã bị dân chúng Đồng Tâm ngăn cảnh, chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao rựa…
Đến ngày 9 Tháng Giêng, 2020, ba công an tử nạn, được truy tặng “huân chương chiến công” hạng nhất cho thành tích đàn áp dân. Về phía dân làng có một bị thương, một chết. Người chết là cụ Lê Đình Kình, bị đánh gãy rời chân trái, đầu bê bét máu, bị một viên đạn trúng ngay tim. 30 người dân Đồng Tâm giữ đất bị bắt.
Xưa nay, anh hùng, liệt sĩ từng hy sinh mạng sống của mình để cứu đất, giữ đất, tên tuổi đã đi vào lịch sử. Giữ đất cũng là giữ đảo, giữ biển, giữ quê hương, tổ quốc, nòi giống. Từ bà Trưng, bà Triệu đến Trần Hưng Đạo, Quang Trung đều là những bậc tiến bối giữ đất. Hội nghị Diên Hồng có nghìn lời thề “Quyết Chiến” cũng vì ý dân không muốn mất đất vào tay giặc.
Hằng trăm nghìn người lính yêu dấu của chúng ta đã xả thân giữ đất miền Nam. 74 chiến sĩ Hải Quân VNCH cũng đã chết theo tàu vì không muốn mất đất năm 1974. 64 bộ đội VNCS cũng bị thiệt mạng trước quân cướp biển Trung Cộng vì muốn giữ đảo Gạc Ma năm 1988. Đất quý báu, giá trị, và thiêng liêng biết là chừng nào!
Chỉ tiếc là ngày nay, người giữ đất không chết dưới tay quân xâm lược, bành trướng mà phải chết tức tưởi dưới tay một lớp cường hào ác bá mới, nhân danh mục đích quốc phòng, nhân danh sự nghiệp đảng và uy tín quốc gia.
“Hoa hậu Ao Làng” Ngọc Trinh đã có một câu nói rất xưa, là “không có tiền thì cạp đất mà ăn!” Câu nói không sai, ngày nay ở Việt Nam đất là vàng, là tiền, là đô-la và cũng là máu thịt!
Theo quy định tại Điều 53, 54 Hiến Pháp 2013 thì chủ sở hữu đất đai trong nước ghi như sau: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” Nghĩa là tuy là sở hữu của dân (một cách mơ hồ và trừu tượng), nhưng lại do nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, nghĩ là dân chỉ được ăn bánh vẽ, còn nhà Nước (hay đảng) có toàn quyền “cạp!” Do đó ngày nay, chính phủ, đảng viên và các giới chức cấp cao có quyền lực, ai cũng trở nên giàu có, đất thành đô la, đất biến thành vàng, đứa nào cũng là đại gia, tỷ phú, có biệt phủ… nhờ giành đất, cướp đất, bán đất cho nhà giàu và các công ty ngoại bang.
Có áp bức thì có tranh đấu, “con giun xéo lắm phải quằn,” cũng vì đất mà dân tộc Việt Nam hiện nay đang chịu thảm nạn, áp bức, khổ đau. Chúng tôi chỉ kể ra đây vài chuyện trong hàng nghìn câu chuyện oan khuất về chuyện cướp đất và giữ đất ở quê nhà.
Năm 2007, hai mẹ con bà Phạm Thị Lài và cô con gái tên Hồ Nguyên Thủy, trần truồng để phản đối đội cưỡng chế đến cướp đất gia đình bà ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ.
Hình ảnh hai người phụ nữ trần truồng bị kéo lê trên nền đất đã gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận.
Năm 2012, Đoàn Văn Vươn ở Cống Rộc, Vinh Quang cùng gia đình chống lại vụ cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng của Ủy Ban Nhân Dân huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Kết quả có 4 công an và 2 lính bị thương, 6 người dân bị bắt và bị khởi tố, trong đó có anh em Đoàn Văn Vương bị kết án tù 3 đến 5 năm.
Năm 2014 khoảng 2,000 dân oan Văn Giang, Dương Nội và dân oan khắp tỉnh thành trong cả nước kéo đến 35 Ngô Quyền, Lý Thái Tổ để biểu tình chính phủ cướp đất. Cho đến nay, 356 gia đình Dương Nội, Hà Nội đã mất nhà, mất đất canh tác, sống nghèo khổ, không việc làm vì bị cướp đất, đã không nhận tiền đền bù đất, tiếp tục khiếu kiện suốt 10 năm qua. Bà Cấn Thị Thêu đã vào nhà tù hai lần vì lãnh đạo bà con biểu tình chống cướp đất.
Năm 2015, bà Lê Thị Châm, 54 tuổi, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giang, cùng đám đông tìm cách ngăn không cho chiếc máy xúc ủi đất ruộng của nông dân để tiến hành dự án vì giá bồi thường quá thấp, đã bị xe ủi đất cán qua người.
Năm 2016 tại khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền Ðắk Nông, 3 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương khi chính quyền cho người lái xe ủi, máy cày cũng như người dùng hung khí tiến đến phá khu rẫy của người dân tên Hoàng Văn Thắng, lấy đất cho công ty thuê mướn. Một người dân đã bị kết án tử hình.
Năm 2019,  nông dân Long Hưng tỉnh Đồng Nai quyết giữ đất. Nhiều người dân đã để sẵn quan tài, cùng những khẩu hiệu thể hiện quyết tâm “quyết tử để giữ đất” sau khi chính quyền tỉnh này giao đất cho tập đoàn Dona Coop làm chủ đầu tư dự án Khu Đô thị Kinh tế.
Thái độ ôn hòa với kiến nghị, van xin, cầu cứu đã xẩy ra quá lâu trước khi bùng nổ những câu chuyện xả thân để giữ đất. Dân oan bị cướp đất đã cầm đơn đi cầu cứu khắp cửa quan, cửa đảng, nhưng đều vô vọng, không ai còn tin tưởng vào pháp luật, chế độ. Vì vậy, liều chết là phương cách cuối cùng mà người dân có thể làm để bảo vệ mảnh đất của cha ông nghìn xưa để lại.
Từ nhiều năm nay, dân oan từ các tỉnh phía Nam như Bình Thuận, Bình Dương, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sài Gòn… và cả phía Bắc như Hưng Yên, Hải Phòng, Vĩnh Phú… đã kéo đến văn phòng đại diện chính phủ phía Nam, 210 Võ Thị Sáu – Sài Gòn, hay văn phòng tiếp dân của Quốc Hội 35 Ngô Quyền, Hà Nội để ăn chực, nằm chờ, màn trời, chiếu đất để tiếp tục khiếu nại, kêu oan về các trường hợp bị cướp nhà, cướp đất của họ, nhưng chẳng đi đến đâu. Ngày nay thêm cảnh Vườn Rau Lộc Hưng, đất Thủ Thiêm, trong “tiếng oan dậy đất, án ngờ lòa mây!”
Máu của Cụ Lê Đình Kình đã đổ xuống trên đất Đồng Tâm, giọt máu của những người dân giữ đất. Màu đỏ của ngọn cờ đỏ sao vàng, được đậm thắm thêm chút nữa nhờ tô thêm máu của những người quyết tâm giữ đất như cụ Lê Đình Kình. Cờ in máu của ai mà gọi là “máu chiến thắng,” khi đảng ngày nay lấy máu của dân làm thắng lợi và tô thắm ngọn cờ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét