Thứ Ba, 7 tháng 1, 2020

156 - Mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và OSS




Hồ Chí Minh (thứ 3 từ trái sang – hàng đứng) và Võ Nguyên Giáp (thứ 5 từ trái) chụp cùng với OSS Deer Team. Nguồn: Wikipedia

Lúc 2 giờ chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, một chiếc phi cơ Mỹ lượn một vòng trên bầu trời Hà Nội, có mang theo các nhân viên thuộc Sở Tình báo Chiến lược (Office of Strategic Services, OSS), tiền thân của Cơ quan Trung ương Tình báo (Central Intelligence Agency, CIA). Họ liếc mắt nhìn xuống Quảng trường Ba Đình và chăm chú theo dõi ông Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đảng Cộng sản, đang đứng trước khán đài với rừng cờ đỏ sao vàng và tiếng hoan hô cuồng nhiệt của hàng trăm ngàn người Việt Nam tụ họp.
Khi nhân danh đại diện cho các phong trào tranh đấu giành độc lập dân tộc, ông Hồ tuyên bố là Việt Nam từ nay thoát khỏi chế độ thuộc địa của Pháp và chiếm đóng của Nhật. Dựa theo nội dung của bản Tuyên ngôn Độc lập của Thomas Jefferson, Tổng thống Hoa Kỳ, ông Hồ hô hào là tất cả mọi người được sinh ra bình đẳng, vì “Đấng Tạo hoá đã trao cho chúng ta quyền bất khả chuyển nhượng: quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc“, và ông không đề cao việc xây dựng chủ nghĩa xã hội cho Việt Nam. Đây không phải là giây phút ngẩu hứng nhất thời, thực ra, ông đã dành nhiều thời gian và công sức để chuẩn bị cho diễn biến trọng đại này.
Ông Hồ tên thật là Nguyễn Sinh Cung, sinh quán tại làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, học đến hết lớp sáu tại Huế, từ bỏ gia đình và quê hương khá sớm và có lẽ là một trong những người Việt đầu tiên tham gia phong trào xuất khẩu lao động quốc tế. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, ông rời Sài Gòn trên chiếc tàu hàng Latouche-Tréville làm phụ bếp để mưu sinh. Khi đến Marseilles, ông viết thư cho chính phủ Pháp xin học trường Thuộc Địa, hy vọng đóng góp hữu ích cho thực dân Pháp và sử dụng kiều hối để giúp cho thân sinh là Nguyễn Sinh Sắc, đang lận đận công danh và khốn đốn trong đời sống lưu lạc tại miền Nam, nhưng Pháp không chấp thuận.
Đi qua nhiều thành phố cảng Bombay, New York, Boston và Luân Đôn, cuối cùng, trước khi Đệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, ông quyết định dừng chân tại Paris để tìm một định hướng mới. Thành công vang dội của Cách mạng Tháng Mười Nga làm cho ông manh nha ý tưởng đấu tranh. Chuyển biến quan trọng cho cuộc đời của một người lao động tạp vụ như ông là khi làm quen được với vài người Pháp theo đảng Xã Hội. Cùng tham gia đấu tranh chính trị với họ trong một môi trường xa lạ là một trường hợp thành công đặc biệt, kể cả cho đến ngày nay, một người trí thức Việt thành danh tại Paris cũng không thể có cơ hội tương tự.
Bằng chứng đầu tiên lả khi ông Hồ xuất hiện trước Hội nghị Paris ngày 18 tháng 6 năm 1919 trong một thỉnh nguyện thư với tên Nguyễn Ái Quốc. Tuy không phải là tác giả, mà là một trong nhiều người cùng ký tên, ông kêu gọi công luận Pháp và Tổng Thống Woodrow Wilson, người đang tham dự Hoà đàm Versailles, với lời lẽ ôn hoà. Ông yêu cầu cho người Việt được bình đẳng trước pháp luật như người Pháp trong các quyền tự do lập hội và báo chí, đặc biệt nhất là đối với người Việt đi lính cho Pháp, nên được Pháp đối xử như người Maroc hay Ai Cập. Các vấn đề quyền dân tộc tự quyết hay độc lập cho Việt Nam không được nêu ra. Thỉnh nguyện thư này không gây được tiếng vang.
Nhưng tiếng vang đã đến. Khi tham dự Đại hội Đảng Xã hội Pháp tại Tours năm 1920, hình ảnh của ông, một trong những sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, được phổ biến và ca tụng. Tuy vào Đảng, nơi duy nhất chống thực dân Pháp, nhưng ông chưa học tập lý thuyết Marx và phân biệt được các trào lưu của chủ thuyết Cộng sản, mà động cơ chính là để chống Pháp.
Không bao lâu sau, trong những bài báo Pháp ngữ dành cho tờ L’Humanité thuộc Đảng Cộng sản Pháp, với một bút danh tập thể là Nguyễn Ái Quốc, ông Hồ gay gắt lên án chủ nghĩa thực dân. Năm 1922, ông là một trong những sáng lập viên báo La Paria, một diễn đàn chung của các dân tộc bị trị. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” bằng tiếng Pháp xuất bản trong bối cảnh tranh đấu này.
Dù cảnh sát Paris không tin khả năng Pháp ngữ và uy tín của ông khi so với Phan Chu Trinh, Nguyễn thế Truyền hay Phan Văn Trường, những bậc thức giả khả kính đương thời, nhưng ông bị theo dõi chặt chẽ. Cuối cùng, ông bị họ buộc phải rời nước Pháp. Không còn cách nào khác, ông đành lang bạt nhiều nơi, nhưng chủ yếu là ở Liên Xô, Trung Hoa và Thái.
Năm 1922, ông đến Liên Xô để tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản và gặp Lenin. Từ nguồn khích lệ này, sang năm 1923, ông tiếp tục theo học chủ nghĩa Marx tại trường Đại học Lao động Cộng sản Phương Đông. Đến năm 1924, nhờ thông thạo nhiều ngôn ngữ, (nhưng không thể đạt đến mức là 29 ngoại ngữ như hậu thế ca ngợi), ông được Mikhail Markovich Borodin tuyển dụng làm phiên dịch viên trong phái đoàn đàm phán của Nga ở Quảng Châu. Để đấu tranh thực tế, ông thâm nhập vào đất Thái năm 1928, chủ yếu là tuyên truyền, huấn luyện cho Việt kiều, xuất bản báo và gửi về trong nước. Cuối năm 1929, ông trở lại Trung Quốc.
Qua thời gian bôn ba nhiều nơi và hoạt động trong nhiều lĩnh vực chìm nổi khác nhau, ông trở thành nhà tranh đấu chuyên nghiệp. Khi họp bàn cùng với các nhà trí thức khác về tương lai đất nước, tất cả có ý tưởng chung là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929 làm cho nước Pháp suy yếu và Joseph Stalin thành công trong việc triển khai phương hướng xã hội chủ nghĩa cho kế hoạch phát triển của nước Nga. Nhưng theo họ, điểm quan trọng nhất trong lịch sử đấu tranh là dù Việt Nam đứng trước một hoàn cảnh đen tối, nhưng bài học khích lệ là không bị đồng hoá, mà bằng chứng là khi bị giặc Tàu đô hộ đến ngàn năm.
Theo các quan điểm này, tất cả bảy ủy viên Hồ Tập Chương, Hồ Tùng Mậu, Trịnh Đình Cửu, Lê Tản Anh, Trần Văn Cung, Lê Hồng Sơn và Nguyễn Ái Quốc đồng thuận thành lập Đảng Cộng Sản Đông Dương vào ngày 3 tháng 2 năm 1930 tại Hồng Kông. Qua thành phần nhân sự cốt cán này cho thấy, Nguyễn Ái Quốc và Hồ Tập Chương không phải là một người, như về sau một số sử gia của Đảng suy luận.
Chuyện không may xảy đến là Nguyễn Ái Quốc bị nhà cầm quyền Hồng Kông bắt giam và định trao cho chính quyền Pháp. Việc trao trả bất thành vì nghi can đã chết do bệnh lao phổi trong nhà tù, như tờ L’Humanité trong số ra ngày 9 tháng 8 năm 1932 đưa tin. Về sau, một nguồn tin khác cho là tin ông chết được tung ra là để đánh lừa Pháp và công luận. Sự thật là nhờ luật sư Frank Loseby biện hộ, ông được thả ngày 28 tháng 12 năm 1932, sau đó trở lại Liên Xô để tiếp tục hoạt động và không còn xuất hiện trên chính trường.  Nguyễn Sinh Cung đã chết như đồng chí của ông là Hà Huy Tập xác nhận hay còn tiếp tục hoạt động trong bí mật cho Liên Xô như vợ của luật sư biện hộ cải chính, cả hai tin đều là một bí ẩn cho đến ngày nay.
Tình thế quốc tế trong năm 1940 đổi thay triệt để. Tác động thời sự mãnh liệt nhất cho cao trào của người Việt đấu tranh giành độc lập là chiến thắng của Hitler đối với Pháp. Từ tháng 9 năm 1940, Nhật là đồng minh của Đức, nhanh chóng thỏa thuận với chính quyền Vichy để Nhật toàn quyền cai trị Đông Dương. Qua mật ước với Pháp, Nhật đồng ý là chủ quyền của Pháp không thay đổi và tuyệt đối tự do trong khi Nhật chiếm đóng Việt Nam.
Sau khi tấn công Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941, Nhật chiếm nhiều lãnh thổ khác tại châu Á. Trong tình thế nhiễu nhương này, nếu so với việc cai trị của thực dân Pháp, Anh và Hà Lan, thì Nhật tàn bạo hơn. Thực ra, diễn biến thuận lợi của tình thế cho phép người Việt nhận ra một vận hội mới: Trước nguy cơ không thể vượt qua, nên ngày tàn của chế độ thực dân Pháp đến gần hơn bao giờ hết.
Sau một thời gian mất tích đầy bí ẩn, vào ngày 28 tháng 1 năm 1941, Hồ Chí Minh từ Trung Hoa về Việt Nam lãnh đạo Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, một tổ chức quy tụ được hầu hết các tầng lớp người Việt tranh đấu trong một khẩu hiệu chung là “phản Pháp – kháng Nhật – liên Hoa – độc lập“.
Nhưng Hồ Chí Minh là ai? Đó là một tên tuổi còn xa lạ ngay trong giới đấu tranh. Lý do để giải thích là năm 1945, Việt Nam có đến 95% dân còn mù chữ và không có phương tiện truyền thông, nên quần chúng không ai biết đến thân thế của ông Hồ, khuynh hướng Cộng sản của Việt Minh hay nội dung của chủ nghĩa Cộng sản. Ngay cả ông Hồ cũng không tin là người Việt đủ trưởng thành về mặt chính trị để có thể chấp nhận chủ nghĩa Cộng sản. Trong khí thế đấu tranh mới, không ai quan tâm đến các chi tiết, mà tâm trạng chung là muốn thay đổi, người Việt cai trị người Việt vẫn hơn người Pháp.
Gần đây, do Trung Quốc công khai xác nhận Hồ Chí Minh là Hồ Quang hoạt động trong Đệ Bát Lộ Quân, vấn đề tranh luận sôi nổi hơn: Ai đang nằm trong Lăng Ba Đình? Hiện thân của Nguyễn Sinh Cung, người làng Kim Liên hay Hồ Quang xuất thân từ Trung Quốc mạo danh? Vấn đề chưa được làm sáng tỏ trong khi nghi vấn ngày càng nhiều. Ngược lại, tại các tỉnh tiếp tục xây dựng tượng đài “tôn vinh bác” hàng nghìn tỷ, trong khi người dân còn chịu cảnh nghèo đói và thất học. Bí ẩn và nghịch lý còn kéo dài.
Về mặt địa hình, Việt Minh tập trung xây dựng căn cứ trong khu Việt Bắc, một vùng gần biên giới Hoa-Việt, nơi có đủ các loại hoạt động của các tổ chức tình báo Mỹ, Pháp, Tàu và kháng chiến Việt. Địa hình hiểm trở làm cho Việt Minh hoạt động trong an toàn. Với khả năng ngụy trang tinh vi và hỗ trợ hậu cần tận tình của dân địa phương, Pháp không thể thâm nhập mật khu bằng bộ binh, kể cả các cuộc không tập cũng không có kết quả, nhất là khi gặp thời tiết xấu. Bên cạnh việc hợp tác tình báo quốc tế, Việt Minh còn buôn bạch phiến của Tàu chở về Thái, mua vũ khí và vàng tại Thái và đảm nhiệm mọi nghiệp vụ sinh lợi khác để có điều kiện hoạt động.
Năm 1949, khi Cộng Sản Trung Hoa thu tóm Hoa lục, năng động đấu tranh cách mạng của ông Hồ và Việt Minh cũng chuyển biến triệt để. Ông Hồ quên đi ý nghĩa cao đẹp của Thomas Jefferson trong lời tuyên bố ngày 2 tháng 9  năm 1945, mà gắn bó với lý tưởng của Mao Trạch Đông, đó là một công cuộc huy động thành phần nông dân nổi dậy cho phù hợp với hoàn cảnh tại châu Á: từ rừng núi tiến về nông thôn rồi lấy nông thôn bao vây thành thị. Ngoài ra, ông Hồ còn biết kết hợp sách lược liên minh công nông của Lenin để chống lại chế độ thực dân.
Việt Nam, nếu so với lịch sử các nước khác trong châu Á, đã tiềm tàng tinh thần chống ngoại xâm. Khi đô hộ tàn bạo, Pháp giúp cho Việt Minh kết hợp các trào lưu chống thực dân nhanh hơn. Do sự thay đổi về ý thức hệ và gần gũi địa lý, việc viện trợ về lương thực và thực phẩm của Trung Quốc cho Việt Minh càng ồ ạt và dễ dàng hơn.
Về mặt chiến thuật, ông Hồ tỏ ra khéo léo đặc biệt trong bối cảnh hỗn độn này và kể cả lúc về sau khi đàm phán chính thức cho Việt Minh: biết dùng Mỹ để chống Pháp, dùng Pháp chống Tàu, dùng Tàu chống Mỹ, dùng Tàu chống Tàu và dùng tất cả để triệt hạ các phong trào của người Việt không Cộng sản, được gọi chung là Quốc gia, cùng mục tiêu đấu tranh. Ông quan tâm ưu tiên tới Mỹ và hy vọng Mỹ sẽ hỗ trợ cho Việt Minh, đó là một sự thật mà Đảng luôn phủ nhận trong các sử liệu về cuộc chiến chống Mỹ.
Ông tỏ ra là một một nhân vật đấu tranh có tầm vóc, không những thông thạo binh pháp mà còn lãnh đạo giáo dục. Bằng ngôn ngữ bình dị và cử chỉ thân thiện, ông Hồ gây thu hút dân chúng dễ dàng khi giải thích về khát vọng giành độc lập, dân chủ vả tự do cho dân tộc. Uy tín cá nhân thể hiện qua tài năng lãnh đạo, thu phục nhân tâm và huy động tài nguyên vật lực tạo cho ông Hồ là không đối thủ và gây tranh cãi. Thành công của ông gắn liền nhiều chương trình cải cách xã hội của Việt Minh như giải quyết nạn mù chữ, nạn đói, vận động quyên góp và đề cao nữ quyền tại nông thôn.
Về sau, khi soi sáng những hình ảnh cao đẹp của ông trong toàn cảnh, thì các học giả nhận ra rẳng đó không phải là đỉnh cao chói lọi trong sự nghiệp kháng chiến. Bia miệng thế gian còn truyền tụng về chuyện tình tay ba với Nguyễn Thị Minh Khai và Lê Hồng Phong, và chuyện tình bi thương lúc cuối đời với Nông Thị Xuân, là bằng chứng về vô đạo đức cá nhân. Các biện pháp trấn áp đẫm máu các đoàn thể quốc gia làm suy yếu tiềm lực đấu tranh chung, điển hình là Việt Nam Quốc dân Đảng của Vũ Hồng Khanh và Đại Việt của Nguyễn Tường Tam, là mặt trái trong nỗ lực thu phục nhân tâm. Nhưng trường hợp ông trá hình để chứng kiến tận mắt cảnh tố khổ bà Nguyễn Thị Năm, một ân nhân cho Việt Minh, là vết nhơ khó gội rửa về tính vô ân bạc nghĩa của ông Hồ.
Từ tháng 8 năm 1944, Đồng Minh giải phóng Paris. Khi phát hiện Pháp chuẩn bị chống Nhật trong lúc Đồng Minh đổ bộ vào Đông Dương, ngày 9 tháng 3 năm 1945 Nhật lật đổ Pháp. Tại Sài Gòn, đại sứ Nhật Matsumoto trao cho Đô đốc Decoux tối hậu thư đòi Pháp phải trao quyền lãnh đạo cho Nhật. Sau 2 giờ, Đô đốc Decoux bác bỏ yêu cầu này. Trong vòng 48 giờ sau, Nhật tước quyền Đô đốc Decoux, bỏ tù hoặc tập trung các nhân viên Pháp khác. Tại Hà Nội, Nhật tập trung nhiều người Pháp và hành hạ cho đến chết. Do đó, một trang sử mới cho Việt Nam lật qua nhanh chóng là chế độ thực dân Pháp không còn và Nhật cai trị thay thế.
Hai hôm sau, ngày 11 tháng 3 năm 1945, Nhật Bản thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu theo chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Vua Bảo Đại tuyên bố là chính phủ Việt Nam có chủ quyền ở ba kỳ, độc lập theo tuyên ngôn Đại đông Á của Nhật Bản, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ với Pháp và cùng hợp tác quốc tế. Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim. Ngày 17 tháng 4 năm 1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim nhậm chức và ngày 12 tháng 5 Bảo Đại tuyên bố giải thể Viện Dân biểu Trung Kỳ.
Về mặt pháp lý, đây là một sự kiện quan trọng để công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền ra đời mà Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo đầu tiên. Có những cáo buộc cho rằng Bảo Đại không có quyền tự trị tài chính và điều động nhân sự, vì mọi quyềt định đều do Nhật nắm giữ. Thực tế cho thấy là việc Bảo Đại có bù nhìn hay không, đó chỉ là một lối giải thích về bản lĩnh chính trị của lãnh đạo trong nhất thời, nó cũng giống như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng. Về sau, các nước khác, dù trong cùng hoàn cảnh, cũng thoát khỏi sự lệ thuộc của Nhật. Khi Việt Nam đã thành hình, thì Hồ Chí Minh không có căn bản pháp lý để một lần nữa khai sinh cho đất nước và tuyên bố giành độc lập. Thực tế là Việt Minh cướp chính quyền trong tay của chính phủ Trần Trọng Kim, một diễn biến thuộc xáo trộn nội chính.
Theo đúng sự thật của lịch sử lập quốc, Việt Nam tuyên bố Độc Lập và chế độ thực dân Pháp cáo chung vào ngày 11 tháng 3 năm 1945, ngày này được xem là phải đến trước ngày 19 tháng 8 năm 1945 và 2 tháng 9 năm 1945. Bảo Đại đọc Tuyên ngôn Thoái vị vào ngày 25 tháng 8 năm 1945 cũng không phải là một căn bản pháp lý để cho ông Hồ có quyền khai sinh cho Việt Nam, mà là người kế vị.
Tháng Giêng năm 1950, Trung Quốc công nhận Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, sau đó hai tuần đến lượt Liên Xô cùng công nhận tương tự. Hoa Kỳ cũng công nhận Việt Nam vào tháng 2 năm 1950. Các công nhận của cộng đồng quốc tế không thể làm thay đổi trình tự diễn biến và hậu quả pháp lý này. Các diễn biến sau này được gọi chung là Cách mạng tháng Tám không thể xảy ra là giành độc lập.
Tình thế biến chuyển sôi động. Việt Minh nhanh chóng chiếm được sáu tỉnh phía Bắc. Thành công này không phải chỉ vì chiếm đóng của Nhật lỏng lẻo, mà còn nhiều lý do khác. Điển hình nhất là vì chính sách kinh tế Nhật phục vụ cho chiến tranh gây lạm pháp cao độ, chính sách nông nghiệp sai lầm lo, thu mua thóc để xuất cảng, gây nạn đói tràn ngập tại miền Bắc trong năm 1944 và 1945. Kết quả thảm hại là trên hai triệu người chết đói và hàng trăm ngàn người nghèo đi theo Việt Minh.
Từ tháng 3 năm 1945, khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, Việt Minh là một Đồng Minh chính thức của OSS. Sự hợp tác không bắt đầu khởi động tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, nơi OSS đặt bản doanh, vì ông Hồ không có tiếp xúc chính thức. Thực ra, ông gặp OSS trễ hơn.
Từ lâu, ông Hồ chú ý đến vai trò của Mỹ cho mục tiêu đấu tranh. Bằng chứng là ngay từ đầu năm 1944, ông đến Toà Lãnh sự tại Côn Minh xin chiếu khán đi Mỹ để vận động ngoại giao, nhưng không được. Sau đó, ông tìm cách liên lạc với Đồng Minh và hứa hẹn hợp tác. Để đạt mục tiêu, ông khoe thành tích là Việt Minh đã cứu một người Mỹ khi bị bắn hạ trong một cuộc giao tranh tại Sài Gòn. Để tỏ lòng biết ơn, các viên chức Mỹ tạo điều kiện cho ông tiếp kiến Tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không quân Mỹ, người thành lập Lực lượng Flying Tigers. Nhân dịp hy hữu này, ông xin được chụp hình chung và chữ ký làm kỷ niệm. Bằng chứng quý giá này là dịp để ông khoe với người Việt và ngoại quốc là từ nay Mỹ đã chính thức hỗ trợ cho Việt Minh.
Sau khi Nhật đầu hàng, Jean Sainteny, đại diện cho Pháp, đến Hà Nội gặp ông. Tháp tùng có Thiếu tá Archimedes L. A. Patti, đại diện của OSS, phụ trách việc tìm kiếm tù binh cho Đồng Minh. Cơ hội đến cho ông quen được Patti, ông kể lại bao kỷ niệm lúc tuổi thanh xuân tại Mỹ và tham khảo ý kiến trong việc soạn thảo bản Tuyên ngôn theo nội dung của Thomas Jefferson. Tỏ ra lạnh nhạt với Sainteny và nhanh chóng kết thân với Patti khi ông yêu cầu hỗ trợ cho Việt Minh hoạt động. OSS chấp thuận. Tình báo Pháp biết được việc này, họ cảnh báo cho OSS biết về cá tính tráo trở của ông Hồ và nguy cơ hợp tác cho Đồng Minh, nhưng OSS kiên quyết tiếp tục.
Cụ thể, để tiện việc hợp tác, OSS đặt cho ông Hồ một bí danh là “Lucius“, lo cung cấp vũ khí và tiếp tế cho Việt Minh, để đổi lại, OSS nhận các tin tức về tình hình chuyển quân của Nhật. Khi các phi công Mỹ bị bắn hạ, Việt Minh cũng giúp cho OSS giải quyết. Ngoài ra, OSS cũng từ chối giúp cho Pháp thiết lập một cơ sở hành dinh tại Bắc Việt. Trước đó, theo lệnh của Roosevelt, OSS phải tìm cách không cho Pháp tái chiếm Đông Dương và cung cấp vũ khí hay tiếp tế cho Pháp, ngoại trừ trường hợp để thực hiện những mục tiêu chống Nhật đã được Đồng Minh tán thành.
Ngay sau khi Roosevelt chết, ông Hồ nhận ra tầm quan trọng của Mỹ trong đấu tranh ngoại vận là hơn Liên Xô và Trung Quốc. Bằng chứng là ông nhờ OSS chuyển thư cho chính phủ Mỹ, trong đó có cả thư tay cho Tổng thống Harry S. Truman, đề nghị đặt quan hệ ngoại giao, hy vọng được Mỹ ủng hộ trong cuộc thương thuyết giữa Trung Quốc và Pháp. Nỗ lực ngoại giao quan trọng nhất cho Việt Minh trong giai đoạn này là muốn Mỹ công nhận Chính phủ Lâm thời là đại diện duy nhất và hợp pháp của Việt Nam, Truman không đáp ứng.
Sau đó, Mỹ nghi ngờ ông Hồ là người quốc tế cộng sản và bù nhìn của Moscow. Ông Hồ phản bác không phải là người của Đảng Cộng Sản Pháp, tham gia là do hoàn cảnh bằt buộc, nhưng Đảng cũng không thể tác động nhiều cho phong trào đấu tranh. Dù không thể phủ nhận đã ở Moscow nhiều năm, ông lập luận là hoạt động chẳng qua là vì độc lập dân tộc. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không tin các minh chứng này.
Không còn cách nào khác, ông Hồ gửi thư cho Stalin xin công nhận và viện trợ, nhưng không được hồi đáp. Lý do chính là Stalin lo khôi phục cho Liên Xô sau chiến tranh, quan tâm đến Đông Âu nhiều hơn và nhất là trong hoàn cảnh bấy giờ không muốn làm mất lòng Pháp. Tuy nhiên, các sử gia có những cách giải thích khác: Stalin chưa quen biết với ông Hồ nhiều, không tin tưởng về sự phát triển các phong trào Cộng sản tại châu Á và trong tinh thần phân công của quốc tế vô sản nên quyết định giao việc viện trợ Việt Nam cho Trung Hoa.
Cuối tháng 9 năm 1946, Mỹ rút OSS tại Việt Nam về nước, chấm dứt liên hệ với Việt Minh, đánh dấu giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến Đông Dương. Tại sao Mỹ ra đi? Tổng kết giai đoạn hợp tác có nhiều cái nhìn dị biệt, vì những lý do tiềm ẩn sâu xa hơn là do hoàn cảnh đặc thù của Việt Minh hay quan điểm chính trị của ông Hồ.
Bang giao quốc tế trong toàn cảnh đang diễn biến với một khởi đầu mới. Các thách thức phức tạp là nan giải. Tây Âu trong bối cảnh hậu chiến đầy bất trắc và Pháp lại đang suy yếu mọi mặt. Trước khi chết, Roosevelt không muốn cho Mỹ can dự vào Đông Dương và để cho Pháp quyết định. Do đó, nỗ lực chính của Mỹ là giúp cho châu Âu tái thiết và củng cố vị thế cho Pháp. Khi Trung Quốc còn phân tranh Quốc-Cộng và chưa thực sự trỗi dậy, nhưng tình hình Nga chưa củng cố và phát triển đúng mức, nên sự đối kháng của hai khối Tư Bản và Cộng Sản chưa thực sự thành hình. Nhìn trong quan điểm chiến lược chung, Việt Nam không phải là mối bận tâm cho Mỹ như về sau trong khuôn khổ Chiến tranh Lạnh.
Về quan điểm chính thức trong giai đoạn này, Mỹ cho rằng ông Hồ là một cộng tác viên đắc lực giúp cho OSS hoàn thành nhiệm vụ. Khi hồi tưởng lại việc hợp tác, các viên chức OSS cho là có nhiều cảm tình tốt đẹp với ông Hồ và các dân quân kháng chiến. Còn việc ông Hồ nổi danh thành vị cha già dân tộc, đó là các chuyển biến về sau tác động.
Ngược lại, để nêu cao thành tích đấu tranh chống Mỹ tàn ác xâm lược, các sử gia của Đảng không muốn công khai thú nhận là ông Hồ quan tâm đến vai trò của OSS và tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ. Họ cáo buộc Mỹ đã tước đoạt quyền cai trị Đông Dương trong tay của Pháp, thổi phòng tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của Mỹ, mà không có căn cứ lịch sử.
Tóm lại, nhìn trở lại toàn cảnh hỗn loạn của đất nước trong buổi giao thời, các sử gia hiện đại có các kết luận chủ yếu là: Cách mạng tháng Tám không phải để giành độc lập dân tộc, mà cướp chính quyền tiền nhiệm bằng bạo lực cách mạng. Người Mỹ không thay thế người Pháp ở Đông Dương, vì họ đã có mặt tại chỗ ngay từ đầu qua sự hợp tác với OSS. Cho đến cả về sau, khi chiến tranh diễn ra khốc liệt, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ như Pháp.
Nếu ông Hồ tạo được uy tín cá nhân, cũng như có khả năng thuyết phục Mỹ ý thức được tầm quan trọng của Đông Dương để tiếp tục hợp tác, lịch sử của Việt Nam có thể sẽ khác hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét