Chủ Nhật, 5 tháng 1, 2020

111 - Tại sao lại đe doạ ‘Cẩm nang nuôi tù’?



Sách "Cẩm Nang Nuôi Tù" của tác giả Phạm Đoan Trang, Nhà Xuất Bản Tự Do. Ảnh: VNTB


Cuốn “Cẩm nang nuôi tù” tuyên truyền xuyên tạc hoạt động của lực lượng Công an, hướng dẫn các đối tượng cách hoạt động trong và ngoài nhà tù, vu cáo hoạt động của lực lượng CAND, cách đối phó lại với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng, cách lợi dụng mạng xã hội, vận động quốc tế, “quốc tế hóa” vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” Việt Nam…
Trang web Học viện Chính trị Công an Nhân dân ngày 18/12/2019 đăng tải bài viết, ‘Lại giở trò vu cáo dân chủ, nhân quyền’.
Nội dung phê phán, cảnh báo các đầu sách do cô Phạm Đoan Trang viết và do Nhà Xuất Bản Tự do ấn hành.
Liên quan đến cuốn ‘Cẩm nang nuôi tù’, tác giả Lê Vĩnh Bình cho rằng: Cuốn “Cẩm nang nuôi tù” tuyên truyền xuyên tạc hoạt động của lực lượng Công an, hướng dẫn các đối tượng cách hoạt động trong và ngoài nhà tù, vu cáo hoạt động của lực lượng CAND, cách đối phó lại với hoạt động nghiệp vụ của cơ quan chức năng, cách lợi dụng mạng xã hội, vận động quốc tế, “quốc tế hóa” vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền” Việt Nam…
Những cáo buộc từ tác giá Lê Vĩnh Bình khiến người viết cảm thấy như chính tác giả chưa từng đọc qua Luật Tố tụng hình sự 2015. Bởi vì nếu đã đọc luật và hiểu được luật, thì tất cả những ‘hướng dẫn các đối tượng cách hoạt động trong và ngoài nhà tù’ đều là những quy trình được cô Phạm Đoan Trang lược trích lại từ trong luật mà ra.
‘Đối phó lại với hoạt động nghiệp vụ’, thực tế những đối phó đó là gì tác giả không đề cập, nhưng nếu ám chỉ cách thức công dân ứng xử với giấy mời hay giấy triệu tập, thậm chí là quyền im lặng, hay đề cập về hỗ trợ của luật sự khi làm việc với cơ quan công an thì đó không phải là ‘đối phó’, mà nên được hiểu là vận dụng các quy định của pháp luật và quyền của công dân.
‘Quốc tế hoá’ vấn đề dân chủ, nhân quyền sao lại là sai trái khi chính nhà nước đã và đang tìm cách ‘hội nhập’. Từ ký các công ước nhân quyền cho đến thực thi tuyên truyền công ước về quyền dân sự và chính trị trong nước (vào tháng 9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký văn bản tuyên truyền về quyền dân sự – chính trị trong các cơ quan nhà nước), đó cũng là một hình thức ‘quốc tế hoá’.
Chưa kể báo cáo định kỳ UPR vừa qua được dẫn đầu bởi một vị Thứ trưởng Bộ Công an vừa qua cũng là một hình thức ‘quốc tế hoá’ vấn đề dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Nhà nước càng hội nhập sâu rộng thì quyền con người càng gắn bó với các định chế phổ quát, và đó là xu hướng tất yếu. Chỉ có những quốc gia có vấn đề nhân quyền và dân chủ, hoặc khép kín hoàn toàn như Triều Tiên mới ‘lo sợ’ quốc tế hoá. Bởi quốc tế hoá không khiến một nhà nước bị lật đổ, mà nó thuần tuý giám sát các cam kết của nhà nước đó đối với nhân quyền, dân chủ.
‘Vu cáo, xuyên tạc hoạt động của lực lượng công an’, ở đâu và chi tiết nào? Nếu chỉ là những câu từ chung chung như thế thì chính tác giả đã ‘vu cáo, xuyên tạc’ đối với cá nhân tác giả và tác phẩm.
Một bài viết giá trị khi nó có tính thực chứng thay vì những ngôn từ chung, chỉ muốn áp đặt một tội trạng mơ hồ mà bản thân cuốn sách không hề chứa đựng. Quan trọng hơn, ‘nói sách, mách có chứng’ phải là tiêu chí hàng đầu để từ đó có thể giúp độc giả nhận diện tính sai trái của đối tượng mà bài viết hướng tới. Đáng tiếc, tác giả Lê Vĩnh Bình đã không làm được điều đó. Và đội ngũ quản trị viên website Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã ‘dễ dãi’ khi cho đăng tải. 
Nếu tác giả Lê Vĩnh Bình sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, thì bài viết rất ‘nông nỗi’ của tác giả có thể bị kiện ra toà vì hành vi ‘xúc phạm, xuyên tạc’ vô cớ đối với tác giả, tác phẩm. 
Trong một khía cạnh khác, ‘Cẩm nang nuôi tù’ đáng lý ra phải được tuyên dương vì nó là những hướng dẫn, giáo dục pháp luật cực kỳ sinh động, trực quan, liên quan đến đảm bảo quy trình tố tụng hình sự được tố tụng đúng. Nâng cao nhận thức quyền và nghĩa vụ trong công dân. Hạn chế mức độ lạm dụng quyền lực, gây oan sai trong cơ quan hành pháp. 
‘Cẩm nang nuôi tù’ xuất hiện và được độc giả đón nhận đơn giản bởi tính thực tế của nó. Và hoàn cảnh xã hội đã nuôi dưỡng, làm nên sức sống của tác phẩm. Ngược lại, là bị ‘đào thải’ như hàng vạn các tác phẩm khác được xuất bản trong năm qua.
Đồng nghĩa, chừng nào nạn ép cung, mớm cung còn tồn tại. Chừng nào nghiệp vụ ‘đánh thỏ thành gấu’ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ nhân viên hành pháp, khiến thương vong trong các trại tạm giam, và nhà giam còn xuất hiện thì chừng đó ‘Cẩm nang nuôi tù’ vẫn sẽ còn tính giá trị của nó. 
Trong bối cảnh nhà nước Việt Nam hội nhập kinh tế – xã hội, thì nhân quyền cần phải tiếp tục được coi trọng, dân chủ phải được ưu tiên, và thượng tôn pháp luật (sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật) vẫn phải tiếp tục là nguyên tắc sống còn của một quốc gia. Và nếu như thế, thì tại sao phải kết án vu vơ đối với ‘Cẩm nang nuôi tù’ mới ngôn từ đe doạ ‘bỏ tù’ trong khi nội dung tác phẩm không chứa đựng như những lời cáo buộc đó? 
Về vấn đề pháp lý, tác giả Lê Vĩnh Bình có đề cập đến khoản 2 – điều 6 Luật xuất bản hiện hành để ‘chứng minh’ tác phẩm của NXB Tự do nói chung và ‘Cẩm nang nuôi tù’ là ‘phạm pháp’ . Tuy nhiên, nguyên tắc áp dụng luật vẫn là, ‘trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó‘.
NXB Tự do và cá nhân cô Phạm Đoan Trang có thể dựa vào tiêu chuẩn nhân quyền như Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền; Điều 19 của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị.
Trong trường hợp nếu chưa chứng minh được các tác phẩm và sự tồn tại của nhà xuất bản gây nguy hại ‘An ninh quốc gia – Trật tự công cộng – Quyền và tự do của người khác‘ trên thực tế thì nhà nước cần tiếp tục nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ và thực thi quyền tự do của công dân.
Và đó là hành xử xứng danh cho văn minh của một nhà nước, trong thế giới hiện đại.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét