Thứ Năm, 2 tháng 1, 2020

044 - ‘Nhà tình nghĩa’ và ‘nhà nghĩa tình cựu chiến binh’



Xét cho đến cùng, lập luận của các viên chức hữu trách ở huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh trong vụ ông Lê Văn Tuấn (Huyện ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân – HĐND - huyện Châu Thành) nhận “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh”, cũng chẳng khác gì lập luận của các viên chức lãnh đạo đảng CSVN về “phòng – chống tham nhũng”!
Theo một số cơ quan truyền thông của chính quyền thì cả Chủ tịch huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, lẫn Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh (Hội CCB) của huyện này vẫn cho rằng: Việc trao tặng cho ông Tuấn thêm một căn nhà trị giá 250 triệu đồng, kèm sổ tiết kiệm 30 triệu đồng là… đúng quy định và… đúng quy trình (1)!
Vốn là cựu chiến binh, năm 2002, ông Tuấn (ngụ tại xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) từng được cấp một căn “nhà tình nghĩa”. Ai cũng biết “nhà tình nghĩa” là món quà mà hệ thống công quyền và xã hội chỉ trao tặng cho những gia đình có công hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hoặc hội đủ cả hai yếu tố này cho nên thiên hạ mới thắc mắc, tại sao gia đình ông Tuấn khá giả hơn nhiều gia đình cư ngụ tại xã Thanh Điền, ngoài nhà cao cửa rộng, gia đình ông còn có hai chiếc xe hơi, mà tháng 9 năm ngoái, các cơ quan hữu trách từ trung ương đến địa phương vẫn “nhất trí” hỗ trợ ông Huyện ủy viên kiêm Phó tịch HĐND thêm một căn nhà nữa?
Chưa kể, do “nhà tình nghĩa” thuộc dạng chỉ cấp một lần nên lần vừa rồi, các cơ quan hữu trách tránh gọi căn nhà mà họ hỗ trợ ông Tuấn là “nhà tình nghĩa”, họ gọi đó là “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh”! Giá trị một căn “nhà tình nghĩa” vào khoảng 50 triệu nhưng “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” thì không bị khống chế về giá trị, thành ra giá trị vọt lên, gấp… năm lần giá trị “nhà tình nghĩa”, chưa kể khoản 30 triệu đồng tặng riêng cho người thụ hưởng “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” thông qua một sổ tiết kiệm!
Một số cơ quan truyền thông của chính quyền cho biết, ở xã Thanh Điền còn rất nhiều cựu chiến binh nghèo khổ, cần được hỗ trợ nhưng chưa bao giờ được tặng “nhà tình nghĩa”, đó là lý do từ dân chúng cho đến Hội CCB xã Thanh Điền cùng đòi giải thích chuyện ông Tuấn được trao “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh”!
***
Các viên chức hữu trách bảo rằng, sở dĩ ông Tuấn được chọn - trao suất hỗ trợ “nhà tình nghĩa” duy nhất ở tỉnh Tây Ninh nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Hội CCB Việt Nam vì “nhà tình nghĩa” ông từng nhận đã “xuống cấp”. Tuy ông có hai đứa con là sĩ quan công an cấp tá, hai là nhân viên cấp xã nhưng không thể đỡ đần cho cha. Tin gia đình ông có hai chiếc xe hơi là… sai vì một là của… con ông, ông sắm xe hơi là để báo hiếu (đưa đón cha mẹ già đi khám – chữa bệnh)!
Các viên chức hữu trách khẳng định, chuyện cấp “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” cho ông Tuấn đã được khảo sát kỹ lưỡng. Trong khoản tiền 250 triệu đồng có 60 triệu do Hội CCB Việt Nam cung cấp, 150 triệu do các “Mạnh Thường Quân” hỗ trợ, 40 triệu do gia đình ông Tuấn góp vào. Còn chuyện Hội CCB huyện Châu Thành loan báo tặng ông Tuấn “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” trị giá 250 triệu và sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu là… chưa chính xác! Hội bịa ra con số đó để có… thành tích (2)!
Cũng vì vậy, cho đến giờ này, việc Ban Chấp hành Trung ương Hội CCB Việt Nam, Hội CCB tỉnh Tây Ninh, Hội CCB huyện Châu Thành, chính quyền huyện Châu Thành, chính quyền xã Thanh Điền phối hợp xem xét, cấp “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” cho ông Tuấn vẫn được xem là không có gì sai.
Một số cơ quan truyền thông của chính quyền mới nhắc lại chuyện, ông Tuấn từng man khai “tham gia kháng chiến chống Mỹ” để nhận trợ cấp bị ảnh hưởng chất độc hóa học trong hai năm từ 2012 đến 2013, khi chuyện vỡ lở, do ông Tuấn “tự kiểm nghiêm khắc” và “tự nguyện” hoàn trả khoản tiền ông đã chiếm đoạt của ngân sách và nêu thắc mắc, vì sao hệ thống chính trị tiếp tục lựa chọn, quy hoạch ông Tuấn làm Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Châu Thành và “bố trí” làm Phó Chủ tịch HĐND nhiệm kỳ này (3)?..
***
So với vô số vụ tai tiếng khác, việc cấp “nhà… nghĩa tình cựu chiến binh” cho ông Tuấn là chuyện rất nhỏ nhưng đối chiếu với những vụ tai tiếng đã từng biết, có thể thấy, tất cả đều giống hệt nhau về bản chất. Thiếu “chất” ấy sẽ không thể có “thời thổ tả”. Gần nhất là thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.
Trước khi thương vụ này đổ bể và trở thành “đại án”, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, kể cả Thanh tra của chính phủ đều đã từng khẳng định, hoạt động mua – bán đã được thực hiện đúng qui định và diễn ra đúng qui trình! Khi công chúng xôn xao vì sự táo tợn trong hối mại quyền thế (nâng giá trị của AVG lên 14 lần so với giá trị thật) để chiếm đoạt của công quỹ 7.000 tỉ chia chác với nhau, thủ phạm – ông Phạm Nhật Vũ – hưởng khoan hồng vì được tô vẽ là “có nghĩa, có tình”, là “Mạnh Thường Quân” và dư thừa thiện chí “khắc phục hậu quả”.
Tương tự, hình phạt dành cho những Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn,… được quảng bá là “nghiêm minh” nhưng “nghiêm minh” không được phép tiến xa hơn để truy cứu trách nhiệm những tổ chức, cá nhân bất chấp năng lực, tư chất của những Son, những Tuấn,… từng lựa chọn, qui hoạch, bổ nhiệm họ vào những vị trí cao nhất trong cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền, tạo điều kiện cho họ “tác oai, tác quái” tàn tệ hơn. “Nghiêm minh” cũng được “qui hoạch” cẩn thận nên chỉ có một số viên chức hữu trách ở Bộ Thông tin – Truyền thông “giơ đầu chịu báng”, dù can dự rất sâu nhưng tất cả những cá nhân có liên quan ở Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Công an cùng vô can!..

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét