Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

Việt Nam, xứ sở thần tiên của các nhà xản xuất bia.



 RFI

        Ảnh minh họa : Công ty bia Habeco - Hà Nội. Reuters

Việt Nam, xứ sở thần tiên của các nhà xản xuất bia. Trung Quốc : gian lận kết quả đo đạc chất lượng không khí ở Tây An bằng bông. Singapore cấm các tổ chức nước ngoài tài trợ cho các buổi diễu hành của người đồng tính. Phụ nữ Ba Lan lại tuần hành bảo vệ quyền được phá thai. Afghanistan, lò chế biến thuốc phiện lớn nhất thế giới. Tòa Lập Hiến Tây Ban Nha cho phép đấu bò tót ở vùng Catalunia. Trên đây là các chủ đề chính trong tạp chí Thế Giới Đó Đây ngày 29/10/2016.


 Việt Nam, xứ sở thần tiên của các nhà xản xuất bia

Ở Việt Nam, bia được coi là « nữ hoàng của các loại đồ uống ». Với số dân 93 triệu người, Việt Nam là nước có lượng tiêu thụ bia tính theo đầu người cao nhất châu Á. Theo số liệu của tổ chức Nghiên Cứu Thị Trường Euromonitor của Anh, vào năm 2015, người Việt Nam đã tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia.

Ông Kevin Snowball, giám đốc công ty quản lý quỹ PXP Vietnam Asset Management - có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh - đánh giá « Việt Nam là một trong những thị trường bia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới ». Chính vì thế, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường bia đầy hứa hẹn này.

Hai loại bia Việt Nam nổi tiếng nhất là Bia Sài Gòn của công ty Sabeco và Bia Hà Nội của công ty Habeco. Vẫn theo tổ chức Nghiên Cứu Thị Trường Euromonitor, hiện nay, phần lớn thị trường bia tại Việt Nam thuộc về hai nhà sản xuất bia này : Sabeco chiếm 45% thị phần và Habeco chiếm 17% thị phần. AFP gọi đó là « tinh hoa » của thị trường bia Việt Nam.

Hiện Nhà nước vẫn giữ gần 82% vốn điều lệ tại Habeco và gần 90% tại Sabeco. Nhưng mới đây, nhà nước muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào hai công ty bia này và chính quyền Việt Nam dự kiến bắt đầu bán cho tư nhân cổ phần Nhà Nước tại Habeco vào quý đầu năm 2017.

Kể từ khi chính phủ Việt Nam thông báo chủ trương này, nhiều hãng bia ngoại đã tỏ ý quan tâm đến việc mua cổ phần. Hiện nay, hãng bia Heineken chiếm 17% thị phần bia của Việt Nam. Các hãng bia Carlsberg hay Sapporo cũng đã mở các nhà máy bia tại Việt Nam.

Nhiều người dân Việt Nam cho biết họ yêu thích các loại bia nội nhưng cũng ủng hộ việc nhà nước bán cổ phần cho nước ngoài. Một chủ nhà hàng có bán Bia Sài Gòn trong nhà hàng nhỏ của mình tại Hà Nội chia sẻ là điều đó có thể giúp các công ty bia hoạt động hiệu quả hơn, vì công nghệ sản xuất bia hiện nay đã quá cũ và cần được cải tiến. Ông cũng cho biết là điều quan trọng nhất vẫn là chất lượng bia chứ không phải là việc các hãng nước ngoài nắm giữ cổ phần. Còn một vị khách hàng vốn yêu thích hương vị bia Hà Nội hơn là bia ngoại nhập cũng chia sẻ là không phản đối việc bán cổ phần cho nước ngoài, « miễn sao hương vị đặc biệt của bia được giữ nguyên ».

Trung Quốc : gian lận kết quả đo dạc chất lượng không khí ở Tây An bằng bông

Thành phố Tây An, ở miền Trung Trung Quốc vốn nổi tiếng thế giới với đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, giờ đây lại được thêm nhiều người biết đến nhờ các « chiêu trò gian dối » của các quan chức. Để mọi người tin là không khí không bị ô nhiễm, họ đã làm sai lệch kết quả của các thiết bị đo chất lượng không khí.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmitd kể lại :

« Sáng thứ Năm 27/10/2016, Tây An có không khí trong sạch, nếu người ta nhìn vào các con số chính thức. Nhưng các cố liệu này có đáng tin cậy hay không ? Người ta có quyền nghi ngờ, vì một vụ tai tiếng đã làm vấy bẩn danh tiếng của các nhân viên nhà nước làm nhiệm vụ đo đạc mức độ ô nhiễm của không khí.

Năm nhà chức trách địa phương đã bị bắt vì bị nghi ngờ làm giả các kết quả kiểm tra chất lượng không khí. Mẹo của họ là bịt bông vào đầu ống dẫn của các trạm đo đạc. Kết quả là : Tây An, vốn nổi tiếng với đội quân đất nung của Tần Thủy Hoàng, thu hút nhiều triệu du khách mỗi năm, lại bất ngờ có không khí trong sạch. Thế nhưng, các con số « bất thường » này khiến trung tâm quốc gia về giám sát môi trường nghi ngờ.

Tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace hy vọng vụ việc này sẽ cảnh tỉnh các quan chức. Theo tổ chức phi chính phủ này, các số liệu trung thực là cơ sở để thành công trong « cuộc đấu tranh chống ô nhiễm » mà chính phủ Trung Quốc quyết định tiến hành năm 2014. Trên thực tế, Bắc Kinh đã đưa ra các mục tiêu rất cao về giảm ô nhiễm không khí. Nhưng để đạt được các mục tiêu này, chính quyền các địa phương và các nhà máy lại gian lận ».

Singapore cấm các tổ chức nước ngoài tài trợ cho các cuộc diễu hành của người đồng tính

Ngày 21/10 vừa qua, chính quyền đảo quốc Singapore đã ra lệnh cấm các công ty, tổ chức nước ngoài tài trợ cho cuộc diễu hành thường niên của người đồng tính. Từ trước tới nay, các tổ chức nước ngoài thường tài trợ cho các chương trình này ở Singapore là Facebook, Google và ngân hàng Goldman Sachs.

Bộ trưởng Nội Vụ Singapore thông báo là kể từ tháng 11 năm nay, chỉ có các cá nhân và doanh nghiệp của Singapore mới được phép tài trợ cho các sự kiện, thường là các buổi tuần hành, trong đó có buổi tuần hành của người đồng tính, diễn ra tại công viên Speaker’s Corner. Các tổ chức nước ngoài sẽ phải xin phép nếu muốn tham gia vào các hoạt động kiểu này.

Vốn nổi tiếng là nước bảo thủ, vào tháng Sáu năm nay, chính quyền Singpapore đã yêu cầu Facebook, Google và ngân hàng Goldman Sachs không can dự vào công việc nội bộ của Singapore sau khi các tổ chức này đài thọ cho lễ hội thường niên Pink Dot của người đồng tính.

Năm 2009, lần đầu tiên tại đất nước đa chủng tộc có 5,6 triệu dân, nơi các hoạt động tập trung đông người bị kiểm soát gắt gao, lễ hội Pink Dot đã được tổ chức và thu hút 28.000 người tham gia, bất chấp phản ứng tiêu cực của các phe nhóm bảo thủ.

Tại Singapore, không có điều luật nào cấm thái độ kỳ thị với việc thể hiện giới tính và khuynh hướng tình dục. Pháp luật không công nhận cuộc sống chung của người đồng tính và đám cưới đồng tính cũng bị cấm.

Pink Dot được tổ chức nhằm phản đối việc người đồng tính bị kỳ thị và nhằm gây áp lực để hủy bỏ điều 377a trong bộ luật hình sự theo đó quan hệ tình dục giữa nam giới với nhau bị coi là trọng tội.

Phụ nữ Ba Lan lại tuần hành bảo vệ quyền được phá thai

Ba tuần sau khi biểu tình gây sức ép buộc chính quyền phải xem xét lại dự luật cấm hoàn toàn việc nạo phá thai, ngày 24/10 phụ nữ Ba Lan lại xuống đường đấu tranh bảo vệ quyền được phá thai. Và lần này, họ còn đấu tranh đòi có các hoạt động giáo dục về giới tính, bình đẳng giới và nhà nước thế tục.

Từ Vácxava, thông tín viên Damien Simonart tường thuật:

Ở lối ra bến tầu métro ở trung tâm Vácxava, hàng trăm phụ nữ đang ký các đơn kiến nghị do phong trào Bãi Công Của Phụ Nữ khởi xướng trước đó một ngày. Đơn kiến nghị gồm 11 mục, trong đó có mục nói tới quyền được giáo dục về giới tính và các biện pháp phòng tránh thai. Cô Dorota, 35 tuổi, đã ký đơn mà không hề ngần ngừ. Cô chia sẻ: “Tôi muốn làm mẹ nhưng tôi sợ! Tôi sợ nếu tôi hay con tôi có vấn đề và cần sự hỗ trợ trong quá trình mang thai nhưng lại không được đáp ứng nguyện vọng.”

Và trong ngày thứ Hai màu đen lần này, không có buổi tuần hành quy mô lớn nào nhưng có hàng trăm cuộc tập trung quy mô nhỏ rải rác trên cả nước với những hành động cụ thể. Tại Vácxava, một nhóm các nhà đấu tranh cho nữ quyền đã biểu tình lần lượt trước năm nhà thờ để đòi hỏi một nhà nước thế tục.

Trong số họ có cô Agnieszka, mẹ của hai đứa con. Cô phát biểu: “Tôi muốn nói với Giáo Hội là Giáo Hội không có quyền quyết định số phận của phụ nữ bởi vì đó không phải là nhiệm vụ của Giáo hội. Giáo Hội phải chăm lo để phụ nữ có cuộc sống đễ chịu hơn tại đất nước này, để chúng tôi cảm thấy tự do và được tôn trọng. Hiện nay, chúng tôi chưa có được điều này.”

Mặc dù đã bác bỏ dự luật về cấm hầu như hoàn toàn việc phá thai, nhưng chính quyền Ba Lan và Giáo Hội muốn thắt chặt luật hiện hành. Cuộc chiến của phụ nữ Ba Lan dường như vẫn chưa đi đến thắng lợi !

Afghanistan, lò sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới

Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới. Năm nay, thêm 10% diện tích trồng trọt của nước này được dành cho thuốc phiện. Trên tổng số 34 tỉnh, chỉ có 13 tỉnh là không trồng loại cây này. Sản xuất thuốc phiện là nguồn thu chủ yếu của tổ chức Taliban. Nhà chức trách Afghanistan đang kêu gọi cộng đồng quốc tế và các đối tác trong khu vực đóng góp và hợp tác hơn nữa trong cuộc chiến chống sản xuất thuốc phiện tại nước này.

Thông tín viên RFI Sonia Ghezali từ Kaboul kể lại :

« Diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng tới 324% tại miền Bắc nước này. Tỉnh Helmand ở miền Nam là tỉnh trồng nhiều cây thuốc phiện nhất : 59% tổng sản lượng thuốc phiện của cả nước.

Cuộc chiến chống cây thuốc phiện không còn được chú trọng trong năm 2016 do bạo lực gia tăng trên khắp đất nước. Nhưng người phụ trách cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hiệp Quốc nhắc nhở là cuộc chiến chống cây thuốc phiện là rất cần thiết : «Thuốc phiện thường gắn liền với tham nhũng, khủng bố và kém phát triển. Nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề này, và vấn đề kinh tế kèm theo, thì không thể giải quyết các khó khăn của Afghanistan ».

Đối diện với sự suy giảm trong công tác giúp đỡ từ phía quốc tế nhằm loại bỏ cây thuốc phiện, ông Andrey Avetisyan – phụ trách cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hiệp Quốc - đã cùng với nhà chức trách Afghanistan - tung ra lời kêu gọi : « Năm nay, mặc dù việc trồng cây thuốc phiện và sản xuất thuốc phiện có tăng nhẹ nhưng vẫn thấp hơn mức tăng cách đây 2 năm. Giờ đây, sản xuất đang suy giảm, chúng ta phải tranh thủ để hành động ».

Tòa Lập Hiến Tây Ban Nha cho phép đấu bò tót ở vùng Catalunia

Ngày 20/10, Tòa Lập Hiến Tây Ban Nha đã dỡ bỏ lệnh cấm đấu bò tót có hiệu lực từ bốn năm nay ở vùng Catalunia với lý do lệnh cấm đấu bò tót ở vùng Catalonia ảnh hưởng đến việc Nhà Nước Tây Ban Nha bảo vệ di sản văn hóa chung. Truyền thống đấu bò tót được xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể của Tây Ban Nha từ năm 2015.

Quyết định này không chỉ khiến các nhà bảo vệ động vật nổi giận, mà cả những người chủ trương chống Tây Ban Nha và đấu tranh giành độc lập cho vùng Catalonia cũng thấy bất bình. Họ mỉa mai quyết định này khi cho rằng « Tòa Lập Hiến hủy hoại thế kỷ XXI ». Còn bà Ana Bayle, đại diện Đảng chống hành hạ động vật coi quyết định này là « một điều bất hạnh » và cho biết chiến dịch vận động bãi bỏ các trận đấu bò tót sẽ vẫn tiếp tục.


Nguồn:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét