Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Tuyên bố chung về biển Đông: Úc là một trong ba nước trách cứ Trung Quốc

Dịch giả: Song Phan


Philip Wen (The Sydney Morning Herald)
Bắc Kinh: Chính phủ Úc cùng với Hoa Kỳ và Nhật Bản đã đưa ra một tuyên bố chung mạnh mẽ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của tòa án The Hague về Biển Đông.

Ba nước này đã đưa ra tuyên bố muộn hôm thứ Hai, cuối cuộc đối thoại chiến lược ba bên giữa các bộ trưởng Ngoại giao Julie Bishop của Úc, John Kerry của Mỹ và Fumio Kishida của Nhật Bản, bên lề hội nghị an ninh khu vực Đông Nam Á tại Vientiane, Lào.

Một máy bay ném bom Trung Quốc H-6K tuần tra các đảo và rạn đá ở  biển Đông. Ảnh: Xinhua/ AP

Đáng chú ý là tuyên bố này đi xa hơn tuyên bố chung thận trọng của 10 nước thành viên ASEAN, họp lần đầu tiên sau khi trọng tài công bố phán quyết ngày 12 tháng 7 nghiêng áp đảo về Philippines, và chống lại Trung Quốc. Tuyên bố chung của ASEAN không trực tiếp đề cập đến phán quyết, làm nổi rõ sự chia rẽ giữa các nước trong khu vực khi Bắc Kinh tiếp tục gây sức ép cả ngoại giao lẫn kinh tế.

Ngược lại, lời lẽ trực tiếp và bản chất có phối hợp trong tuyên bố ba bên của Úc, Nhật và Mỹ có khả năng làm Trung Quốc vốn đang đả kích các nước này ủng hộ phán quyết The Hague, càng phản kháng hơn nữa. Bắc Kinh xem những tuyên bố như vậy là bằng chứng can thiệp từ bên ngoài do Mỹ cầm đầu và là chứng cớ về việc Mỹ và các đồng minh chiến lược được thúc đẩy bởi mong muốn kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tuyên bố ba bên nêu, “Các Bộ trưởng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với việc quản lý theo luật pháp (rule of law), kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết ngày 12 tháng 7 của Tòa Trọng tài vụ Philippines –Trung Quốc vốn có tính chung thẩm và ràng buộc pháp lý đối với cả hai bên. Các Bộ trưởng nhấn mạnh rằng đây là một cơ hội cốt yếu cho khu vực để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp hiện có và thể hiện sự tôn trọng luật pháp quốc tế“.

Tuyên bố cũng bày tỏ “sự phản đối mạnh mẽ” đối với bất kỳ hành động cưỡng chế đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng ở biển Đông, trong khi kêu gọi tất cả các nước “ngưng các hành động như bồi đắp đất với quy mô lớn, và xây dựng các tiền đồn, cũng như sử dụng các tiền đồn đó cho mục đích quân sự”.

Thomas Mensah, luật gia và nhà ngoại giao Ghana, đã dám đương đầu với Trung Quốc khi chủ toạ toà trọng tài. Ảnh: Getty Images

Tòa Trọng tài Thường trực có trụ sở  ở The Hague phán rằng, yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết toàn bộ biển Đông là vô căn cứ. Hàm chứa trong phán quyết này là Trung Quốc không có chỗ đứng trong các tranh chấp khác với Malaysia, Brunei và Việt Nam, cũng là thành viên của ASEAN.

Nhưng ASEAN trở nên chia rẻ vì chính sách chia để trị của Trung Quốc với việc giành được sự ủng hộ của Campuchia, và trong một chừng mực nào đó của Lào, điều đó đã khiến cho nhóm đưa ra một tuyên bố chung nhạt nhẽo.

Tại Viêng Chăn, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vượng Nghị (Wang Yi) kêu gọi chấm dứt việc “thao túng chính trị và kích động” về biển Đông và nhắc lại mong muốn nhờ Mỹ giúp đỡ nối lại các cuộc đàm phán song phương trực tiếp giữa Bắc Kinh và Manila. Trong khi tại cuộc họp với Kishida, ông ta kêu gọi Nhật Bản, vốn không phải là một tranh chấp ở biển Đông, “tránh can thiệp và thổi phồng các vụ hục hặc trên biển”, theo Tân Hoa Xã.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét