Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Quyền lực bằng mọi giá: Chuyện đời thật của Giang Trạch Dân – Chương 4 – Phần 1

Tác giả: Epoch Times - Dịch giả: Daniel Nguyen


Chấp chính ở Thượng Hải

Con người của Giang Trạch Dân có một cơ duyên khó hiểu đối với Thượng Hải. Ông ta đã từng là Hán gian tại Nam Kinh, nhờ chuyển tới Đại học Giao thông Thượng Hải thành công mà một phần cái lý lịch Hán gian đã được xóa bỏ; thành tích của ông ta ở Bộ Công nghiệp Điện tử cũng bình bình, sau cũng nhờ đến Thượng Hải làm Thị trưởng kiêm Bí thư Thành ủy mới có cái cơ hội lợi dụng các vụ trấn áp sinh viên để nhuộm thắm màu hoa. Sau khi làm lên chức Tổng Bí thư, Giang Trạch Dân càng không tiếc công sức gây dựng cho bang phái Thượng Hải để ổn định quyền lực. Vừa gặp phải dịch SARS, nơi đầu tiên mà Giang Trạch Dân muốn trốn đến cũng là Thượng Hải.

Thời điểm Giang Trạch Dân đến Thượng Hải là vào năm 1985, đây là kết quả của cuộc tiến cử đầy nỗ lực của Bí thư Thành ủy Trần Quốc Đống và Thị trưởng Thượng Hải Uông Đạo Hàm. Việc làm đó của ông Trần và ông Uông không chỉ vì lo nghĩ cho “giang sơn hồng thắm”, mà cũng là vì mối ân xưa nghĩa cũ với Giang Thượng Thanh.

Giang Thượng Thanh từng là cấp trên cao nhất của ông Uông Đạo Hàm. Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Nhật, Uông Đạo Hàm được ông Giang Thượng Thanh chỉ đạo trực tiếp đến nhậm chức Bí thư Huyện ủy Huyện Hy Sơn tỉnh An Huy, còn ông Trần Quốc Đống cũng nhờ sự cất nhắc của Giang Thượng Thanh mới lên được chức huyện trưởng Huyện Linh Bích.

Hơn 40 năm sau, hai vị cán bộ ĐCSTQ xuất thân từ hệ thống Hoa Đông đã trở thành “đại sứ phong cương”. Thế nên bấy giờ họ hết lòng thể hiện tác dụng nâng đỡ đối với đứa cô nhi giả tạo của liệt sĩ họ Giang.

Nếu xét đến vai vế và lịch sử của những người tiến cử Giang Trạch Dân, không khó để nhìn ra rằng, chức vị cao cấp của Giang hoàn toàn không có quan hệ gì đến năng lực, mà chẳng qua là mượn danh của người đã khuất để trèo cao.

Thượng Hải là nơi mà các đại lão đại mẫu của ĐCSTQ thường đến dưỡng già, nhất là những người có thể thao túng Trung ương đảng như Trần Vân và Lý Tiên Niệm, đây chính là cơ hội tốt để cho Giang Trạch Dân lấy lòng cấp trên.

Ông Trần Vân vốn là người sinh ra tại Thượng Hải. Sau hội nghị Tuân Nghĩa, Hồng quân bỏ chạy về phía Bắc, ông Trần Vân nhận lệnh đến Thượng Hải để khôi phục các tổ chức bí mật của Đảng. Sau khi ĐCSTQ giành được chính quyền, ông Trần Vân từng nhậm chức Bí thư Phòng Bí thư Trung ương, đồng thời kiêm nhiệm chức Phó Tổng lý Chính vụ viện (sau đổi thành Quốc vụ viện) và chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính Quốc gia. Tất cả những cán bộ có quan hệ thân mật với ông Trần Vân, cơ hồ đều là những người chủ chốt trong các quy hoạch kinh tế, trên đài chính trị họ có thiên hướng nghiêng về cực tả, do đó có thể nói họ thuộc phe bảo thủ. Bao gồm cả những người như thông gia của ông Trần như Tống Nhậm Cùng (sau này kế nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Tổ chức Trung ương), Triệu Y Lâm (học trò của ông Trần), hệ thống cán bộ phía Hoa Đông hầu như đều là thân thích của ông Trần. Trong số này còn có cả chức phó của ông ta, như Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Kinh tế khu Hoa Đông, Ủy viên Thường trực Bộ chính trị Tăng Sơn (cha của Tăng Khánh Hồng). Những người khác như Trần Quốc Đống, Uông Đạo Hàm cho đến Bộ trưởng Bộ Tổ chức cục Hoa Đông Hồ Lập Giáo cũng từng đảm nhiệm nhiều chức vụ dưới trướng ông Trần Vân. Tuy nhiên Lý Tiên Niệm lại có biết bao nhiêu là mâu thuẫn trùng trùng với Đặng Tiểu Bình, có thái độ phủ định và hoài nghi đối với việc cải cách mở cửa.

Trong cuộc đọ sức giữa ông Đặng Tiểu Bình và hệ thống bang phái của Trần Vân, Lý Tiên Niệm, tuy rằng Đặng Tiểu Bình là hạt nhân lãnh đạo đời thứ hai, nhưng ông ta vẫn luôn chịu sự khống chế của Trần Vân và Lý Tiên Niệm, hai bên trước giờ vẫn chưa có bên nào chiếm được ưu thế thượng phong. Thị trưởng Thượng Hải Giang Trạch Dân lúc đó trong xương tủy vốn là một phần tử bảo thủ, thấy được “minh chủ” như ông Trần Vân liền cúc cung tận tụy, nhất mực hộ giá, ca ngợi hết mức về quy hoạch kinh tế, nhưng đối với bên Đặng Tiểu Bình, họ Giang cũng không dám đắc tội. Trước mặt những người như Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương, Giang Trạch Dân cũng ra mặt góp lời, cũng làm ra vẻ hứng thú với cải cách kinh tế.

Lần đầu thưởng thức hương vị dùng quyền lực trấn áp kẻ khác

Lúc Giang Trạch Dân vừa đến Thượng Hải cũng là lúc cuộc cải cách thành thị được xúc tiến, lão bá tính đột nhiên phát hiện mặt hàng thực phẩm phụ và các nhu yếu phẩm sinh hoạt trong vòng một năm đã vọt giá lên tới 17%. Đợt tăng giá này được ĐCSTQ gọi là điềm báo cho một sự đột phá về kinh tế. Không những không có sự đột phá mà ngược lại còn dấy lên trong xã hội một làn sóng bất mãn và khiến cho các sinh viên xuống đường, họ yêu cầu chính phủ phải giải quyết hai vấn đề: một là, việc tăng giá cả sinh hoạt; hai là, vấn đề tham nhũng của quan chức.

Đương thời, Trung ương Đảng vẫn còn nằm dưới quyền của ông Hồ Diệu Bang, ông Hồ đã bắt đầu tích cực xúc tiến cuộc cải cách thể chế chính trị. Bỗng dưng Giang Trạch Dân lại xuất hiện bằng gương mặt của phe cải cách. Giang đến trường đại học phát biểu diễn văn trước hàng vạn giáo sư và sinh viên, thừa nhận việc tăng giá hàng tiêu dùng là một điều nằm ngoài dự đoán, nhưng Giang lại giải thích thị trường kinh tế rốt cục cũng sẽ ổn định giá cả tại một phạm vi hợp lý nào đó. Các sinh viên lúc đó đã tin lời Giang.

Năm 1986 đã phát sinh ra mấy sự kiện: tháng 7, lúc đó Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Kỹ thuật Trung Quốc Phương Lệ Chi sau khi sang Mỹ học tiến sỹ tại Đại học Princeton trở về, đã phát biểu một loạt diễn văn, đề xướng lý niệm dân chủ. Tháng 9, “Dân chủ Tiến bộ Đảng (DPP)”  – một đảng chính trị đối lập đầu tiên tại Đài Loan được thành lập, 14 năm sau, đảng này đã giành được thắng lợi trong cuộc tuyển cử, bắt đầu hình thành mô hình luân phiên chấp chính của Trung Hoa dân quốc (Đài Loan). Tin tức này được phát sóng trên đài VOA của Mỹ và không ít sinh viên tại Trung Quốc đã nghe được tin tức này, cùng giống cùng nòi như Đài Loan cũng đã thành lập được Đảng đối lập, tin tức này đã khiến cho một số sinh viên có ý tưởng sơ khai về dân chủ cảm thấy phấn khởi.

Đến cuối năm, trong cuộc tuyển cử đại biểu cơ tầng cho tỉnh An Huy, Đảng ủy Đại học Khoa học Kỹ thuật không cho phép sinh viên và nghiên cứu sinh ứng tuyển với những người được phía quan chức chỉ định, điều đó đã dẫn đến một cuộc vận động chính trị. Đầu tháng 12, hàng vạn sinh viên trường Đại học Khoa học Kỹ thuật cùng với các trường cao đẳng, trung cấp ở Hợp Phì đã xuống đường biểu tình hai lần. Tin tức này đưa đến Thượng Hải, khiến cho quy mô của cuộc vận động được khuếch trương, sinh viên các trường đại học Đồng Tế Thượng Hải, Đại học Giao thông ùn ùn xuống đường hô ứng, yêu cầu dân chủ, tự do, bình đẳng, đồng thời đề xuất phế bỏ chuyên chế độc tài.

Sinh viên Thượng Hải yêu cầu đối thoại với Giang Trạch Dân, đồng thời đề xuất cải cách chính trị, tự do tin tức, nới lỏng kiềm kẹp. Giang Trạch Dân đã dẫn Cục trưởng Cục Tuyên truyền Trần Chí Lập đối thoại với sinh viên Đại học Giao thông Thượng Hải vào ngày 8 tháng 12. Những điều được tiết lộ từ cuộc đối thoại này quả là giàu chất hài kịch.

Lúc Giang Trạch Dân “thượng đài” là có mang theo “bài vở”, Giang mang một cặp kính lão, mở ra một trang giấy, bắt đầu giảng giải về thành tựu của kế hoạch kinh tế 5 năm, nhưng đây vốn là thứ mà các sinh viên không hề hứng thú, ba ngàn sinh viên dưới đài “xùy xuỵt” râm ran. Giang Trạch Dân phẫn nộ ngẩng đầu lên, vừa cười khểnh vừa nhìn xoáy vào đám sinh viên, xem xem ai đã “xuỳ xuỵt” dưới đó.

Đám sinh viên vẫn “xùy xuỵt” như thường. Có người còn đánh hống lên: “Cái mà ông nói ấy, chúng tôi ngày ngày đều xem trên ti vi đài báo rồi, bây giờ ông nên nghe chúng tôi nói trước đi!” Các sinh viên khác bắt đầu hô khẩu hiệu kháng nghị.

Giang Trạch Dân chỉ ngay vào mặt “cái đứa đang xùy xuỵt hăng nhất” nói với giọng đầy nghiêm trọng: “Cậu xùy xuỵt tôi cũng như không, tôi nói cho cậu biết sóng to gió lớn nào tôi cũng thấy qua rồi! Cậu tên là gì? Cậu dám lên đây không? Cậu dám lên đây nói không?”

Chả ngờ cậu sinh viên ấy lại dám lên thật, tay cầm micro, sang sảng nói về quan điểm dân chủ của mình. Mười mấy sinh viên khác cũng nhảy lên, đứng đối diện với Giang Trạch Dân, chuẩn bị lý luận cùng với ông ta, cái trận thế này khiến cho hai chân Giang phải run lẩy bẩy. Các sinh viên này yêu cầu tự do tin tức, yêu cầu đưa tin công khai, công chính đối với các hoạt động diễu hành biểu tình, yêu cầu các trang báo lớn tiến hành biện luận. Các phát ngôn của những sinh viên này đã hấp dẫn sự chú ý của tất cả những ai bên dưới.

Điều khiến cho Giang chấn kinh thất sắc nhất, là các sinh viên đã hỏi trúng một vấn đề vô cùng nhạy cảm “Ông thế nào mà làm lên chức Thị trưởng đấy?” Giang vừa gượng gạo nhếch lấy một nụ cười, vừa lủi mất ra đằng sau, lủi thẳng ra sau khán đài, đồng thời nhân lúc mọi người không chú ý, ra hiệu bảo người cùng đi theo là Trần Chí Lập dùng máy ảnh chụp lại gương mặt của từng người đứng trên đài, để sau này tiện tay tính sổ.

Sau một đợt diễn giảng đầy kích động của các sinh viên, cuối cùng cũng đến lượt Giang Trạch Dân lên tiếng, “Mới nãy tôi vừa tới sân trường, thì đã nhìn thấy cái dòng tít lớn của các anh chị”, Giang gắng gượng kéo ra một nụ cười trên mặt, “Anh chị yêu cầu kiến lập một chính phủ ‘dân hữu, dân trị, dân hưởng’, đây là từ bài phát biểu của Lincoln tại buổi tưởng niệm chiến sĩ vong trận trong nội chiến Mỹ tại nghĩa trang Gettysburg vào ngày 19 tháng 11 năm 1863. Bây giờ tôi xin hỏi các anh các chị, ai có thể đọc lại thuộc lòng bài diễn thuyết này từng chữ từng chữ một?”

Những sinh viên kích động ấy không biết trong cái hồ lô của Giang chứa thứ thuốc gì, đều không nói năng gì nữa. Đối mặt với sự im lặng của các sinh viên, một người giỏi bày trò di chuyển mục tiêu như Giang Trạch Dân tự nhiên khôi phục được tự tin. Ông ta vỗ bụng mấy cái, e hèm vài tiếng, bắt đầu dùng tiếng Anh đọc tụng lời mở đầu trong hiến pháp của nước Mỹ cho đến bài diễn văn Gettysburg của Lincoln mà buổi tối hôm trước Giang đã miệt mài ghi nhớ.

Không thể phủ nhận được, năm ấy sau cuộc Văn Cách “oanh oanh liệt liệt”, thời kỳ đầu mở cửa, trình độ Anh văn của các sinh viên đa phần là hơi kém, Giang Trạch Dân cứ tụng một hơi như vậy, đến chỗ nào không nhớ thì bày đặt dừng lại, dương dương tự đắc mà hỏi bên dưới: “Nghe có hiểu không? Tôi nói cho các anh các chị, tình hình của nước Mỹ khác với Trung Quốc…” Chính lúc Giang Trạch Dân đang thao thao bất tuyệt nào là dân chủ phải có tiền đề lãnh đạo của đảng, một sinh lớn tiếng hô to “chúng ta bây giờ cần được tự do biểu tình – như hiến pháp quy định, và tin tức truyền thông công khai!” Lúc này Giang đã lấy lại được nụ cười, bộ mặt đầy bí hiểm: “Ai cản trở giao thông, phá hoại sản xuất tức là cản trở cải cách, do đó cần phải chịu trách nhiệm chính trị!” Đương nhiên điều này dọa không nổi các sinh viên. Bất cứ một cuộc biểu tình diễu hành của quốc gia nào cũng không hề phương hại đến tình hình giao thông, nếu như lấy cái lý do này để hạn chế, đương nhiên cũng không tồn tại chuyện hiến pháp có quy định quyền lợi biểu tình của công dân. Các sinh viên cứng mềm chẳng chịu này tuy rằng không có cơ hội cầm lấy micro, nhưng vẫn cứ đối đầu hừng hực với Giang.

Cuộc gặp buổi chiều kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ, không khí bắt đầu tăng nhiệt. Giang nói láo là có hoạt động ngoại sự và rời khỏi hội trường. Bởi vì tâm hoảng ý loạn, nôn nóng bỏ chạy, lúc ra khỏi đó đầu Giang còn bị va vào cánh cửa, tuy rằng vết thương không sâu lắm nhưng có chảy nhiều máu. Giang cũng chẳng quản băng bó gì, chỉ dùng tay bịt trán cấp rập đi ra, chui thẳng vào xe rồi chuồn mất. Việc Giang Trạch Dân hoảng sợ phải bỏ chạy đã trở thành câu chuyện vui cho các sinh viên truyền tụng trong thời gian dài.

Thị trưởng Thượng Hải Giang Trạch Dân trở về văn phòng, việc đầu tiên là tự mình gọi điện đến Bí thư Đảng ủy Đại học Giao thông Hà Hữu Thanh, bảo ông ta đến chỗ Trần Chí Lập lấy những bức ảnh chụp các sinh viên to gan ban chiều, đồng thời dặn dò ông ta là phải tìm cho ra danh tính và tên lớp của các sinh viên này. Hà Hữu Thanh ý thức được tính nghiêm trọng của vấn đề nên vâng lời răm rắp.

Ngay sau đó Giang Trạch Dân có chỉ thị, đại học Giao thông Thượng Hải vì đang thực hiện tự do hóa giai cấp tư sản, cần phải phong bế mọi hội nhóm của sinh viên và các ấn phẩm cho sinh viên, trừ vũ hội ra, không tổ chức bất cứ một hoạt động tập thể nào. Giang Trạch Dân lúc đó đã bắt đầu sử dụng chiêu thoả mãn những mong muốn cơ bản hơn của dân chúng, qua đó đánh lạc hướng sự chú ý của họ đối với dân chủ và nhân quyền, chiêu này rất có hiệu quả. Đến năm 1989 khi phong trào sinh viên lại nổi lên, các cuộc biểu tình của sinh viên các nơi được liên kết chặt chẽ, sinh viên Đại học Giao thông Thượng Hải vẫn cứ đóng cửa mà tổ chức vũ hội thâu đêm. Trước khi sinh viên Bắc Kinh tổ chức tuyệt thực vào 13 tháng 5 năm 1989, sinh viên các trường khác của Thượng Hải đều ra mặt biểu tình ủng hộ, nhưng sinh viên Đại học Giao thông vẫn cứ ngày ngày tổ chức vũ hội. Mãi cho đến ngày 19 tháng 5 năm 1989 trước ngày giới nghiêm, sinh viên Đại học Giao thông mới ra mặt tham dự cuộc biểu tình với quy mô lớn.

Cuộc đối thoại giữa Giang Trạch Dân và các sinh viên Đại học Giao thông đã bước sang ngày thứ hai, sinh viên đổ ùn ùn ra phố, sau khi tập hợp ở quảng trường Nhân Dân họ diễu hành đến cơ quan chính quyền thành phố, yêu cầu tiếp tục đối thoại với Giang Trạch Dân. Toàn bộ quá trình hội kiến ấy lặp lại y hệt như hôm trước. Lần này thì Giang Trạch Dân đã có thêm kinh nghiệm, trước đó đã lệnh cho 2000 cảnh sát đứng ở quảng trường chờ chỉ thị. Có được sự bảo vệ của bạo lực, Giang Trạch Dân đã không cười gượng nữa mà thái độ đã trở nên cứng hơn, một ly cũng không nhường. Cuộc đối thoại đã thất bại, những sinh viên bắt đầu bị cảnh sát giải tán, những người chống đối nhất được tống lên xe buýt chở đi, các sinh viên này liền tan đàn rã đám. Trong hai ngày này, Giang đã thể nghiệm được sự quan trọng của quyền bính cũng như mùi vị dùng vũ lực trấn áp kẻ khác.

Một người luôn ôm dã tâm báo thù như Giang tuyệt không bỏ qua cho bất cứ kẻ nào không chịu phục tùng, đương nhiên Giang sẽ không quên những sinh viên dám khiêu chiến Giang trước đám đông và đã làm cho Giang bẽ mặt. Những sinh viên bị Trần Chí Lập chụp hình lại không cùng một cấp học, thời gian tốt nghiệp cũng bất đồng, lúc đó Trung Quốc thực thi chế độ phân phối sinh viên tốt nghiệp đến các địa phương. Thân là Thị trưởng – Giang Trạch Dân vẫn cứ tận lực truy dấu tình hình phân phối tốt nghiệp của các sinh viên này, cho đến khi từng người trong bọn họ – không sót một ai – đều bị phân đến những vùng hẻo lánh xa xôi, sơn cùng cước tận mới thôi.


Nguồn: Đại Kỷ Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét