Thứ Ba, 26 tháng 7, 2016

Đại biểu Quốc hội giữa Đảng và dân?



Việt Nam đã quyết định đổi mới kinh tế nhưng đổi mới chính trị thì chưa bàn tới, Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận nhận xét

Đại biểu Quốc hội ở Việt Nam có "nhiệm vụ đảng viên là số một, thứ hai là thay mặt cử tri", theo nhận xét của nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam. Luật sư Trần Quốc Thuận tham gia Bàn tròn thứ Năm, hôm 21/07 của BBC Tiếng Việt.
Ông Trần Quốc Thuận nhắc tới 'vòng kim cô' mà các đại biểu Quốc hội mang theo, nhằm nhắc tới trách nhiệm trước hết nghe theo Đảng quyết, với hơn 90% số đại biểu là đảng viên.
"Vòng kim cô đó cũng là nguồn cơn của việc Quốc hội còn nợ dân Hiến pháp và nhiều luật, trong đó hai luật quan trọng nhất là luật biểu tình và lập hội, thì phải như vậy sẽ có những tiếng nói linh hoạt và linh động hơn," ông nói.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết, "những vấn đề cực kỳ quan trọng phải được Bộ Chính trị bật đèn xanh thì câu chuyện mới mở ra hoặc có điểm dừng.

"...Đảng đã quyết gì thì họ là Đảng viên họ phải quyết theo Đảng. Một đại biểu Quốc hội phải làm hai nhiệm vụ, nhiệm vụ đảng viên là số một, rồi nhiệm vụ thứ hai là thay mặt cử tri."

Ông giải thích, tuy tại Quốc hội tiếng nói cử tri cũng được lắng nghe nhiều, nhưng "những tiếng nói đó thường không đi đến được quyết sách cuối cùng, thì người ta bị thất vọng," vị cựu đại biểu Quốc hội nhận xét.

Theo thống kê chính thức, Quốc hội khóa 14 vừa được bầu tại Việt Nam có 496 đại biểu, trong đó có 21 người là người ngoài đảng cộng sản (chiếm 4,20%).

'Đảng hay Dân?'

Tham gia thảo luận còn có cựu đại biểu Quốc hội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết từ Hà Nội.

Bình luận về việc số đại biểu ngoài Đảng trong Quốc hội khóa XIV đã giảm xuống một nửa so với khóa trước, và câu hỏi, với số lượng Đảng viên như vậy, thì quốc hội là cơ quan của Đảng hay của dân, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng vẫn có rất nhiều ý kiến rất đa dạng".

"Người ta vẫn tranh luận với nhau, và thậm chí là tranh luận với lãnh đạo ở cấp ủy cao hơn mình.

"Nhưng tôi nghĩ nó còn phụ thuộc vào chính người Đảng viên ấy, đại biểu Quốc hội ấy. Nếu mỗi đại biểu Quốc hội mà còn sợ vòng kim cô thì không còn gì để nói. Cái gì mà luật pháp cho phép thì mình được làm.

"Còn số 4% người ngoài Đảng, đây cũng là những quần chúng tích cực của Đảng," nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, XII trả lời.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam Trần Quốc Thuận nói thêm rằng, tuy Việt Nam đã tuyên bố đổi mới kinh tế, nhưng đòi hỏi hiện nay cho thấy cần bàn về đổi mới chính trị.

"Tôi hy vọng rằng khóa này sẽ có một hội nghị để bàn về đổi mới chính trị. Đổi mới chính trị có thể dẫn tới những đổi mới rất lớn, trong đó nổi bật nhất là cải tổ Quốc hội," luật sư Trần Quốc Thuận nói trong Bàn tròn thứ Năm, hôm 21/07 của BBC Tiếng Việt.

"Nhiều lúc tôi cũng hỏi lãnh đạo cấp cao, thì họ nói rằng nói thì thế nhưng ai dám khởi xướng chuyện này? Chuyện cũng không đơn giản."

Một điểm tích cực trong kỳ họp Quốc hội lần này, theo Luật sư Trần Quốc Thuận, là ngay từ buổi khai mạc đã nhắc tới vụ thảm họa môi trường do Formosa gây ra.

Ngoài ra, vấn đề tranh chấp với Trung Quốc "đã nêu đích danh Trung Quốc xâm lấn, gây hấn, tấn công ngư dân, đâm phá tàu thuyền... thì điều này được đặt trong một diễn đàn như thế, tôi cho đó là bước tiến," luật sư nhận xét.

Tuy nhiên khi chị Cao Vĩnh Thịnh, hoạt động về môi trường ở Hà Nội và tham gia thảo luận, đặt câu hỏi rằng đại biểu Quốc hội ở đâu khi thảm họa cá chết hàng loạt diễn ra trong suốt hơn ba tháng "làm người dân khốn đốn", hai vị cựu dân biểu cùng cho đây là câu hỏi chính đáng cần được chuyển tới Quốc hội khóa này.

Khi được hỏi chị Thịnh có tin rằng Quốc hội Việt Nam đại diện cho tiếng nói của người dân, chị cho biết, "với tư cách là cử tri, tôi không có lựa chọn nào khác cho việc tin vào những người mà trên lý thuyết là họ đại diện cho quyền lợi của chúng tôi.

"Còn tin hay chưa thì tôi chưa tin, và tôi thất vọng," chị Thịnh nói.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét