Thứ Ba, 26 tháng 4, 2016

Chúng tôi chọn tôm cá

Tịnh Mộc Thường

Ông Chu Xuân Phàm. Ảnh: 24h.
Ông Chu Xuân Phàm. Ảnh: 24h.

Hôm nay báo Tuổi Trẻ đăng tin (25-04-2016) rằng Ông Chu Xuân Phàm, Trưởng văn phòng Forsoma tại Hà Nội, muốn biết người dân chúng tôi chọn gì giữa tôm cá và nhà máy của Forsoma tại Hà Tĩnh.

Tôi nói cho Ông rõ rằng chúng tôi chọn tôm cá. Nếu như Forsoma làm ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thì chúng tôi yêu cầu Forsoma đóng cửa và dọn đi chỗ khác. Hai mươi tám tỷ USD là số tiền Forsoma đầu tư cho dự án tại Vũng Áng, số tiền đó vô cùng lớn, và rất có giá trị kinh tế. Nhưng người dân chúng tôi vẫn chọn ưu tiên môi trường sống trong lành, an toàn hơn là có tiền nhưng sống trong môi trường ô nhiễm. 


Dân tôi có câu nói này: “đói cho sạch và rách cho thơm”. Chỉ câu nói đó thôi, Forsoma nên tự biết phải làm gì. Ông Chu, tôi không biết Ông là ai đến từ đâu? Nhưng nếu văn hóa chọn tiền thay vì chọn môi trường sạch sẽ an toàn là văn hóa của Ông thì Ông không hiểu gì về văn hóa người Việt. Nếu Ông là người Việt thì làm ơn học lại văn hóa, nếu Ông không phải người Việt thì mời Ông đi chỗ khác. Đừng ở đây làm ô nhiễm môi trường Việt Nam.

Theo thông tin các báo đăng tải, cá chết hàng loạt rất bất thường, tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và nhiều nơi dọc bờ biển Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cá chết có thể do thiên tai hoặc nhân tai. Nhưng nguyên nhân thiên tai đã được loại bỏ bởi Viện Hàn Lâm Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam. Nhiệt độ và độ mặn của nước biển cũng không biến đổi lớn đến mức gây chết cá hàng loạt như vậy, vì nếu có biến đổi lớn nhất định người dân đi biển sẽ biết. Vậy nguyên nhân còn lại là do nhân tai. Chẳng lẽ dân ven biến xúm nhau “đái” xuống biển cho cá tôm chết? Không phải, vì nước tiểu không độc như vậy.

Vậy đâu là nguyên nhân cá chết hàng loạt? 

Chúng ta phải bắt đầu từ hiện tượng lượng tôm cá giảm đi nhiều trong khu vực biển, nơi mà Forsoma sả nước thải. Quan sát của dân địa phương cho biết từ khi Forsama xả nước thải ra, lượng cá tôm giảm đi thấy rõ. Vậy chính nước thải từ Forsama làm giảm lượng cá tôm sinh sống trong khu vực này. Nước thải từ Forsoma gây giảm lượng tôm cá trong vùng có thể theo nhiều nguyên nhân: (a) tôm cá mới sinh ra còn nhỏ không đủ  khả năng kháng/tránh chất độc hại trong môi trường nước nên chết đi, vì vậy với thời gian lượng tôm cá trong vùng không tái sinh kịp so với lượng bị đánh bắt, (b) môi trường nước bị ô nhiễm nên cá tôm di chuyển đi chỗ khác để sinh sống hoặc chết đi một phần.   

Ngày 6 tháng 04 năm 2016, cá chết hàng loạt được phát hiện ở nhiều nơi thuộc thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Cho đến giữa tháng 04 thì phát hiện cá chết với số lượng lớn tại các nơi khác dọc ven biển Quảng Bình, Quảng Trị và Huế (ước tính chiều dài bờ biển có cá chết nhiều là 250 km). Mặc dù đến thời điểm này chưa có đủ chứng cứ khoa học xác thực về nguyên nhân cá chết nhưng có thể nghi ngờ chính nước thải từ Forsoma gây ô nhiễm môi trường nước biển trong khu vực, đầu độc cá và làm cá chết với số lượng rất lớn. Nếu kiểm tra môi trường khu vực gần miệng ống xả thải của Forsoma có thể tìm thêm các chứng cứ khác như các sinh vật biển khác (rong reo tảo, tôm, mực, ốc…) có chết không? Nếu có chết thì chất độc là đến từ ống xả thải của Forsoma.

Thông thường cá sẽ biết được môi trường nước có sống được hay không, nếu như môi trường ô nhiễm hay không phù hợp để sinh trưởng, cá sẽ di chuyển đi chỗ khác. Nhưng tại sao ở đây cá chết hàng loạt và chỉ tập trung trong thời gian khoảng 10 ngày?  Thêm vào đó lượng nước biển là vô cùng lớn (sâu hơn 10 m) và luôn luôn biến động do các dòng nước di chuyển kèm theo hiện tượng khuyếch tán tự nhiên (do nhiệt) của các phân tử hóa chất (và nước). Vậy cá chết là do (i) chất có độc tố rất mạnh phân bố rộng, gây ngộ độc nhanh khiến cá khi tiếp xúc không kịp chạy thoát thân, (j) nồng độ độc tố cao và phân bố rộng, (k) cả hai nguyên nhân vừa nêu. Không phải là một chất độc mà là nhiều chất cùng tác động.

Nếu độc tố này là do Forsoma thải ra, vậy họ thải ra từ thời điểm nào, bao lâu?

Cá bắt đầu chết ở thị xã Kỳ Anh ngày 06 tháng 04 và kết thúc hiện tượng chết tại thị xã Kỳ Anh tầm giữa tháng tư. Như vậy, Forsoma đã thải liên tục ra biển khối lượng lớn chất độc trong vòng tầm 10 ngày. Forsoma có thể đã bắt đầu xả nước thải chứa độc tố trong khoảng ngày 1 đến ngày 2 tháng 04 và kết thúc tầm ngày 7-8 tháng 04. Lượng chất thải phải được tích tụ đủ lớn để gây chết hàng loạt tại Kỳ Anh trước khi dòng nước độc này di chuyển xuống các tỉnh khác.  

Họ thải ra bao nhiêu nước thải? 

Phải xem thông số bơm ở đầu trên đường ống thải. Nhưng thông số này vẫn chưa đủ vì người vận hành có thể điều chỉnh đồng hồ đo. Vậy phải xem họ đã tiêu thụ bao nhiêu nước trong thời gian đầu tháng cho đến giữa tháng 04. Nếu biết được thông số này có thể ước tính lượng nước họ thải ra biển. Có thể ước lượng thể tích khối nước độc dọc ven biển (gồm những nơi cá chết hàng loạt đồng thời).

Họ thải chất gì và bao nhiêu trong nước thải?

Phải xem trong thời gian cuối tháng 03 và đầu tháng 04 họ đã tiêu dùng những hóa chất nào, bao nhiêu và vào thời điểm nào thì sẽ biết được. Điều tra cái này thì không ai giỏi bằng Công An. Danh mục các chất (như chống ăn mòn, chống gỉ, chống khuẩn…) của Forsoma do báo Tuổi Trẻ cung cấp chỉ là danh sách tên thương mại. Danh sách này chỉ cung cấp tên thương mại các chất Forsoma mua về, nhưng không cung cấp những chất và hàm lượng đã tiêu dùng trong thời gian qua. Một số chất tìm được trên Internet, cho thấy chúng rất độc, có thể gây chết người như: SPECTRUS NX1106, RORSHIELD NTD4203.

Forsoma cho rằng họ thải nước đạt tiêu chuẩn môi trường ra biển? 

Để biết thông tin này có chính xác không thì chỉ có một cách duy nhất là hỏi cơ quan quản lý môi trường Hà Tĩnh. Cơ quan này có chức năng theo dõi đo đạc thường xuyên, định kỳ, đột xuất để kiểm tra chất lượng nước thải của Forsoma. Nếu cơ quan này không thu thập đủ số liệu chính xác thì chúng ta không có cách nào biết được chất lượng nước thải của Forsoma mấy ngày qua (trước và trong khi cá chết). Không nên tin vào các thông số do hệ thống đo đạc tự động của Forsoma. Vì các giá trị chuẩn (chuyên ngành gọi là set point) của hệ thống đo đạt được điều chỉnh dễ dàng. Cho nên dù nước thải không đạt chất lượng cũng dễ dàng “by pass” (lọt qua, đi vòng) hệ thống kiểm soát tự động. Nếu thực sự Forsoma tuân thủ tiêu chuẩn về môi trường của Việt Nam vậy tiêu chuẩn này phải có vấn đề nghiêm trọng!

Vậy làm sao có thể khép tội cho Forsoma? 

Chỉ còn cách duy nhất là thu thập nhanh nhất có thể (nếu không chất độc sẽ khuyếch tán đi) và tìm độc tố có trong mẫu “bẩn”: nước biển, đất (lòng biển), rong reo gần miệng ống xả, cặn bã nằm trong ống, miệng ống thải, trong xác cá chết. Các thông tin liên quan đến độc tố trong các mẫu này cần so sánh đối chiếu với các mẫu “sạch” (mẫu chuẩn): nước biển nơi không có cá chết, cá khỏe mạnh  để biết thông số nào là khác thường. Cuối cùng là tìm ra sự trùng hợp giữa hóa chất mà Forsoma đã sử dụng và độc tố có trong các mẫu “bẩn”. Nếu sự trùng hợp này là đúng, vậy Forsoma đã gây ra thảm họa môi trường cho khu vực các Tỉnh, gây tổn hại nghiêm trọng môi trường và kinh tế. Lúc này Forsoma có trách nhiệm bồi thường và khắc phục hậu quả:

1) Lập tức đóng cửa nhà máy cho đến khi Forsoma đầu tư công nghệ xử lý tốt nước thải. Chất lượng nước thải sẽ được đánh giá qua môi trường sống của sinh vật biển, nơi gần miệng ống thải, có tốt không. Các sinh vật biển có sống tốt không? Nếu tốt thì chất lượng nước thải đạt yêu cầu.
2) Forsoma phải bồi thường thiệt hại kinh tế và tinh thần cho dân trong vùng bị thiệt hại.
3) Forsoma phải bồi hoàn chi phí cho Nhà Nước, chi phí để xử lí vụ Cá chết hàng loạt (thanh tra, kiểm tra, điều tra…).

Trách nhiệm của cơ quan quản lý môi trường Hà Tĩnh:

Phải thiết lập hệ thống đo đạc độc lập và đủ độ tin cậy các thông số của nước thải từ Forsoma. Yêu cầu cấp trên cho phép cơ quản quản lý của Hà Tĩnh có quyền kiểm tra đột xuất hoạt động của Forsoma.

Nhắn các cơ quan quản lý môi trường toàn quốc: Hãy bảo vệ môi trường sống của ta cho an toàn. Không chỉ an toàn cho người mà cho các loài sinh vật khác


Nguồn: anhbasam.wordpress

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét