Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Một nhà báo Hà Nội bị ‘đánh dã man’


 
Các báo Việt Nam đưa tin về vụ ông Đỗ Doãn Hoàng bị đánh

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, báo Lao Động, bị ba đối tượng lạ mặt dùng gậy đánh khiến ông bị thương nặng, trong lúc Hội Nhà báo Việt Nam đã liên lạc với giới chức.

Tuy vậy, một phóng viên khác cho rằng ‘người làm báo tại Việt Nam phải tự phòng vệ vì hội đoàn chỉ biết gửi công văn’.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng ở Hà Nội, được nhiều người biết đến qua phóng sự du ký và đoạt giải báo chí quốc gia.

Báo Lao Động hôm 25/3 tường thuật lời ông Hoàng: “Sáng 23/3, tôi đi thực hiện nhiệm vụ cơ quan giao, khi đến khu vực phía sau chung cư Kim Lũ thì thấy ba người đàn ông cao to cầm gậy chặn đường. Tôi nghe một tiếng “đánh thôi” và bất ngờ ba người cầm gậy xông đến đánh tới tấp”.

“Tôi hô là đánh nhầm người rồi, nhưng ba đối tượng này nói “không nhầm đâu, cứ đánh đi”.

Báo này mô tả phóng viên “do vẫn đội mũ bảo hiểm nên phần đầu không bị ảnh hưởng nhưng ngón tay trỏ của bàn tay phải đã bị đánh nát, nhiều vết trên người bị sưng to, trầy xước, bầm tím…”.
‘Đau lòng’

Hôm 25/3, trả lời BBC từ TP. Hồ Chí Minh, nhà báo Hoài Nam, cựu phóng viên báo Thanh Niên, cho hay: “Lý do ông Doãn Hoàng bị đánh thì phải đợi cơ quan điều tra công bố, nhưng đây không phải trường hợp đầu tiên các phóng viên điều tra bị hành hung”.

“Hầu hết các phóng viên trong mảng điều tra đều bị đe dọa nhưng khi có vụ hành hung nhà báo xảy ra thì ban biên tập báo hoặc Hội Nhà báo cũng chỉ ra công văn đề nghị công an điều tra thôi, chứ không có luật nào bảo vệ họ trong lúc tác nghiệp hết”, ông Nam nói thêm.

Ông cũng kể về trường hợp của mình khi phanh phui vụ rau bẩn vào siêu thị năm 2014 đã bị hợp tác xã rau ‘nhờ công an vào cuộc’.

“Sau đó, công an gửi công văn đến tòa soạn hỏi địa chỉ nhà phóng viên, báo Thanh Niên cho luôn. Đau lòng như thế đấy. Nghe tới công an, ban biên tập báo Thanh Niên teo hết rồi thì làm sao bảo vệ được phóng viên”.

Nhà báo này cho biết: “Phóng viên điều tra phải tự biết những cách phòng vệ, chẳng hạn đổi số điện thoại liên tục, thay đổi lộ trình mỗi ngày, nắm kỹ luật, hóa trang thật giống người trong khu vực khi đi viết bài, luôn cảnh giác và không la cà…”.

Hôm 25/3, ông Thuận Hữu, Tổng Biên tập báo Nhân Dân kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam xác nhận với BBC: “Hội đã gửi công văn đến cơ quan chức năng và đang đợi kết quả điều tra”.

“Anh cứ yên tâm, người dân thường còn được pháp luật bảo vệ huống chi nhà báo,” ông nói.


 Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét