Thứ Tư, 30 tháng 3, 2016

Chè xanh, thuốc lào ở Hà Nội - Liêu Thái



HÀ NỘI (NV) - Ðến Hà Nội, ngoài đến với phở mắng, cháo chửi, bến xe chật ních những tay giang hồ đội nón cối, chỉ cần sờ tay vào đồ vật của khách được một cái là quay sang đòi tiền bốc vác,... còn có một Hà Nội khác nằm khuất mình dưới những bức tường, những mái hiên cũ kỹ và nằm khuất trong mỗi sớm tinh mơ hoặc những buổi chiều tà... là những quán chè (trà) xanh, thuốc lào.


             Quán chè xanh ở góc phố hàng Quạt, Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Nói đến chè xanh thì phải nhắc đến thuốc lào, hai thứ này đi đôi với nhau như một cặp bài trùng. Bất kỳ quán chè xanh nào trên đất Bắc nếu không có điếu cày hoặc điếu ấm, điếu bát thì xem như chưa phải quán chè xanh và hầu như là mất hết ý vị nếu lỡ ngồi phải quán không có ba loại điếu này.


Ðiếu cày là loại được dùng phổ biến nhất so với điếu ấm và điếu bát, hai loại điếu được các nghệ nhân làng gốm sứ Bát Tràng sản xuất bán cho giới nhà giàu thời xưa. Ðiếu ấm và điếu bát chỉ dành cho những ông nhà giàu, giới quan lại và có vẻ như hiếm khi nó xuất hiện ở các hàng chè xanh, chè nụ vối. Ở các hàng này chỉ có điếu cày.

Nói về điếu cày, loại phổ dụng nhất vẫn là loại làm bằng ống tre, ống nứa hoặc ống cây luồng đực, tức cây tre miền Bắc ít có gai và ống to, thân thẳng, những cây đực thì ống nhỏ hơn và thịt cũng chắc hơn. Người ta cưa một đoạn tre chừng 1 mét, một đầu có mắt để giữ nước, đầu kia thông thiên để đặt miệng vào hút. Sau đó người ta khoan một lỗ trên thân ống luồng, đặt tẩu thuốc và nhém kỹ cho kín hơi. Sau cùng là đổ nước vào ngập phần thân của ống tẩu, ngập vừa mức không bị xì nước lên miệng tẩu. Coi như có một điếu cày để hút.


                    Ðiếu cày hút thuốc lào trong quán chè xanh. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Việc hút thuốc lào thì chắc không cần bàn nhiều, nhém thuốc cho gọn vào đầu tẩu, châm lửa rít mồi cho thuốc cháy vừa và rít một hơi thật sâu, tiếng nước trong ống sôi lên nghe roooc...ooooc! Một phát là bao nhiêu khói thuốc đã lọc qua bầu nước dưới tẩu, chạy thẳng vào phổi, ép lên thanh quản tạo ra cảm giác lơ mơ một chút nếu quen hút. Trường hợp không quen hút thì có thể trào bọt mép, co giật chân tay bởi lượng nicotine trong thuốc lào lớn gấp chín lần lượng nicotine trong điếu xì gà và lớn gấp hai mươi bảy lần lượng nicotine trong điếu Dunhill xanh.

Chính vì cách ủ thuốc lào hết sức công phu của những người dân miền núi, miền Trung du phía Bắc mà độ phê của thuốc mới đạt đỉnh cao như vậy. Bởi thuốc lào khi hái về, người ta mang ra phơi sương cho được bảy đêm, sau đó phơi nắng và phơi sương bảy ngày bảy đêm. Tiếp tục mang vào nhà xâu lại treo lên giàn bếp từ nửa tháng đến một tháng. Hầu như mọi thứ dưỡng chất trong lá thuốc đều tăng nồng độ và cô đặc. Chính vì vậy mà mấy anh Tây, chị Hàn Quốc, Trung Quốc khi thử nhấp một ngụm chè nụ vối, rít một hơi thuốc lào xong là ngã lăn ra đất, co giật chân tay.

Nhưng với người xứ Bắc thì không, bởi đó là chuyện hết sức bẽ mặt cho cánh mày râu xứ Bắc. Hễ cứ có hút thuốc, có uống chè xanh thì phải rít ít nhất vài ngao thuốc lào để “nâng cao sĩ diện.”

Và đương nhiên, nói về thuốc lào thì phải nói đến nước chè, nói đến nụ vối, nói đến chè móc câu. Những thứ này làm nên hương sắc xứ Bắc. Hay nói cách khác, chè xanh và thuốc lào như một loại sắc bùa của người đàn ông xứ Bắc, nó làm cho khí chất đàn ông trở nên bí ẩn và mạnh mẽ hơn.


Một bà chủ quán có thâm niên bán chè xanh 60 năm ở trước cổng bến xe Giáp Bát-Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Như lời của cô Lan, chủ một quán chè xanh ở góc phố Hàng Quạt nối Hàng Trống ra hồ Gươm, Hà Nội chia sẻ: “Người Bắc không có thói quen uống cà phê như người miền Nam. Hiếm có ai uống cà phê lắm. Chỉ sau năm 1975 mới có vài quán cà phê mọc lên và bây giờ thì nhiều rồi. Nhưng đã là người Bắc thì thích hàng thuốc lào chè xanh hơn là cà phê!”

“Hàng chè xanh thuốc lào tuy không bài bản như hàng cà phê nhưng lại rất gần với mọi giới, từ ông sếp văn phòng đến người lao động phổ thông đều thích. Giữa bến xe, tuy rằng bị cấm nhưng người bán hàng chè chỉ cần bắc mấy cái ghế xúp và bày thuốc, bày chè ra là có khách ngay.”

“Chè bây giờ cũng không rẻ, một ly chè năm ngàn đồng, tương đương với một ly cà phê đá ở miền Nam, một điếu thuốc lá hai ngàn đồng hoặc một ngao thuốc lào cũng hai ngàn đồng. Nhưng người ta thích vậy. Có lẽ đây là thói quen ăn vặt của xứ lạnh. Mỗi khi lạnh thì ngậm một thứ gì đó cho vui miệng và ấm người.”

“Thì trời lạnh, đang làm mệt, ghé qua bà chè xanh làm một cốc, sau đó rít ngao thuốc lào rồi làm tiếp, không ảnh hưởng đến thời gian làm việc mà lại ấm cơ thể. Có lẽ cũng nhờ vậy mà hàng chè xanh sống được. Như tôi chẳng hạn, bán hàng chè xanh nuôi hai đứa con vào đại học, bố nó mất từ lâu. Ðều nhờ vào lòng thơm thảo của khách hàng cả thôi. Mà uống chè xanh thì người ta lịch sự, không như phở mắng cháo chửi. Một người dữ cỡ nào khi bán hoặc uống chè xanh, hút thuốc lào cũng tỏ ra lịch thiệp, ít lời...”

Thương nhau tặng điếu thuốc lào...

Ðúng như lời cô Lan, có vẻ như chỉ còn những bà, những cô hàng nước giữ hồn xứ Bắc với nếp thanh lịch Tràng An, với liễu rũ mặt hồ, sống nhẹ nhàng, kín đáo. Dù là ở bến xe hay đi bất kỳ chỗ nào, cứ gặp hàng chè xanh, thuốc lào thì cảm giác yên tĩnh, nhẹ nhàng và không sợ móc túi, không sợ trấn lột. Ðó là cảm giác rất thật khi đến Hà Nội.


                 Không khó bắt gặp quán chè xanh ở Hà Nội. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Người ta có thể bực tức, mệt mỏi sau khi đi ăn sáng bởi gặp phải phở mắng, cháo chửi (mà hình như chuyện này diễn ra khắp nơi trên xứ Bắc và tập trung đỉnh cao ở Hà Nội, đi bất kỳ quán nào cũng có thể là phở mắng cháo chửi nếu không khéo léo và hỏi trước giá, giả bộ con nhà nghèo để hỏi một cách không “hống hách”...). Nhưng người ta cũng có thể lấy lại thăng bằng khi ngồi ở bất kỳ quán chè xanh nào.

Nói về chè xanh xứ Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng. Cụ Hồng, có thâm niên bốn mươi sáu năm bán chè xanh ở trước ga Hàng Cỏ, tâm sự: “Chè bây giờ không còn là chè xanh nữa, ít ai uống chè xanh rồi. Chủ yếu là uống chè nụ vối, chè Bắc Thái móc câu đậm đà và hút Vinataba chứ không hút thuốc lào mấy...”

“Thời đại thay đổi rồi, thỉnh thoảng mới có người hút một ngao thuốc lào, còn lại thì mua vài điếu Vinataba lẻ ngồi hút. Cái hồn của Hà Nội là đấy. Nếu như tôi bây giờ nghỉ bán thuốc lào và chè xanh chắc là mau chết lắm. Bởi quen rồi, mọi thứ diễn ra nhẹ nhàng, cuộc đời cũng trôi qua nhẹ nhàng lắm, mặc dù ngồi ở bến xe hay ga tàu lửa...”

Câu nói của cụ Hồng như một lời kết cho cái gọi là ngàn năm văn hiến, thanh lịch Tràng An... Dường như lẩn khuất đâu đó giữa lòng Hà Nội, giữa cái tất bật, lạnh cắt da cắt thịt và nóng thì gắt gao ấy, khuất dưới những tán cây, góc tường... Là một Hà Nội xưa cũ với đầy đủ hồn vía của nó trong từng làn khói thuốc, từng làn hương thơm của ly chè xanh, ly trà nóng...


Nguồn: nguoi-viet.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét