Thứ Sáu, 29 tháng 9, 2017

Nguyễn Phú Trọng hay Nguyễn Minh Quân ?

Người Buôn Gió



Sau cách mạng 8 năm  1945 Hồ Chí Minh là lãnh tụ của đảng cộng sản Việt Nam giữ chức chủ tịch đảng, tổng bí thư là Trường Chinh, thành phần lãnh đạo của ĐCSVN lúc này hầu hết đều kém Hồ Chí Minh từ 10 tuổi trở lên, đó là những nhân vật quen thuộc có tiểu sử năm sinh rõ ràng.

Duy nhất một nhân vật tên là Vũ Anh, hiệu là Trịnh Đông Hải từng hoạt động cùng Hồ Chí Minh ở Trung Quốc là không rõ năm sinh, quê quán, tiểu sử. Mấy năm sau đến đại hội đảng CSVN lần thứ hai vào năm 1965 thì Vũ Anh biến mất không dấu tích. Cũng tại đại hội đảng lần thứ hai Hồ Chí Minh hợp nhất chức tổng bí thư và chủ tịch đảng vào tay mình, kiêm cả chủ tịch nước.

Tại đại hội lần thứ hai và cả sau này, các uỷ viên bộ chính trị đều kém Hồ Chí Minh từ 10 tuổi trở lên. Nhân vật  có độ tuổi xấp xỉ HCM là Tôn Đức Thắng, người duy nhất được  các cháu nhi đồng hay thân thương gọi sánh ngang HCM như gọi bác Hồ, bác Tôn lại không có mặt trong Bộ Chính Trị đảng CSVN suốt thời kỳ Hồ Chí Minh làm lãnh tụ đảng.

Với độ chênh lệnh tuổi tác này, Hồ Chí Minh có được sự vị nể của những bậc hậu sinh. Cách xưng hộ gọi các đồng chí của mình thân mật như các chú cũng là cách thể hiện uy quyền của bậc bề trên trong văn hoá làng quê Việt Nam. Việc chênh lệch tuổi tác cộng với địa vị sẵn có khiến cho người lãnh đạo có uy đã đành. Nhưng còn có thêm một lợi thế khác là các đồng chí còn lại ở lứa tuổi gang nhau, muốn phấn đấu để vượt mặt nhau đều phải cầu cạnh người lãnh đạo lớn tuổi lại có vị thế cao nhất. Vì chênh lệch tuổi tác như thế, nên Hồ Chí Minh thường được gọi là Cụ Hồ.

Sau thời Hồ Chí Minh, thế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản thường sàn sàn bằng tuổi. Từ thời Lê Duẩn đến thời Nông Đức Mạnh đều như vậy.

Ở nhiệm kỳ đầu tiên thay thế Nông Đức Mạnh, ít ai gọi Nguyễn Phú Trọng là Cụ Tổng. Nhưng đến nhiệm kỳ thứ hai các quan chức trong bộ máy lãnh đạo đảng CSVN đều gọi Trọng là Cụ Tổng. Tên gọi này lan cả ra bên ngoài, trên bài viết của một số Facebook. Điều này rút ra những kẻ viết báo lề trái nếu nhắc đến tên Nguyễn Phú Trọng là Cụ Tổng thì hẳn chúng có liên quan mật thiết với đảng CSVN mới chịu ảnh hưởng như vậy, hoặc chúng cố ý dùng vậy để xây dựng hình tượng Nguyễn Phú Trọng thành lãnh tụ tối cao.

Nhiệm kỳ thứ hai chính là nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng đưa ra vấn đề cơ cấu trung ương 3 độ tuổi. Nhưng rất oái ăm thay ở độ tuổi thứ nhất chỉ có mình Nguyễn Phú Trọng độc tôn. Ở độ tuổi thứ hai chỉ có Đinh Thế Huynh và Trần Quốc Vượng kém Trọng 9 tuổi, còn lại đều kém Trọng 10 tuổi trở nên. Trọng trở thành bậc cha chú trong bộ chính trị.

Việc Hồ Chí Minh và các lãnh đạo trong bộ chính trị đảng CSVN thời ông ta có độ tuổi chênh lệch, có phải chủ định của Hồ Chí Minh hay khách quan tình thế lúc đó như vậy ? Đến nay không ai rõ điều này, nhưng chuyện rõ ràng chênh lệch tuổi tác giữa các cấp dưới đã tạo thêm cho Hồ Chí Minh được kính trọng là chuyện có xảy ra.

Nguyễn Phú Trọng không thể có được tầm ảnh hưởng của người khai sinh ra chế dộ cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh. Nhưng bằng bản chất ma mãnh lại nghiên cứu kỹ về bản chất cộng sản và văn hoá Việt Nam. Trọng đã chọn lọc và rút ra từ quá khứ những gì có lợi cho mình,  để áp dụng đưa mình thành một nhân vật được kính trọng trong ban chấp hàng trung ương ĐCSVN khoá 12. Đó là cách đẻ ra cái cơ cấu ba độ tuổi và mình Trọng được làm bậc lão làng.

Cái lão làng Trọng tạo ra mà không cần những nguyên nhân khác quan như Hồ Chí Minh. Vị thế lão làng được cấp dưới kính nể Trọng tạo ra được nhờ mánh khoé lưu manh, biết tận dụng tâm lý đồng chí của mình. Ở lứa tuổi sàn sàn nhau tất sẽ sinh ra động lực tranh đua, nhất là trong chốn quan trường của cộng sản thì cuộc tranh đua càng nhiều thủ đoạn tinh vi. Những đồng chí ở lứa tuổi sàn sàn đang tranh đua ấy cần phải có một vị trọng tài, một người cao tuổi đứng ra để làm chỗ phân xử. Ở hoàn cảnh ấy thì ai cũng muốn phải được lòng Nguyễn Phú Trọng, sự phán xét của Trọng về nhân vật nào tốt hay xấu đều ảnh hưởng rất lớn đến số phận của nhân vật ấy. Một nhận xét xấu dễ được đồng tình trong Bộ Chính Trị vì các uỷ viên còn lại đều nghĩ bớt đi một đối thủ cạnh tranh hoặc có kẻ khác đã chịu trận thay cho mình.

Dùng cách cho đồng chí tranh giành nhau để lấy quyền lực của mình là phương pháp mà nhân vật bí thư cộng sản trong tác phẩm Lối Thoát Cuối Cùng của nhà văn Gheorghiu đã miêu tả. Ở cách này Trọng sử dụng tinh vi hơn là chỉ dùng biện pháp bắt lỗi, tức chiến dịch làm trong sạch đảng để reo rắc lo ngại cho các đồng chí của mình. Tuyệt đối không khen ngợi bất kỳ đồng chí uỷ viên bộ chính trị nào từ miệng Trọng, việc khen ngợi một nhân vật trong đám uỷ viên BCT đó sẽ gây bất mãn và thất vọng cho số còn lại, vì họ nghĩ cuộc đua đã kết thúc và đã có kẻ chiến thắng.

 Với kiểu sắp đặt gian manh như thế này, khó ai trong đám uỷ viên BCT đảng CSVN dám đề nghị Trọng về hưu vì quá già. Bởi nếu đề nghị ắt kẻ đó thành đối tượng Trọng dồn sức triệt tiêu và các đồng chí khác cũng nhân cơ hội đánh hùa theo vừa lấy lòng Trọng và vừa loại được đối thủ.

 Trường hợp vừa qua của Đinh Thế Huynh chớm ốm, Trọng đã chỉ đạo cho Trần Quốc Vượng thế chỗ Huynh trên cương vị thường trực ban bí thư. Huynh cũng từng mơ ước chức tổng bí thư nên đã nghe theo Trọng đồng tình trong việc kỷ luật Đinh La Thăng. Nay chính Huynh cũng bị các Uỷ viên BCT khác đồng tình để Trọng loại Huynh ra khỏi cuộc chơi. Giờ đây Huynh đã khoẻ lại, muốn làm việc nhưng Trọng lờ đi không đưa ý kiến gì, Huynh không thểt tự mình đòi Trần Quốc Vượng phả trả chức vụ,số phận chính trị của Huynh trở thành lơ lửng như ra rìa khỏi cuộc chơi quyền lực.

Cái khoảng cách tuổi tác tưởng như không quan trọng lại cực kỳ quan trọng trong cơ cấu chính trị đảng CSVN là vậy, nhất là nó có trong bối cảnh tranh giành, xâu xé nhau để ngoi lên. Nó cho Nguyễn Phú Trọng thành một kẻ có quyền lực phán xét các uỷ viên BCT khác. Và ai cũng muốn bợ đỡ Trọng, từ Cụ Tổng được gọi ra như vậy, để ví Trọng quyền lực không khác gì Hồ Chí Minh.

 Nếu xét theo chủ nghĩa tôn thờ lãnh tụ ở Việt Nam, những bậc cựu nguyên thủ còn sống cần phải chấn chỉnh thái độ mạo phạm của Nguyễn Phú Trọng khi để người ta gọi bằng Cụ Tổng. Gọi thế khác nào Nguyễn Phú Trọng ngang hàng với Hồ Chí Minh.  Ngạo mạn hơn là Trọng còn để báo chí đôi lần bóng gió gọi Trọng là '' minh quân '' như đã từng ca tụng Hồ Chí Minh.

Nguyễn Phú Trọng là một uỷ viên BCT lão làng nhất hiện nay, Bộ chính trị là nơi đầu não điều hành đất nước. Thử hỏi những nợ nần, thua lỗ hay những thứ tệ hại khác xảy ra trên đất nước này, gần 20 năm ở trong Bộ Chính Trị Nguyễn Phú Trọng thể hiện được điều gì, mà đến khi sắp chết dùng mọi thủ đoạn bám lấy cái ghế tổng bí thư và để thiên hạ gọi mình là Cụ Tổng với '' minh quân''.

 Chỉ bằng một chiêu thức đơn giản là hơn người khác nhiều tuổi, Nguyễn Phú Trọng đã đặt được mình vượt hẳn các uỷ viên BCT khác bởi tính đua chen. Nếu như không có tham vọng đua chen nhau giữa những người cộng sản, chắc hẳn chiêu thức này của Trọng vô giá trị. Cuộc đua chen ở trước thềm đại hội 12 giữa các uỷ viên BCT sàn sàn tuổi nhau đã dẫn đến tất cả về để Trọng lớn tuổi hơn ở lại. Giờ đây càng lớn tuổi hơn số uỷ viên BCT còn lại, ưu thế này của Trọng càng được phát huy hơn qua chiêu bài xử lý cán bộ làm trong sạch đảng.

Với chiêu thức thế này, có lẽ không có chuyện Nguyễn Phú Trọng về giữa nhiệm kỳ. Thậm chí khi hết nhiệm kỳ cộng sản khoá 12,  bước sang khoá 13 Nguyễn Phú Trọng nếu chưa chết thì y vẫn còn tiếp tục làm tổng bí thư mà không ai dám ngăn cản. Nguyễn Phú Trọng không phải mất nhiều công sức bôn ba như Hồ Chí Minh, cuối cùng thì ông ta cũng tự hình thành cho dân chúng rằng ông ta chả kém gì Hồ Chí Minh thần thánh kia cả, ông ta, Nguyễn Phú Trọng rút cục cũng là Cụ Tổng như người ta gọi Cụ Hồ, cũng thành Minh Quân như Chí Minh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét