LS Nguyễn Văn Thân
Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, công ty BP đã đưa ra con số
sau cùng mà họ phải chi trả cho vụ tràn dầu trong vùng vịnh Mexico vào năm 2010
là 61.6 tỷ Mỹ kim. Con số này có thể chia ra thành 3 phần. Thứ nhất là tiền phạt
hình sự trả cho Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tổng cộng lên tới 4.5 tỷ Mỹ kim. Thứ hai là
tiền bồi thường thiệt hại kinh tế và phục hồi môi trường cùng với hình phạt dân
sự dưới Đạo Luật Clean Water Act trả cho chính quyền liên bang Hoa Kỳ, 5 tiểu
bang trong vùng vịnh Mexico và các chính quyền địa phương tổng cộng lên tới
20.8 tỷ Mỹ kim. Khoảng 36 tỷ Mỹ kim còn lại là phí tổn bồi thường cho các cá
nhân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư bị thiệt hại từ thảm họa tràn dầu.
Có nghĩa là phải mất trên 6 năm thì BP mới có thể ấn định được
mức độ thiệt hại và số tiền bồi thường cho nhà nước, cá nhân, doanh nghiệp và
các nhà đầu tư với con số kỷ lục như vậy. BP buộc phải bán tài sản trị giá 45 tỷ
để trả tiền phạt và tiền bồi thường.
Quỹ bồi thường
Vào ngày 20/4/2010, giàn khoan Deepwater Horizon của công ty
BP hoạt động trong vịnh Mexico bị nổ làm cho 11 nhân viên bị chết. Chính phủ
Hoa kỳ ước lượng là số dầu đổ ra biển lên tới 4.9 triệu thùng trong 87 ngày tạo
ra một thảm họa môi trường khủng khiếp ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế của
hàng triệu cư dân trong 5 tiểu bang vùng vịnh Mexico gồm có Texas, Louisiana,
Mississippi, Alabama và Florida.
Vào ngày 16/6/2016, Tổng Thống Obama triệu tập Chủ tịch và
các thành viên lãnh đạo BP tới Nhà Trắng. Sau một phiên họp kéo dài hơn 4 tiếng
đồng hồ, BP tuyên bố là sẽ tiến hành bỏ 20 tỷ Mỹ kim vào quỹ bồi thường cho cá
nhân và doanh nghiệp bị thiệt hại. Obama nhấn mạnh 20 tỷ không phải là con số
giới hạn trách nhiệm của BP. Mục đích của quỹ bồi thường là để BP lập tức dành
riêng một số tiền thể hiện trách nhiệm và giúp cư dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng
có thể xin bồi thường khẩn cấp. Số tiền này sẽ được trao cho một nhân viên độc
lập là ông Kenneth Feinberg để điều hành. Feinberg là người đã từng điều hành
quỹ bồi thường cho nạn nhân của vụ khủng bố 9/11 tại New York. Lãnh đạo BP cũng
chính thức gửi lời xin lỗi đến chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ.
Quỹ bồi thường bắt đầu hoạt động vào ngày 23/8/2010. Chỉ
trong tuần lễ đầu tiên thì đã có tới 19,000 đơn nộp xin bồi thường. Tới tháng 7
năm 2011 thì quỹ đã trả 4.7 tỷ Mỹ kim cho hơn 198,000 nạn nhân. Feinberg cho biết
là nếu có đầy đủ chứng từ, cư dân bị thiệt hại sẽ nhận tiền bồi thường trong
vòng 48 tiếng đồng hồ và doanh nghiệp thì trong vòng một tuần. Những người khác
nếu không muốn nộp đơn xin bồi thường với Quỹ thì vẫn có quyền tiến kiện riêng
hoặc gia nhập vào các đơn kiện tập thể.
Vào ngày 8/3/2012, BP và một đội ngũ luật sư của các nguyên
đơn trong một vụ kiện tập thể đồng ý tiến trình thoả thuận bồi thường dưới sự
giám sát của tòa và thủ tục này chấm dứt quyền điều hành của ông Feinberg. Tính
tới ngày 30/6/2013, tổng cộng số tiền trả cho nạn nhân từ quỹ bồi thường đã lên
tới 19.7 tỷ. Sau khi trả hết 300 triệu còn lại, BP phải bồi thường trực tiếp
cho nạn nhân từ thu nhập của họ. Ngoài quỹ bồi thường 20 tỷ, BP cũng ước lượng
là phải dành thêm 15 tỷ để bồi thường cho cư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại.
Phạt hình sự
Vào tháng 12 năm 2010, Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ tiến hành truy tố
hình sự đối với BP vài đối tác liên hệ là Transocean và Halliburton về cái chết
của 11 nhân viên. Ngoài ra, BP cũng bị truy tố là cố tình gian lận khi cho biết
số dầu đổ ra biển rất thấp so với thực tế. Tới tháng 11 năm 2012 thì BP nhận tội
ngộ sát và bị phạt 4 tỷ Mỹ kim cho Bộ Tư Pháp và 525 triệu trả cho Ủy Hội Chứng
Khoán (Securities and Exchange Commission). Ngoài ra, BP phải bị các cơ quan
chính quyền giám sát thường xuyên trong 4 năm cũng như tạm thời không được tham
gia đấu thầu các dự án của chính quyền.
Về trách nhiệm cá nhân, Robert Kaluza và Donald Vidrine là
hai nhân viên cao cấp có trách nhiệm quản lý giàn khoan Deepwater Horison cũng
bị truy tố về tội ngộ sát. Hình phạt tối đa là 10 năm tù cho mỗi tội. Một nhân
viên khác là David Rainey cũng bị tố về tội khai gian với nhà chức trách. BP
thú nhận là Rainey cố tình đánh tráo số liệu để BP tuyên bố trước công chúng là
chỉ có khoảng 5,000 thùng dầu bị đổ ra biển mỗi ngày. Trong khi đó con số thật
sự lên tới 60,000 mỗi ngày. Nếu bị buộc tội thì Rainey có thể bị tuyên án tù tới
5 năm.
Bồi thường cho chính quyền liên bang, tiểu bang và địa
phương
Vào tháng 10 năm 2015, sau một tiến trình thương lượng kéo
dài hết mấy năm thì BP đồng ý bồi thường tổng cộng 20.8 tỷ cho chính quyền liên
bang, 5 tiểu bang trong vịnh Mexico và hơn 400 chính quyền địa phương bị thiệt
hại về sự tràn dầu. Trong số này gồm có 8.1 tỷ bồi thường cho thiệt hại môi trường
và tài nguyên thiên nhiên, 5.9 tỷ cho thiệt hại về kinh tế của các tiểu bang và
địa phương, 5.5 tỷ tiền phạt dân sự dưới Đạo Luật Nước Sạch (Clean Water Act),
600 triệu để hoàn trả chi phí dọn dẹp và 700 triệu cho những hậu quả chưa lường
được.
Số tiền bồi thường 20.8 tỷ này đã được Thẩm Phán Carl
Barbier của Tòa An Liên Bang chính thức phê chuẩn vào ngày 4/4/2016. Đây là số
tiền bồi thường lớn nhất trong lịch sử. Nhưng cũng nhờ vào quyết định này của
tòa mà BP có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cái giá phải trả là 61.6 tỷ
để đóng lại một chương sử đau thương của một đại công ty được thành lập từ năm
1909.
Tóm lại sau 6 năm từ khi thảm hoạ tràn dầu thì tổng cộng có
tới 384,000 đơn kiện của cá nhân và doanh nghiệp mà đại đa số đã được giải quyết
bồi thường xong. Chỉ còn lại một số là vẫn còn tranh cãi về mức độ thiệt hại
nhưng BP dự đoán là những vụ kiện cuối này sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới tiến
trình phục hồi uy tín và thế đứng của công ty.
BP và Formosa: 61.6 tỷ
và 500 triệu
Vào ngày 30/6/2016, chính phủ Việt Nam tổ chức họp báo công
bố nguyên cá chết tại 4 tỉnh miền Trung là do Formosa xả thải gây ra. Chính phủ
cũng cho biết là Formosa đã cam kết 5 điểm trong đó Formosa hứa là sẽ “Bồi thường
thiệt hại cho dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, bồi thường phục hồi môi trường
biển với tổng số tiền là 11.500 tỉ đồng, tương đương 500 triệu USD.” Điều 5 của
bản cam kết cũng có nhắc tới là Formosa sẽ “Thực hiện đúng cam kết nêu trên,
không tái diễn vi phạm, nếu vi phạm sẽ chịu chế tài theo quy định pháp luật
VN.”
Bản cam kết này đưa ra nhiều câu hỏi. Thứ nhất, như vậy có
nghĩa là Formosa chỉ mất 500 triệu thôi sao? Trong số 500 triệu này thì phần
nào là để bồi thường phục hồi môi trường và bao nhiêu là bồi thường thiệt hại
cho dân? Như vậy là Formosa không bị truy tố về vi phạm hình sự và dân sự? Tại
sao chỉ trong một khoảng thời gian ngắn như vậy mà chính phủ lại có thể định đoạt
mức độ thiệt hại “chính xác”’ như vậy? Tại sao chính phủ không công bố nguyên
nhân thủ phạm là Formosa rồi từ từ tính toán thiệt hại cũng như để người dân và
doanh nghiệp nộp đơn xin bồi thường theo đúng mức độ thiệt hại của từng trường
hợp một? Theo Điều 5 của cam kết thì có phải chính phủ đã tước quyền kiện đòi bồi
thường dưới Luật Dân Sự đối với ngư dân và doanh nghiệp bị thiệt hại hay không?
Tại sao một quyết định nghiêm trọng và bất hợp pháp như vậy lại được ban hành một
cách vội vã và không minh bạch?
Đáng lẽ ra tương tự như vụ tràn dầu do BP gây ra, chính phủ
Việt Nam có thể truy tố hình sự và dân sự
vì Formosa vi phạm luật môi trường và bắt Formosa trả tiền phục hồi môi trường
và bồi thường thiệt hại kinh tế. Nhưng chính phủ không thể tùy tiện ấn định số
tiền bồi thường thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp. Chỉ có chính họ mới có
quyền thương lượng với Formosa và thỏa thuận số tiền bồi thường tho đúng mức độ
thiệt hại từng trường hợp một.
Ngư dân và doanh nghiệp của 4 tỉnh miền Trung có hai sự lựa
chọn. Một là vượt qua sợ hãi và đứng lên kiện Formosa đòi bồi thường thích
đáng. Còn hai là chấp nhận cho chính phủ và Đảng Cộng Sản Việt Nam bán đứng
cũng như chấp nhận cho Đảng cắt xẻo khúc ruột miền Trung ra từng mảnh vì sau 70
năm khi dự án Formosa kết thúc thì miền Trung chỉ còn là một bãi rác khổng lồ.
Rồi đây sẽ có nhiều ngư dân ở miền Trung có thể phải bỏ nghề đánh cá đồng nghĩa
với việc Việt Nam không xác quyết hoặc hành xử chủ quyền hữu hiệu tại Biển
Đông. Như vậy thì Trung Quốc sẽ bất chiến tự nhiên thành.
Và Đảng sẽ hát bài “Thương về miền Trung” cho những người Việt
Nam vẫn còn u mê mơ tưởng về thiên đường Cộng Sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét