Thứ Bảy, 27 tháng 8, 2016

Nhật Tiến: CHẤT VẤN ÔNG VIÊN LINH (Phần 1)



Nhật Tiến

 Ảnh 1: Trụ sở ở số 157 đường Phan đình Phùng Sài Gòn. Nguồn: Thế Giới Tự Do, số 9, tập 7 năm 1957.

Trích “Từ Nhóm Bút Việt đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam”


LỜI NÓI ĐẦU

Miền Nam Việt Nam thời kỳ 1954-1975 nói về mặt sinh hoạt văn hóa thì đó là một thời kỳ rực rỡ được vun trồng bởi nhiệt huyết của một số lượng nhân sự lớn lao bao gồm các nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo, các nhạc sĩ, họa sĩ, các nghệ sĩ trong mọi ngành sân khấu, điện ảnh và cả các giới chức trong toàn ngành giáo dục. Nhiều thế hệ qua đó đã được đào tạo, vừa nhằm mục đích gây dựng một nền tảng đạo đức xã hội song song với việc duy trì truyển thống văn hóa tốt đẹp của Cha Ông và cũng vừa làm nẩy nở và phát triển thêm về những tư tưởng khai phóng, dân chủ qua các trào lưu văn hóa mới trên thế giới.

Trong bối cảnh tự do trăm hoa đua nở đó, tổ chức Văn Bút là một Hội duy nhất được dành cho giới cầm bút, bao gồm các nhà văn, nhà thơ, các soạn giả, kịch tác gia, các chủ bút và ký giả báo chí cùng các nhà khảo cứu, bình luận gia về mọi ngành thuộc về văn học nghệ thuật.

Được chính thức thành lập từ tháng 10 năm 1957 qua Nghị định số 111-BNV/NA/P5 của Bộ Nội Vụ VNCH, Hội đã liên tục hoạt động không ngưng nghỉ cho tới tháng 4-1975. Trải gần 20 năm ròng rã ấy, đã có biết bao nhiêu sinh hoạt của Hội đóng góp vào công cuộc xây dựng và vun trồng nền văn hóa của Miền Nam Việt Nam mà nếu có thể ghi chép lại thì cũng gom được thành một tài liệu văn học hữu ích cho các thế hệ sau.

Nhưng tiếc thay, cuộc phần thư năm 1975 do nhà cầm quyền CS tiến hành đã thiêu hủy biết bao nhiêu là tài liệu, sách báo quý giá kể cả những tài liệu liên quan đến Văn Bút VN.

Rồi thời gian qua đi, các vị làm văn hóa lão thành vốn đã từng tạo dựng nên hội Văn Bút và nắm giữ nhiều kỷ niệm quý giá về Hội này thì hầu hết đã quy tiên cả như Nhất Linh, Đỗ Đức Thu, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Đào Đăng Vỹ, Vương Hồng Sển, Tam Lang Vũ Đình Chí, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, LM. Thanh Lãng, Phạm Việt Tuyền v.v… Cho nên nếu ai có quan tâm cách mấy về việc viết lại các sinh hoạt của hội Văn Bút thì cũng thẩy đều gần như bó tay vì số lượng tài liệu còn tìm thấy được lại quá ít ỏi.

Tuy nhiên một tổ chức văn hóa như thế mà không có tài liệu nào viết về nó dù chỉ là một cách tương đối thì cũng thật là đáng tiếc. Vì vậy, nhân danh một Hội viên thuộc thế hệ hậu sinh, đã có dịp gặp gỡ và làm việc chung với nhiều bậc tiền bối như Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Đào Đăng Vỹ, Hồ Hữu Tường, LM. Thanh Lãng… tôi tự thấy có bổn phận phải gom góp tài liệu dù rất ít ỏi để viết về những sinh hoạt của Văn Bút kể từ Nhóm Bút Việt cho đến Trung Tâm Văn Bút Việt Nam qua cả một chặng đường dài từ 1957 cho đến 1975.

Những dữ kiện về Văn Bút trong cuốn này sẽ mặc nhiên phủ chính lại một vài dữ kiện khác biệt đã có trong những bài viết trước đây của tôi về Văn Bút vì lý do khi đó tôi chưa có đủ tài liệu để đối chiếu.

Dù đã hết sức cố gắng nhưng lực bất tòng tâm, tôi vẫn hy vọng sau này sẽ có nhiều cây bút khác với sự kiên nhẫn tìm tòi và nghiên cứu kỹ lưỡng tại các thư viện trong và ngoài nước hẳn sẽ có thể viết lại lịch sử Văn Bút một cách đầy đủ hơn và như thế sẽ còn bổ sung hay phủ chính lại những sai sót nếu có của tôi trong cuốn tài liệu nhỏ bé này. Và đó là điều tôi hết lòng mong mỏi.

Garden Grove, California ngày 6-7-2016

Nhật Tiến

________

CHƯƠNG I

Tiến trình Thành Lập và Nội Quy

A. Tiến trình Thành Lập

Sau một thời gian tìm hiểu về Hội Văn Bút Quốc Tế (P.E.N International), ngày 17-8-1957, một số văn nghệ sĩ lão thành ở Sài Gòn đã quyết định thành lập một tổ chức có tên là “Nhóm Bút Việt”.

Họ bao gồm 19 nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà biên khảo, kịch tác gia và cả họa sĩ mà danh tính theo tờ Thế Giới Tự Do Tập VII, số 9, năm 1957 thì như sau: Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển, Vi Huyền Đắc, Vũ Hoàng Chương, Lê văn Siêu, Bùi Xuân Uyên, Lê Ngọc Trụ, Phạm Việt Tuyền, Như Phong Lê văn Tiến, Tchya Đái Đức Tuấn, Thạch Trung Giả, Triều Đẩu, Xuân Nhã, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội, Mai Xuyên, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Phạm Tăng, Thuần Phong, Hoàng Đình Lượng.

Khi thành lập, Nhóm Bút Việt tuyên bố: “Nhóm không phải là một tổ chức có hệ thống chặt chẽ, có chủ trương cương lĩnh hoặc đường lối nhất định nào hết. Nó không phải là một văn đoàn, văn phái. Cũng không phải là một hội ái hữu. Bút Việt chỉ là một câu lạc bộ của các nhà cầm bút muốn gặp nhau để trao đổi ý kiến về sáng tác, về công phu tìm hiểu cũng như công phu giới thiệu”.

(In trong kỷ yếu mà sau này Văn Hóa Ngày Nay Tập I của Nhất Linh có in lại)

Như vậy trong buổi khởi đầu, Nhóm Bút Việt đã hình thành trong một ý niệm hết sức rộng rãi và tự do. Các thành viên của Bút Việt sinh hoạt như một Câu lạc bộ.

Điều đáng chú ý là theo danh sách ở trên, ta không thấy có tên nhà văn Nhất Linh, một tên tuổi lão thành mà nhiều người vẫn thường nghĩ ông là một trong những vị đứng ra sáng lập tổ chức Văn Bút.

Tuy nhiên nếu so sánh ngày tháng và nơi cư trú của Nhất Linh vào thời điểm ấy thì ta thấy:

– Ông từ Hương Cảng trở về Hà Nội khoảng cuối năm 1950 (theo quý nam của ông là Nguyễn Tường Thiết ghi lại trong bài Nhất Linh, Cha tôi.)

– Đầu tháng 4 năm 1951, ông rời Hà Nội vào Nam.

– Năm 1954, khoảng tháng 7, ông qua Pháp để chữa bệnh. Thời gian này gia đình ông cũng di cư vào Nam sau Hiệp định Genève, và cư ngụ ở khu chợ An Đông, Sài Gòn.

– Năm 1955, ông lên Đà Lạt với quyết định ở luôn trên ấy.

– Năm 1957 ông mua một lô đất ở ven quốc lộ 20 Sài Gòn – Đà Lạt, ở phía nam của làng Fim-Nôm và dự tính xây một căn nhà cho chính ông. Thời gian này ông sáng tác tác phẩm Xóm Cầu Mới.

– Năm 1958, sau một cơn bão ở Đà Lạt phá sập nguyên căn nhà mà ông đang cư ngụ nên ông đã dời về Sài Gòn để từ đó bắt đầu chuẩn bị cho tờ Giai Phẩm Văn Hóa Ngày Nay với số đầu ra mắt vào ngày 17-6-1958, một ngày mà theo nhà báo Hiếu Chân thì ông đã cố ý lựa chọn vì 17-6-1930 là ngày liệt sĩ Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị Thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài xử trảm tại Yên Bái.

Như thế, khi các văn nghệ sĩ chủ chốt chuẩn bị thành lập Nhóm Bút Việt từ năm 1957, thì nhà văn Nhất Linh đã không có mặt ở Sài Gòn để tham gia. Mãi tới tháng 12-1957, Nhóm mới mời ông làm Cố vấn và Hội viên Danh dự. Và tới niên khóa 1961-1962 thì ông được bầu làm Chủ tịch Văn Bút với hai vị Phó Chủ tịch là LM. Thanh Lãng và Vi Huyền Đắc.

***

Trở lại từ năm 1957, các văn nghệ sĩ đã nêu trong danh sách kể trên không chỉ ngừng lại ở ý niệm một Câu Lạc Bộ cầm bút mà còn muốn đi xa hơn, tức nhắm vào mục đích xin gia nhập tổ chức Văn Bút Quốc Tế để mở rộng tầm mức sinh hoạt hơn. Bởi vì trong bối cảnh của một đất nước vừa bị chia đôi sau Hiệp Định Genève 20-7-1954 và trước một cuộc sống đầy dẫy những vấn đề của công cuộc hình thành một miền Nam Tự Do đối đầu với miền Bắc Cộng Sản, hẳn nhiều nhà làm văn hóa trong số các vị kể trên cũng đã thao thức với thời cuộc về những bổn phận và trách nhiệm của mình. Họ đã nghĩ tới việc tiếp cận Tổ chức Văn Bút Quốc Tế để mong tiến tới một tổ chức qui tụ các người cầm bút ở ngay trong nước. Họ đã gặp gỡ, bàn thảo công việc chuẩn bị, kể cả những lần tiếp xúc với các văn gia quốc tế đặc biệt là với ông David Carver, Tổng Thư Ký Hội Văn Bút Quốc Tế hồi đó để thăm dò hoặc tham khảo ý kiến về việc thành lập một chi nhánh Văn Bút Quốc Tế tại VN.

Tổ chức Văn Bút Quốc Tế vốn đã được thành lập từ năm 1921 ở Anh Quốc. Tổ chức này lấy tên là P.E.N International bao gồm các Nhà thơ (Poets), Kịch tác gia (Playwright), Bình luận gia (Essayist), Chủ bút và ký giả (Editors), Tiểu thuyết gia (Novelist).

Theo Hiến chương của tổ chức này thì:

* Các thành viên của PEN phải luôn luôn sử dụng những ảnh hưởng của mình để thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc, xua tan những hận thù chủng tộc, giai cấp, hận thù quốc gia và đấu tranh cho lý tưởng một nhân loại sống trong hòa bình trên thế giới.

* PEN ủng hộ nguyên tắc tự do truyền bá tư tưởng trong mỗi quốc gia và trong mọi dân tộc. Các thành viên của PEN tự cam kết phản đối mọi hình thức đàn áp tự do ngôn luận trong nước hay trong cộng đồng của mình.

* PEN tuyên bố tán thành một nền báo chí tự do và phản đối việc kiểm duyệt độc đoán trong thời bình. 

* PEN tin rằng sự tiến bộ của thế giới hướng tới một trật tự chính trị và kinh tế có tổ chức cao hơn sẽ làm cho việc tự do phê bình chính phủ, chính quyền, và các tổ chức là điều rất quan trọng. Và vì sự tự do có bao hàm ý nghĩa hạn chế tự nguyện, nên các hội viên PEN tự cam kết chống lại các tệ nạn như: xuyên tạc ý nghĩa của tự do xuất bản báo chí, cố ý lừa dối, và bóp méo các sự kiện nhằm những mục đích chính trị và cá nhân…

Khi nhận thấy tình hình đã có nhiều thuận lợi, Nhóm đã quyết định mở phiên họp chính thức vào ngày 17-8-1957 kể trên để quyết định lập Ban Vận Động và xúc tiến các thủ tục hành chính. Danh sách Ban Vận Động gồm có:

Chủ tịch: Đỗ Đức Thu.
Phó Chủ tịch: Vương Hồng Sển, Tchya Đái Đức Tuấn.
Tổng Thư Ký: Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.
Cố vấn: Vũ Hoàng Chương, Lê văn Siêu, Bùi Xuân Uyên, Mộng Tuyết Thất Tiểu Muội.

Vì đã có sự vận động với quốc tế từ trước, nên Ban Vận Động Bút Việt đã được mời tham dự ngay Đại Hội Văn Bút Quốc Tế lần thứ 29 họp tại Đông Kinh, Nhật Bản, từ ngày 1 đến 9 tháng 9-1957.

Phái đoàn Việt Nam gồm có Đỗ Đức Thu, Đái Đức Tuấn, Phạm Việt Tuyền, Hoàng Định Lượng và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tham dự Hội nghị này có 350 nhà văn, nhà thơ, ký giả đại diện cho 27 quốc gia trên thế giới. Số người của riêngVăn Bút Nhật Bản tới dự cũng đông gần con số 350.

Trong phiên họp ngày 2 tháng 9 năm 1957 tại Đông Kinh, Đại Hội Văn Bút Quốc Tế đã chính thức thu nhận hai Hội viên mới: Nhóm Bút Việt của Việt Nam Cộng Hòa và Nhóm Văn Bút của Băng Đảo (Cộng Hòa Iceland). Như thế, tổng số hội viên của Văn Bút Quốc Tế là 50 Hội viên tính tới tháng 9-1957.

Khi ở Đông Kinh về, các đại biểu đã triệu tập một phiên họp vào cuối tháng 10-1957 để tường trình công việc.

Qua tháng 11-1957, tại trụ sở tạm thời của Nhóm ở số 69 đường Cao Thắng Sài Gòn, Ban Vận Động từ chức vì xong nhiệm vụ. Một Ban Chấp Hành Lâm Thời được bầu ra gồm 5 vị:

Chủ tịch: Đỗ Đức Thu.
Phó Chủ tịch: Vương Hồng Sển và Vi Huyền Đắc.
Tổng Thư Ký: Hiếu Chân Nguyễn Hoạt.
Thủ Quỹ: Bùi Xuân Uyên.

Tới ngày 29-5-1958, Ban Chấp Hành Lâm Thời bổ sung thêm 2 vị Thư Ký: Nguyễn Khang và Lê văn Siêu.

Nhiệm vụ của Ban Chấp Hành Lâm Thời là thiết lập trụ sở, tổ chức văn phòng thường trực, xúc tiến thủ tục hành chánh xin thành lập Nhóm, thiết lập Thư viện, phát triển Hội viên, chuẩn bị cho Đại Hội toàn quốc và xuất bản tờ Kỷ Yếu.

Ngày 21 tháng 10 năm 1957 Nhóm được cấp giấy phép hoạt động ở trụ sở số 25 Võ Tánh Sài Gòn (đây chỉ là địa chỉ mượn của báo Tự Do để làm giấy tờ mà thôi), do 3 vị đứng tên là Đỗ Đức Thu, Vương Hồng Sển và Nguyễn Hoạt và do Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Nguyễn Hữu Châu ký trên Nghị Định số 111-BNV-/NA/P5 có nội dung chính như sau:

“Nhóm Bút Việt, danh hiệu quốc tế P.E.N Việt Nam, trụ sở đặt tại số 25 đường Võ Tánh Sài Gòn, được phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam đúng với bản Điều Lệ của Hội đã được duyệt y (đính theo Nghị định này) và trong phạm vi của Dụ số 10 ngày 6-8-50 ấn định quy chế các Hiệp Hội.”

Như thế, Nhóm Bút Việt đã được hình thành từ ngày 2-9-1957 trên phương diện quốc tế và ngày 21-10-1957 là trên phương diện hành chánh ở trong nước.

Khoảng giữa năm 1957, Nhóm Bút Việt dời về trụ sở mới ở số 157 đường Phan đình Phùng Sài Gòn (xin coi hình chụp của Mạnh Đan trên tờ Thế Giới Tự Do, số 9, tập 7,năm 1957).

Tới mùa Thu năm 1959 Nhóm lại dời về trụ sở số 36/59 Cô Bắc Sài Gòn và ở đây cho tới năm 1971 mới lại dọn về số 107 Đoàn thị Điểm Sài Gòn.

Cũng từ trụ sở này, Nhóm Bút Việt đã tiếp các nhà văn quốc tế qua VN như nhà văn Mỹ Mac Anley, hai nhà báo và nhà văn Pháp Suzanne Normal, Paul Acker, nhà báo Thụy Điển Charles Asndré Nicole và nhà văn Đan Mạch Lindermann.

Ảnh 2: Từ trái qua: các văn hữu Bùi Phương Thể, Nguyễn Duy Miễn, Đỗ Đức Thu, nhà văn Đan Mạch Kelvin Lindermann, Nguyễn Hoạt, Vi Huyền Đắc, Phạm Trọng Nhân. Nguồn: Thế Giới Tự Do, số 9, tập 7 năm 1957.

Tháng Tư -1958, Nhóm xuất bản một tập kỷ yếu viết bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp lấy tên là Kỷ Yếu Bút Việt đồng thời cũng lựa dịch một số truyện ngắn Việt Nam ra tiếng Anh để gửi dự thi các truyện dịch do tạp chí văn chương Encounter của Anh quốc tổ chức.

Nhóm cũng góp phần dịch truyện ngắn Việt Nam ra Anh ngữ để nhà xuất bản Western Printing and Lithographing Company ấn hành.

Khi số Hội viên đã lên tới 50 người, Nhóm đã thành lập một đoàn Chèo Cổ do Vũ Huy Chấn, Nhất Linh và Trần Tuấn Khải phụ trách.

Một ban Kịch cũng được thành lập do hai Kịch tác gia Vi Huyền Đắc và Vũ Khắc Khoan cùng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đảm trách.

Đã có các hoạt động kể trên tất phải đặt ra nhu cầu tài chánh, nhưng Cơ quan Văn Hóa Á Châu đã nhận lời yểm trợ.

Ngày 29-5-1958, Nhóm đã triệu tập phiên họp Đại Hội Đồng để bầu cử Ban Chấp Hành mới. Nhưng Đại Hội đã biểu quyết lưu nhiệm Ban Chấp Hành cũ ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa.

Quang cảnh phiên họp tại Trụ sở Bút Việt ngày 29-5-1958. Nguồn: Thế Giới Tự Do, số 9, tập 7 năm 1957.


Nguồn: https://anhbasam.wordpress.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét