Từ trước năm 2015, Sân bay quốc tế
Long Thành được mô tả là một “siêu dự án” với số vốn đầu tư trong dự kiến khoảng
16 tỷ đô-la sau khi điều chỉnh. Tham vọng của những người vẽ ra dự án này căn cứ
từ hai nguồn tài chính có thể huy động dễ dàng nhờ vào vay mượn nước ngoài và đầu
tư công từ ngân sách quốc gia.
Mục tiêu nhắm đến của Sân bay quốc
tế Long Thành là nó có khả năng thay thế Sân bay Tân Sơn Nhất vào năm 2025 với
công suất 100 triệu lượt khách quá cảnh hàng năm. Mối lợi % từ 16 tỷ đô-la thôi
thúc những bàn tay quen ăn chia trên vốn vay quả thật không nhỏ. Chính nó đã bằng
mọi cách biến dự án vàng này trở thành hiện thực càng sớm càng tốt.
Mặc dù vấp phải không ít lời chỉ
trích và khuyến cáo của giới chuyên viên do tính cách hoang tưởng của dự án, đầu
tháng 5, 2015 trong cuộc họp Trung ương 11, chính ông Nguyễn Phú Trọng đã xác định
đó là “dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, có ý nghĩa to lớn đối với sự
phát triển kinh tế xã hội của đất nước.” Đèn xanh đã được bật lên và cuộc họp của
quốc hội sau đó nhanh chóng thông qua sau vài tranh biện lẻ tẻ cho có lệ.
Để có thể thành hình, 5 xã của
huyện Long Thành sẽ bị xóa sổ dành ra 5.000 hecta đất cho sân bay. Ngoài ra còn
dành ra 21.000 hecta mà Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Nai gọi là “quy hoạch” cho
các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ công trình. Điều đó có nghĩa là gần 20
ngàn dân Long Thành bị bứng đi sau khi nhận tiền đền bù sẽ sống lưu vong đâu đó
trên quê hương mình.
Đến đây, cuộc chiến đất đai mới
thực sự xảy ra vì 21.000 hecta đất ven sân bay cũng chính là mỏ vàng cho giới
trùm bất động sản và cán bộ đảng viên của Tp. HCM và tỉnh Đồng Nai. Không phải
bây giờ mà cách đây nhiều năm tin tức đã rộ lên việc các sở, các ban, các ngành
của tỉnh và thành phố đua nhau làm đơn xin vùng đất rìa của sân bay còn nằm
trên giấy. Dĩ nhiên phía sau những cuộc xin xỏ chia chác công khai đó là bóng
dáng các viên chức chính quyền hay các đảng viên đang khao khát việc xẻ thịt đất
công làm giàu.
Ngày 27 tháng 10 trong dịp Bộ trưởng
GT-VT Nguyễn Văn Thế báo cáo trước quốc hội dự án thu hồi đất xây sân bay Long
Thành, Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm đã công khai tuyên bố: “Người dân ở Tp.
HCM đổ về Đồng Nai mua đất, đăng ký hết rồi. Người dân ở Long Thành không ở được
mà lên Đắk Lắk, Lâm Đồng ở để phát triển kinh tế. Còn đất ở Long Thành họ bán,
cán bộ ta mua hết rồi”.
Sự khẳng định của tướng Lê Chiêm
cũng chỉ xác nhận lại một tình trạng đã diễn ra lâu nay mà “cán bộ ta” đóng vai
trò chính. Vì cũng như bao nhiêu dự án lớn khác có dính tới đất đai, viên chức
nhà nước bao giờ cũng là những người nắm được những nguồn tin độc quyền trong nội
bộ, sẵn sàng chia xẻ để mang về lợi ích cho mình và phe nhóm. Người dân đổ về
mua đất mà tướng Lê Chiêm nói ở đây không ai khác hơn những người có liên hệ
làm ăn với chính quyền địa phương, kế đến là thân nhân xa gần của cán bộ mới có
cơ hội đặt tay vào sòng.
Đây rõ ràng là một vụ đầu cơ của
giới cán bộ khi bỏ tiền ra mua đất với giá rẻ trước để sau đó khai thác trục lợi.
Hoặc nếu vì lý do công ích mà bị giải tỏa thì họ có cơ hội đòi tiền đền bù khi
nhà nước cho xây phi trường và các công trình phụ trợ khác. Mua một lời mười,
thậm chí lời trăm, đó là cái túi khôn của cán bộ cộng sản trong thời kinh tế thị
trường có chỉ đạo.
Khi tướng Lê Chiêm nói “cán bộ
Tp. HCM đã về mua hết đất” tức cũng có dụng ý mớm cho nhà cầm quyền Đồng Nai
nên đưa dân Long Thành về định cư vùng cao nguyên Trung Phần như một kiểu đi
kinh tế mới.
Qua vụ này người ta thấy rõ ba điều:
1/ Sự cấu kết giữa lãnh đạo Thành
Phố và những cò về địa ốc trong vụ hoạch định sân bay Long Thành.
Xây dựng sân bay Long Thành không
những là chủ trương lớn của đảng mà chính là một thương vụ béo bở cho các nhóm
lợi ích nằm trong đảng bộ Tp. HCM từ đời bí thư thành ủy Lê Thanh Hải. Cạnh
chúng là những tay cò mồi và đại gia kinh doanh địa ốc lúc nào cũng sẵn sàng
liên kết tính toán với thế lực chính quyền để lèo lái dự án sân bay đi vào quỹ
đạo của chúng bày ra. Nhưng có lẽ chúng cũng không ngờ rằng cho tới hiện nay Việt
Nam hầu như đã bị loại khỏi nhóm các quốc gia được vay ưu đãi từ các định chế
tài chính quốc tế.
Trong lúc đó áp lực nợ công và
ngân sách thiếu hụt triền miên là bài toán nan giải cho Hà Nội khi phải đầu tư
công. Do đó kiếm cho được 23.000 tỷ đồng (trên 1 tỷ đô-la) để đền bù giải tỏa
đã là khó huống chi 16 tỷ để sân bay thành hình. Hay những kẻ đầu cơ thường tin
vào phép lạ từ các nhà đầu tư Trung Cộng sẵn sàng chi ra vô điều kiện? Như ông
Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco rao lên rằng một đối
tác Trung Cộng là Công ty Kaidi Dương Quang nào đó tỏ ý muốn xây dựng sân bay
Long Thành.
2/ Sân bay Long Thành đã giúp cho
cán bộ rửa tiền qua quyền lực của mình.
Dư luận không lấy gì làm ngạc
nhiên trước nguồn tin tiết lộ Phạm Bá Tùng, con trai của Phó giám đốc Sở GD-ĐT
Tp. HCM Phạm Ngọc Thanh sở hữu khoảng 1.000 ha đất ở một xã trong quy hoạch dự
án sân bay Long Thành.
Cho dù chính quyền địa phương
luôn khẳng định đất đai được quản lý chặt chẽ nhưng trên thực tế việc mua bán,
sang nhượng đã rầm rộ diễn ra từ sau khi dự án được đưa ra cách đây cả 10 năm.
Đây là môi trường để cán bộ đảng viên gột rửa đồng tiền mờ ám kiếm được quá nhiều
khi nắm quyền lực trong tay.
Dĩ nhiên chỉ có những cán bộ cấp
phòng, sở trở lên cùng với các ban trong hệ thống đảng song hành của thành phố
mới dễ dàng liên kết với nhau thực hiện việc mua bán đầu cơ tương lai. Ngoài
con trai của viên giám đốc Sở Giáo dục, còn biết bao tên tuổi các viên chức
nhám nhúa khác còn nằm trong bóng tối?
3/ Các nhóm lợi ích không thể chết
dù cho ông Trọng có dựng bao nhiêu lò nung đốt.
Ông Nguyễn Phú Trọng đang ngày
đêm chăm lo cho cái lò của mình có đủ củi đốt cho dù là củi mục, thì cách Tp.
HCM 40 cây số các nhóm lợi ích, các đại gia kinh doanh bất động sản, kể cả các
tay cò mồi môi giới đang nhóm lên ngọn lửa tham vọng quanh cái gọi là “Dự án thế
kỷ” sân bay Long Thành.
Tuy nhiên, không chỉ các nhóm lợi
ích từ ngành giao thông vận tải, các tập đoàn kinh tế trong nước núp bóng xã hội
chủ nghĩa mới reo mừng khi dự án khởi động, mà người mừng không kém là các tướng
lãnh của Bộ Quốc phòng giỏi nghề “làm kinh tế”. Vì khi được đảng bật đèn thúc đẩy
xây sân bay mới ở Long Thành, Tân Sơn Nhất trở thành phi trường địa phương,
hàng ngàn ha đất dư ra không ai còn dòm ngó, tướng tá có phần hùn với đại gia
Him Lam tha hồ kinh doanh sân golf, sòng bạc và khách sạn nhiều sao.
Cho nên có thể nói dù ông Trọng
có cố đem thân già ra đốt lò quanh năm suốt tháng, các nhóm lợi ích trong ngoài
đảng cộng sản không bao giờ chết mà vẫn sống dai sống mạnh sống hùng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét