Thiền Lâm - Cali Today
Phải gần hai năm sau khi xảy ra vụ xải thải gây thảm họa môi trường biển chưa từng có ở Việt Nam, mới xuất hiện một văn bản đầu tiên có vẻ mang tính trung thực từ một cơ quan chức năng: Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Hà Tĩnh – được ký bởi quan chức Phan Lam Sơn – Phó Giám đốc Sở TNMT.
Văn bản trên nhấn mạnh: “Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh thấy rằng Công ty Formosa đang sử dụng các loại nguyên liệu đầu vào như hiện nay nhưng khí thải tại lò thiêu kết có nhiều thời điểm vượt quy chuẩn như đã nêu trên, do đó trường hợp công ty Formosa tái sử dụng các loại bùn, bụi mà chưa đầu tư hệ thống khử Lưu huỳnh, Nitơ, Dioxin (theo báo cáo của Formosa dự kiến đến năm 2020 mới thi công xong), thì việc xử lý khí thải tại xưởng thiêu kết sẽ không đảm bảo theo QCVN 51:2013/BTNMT”.
Ông Phan Lam Sơn cũng nêu: “Gần đây, theo kết quả quan trắc khí thải hàng ngày của Viện Công nghệ Môi trường (đơn vị được Bộ Tài nguyên và Môi trường giao thực hiện giám sát môi trường Dự án Formosa), tại xưởng thiêu kết cho thấy: Tại cột kết quả phân tích có đưa ra 2 giá trị kết quả đo khí thải lò thiêu kết, trong đó một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 7% và một cột kết quả tính toán theo hàm lượng oxy tham chiếu là 15%.
Nội dung chính trong văn bản trên của Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh là hoàn toàn trái ngược với một thông báo của Tổng cục môi trường của Bộ TNMT, trong đó có đoạn: “Trong quá trình nâng công suất sản xuất để kiểm tra, đánh giá toàn diện hiệu quả của các thiết bị xử lý khí thải, tại một số thời điểm cục bộ, chỉ có thông số SO2 và một vài lần thông số NOx đo được cao hơn so với quy chuẩn Việt Nam. Việc để thông số SO2, NOx một vài lần vượt quy chuẩn tại một số thời điểm là để tính toán nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải”.
Tổng cục môi trường được phụ trách bởi quan chức Bùi Cách Tuyến, từng là thứ trưởng Bộ TNMT. Gần đây, báo chí bất chợt phản ánh Formosa được ông Bùi Cách Tuyến đặc cách cho xả khí thải vượt quy chuẩn 2013 mà Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ, và hiện thời Tổng cục môi trường đang sửa quy chuẩn 2013 để Formosa hưởng lợi từ nâng thông số phát thải tham chiếu oxy 7% lên 15%.
Ông Bùi Cách Tuyến cũng đang bị một số trang mạng xã hội không định danh và sau đó là một số tờ báo nhà nước phanh phui khu “biệt phủ” của ông ở Quận 9, Sài Gòn mà ông cho con gái mình đứng tên.
Cần nhắc lại, sau khi nổ ra quá nhiều bức xúc của dư luận xã hội, Bộ TNMT đã phải xác định Formosa Hà Tĩnh vi phạm 53 lỗi, nhưng đã khắc phục 52 lỗi. Riêng lỗi cốt tử là tự động thay đổi công nghệ dập khô sang ướt, phá bỏ cam kết đầu tư ban đầu, thì phải đến năm 2019 hoặc 2020 mới khắc phục xong. Trong khi lỗi cốt tử này còn đang trong vòng lập lờ, mới đây Tổng cục môi trường lại tiếp tục sửa quy chuẩn Việt Nam để ưu ái cho Formosa.
Vụ xả thải khủng khiếp của Formosa bị “hồi tố” vào tháng 11/2017 và quy trách nhiệm cho Bộ TNMT đang dần trở thành một chủ đề nóng bỏng không chỉ trong dư luận xã hội mà còn mang màu sắc “chính trị nội bộ”.
Dấu hỏi rất lớn là tại sao cho đến ngày 6/11/2017, tức sau gần hai năm kể từ khi phát hiện hậu quả vụ xả thải của Formosa, Sở TNMT Hà Tĩnh mới phát đi văn bản gửi Bộ TNMT đề nghị xem xét, chỉ đạo việc Formosa Hà Tĩnh đang xả khí thải vượt ngưỡng QCVN 51:2013, mà không phải là trước đó – khi hàng loạt cuộc biểu tình của giáo dân và ngư dân miền Trung liên tiếp nổ ra đòi hỏi chính quyền phải minh bạch trách nhiệm cơ quan cấp phép xả thải, bao gồm Bộ TNMT và Sở TNMT Hà Tĩnh cũng như giới quan chức lãnh đạo Hà Tĩnh.
Cho tới nay, biển miền Trung đã gần như “chết”, tàu cá của ngư dân nằm treo bất động, không thể đi biển vì chẳng còn cá sạch để đánh bắt, mà có đánh bắt thì cũng chẳng bán được. Đời sống rất nhiều gia đình ngư dân cũng bởi thế đã trở nên khốn đốn, dự trữ cạn dần.
Trong khi đó, nhiều gia đình ngư dân phản ánh họ vẫn chỉ nhận được rất ít hoặc chưa nhận được số tiền bồi thường mà chính phủ đã hứa với họ. Con số 500 triệu USD mà Formosa đã thực chuyển vào tài khoản của Bộ TNMT để bồi thường cho ngư dân Việt Nam – theo một thỏa thuận bí mật giữa Formosa và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mà không thèm tham khảo ý kến người dân – đã bị bộ này “ngâm” trong một thời gian quá dài mà không thể hiểu khác hơn là Bộ TNMT đã cố ý làm thế để hưởng lãi đến vài ba trăm tỷ đồng từ số tiền “mượn ngư dân” đó.
“Để lâu cứt trâu hóa bùn” – những hậu quả khủng khiếp của nạn xả thải Formosa đã trôi dần vào dĩ vãng, trong khi một trong những nhân vật bị xem là “tội phạm bảo kê cho Formosa” – quan chức Võ Kim Cự, cựu bí thư Hà Tĩnh – có vẻ đã được Tổng bí thư Trọng che chắn để cuối cùng ông Cự không phải chịu bất kỳ một trách nhiệm hình sự nào.
Vậy tại sao mãi đến lúc này Sở TNMT Hà Tĩnh mới phát văn bản phản đối Bộ TNMT về vụ Formosa?
Sở TNMT lại nằm dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, sẽ khó có chuyện sở này tự phát văn bản phản ứng Bộ TNMT mà không được chấp thuận bởi lãnh đạo tỉnh.
Còn có một dấu hiệu “lạ” khác: không biết bằng cách nào, văn bản trên của Sở TNMT Hà Tĩnh đã đến tay nhiều tờ báo nhà nước. Một số tờ báo đã bắt đầu lên tiếng về vụ việc này.
Một dấu hỏi rất lớn nữa đang hình thành: phải chăng các cơ quan chức năng chính quyền chỉ buộc phải làm rõ và đẩy trách nhiệm cho nhau trong bối cảnh cuộc chiến giữa các phe phái trong nội bộ đảng đang có dấu hiệu tái khởi động, còn trước đây khi dân kêu cứu hoặc đòi hỏi làm rõ thì không một cơ quan nào thèm quan tâm?
Một số dư luận cũng một lần nữa đang đề cập đến vai trò và trách nhiệm của ông Hoàng Trung Hải – hiện là ủy viên bộ chính trị, bí thư Hà Nội, từng là phó thủ tướng “phụ trách Formosa”…
Rồi đây, có thể sẽ có vài ba quan chức nào đó bị “lên thớt” do trách nhiệm cấp phép và liên đới với Formosa. Nhưng dân tình thì chẳng có gì đáng vui mừng về chuyện đó: trong thực tế đã có quá nhiều vụ việc chứng minh vụ việc chỉ bị tung tóe khi nội bộ đảng ẩu đả lẫn nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét