Người dân Việt Nam đang è cổ đóng
thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức. (Hình: Getty Images)
Dù tỷ lệ đại biểu Quốc Hội Việt
Nam giữ được tinh thần tỉnh táo đã lên 14% như một biểu hiện của tư thế tỉnh ngủ,
vẫn còn đến 86% “gật thiểu năng” với báo cáo đề xuất của chính phủ về dự toán
thu – chi ngân sách năm 2018, bất chấp một thực tế quá ư đe dọa là thu ngân
sách năm 2017 trở nên tồi tệ hiếm có.
Đời đổi – não không đổi
Tại kỳ họp Tháng Mười – Tháng Mười
Một, 2017, Quốc Hội đã biểu quyết thông qua Nghị Quyết về dự toán ngân sách nhà
nước năm 2018. Theo đó, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1,319,200 tỷ đồng; Tổng
số chi ngân sách nhà nước là 1,523,200 tỷ đồng; Mức bội chi ngân sách nhà nước
là 204,000 tỷ đồng, tương đương 3.7% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Trong đó,
bội chi ngân sách trung ương là 195,000 tỷ đồng, tương đương 3.54% GDP. Bội chi
ngân sách địa phương là 9,000 tỷ đồng, tương đương 0.16% GDP. Tổng mức vay của
ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân
sách nhà nước là 363,284 tỷ đồng…
Như vậy, tổng số thu ngân sách
nhà nước năm 2018 được “quyết tâm” tăng thu hơn 8% so với số dự toán thu năm
2017. Còn tổng số chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng được phóng khoảng 10% so
với dự toán chi năm 2017.
Có thể hiểu một “cơ sở” quan trọng
để Quốc Hội ra nghị quyết cho những con số dự toán thu – chi chỉ có tăng không
có giảm ấy là dựa vào “kinh nghiệm” những năm trước, cứ đều đặn năm sau lại dự
toán thu – chi tăng khoảng 10% so với năm ngay trước đó. Lần này cũng vậy, đời
thay đổi nhưng não trạng và quán tính đều không di dời.
Tuy vậy, người tính không bằng trời
tính. Cơ sở tăng thu – chi khoảng 10% của chính phủ và Quốc Hội đã rất có thể bị
phá sản gần như hoàn toàn khi kết thúc năm 2017, bởi nếu năm 2017 giới quan chức
dự báo thu ngân sách tăng đến gần 9% so với dự toán đầu năm, thì đến nay chính
giới quan chức đó đã phải thừa nhận kết quả thu năm 2017 chỉ có thể tăng khoảng
2.3% so với dự toán năm.
Nhưng 2.3% chỉ là con số mà Bộ
Tài Chính báo cáo chính phủ, để chính phủ “phổ cập” cho Quốc Hội. Còn trong thực
tế và ứng với tốc độ thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm 2017, năm nay không
chỉ là năm thứ ba liên tiếp ngân sách trung ương bị hụt thu, mà còn là năm đầu
tiên số thu ngân sách có thể bị sụt khoảng 7 – 8% so với dự toán đầu năm, theo
đó bị giảm so với năm liền trước – một biểu hiện rất rõ rệt về biểu đồ xuống dốc
và có thể biến thành lao dốc của thu ngân sách trong năm 2018 và những năm sau
“toàn đảng, toàn dân và toàn quân tiến tới đại hội 13,” nếu còn có đại hội này.
Cũng có một hiện tượng cay đắng mới
cho ngân sách quốc gia: cùng với Hà Nội, ngay cả Sài Gòn cũng có thể bị hụt thu
trong năm 2017, với mức hụt thu so với dự toán đầu năm lên tới 7-8%. Hiện tượng
này cho thấy chẳng khác gì báo chí nhà nước kêu gào suốt từ năm 2011 đến nay về
“sức dân và sức doanh nghiệp đã kiệt.”
Trong khi đó, khối doanh nghiệp đầu
tư nước ngoài – một trong những niềm tự hào lớn nhất của ngành thuế Việt Nam
trong nhiều năm qua – cũng rơi vào số phận hụt thu có thể lên đến 7% trong năm
2017 như khối doanh nghiệp nhà nước. Hiện tượng này phản ánh sức khỏe của nền
kinh tế, dù có được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phóng lên mức tăng trưởng 7.46%
trong quý 3 và 6.7% trong cả năm 2017, vẫn đang tồi tệ với gia tốc nhanh dần,
khiến cả khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng không còn duy trì được mức
doanh thu và lợi nhuận như những năm trước.
Trong tình cảnh đó, quá khó để dự
báo rằng 2018 sẽ là năm mà thu ngân sách đạt bằng với số thu thực tế của năm
2017, chưa nói gì đến dự toán “trên trời” của Quốc Hội và chính phủ.
Cần lưu ý, mức bội chi ngân sách
3.7% GDP cho năm 2018 mà Quốc Hội “nhất trí cao” thực ra là hệ quả của báo cáo
của chính phủ về mức bội chi ngân sách năm 2017 chỉ có 3.5% GDP, tức thấp hơn hẳn
thời bị người dân xem là “ăn tàn phá hại” của đời thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn
Dũng – cao điểm là năm 2013 với tỷ lệ bội chi 6.6% GDP. Tuy nhiên trong thực tế,
từ năm 2016 chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, có thể do hoảng hồn trước
núi bội chi để lại từ thời Nguyễn Tấn Dũng, đã âm thầm chỉ đạo loại nợ gốc khỏi
bội chi ngân sách, do đó trên sổ sách đã giảm trừ được khoảng $5 – $5.5 tỷ,
tương đương hơn 100 ngàn tỷ đồng khỏi bội chi. Còn nếu giữ nguyên nợ gốc và
trong tình hình tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển vẫn chậm chạp (tức bội
chi ngân sách phải tính cả phần chi đầu tư phát triển chưa giải ngân), tỷ lệ bội
chi ngân sách năm 2017 sẽ vọt đến 7% GDP hoặc hơn thế.
Vậy nếu không thể thu đủ cho ngân
sách năm 2018, chính phủ sẽ lấy đâu ra tiền để chi hơn 1.5 triệu tỷ đồng theo
“quyết tâm” của Quốc Hội?
Câu trả lời thật đơn giản: in tiền
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay
của khối ngân hàng là 2.3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn
6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1.2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách
tương ứng, lượng tiền được ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông
đã có thể vào khoảng 500,000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã
chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền
bình quân của các nước phương Tây?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát
cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần
đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ
tiền có mệnh giá 200,000 đồng và 500,000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được
lưu hành ngoài thị trường.
Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng
bởi vậy không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng. Hàng năm, chính
phủ phát hành trái phiếu cho các ngân hàng và thu về tiền mặt, sau đó lại dùng
tiền mặt để trả lãi và nợ gốc cho các ngân hàng. Nhiều năm tích dồn lại, hệ thống
ngân hàng ngày càng chồng chất núi tiền mặt, trong khi ngày càng quá khó để đẩy
tiền ra lưu thông bởi nền kinh tế Việt Nam đang lao vào năm thứ 9 suy thoái
liên tiếp kể từ năm 2008, tình trạng bế tắc đầu ra trở nên quá phổ biến, khiến
đa số doanh nghiệp đều “không biết vay để làm gì.”
Trong một diễn biến có vẻ rất
liên quan với cảnh trạng trên, vào ngày 8 Tháng Mười Một, 2017, nhà máy in tiền
quốc gia tổ chức “lễ khánh thành xưởng sản xuất mực in tiền.” Trước đó, vài
quan chức giới ngân hàng đã tự hào: “Ngân hàng nhà nước có sẵn máy in tiền thì
lo gì!”
Gần đây, ngân hàng thế giới (WB),
một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, đã phải cảnh báo Việt Nam không
nên in tiền quá nhiều mà có thể dẫn tới lạm phát tăng cao.
Bất chấp con số báo cáo của chính
phủ về tỷ lệ lạ phát luôn nằm dưới mức 5%, nhưng thực tế giá cả tiêu dùng và đời
sống đã khiến nhiều người dân ta thán là trong hàng chục năm qua, lạm phát thật
sự đã lên ít nhất vài chục phần trăm mỗi năm. Nhiều mặt hàng sinh hoạt đã tăng
giá gấp 2-3 lần chỉ trong một năm.
Tất nhiên, 86% đại biểu quốc hội
có thể “gật thiểu năng” cho một dự phóng về mức chi ngân sách khủng lên tới hơn
1.5 triệu tỷ đồng cho năm 2018. Nhưng họ cũng nên biết rằng nếu quả thực nền
chính trị và kéo theo cơ quan “của dân, vì dân” đạt tới con số chi ấy, mặt bằng
giá cả xã hội sẽ có thể trở nên hỗn loạn khiến dân chúng – vốn đã phải è cổ
đóng thuế nuôi gần 3 triệu công chức và quan chức – càng bội phần điêu đứng và
hoảng loạn mà rất dễ sinh biến.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét