Cựu tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô, Mikhail Gorbatchev và vợ, Raisa Gorbacheva ký tặng hồi ký "Cuộc sống và Cải tổ" tại Galeries la Fayette, Paris ngày 30/09/1997.PASCAL GUYOT / AFP
Sau dấu ấn củaNadezhda Krupskaya và Nadezhda Alliluyeva, vợ của hai nhà lãnh tụ Liên Xô Lenin và Stalin, điện Kremli viết nên một trang sử mới với hai gương mặt tiêu biểu : vợ của Khrushev và Gorbachev cùng được chọn để làm "tủ kính" cho Đảng Cộng Sản Liên Xô.
Sau 30 năm dưới thời đại Stalin, người dân Liên Xô đã quên hẳn rằng các lãnh tụ của họ cũng là người, bằng da bằng thịt, họ cũng phải có gia đình, vợ con.
Nina Petrovna hay Nina Khrusheva, lòng trung thành tuyệt đối
1953, điện Kremli đổi chủ. Nikita Khrushchev lên cầm quyền cùng với người bạn đời là Nina Petrovna (1900-1984). Họ là một cặp vợ chồng không có hôn thú dù đã có ba mặt con
Tựa như vợ Lenin xưa kia, Nina Petrovna không lấy tên chồng. Bà là giáo sư giảng dậy môn chính trị kinh doanh mà Nikita là một trong những học trò của bà. Ban đầu họ sống nhờ đồng lương của Nina Petrovna. Nhưng khi Stalin ra lệnh cho bà phải quay về với vai trò của bà nội trợ, Nina đã vui vẻ nghe theo. Cháu nội của bà, là nhà chính trị học Nina Khrushcheva giải thích :
"Với bà tôi đó là một bước thụt lùi kinh khủng lắm, thoạt đầu bà rất bất bình với chuyện phải bỏ trường lớp, từ bỏ vị trí ngoài xã hội để lui về nội trợ. Nhưng bản chất bà nội tôi là người cộng sản thật thà, chân chính và rất kỷ luật. Bà đặt niềm tin tuyệt đối vào Đảng và Nhà Nước. Theo bà mỗi quyết định của Đảng đều vì lợi ích chung, vì Cách Mạng nên bà đã vui vẻ tuân theo".
Niềm tin của Nina Petrovna vào Đảng lớn đến nỗi, ngay cả khi Khrushchev bị thất sủng năm 1964, gia đình bị mật vụ KGB theo dõi ngày đêm, Nina vẫn không một lời oán trách chế độ. Trong lịch sử Liên Xô, bà giáo Petrovna là vợ của chủ nhân điện Kremli đầu tiên thường xuyên theo chồng công du nước ngoài. Đáng ghi nhớ nhất là chuyến công du Hoa Kỳ năm 1959, khi cả gia đình theo Nikita Khrushchev sang Mỹ.
Cháu nội của bà nhà chính trị học Nina Khrushcheva nhớ lại :
"Việc để cho cả gia đình sang Mỹ là ý đồ của Đảng, muốn giới thiệu với phương Tây một bộ mặt mới của xã hội chủ nghĩa. Bà nội tôi là một phần của bộ mặt nhân bản đó. Bà luôn tươi cười, với gương mặt hiền hòa chất phác. Tại Mỹ, bà bắt tay rất nhiều người, bà tiếp xúc cả với người lao động Mỹ. Hình ảnh đó được truyền thông Liên Xô phổ biến rộng rãi và có tác động rất tích cực".
Vợ của lãnh tụ Nikita Khrushchev là một người đàn bà giản dị, khiêm tốn, khô khan. Ngay trong gia đình Nina rất biểu lộ tình cảm. Nhưng với báo chí tuyền thông và Đảng, bà là phụ nữ đóng trọn vai trò của người vợ, của một người mẹ. Ngoài hình ảnh đó, công luận không biết gì nhiều về Nina.
Năm 1971 khi Khrushchev qua đời, số phận của Nina Petrovna càng bấp bênh. Chính vợ của Leonid Brejnev là Viktoria Brejneva đã can thiệp để Nina được hưởng lương hưu của chồng.
Năm 1984, Nina Petrovna qua đời. Tại Liên Xô, khi bà không còn mấy ai nhớ rằng bà từng là vị "đệ nhất phu nhân" đầu tiên của Liên Bang Xô Viết từng bắt tay những người Mỹ, trên đất Mỹ.
Viktoria Brejneva, sống ngoài khuôn viên điện Kremli
Liên Xô dưới năm tháng của Brejnev có nhiều thay đổi : xuất thân là công nhân, Leonid thích xe hơi, đồng hồ, trang phục của Tây Âu. Ông tự xem mình có sức quyến rũ như tài tử điện ảnh Pháp, Alain Delon. Vladimir Musaeljan, nhiếp ảnh gia chính thức của cố lãnh tụ Brejnev hồi tưởng lại :
"Trong chuyến công du Tây Đức (năm 1973) tại Bonn, Brejenev đã không thể rời mắt ngắm nhìn vợ thủ tướng Willy Brandt. Vợ của Brejnev rất ít xuất ngoại, bà sống trong căn nhà cách thủ đô Matxcơva chừng 15 phút lái xe, chung quanh là một đại gia đình với khoảng 20 người, trong đó có một cô y tá và cũng là tình nhân của Leonid".
Viktoria Brejneva (1907-1995) nhắm mắt trước tất cả những chuyện trăng gió của chồng. Đổi lại, bà không bị cấm cung trong điện Kremli và được chồng chăm lo đầy đủ về mặt vật chất. Tháng 10 năm 1982, Leonid Brejnev qua đời, đấy là lần cuối cùng bà xuất hiện trước ống kính truyền hình. Sáu năm sau khi Liên Xô tan rã, Viktoria về chầu Trời trong sự quên lãng của tất cả mọi người.
Raisa Gorbacheva, cuộc cách mạng bất thành
Tường thành kiên cố của điện Kremli như chỉ hé mở một cánh cổng rất nhỏ dưới thời Michail Gorbachev. Bên cạnh vị lãnh tụ tối cao này luôn có bóng hình của Raisa. Công chúng được trông thấy một vài bức ảnh ông Gorbachev chụp với gia đình, vợ, con và các cháu.
Chuyến công du Hoa Kỳ đầu tiên của nguyên thủ Liên Xô tháng 12/1987 là một cột mốc quan trọng. Cả thế giới đã trông thấy một đệ nhất phu nhân của điện Kremli rất sang trọng : từ y phục đến kiểu tóc và cả cách bà trang điểm, hay cái ví bà cầm tay đã được phương Tây soi bằng kính hiển vi mà không thể chê trách điều gì. Trên thảm đỏ ở Nhà Trắng, bà Raisa lộng lẫy ngang tầm với đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ là Nancy Reagan.
Đã thuộc về quá khứ thời năm 1959, khi Nina Petrovna, vợ của Khrushchev trong chiếc áo đầm quê mùa đứng bên cạnh một Jacqueline Kennedy rất đài các và quý phái. Với Raisa Gorbacheva (1932-1999), khoảng cách giữa hai thế giới tư bản và cộng sản như đã được thu hẹp lại.
Nhưng liệu rằng công luận Liên Xô ở những năm 1980 có tự hào với "đệ nhất phu nhân" Raisa hay không ? Câu trả lời là không. Hình ảnh lãnh tụ Liên Xô tay trong tay với vợ trên sân khấu chính trị quốc tế, và tệ hơn nữa người phụ nữ ấy lại biết giao tiếp, biết trả lời phóng viên quốc tế, lại dám đưa ra những suy nghĩ dù rất "bài bản" của mình, thực sự là "một cú sốc trong công luận" trên quê hương của nữ quyền, trên đất nước từng được đặt dưới sự cai trị của nữ hoàng Catherine Đại Đế.
Lần đầu tiên trả lời truyền thông Mỹ năm 1987, ông Gorbachev phá lệ tuyên bố : Với Raisa, họ không giấu nhau điều gì, họ nói tất cả với nhau. Chỉ một câu nói đơn giản đó khiến từ mật vụ đến bộ phận tuyên truyền của của điện Kremli mất ăn mất ngủ. Bài phỏng vấn đó dù là của lãnh đạo tối cao cũng vẫn bị kiểm duyệt.
Rồi hàng loạt các tin đồn dấy lên ở Matxcơva về cuộc sống xa hoa của của vợ tổng bí thư đảng Cộng Sản Liên Xô.
Qua bà, "guồng máy Đảng" muốn tấn công Gorbachev, nhắm vào các chính sách glasnost("mở cửa"), perestroika ("cải tổ") của ông. Raisa bị mật vụ KGB theo dõi ngày đêm, mang hồ sơ "111" .
Ý thức được rằng, chỉ một sơ sót dù rất nhỏ, sự nghiệp của chồng có thể bị tiêu tan, Raisa đã cẩn thận ghi chép đầy đủ vào biên bản tất cả các khoản chi tiêu của bà ở cương vị vợ nguyên thủ quốc gia. Bà hiến tất cả những quà tặng khi tiếp các lãnh đạo trên thế giới. Vậy mà Raisa vẫn chưa làm vừa ý Đảng, không chinh phục được lòng dân.
Phương Tây càng ca tụng cặp vợ chồng Michail và Raisa bao nhiêu thì ngay trên quê hương của Lenin, mảnh đất tiên phong của nữ quyền, sự hiện diện của đệ nhất phu nhân bên cạnh lãnh tụ tối cao Liên Xô lại là một điều cấm ky.
Raisa Gorbacheva phát hiện bà bị ung thư máu khi còn ở điện Kremli. Năm 1999 bà qua đời. Trong mắt các nhà xã hội học, Raisa Gorbatcheva đã thổi một làn gió mới vào điện Kremli và đã đưa ra một hình ảnh mới về vai trò, vị trí của đệ nhất phu nhân tại Liên Xô, nhưng bà đã thất bại trong việc đem lại một cuộc Cách Mạng trong cung điện nguy nga tráng lệ ấy.
Từ đó tới nay, Naina Yeltsina, Lioudmila Putina hay Svetlana Medvedeva đều là những chiếc bóng lặng câm bên cạnh những ông chồng đầy quyền lực. Năm 2013 vợ chồng tổng thống Putin thông báo chia tay trước ống kính của truyền hình trong một sự dàn cảnh đã được thu xếp từ trước. Ba năm sau báo chí Matxcơva tiết lộ dường như Lioudmila đã đi thêm bước nữa.
Dù đứng trong hay ngoài những bước tường thành kiên cố của điện Kremli, cuộc đời của những bà vợ các nhà lãnh đạo Nga, thời nào đi chăng nữa, vẫn thuộc phạm trù "bí mật quốc gia".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét