Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

Đại học Bình Nhưỡng, nơi đào tạo những lãnh đạo tương lai

RFI


Một giờ học của sinh viên Bắc Triều Tiên trường đại học PUST với giảng viên nước ngoài.Ảnh chụp lại từ tạp chí Diplomatie

Thế giới chỉ biết nhiều về các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hạt nhân Bắc Triều Tiên, nhưng lại biết rất ít về các lĩnh vực đời sống xã hội, nhất là các chương trình giáo dục – đào tạo nhân lực cho đất nước. Chuyên gia Théo Clément, Viện Nghiên cứu Đông Á tại Lyon, từng được mời đến giảng dạy tại Đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST), cơ sở đầu tiên đào tạo đại học được các quỹ tư nhân và nước ngoài tài trợ. Trường đại học này ưu tiên đào tạo « con em » tầng lớp tinh hoa để trở thành những lãnh đạo tương lai cho Bắc Triều Tiên.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về cách thức đào tạo nguồn nhân lực, cách nhìn của sinh viên Bắc Triều Tiên về thế giới bên ngoài, Théo Clément đã dành một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Diplomatie (Đối Ngoại) số ra cho hai tháng 11-12/2017. RFI Tiếng Việt xin lược thuật lại.

Đại học « ngoại hạng » này được hình thành như thế nào ?

Théo Clement : Trường do ông Kim Chin-Kyung, một người Mỹ gốc Hàn Quốc thành lập. Tuy sống định cư ở Mỹ từ những năm 1970 nhưng ông vẫn luôn có một niềm tin sâu sắc và luôn mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên. Sau khi đã tài trợ cho trường đại học Diên Biên (Yanbian – khu tự trị Triều Tiên tại Trung Quốc) trong những năm 1990, ông Kim bắt đầu thiết lập các mối quan hệ với các tổ chức chính thức hay không chính thức, chủ yếu thông qua các mạng lưới tôn giáo ngầm (Tin Lành) tại Bắc Triều Tiên, nơi mà ông cũng có nhiều hoạt động nhân đạo.

Chính vì những hoạt động này ông đã bị kết án tù tại Bắc Triều Tiên vì bị cáo buộc có các hoạt động lật đổ chế độ. Ông bị kết án tử hình, nhưng ngay ngày hôm sau đã được ân xá rồi bị trục xuất. Sau này, chính Bắc Triều Tiên đã bắt lại liên lạc với ông, đề nghị ông giúp mở một trường đại học bằng quỹ tư nhân tùy theo khả năng kinh nghiệm và những mạng lưới mà ông có để thực hiện.

Nhân dịp gặp Kim Jong Il (Kim Chính Nhật) năm 2001, ông Kim Chin-Kyung đã khởi động dự án này, nhưng phải đợi mất gần 10 năm sau mới có được giấy phép, tìm được nguồn quỹ, xây dựng cơ sở và như vậy trường đại học này mới có thể mở cửa...

Làm thế nào giáo viên nước ngoài có thể đến dạy ở đây ?

Trước khi Hoa Kỳ có lệnh hạn chế du lịch Bắc Triều Tiên, nguồn giảng viên có khoảng 80 người, trong đó có hơn phân nửa là người Mỹ, phần còn lại chủ yếu là giảng viên Triều Tiên. Về phần tôi, sau một cuộc hội thảo mà tôi trình bầy tại Boston, về các đặc khu kinh tế (ZES) ở Bắc Triều Tiên, chính một giáo sư người Mỹ gốc Triều Tiên, thành viên của hội đồng khoa học PUST đã đề nghị tôi đến giảng dạy tại đây vào năm 2014. Tôi đã nhận lời ngay lập tức mà không nghĩ rằng điều đó có thể thực hiện... Sáu tháng sau đó, tôi đã ở Bình Nhưỡng.

Tổng cộng, tôi đã có 4 chuyến đi trong khuôn khổ chương trình này : Hai lần để giảng dậy trong nhiều tuần liền và hai lần tham gia hội thảo, và tất cả đều được thực hiện bằng tiếng Anh. Mặt khác, chúng tôi không được phép nói tiếng Triều Tiên ở trường đại học, không những chỉ vì chương trình đào tạo là bằng tiếng Anh, mà còn để tránh tạo nên một sự thân cận nào đó giữa thầy và trò. Một bộ phận lớn giáo viên nước ngoài có tiếng mẹ đẻ là Triều Tiên, do đó tôi nghĩ rằng sự bắt buộc về ngôn ngữ này (dùng tiếng Anh) nhằm duy trì một rào cản giữa người Bắc Triều Tiên (bất kể là sinh viên hay là giáo sư) với những người khác.

Những chuyến đi này có yêu cầu cao trên mọi mặt, vì phải biết rằng Bắc Triều Tiên không trả thù lao cho giảng viên nước ngoài. Thêm vào đó là những điều kiện về tự do học thuật và đi lại không dễ dàng, do đó cần phải có thời gian và tìm được nguồn tài chính.

Những sinh viên học ở trường này là ai ? Họ được tuyển chọn như thế nào ?

Trường đại học Khoa học và Công nghệ Bình Nhưỡng (PUST) có khoảng 400 sinh viên (phần đông là nam sinh, nữ sinh chỉ được nhận vào trường kể từ năm 2015), tất cả đều xuất thân từ một tầng lớp tinh hoa nào đó của Bắc Triều Tiên (chắc chắn là giới trí thức, nhưng có cả giới chính trị và kinh tế nữa) và đã được nhắm vào những vị trí lãnh đạo. Nhưng họ buộc phải trải qua một kỳ thi đầu vào, chủ yếu để đánh giá trình độ Anh ngữ, bắt buộc là phải thông thạo.

Những sinh viên có trình độ tiếng Anh kém hơn, khá lớn tuổi, vừa kết thúc nghĩa vụ quân sự, là những người duy nhất được nhận vào trường do lý lịch đầy hứa hẹn của họ. Phần đông những người nhập học đều ở Bình Nhưỡng. Số khác đến từ Hamhung, Wonsan, Pyongsong...., rất ít người đến từ những thành phố xa ở phía bắc.

Ông giảng dạy về đầu tư trực tiếp ở nước ngoài và các đặc khu kinh tế. Làm thế nào những sinh viên trẻ đang sống trong một cái hũ khép kín lại có thể tiếp thu những kiến thức đó ?

Trên thực tế, họ không có sống trong một chiếc hũ khép kín đâu. Họ còn có ý tưởng rất rõ về một nền kinh tế tư bản và đầu tư trực tiếp ở nước ngoài vận hành ra sao. Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với việc họ tin vào tính thích đáng của việc phát triển kinh tế dựa trên những nguyên lý này. Mặt khác, chủ đề về ZES lại thu hút sự quan tâm của sinh viên Bắc Triều Tiên nhiều hơn là chủ đề kia, bởi vì có thể áp dụng trực tiếp vào nền kinh tế nước họ.

Điều nghịch lý là những sinh viên này hiểu rất rõ trường hợp Trung Quốc hơn là nước mình. Đại khái khi tôi hỏi họ Bắc Triều Tiên có bao nhiêu đặc khu kinh tế, vất vả lắm họ chỉ liệt kê được có một mà thôi, trong khi đó trên thực tế có đến 26 !

Thế hệ tinh hoa tương lai này nhìn đất nước họ và tương lai của họ tại đất nước này ra sao ?

Trong mọi trường hợp, những cô cậu sinh viên đó đều có triển vọng về sự nghiệp chính trị, kinh tế hay trở thành giảng viên đại học có uy tín và đã được chế độ thu nhận. Con cái của tầng lớp lãnh đạo chính trị, kinh tế và nhất là trí thức là những sinh viên mang nặng tư tưởng chủ nghĩa dân tộc, rất thích nói về chính trị với người nước ngoài, thường có một giọng điệu mang chút hơi hướng gia trưởng...

Nhìn từ phương Tây, quả thật điều đó hơi khó hiểu, nhưng khi chúng tôi nói chuyện với họ về tình hình chính trị đất nước chúng ta, những sinh viên này có khuynh hướng nhìn chúng ta với một thái độ hạ cố khi cho rằng những gì đang xảy ra ở nước chúng ta là khủng khiếp lắm, và rằng ở nước họ, tình hình khá hơn nhiều bởi vì tình yêu vĩnh hằng của Lãnh Đạo Tối Cao không gây ra một vấn đề gì, không một lệnh trừng phạt nào, không một mưu toan bóp nghẹt nào có thể đụng chạm được đến họ cả...

Đối với những sinh viên này, họ được sống trong một chế độ tốt nhất thế giới. Đương nhiên đó là những luận điểm do hệ thống chính trị mà họ đang sống trong đó đưa ra. Thế nhưng, dần dà, qua các quan hệ qua lại và những cuộc thảo luận không chính thức, người ta bắt đầu niệm ra rằng sự gắn kết cùng lúc chủ nghĩa dân tộc và chính trị là không thể nghi ngờ, chí ít là đối với tầng lớp rất đặc biệt này trong dân chúng.

Sinh viên nghĩ gì về việc Bắc Triều Tiên mở cửa (tương đối) về kinh tế ?

Các bài giảng của tôi đã thực sự cho phép quan sát xem các sinh viên có suy nghĩ ra sao về các vấn đề này. Họ không hề ngạc nhiên khi hiểu rằng có những cuộc cải cách kinh tế đang được tiến hành. Họ coi Bắc Triều Tiên như một quốc gia ở đó, mọi việc đang biến đổi, chứ không phải như một thực thể đông cứng.

Trong số các sinh viên, có những người đến từ những thành phố đã có đặc khu kinh tế và sau khi học xong, họ được mời quay trở lại đó để nắm giữ các vị trí quan trọng nhằm phát triển đất nước. Bất kể họ hoạt động trong lĩnh vực nào, như ngoại giao, thương mại hay chính trị, họ đều muốn tham gia vào sự phát triển kinh tế của đất nước.

Trong mọi trường hợp, họ không tính đến con đường sự nghiệp cá nhân, tách biệt với vận mệnh chung của đất nước. Tuy vậy, có một điều thú vị cần ghi nhận, đó là mỗi cá nhân với mức độ ý thức khác nhau, vẫn có triển vọng phát triển, tuy có bị cuốn hút theo phong trào chung.

Người nước ngoài/ thế giới có cái nhìn ra sao về những nhà lãnh đạo tương lai này ?

Nước ngoài, nhất là các trường đại học phương Tây, có sức quyến rũ đối với họ, cho dù đôi khi dường như họ khó có thể thừa nhận công khai suy nghĩ này. Liên quan tới những bất đồng quốc tế, đặc biệt là với Hoa Kỳ, các sinh viên hoàn toàn đi theo lập trường chính, gần như là máy móc. Tuy nhiên, họ rất chú ý tới việc giữ xã giao đối ngoại khi nói chuyện với người nước ngoài và phân biệt rất rõ giữa một bên là chính phủ Mỹ và bên kia là nhân dân Mỹ.


Đối với châu Âu, họ tìm cách thăm dò xem lập trường của châu Âu đối với Mỹ và Hàn Quốc. Rất nhiều sinh viên cũng nói với tôi về tướng De Gaulle, về lập trường độc lập của nước Pháp. Vả lại, tất cả các sinh Bắc Triều Tiên đều rất mê nước Pháp và họ rất rành các tiểu thuyết lớn của thế kỷ 19.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét