Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

Chính phủ và quốc hội có ‘đồng lõa’ cho xăng tăng ‘vặt lông vịt’?

Thiền Lâm - Cali Today
Từ kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 đến kỳ họp tiếp theo tháng 10 – 11 năm 2017 đã nổi rõ một thủ đoạn mới để tăng giá xăng: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petromlimex), với cấp trên chủ quản của tập đoàn này là Bộ Công thương – đã tạm thoái lui trên mặt trận “Luật bảo vệ môi trường”, nhưng vẫn âm thầm và trơ tráo tăng dần giá xăng theo phương châm “vặt lông vịt phải từ từ để vịt khỏi kêu”.
Âm mưu tăng thuế “bảo vệ môi trường”, mà thực chất là phi mã thuế xăng lên đến 8.000 đồng/lít, đã phải tạm thời câm bặt trong kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 bởi làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận lẫn nhiều đại biểu quốc hội, dù trước đó đã có thông tin vụ việc này được đưa vào nghị trình thảo luận của Quốc hội, thậm chí còn được PR rằng Quốc hội của bà Nguyễn Thị Kim Ngân chắc chắn sẽ xem xét trên tinh thần thông qua một dự luật về thuế bảo vệ môi trường.
Cũng không có bất cứ nội dung nào nghị luận về việc tăng thuế bảo vệ môi trường tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.
Trong cả hai kỳ họp quốc hội trên, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã không hề hé môi về vụ “còng số 8” – một cách mà người dân chua chát ví von về dự thảo 8.000 đồng đánh vào 1 lít xăng.
Hẳn là bà Kim Ngân đã ý thức được ý đồ “gắp lửa bỏ tay người” của Chính phủ và những bộ ngành liên quan.
Từ đầu tháng 4/2017, “còng số 8” đã được phía chính phủ khôn lanh chuyển sang tay người chịu trách nhiệm bỏ phiếu thông qua luật là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Từ công đoạn này trở đi, không phải Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương hay Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà cơ quan “của dân, do dân và vì dân” nếu nhắm mắt thông qua luật tăng giá xăng dầu mới là nơi tập trung mọi tiếng chửi bới oán thán của các tầng lớp bị bần cùng hóa trong một đất nước đang rất gần với cùng tắc biến.
Nhưng dù Quốc hội không đề cập Luật Bảo vệ môi trường, những thủ phạm luôn âm mưu “thu cùng diệt tận” đối với dân chúng vẫn “binh” theo một đường khác đỡ ồn ào hơn và vẫn bảo đảm thu không kém gì cơ chế tăng thuế xăng lên 8.000 đồng/lít.


Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Xuân Phúc có “đồng lõa” cho xăng tăng giá bất cần luật cùng thủ đoạn ‘vặt lông vịt’?. Ảnh: Zing.vn

Cứ nửa tháng một lần, Petrolimex và Bộ Công thương lại được Chính phủ cho phép điều chỉnh giá xăng. Từ vài năm qua, nhóm lợi ích xăng dầu đã điều chỉnh giá xăng theo chiến thuật tăng zic zac, tăng vài ba lần rồi giảm một lần cho có, rồi lại tăng vài ba lần nữa. Mỗi lần tăng một ít, không nhiều quá để dân chúng và công luận khỏi phản ứng mạnh.
Vài năm trước, Bộ Công thương và Petrolimex còn “căn cứ vào giá dầu thị trường thế giới” để tính “giá cơ sở” cho việc điều chỉnh giá xăng ở Việt Nam. Nhưng đến năm nay, con mắt cú vọ của nhóm lợi ích xăng dầu đã trở nên mất liêm sỉ hơn rất nhiều: dù giá dầu thế giới dao động nhẹ và gần như đứng im từ đầu năm 2017 đến nay, giá xăng Việt Nam vẫn tăng đều đặn, bất kể “quy luật thị trường”.
Cách đây không lâu, một chuyên gia tài chính nhà nước là Vũ Đình Ánh còn lạnh lùng ví von: thu thuế như vặt lông vịt, vặt làm sao cho sạch nhưng đừng quá vội để con vịt nó kêu toáng lên.
Chính thể Việt Nam, dù rất tệ trong điều hành kinh tế – xã hội, nhưng lại khá giỏi giang trong việc nắm được tâm lý hơn 90 triệu dân đã quen bị khuất phục trong hơn bảy chục năm: một chính sách dù bất công hoặc rất bất công, nhưng nếu biết kết hợp thói độc tài lì lợm và bóp miệng báo chí nhà nước, sẽ chẳng có gì kêu toáng lên. Dân và công chức có phản ứng đấy, nhưng chỉ là nhỏ lẻ vụn vặt, tụm năm tụm ba, rồi chẳng bao lâu sau đó không khí kêu ca lắng hẳn, ai cũng phải lo mưu sinh của mình và chẳng ai thoát khỏi tâm thế cam chịu. Thế là giá xăng lại có cơ hội “vươn lên một tầm cao mới”.
Đến nay, giá xăng đã tăng hơn 18.000 đồng/lít và đang tràn đầy hy vọng chiếm cứ mốc 25.000 đồng/lít trong tương lai gần, có thể ngay trong năm 2018.
Cũng như EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) với số lỗ chồng chất hơn 30.000 tỷ đồng từ thời đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, Petrolimex cũng là một trong những quán quân về cách thức làm sao để trút lỗ lên đầu người dân với món nợ hơn 10.000 tỷ đồng.
Không ít tác giả nghiên cứu về xã hội học và tâm lý học người dân Việt Nam đã đúc kết: một đặc tính đáng ngạc nhiên của người dân là trong khi sẵn sàng ăn thua đủ với nhau thì lại quá dễ bị mê hoặc, dụ dỗ bởi những thủ đoạn mị dân của giới cầm quyền.

Dân Việt dù biết bị móc túi nhưng không thể phản ứng mạnh và rồi sẽ quen dần.
Và Quốc hội cũng quen dần. “Thành tích” của Quốc hội này là trong suốt kỳ họp tháng 10 – 11 năm 2017 đã không một lần đề cập đến thuế “bảo vệ môi trường”, nhưng cũng chẳng thèm đoái hoài đến biến động tăng giá xăng, cũng như đã chẳng một đại biểu nhân dân nào thốt nổi về nạn xả thải lẫn hậu quả khủng khiếp gây ra bởi Formosa, nạn xả lũ miền ở Trung và Bắc Bộ gây ra bởi các nhà máy thủy điện mà đã trực tiếp lẫn gián tiếp gây ra cái chết của hơn một trăm người dân trong đợt bão tố vừa qua, những nghi vấn ghê gớm về Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng gia đình bà ta liên đới mật thiết với vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả mà đã có thể giết chết không ít bệnh nhân…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét