Nhiều vụ án lớn được điều tra ở
Việt Nam thời gian gần đây cho thấy có một số quan hệ nhất định giữa giới đại
gia ngân hàng, tài phiệt với một số quan chức trong bộ máy, tổ chức nhà nước hoặc
doanh nghiệp được cho là 'sân sau', theo giới quan sát. AFP/Getty
Có vẻ có 'dấu hiệu lạ' qua các diễn
biết xảy ra với các vụ án Trịnh Xuân Thanh và Trầm Bê, so với 'thông lệ' những
gì thường thấy từ trước trong các vụ án lớn, một khách mời nói với BBC Tiếng Việt
hôm thứ Bảy.
Hôm 25/11/2017, blogger, nhà báo
tự do Trương Duy Nhất từ Đà Nẵng khi nêu bình luận về hai vụ án trên, nói với
Bàn tròn điểm tin tức tuần này của BBC từ Đà Nẵng: "Có những dấu hiệu lạ qua
hai vụ án lớn này, vụ Trịnh Xuân Thanh và vụ Trầm Bê, thường thường trước đây,
qua từng giai đoạn, ví dụ điều tra, đến khi kết thúc điều tra là báo chí đã vào
cuộc rồi."
"Để dọn đường cho cơ quan điều
tra kết thúc điều tra, dọn đường cho công việc truy tố của Viện Kiểm sát và đặc
biệt là dọn đường cho công tác xét xử phiên tòa.
"Ban bí thư và tuyên huấn đều
làm công tác dọn đường trước qua báo chí, nhưng điều đặc biệt qua hai vụ án
này, đến bây giờ, từ khi bắt ông Trầm Bê, đặc biệt là từ khi 'lôi' ông Trịnh
Xuân Thanh từ Đức về đây, ông Trịnh Xuân Thanh đã khai gì?
"Đã lấy được tư liệu, cơ
quan điều tra đã 'móc' được gì từ miệng ông Trịnh Xuân Thanh, từ miệng ông Trầm
Bê, thì hầu như đến bây giờ chúng ta không biết gì cả. Đấy là một điều rất khó
hiểu...
"Đây là những dấu hiệu rất lạ,
nên tôi đang lo một điều là phải chăng những vụ án này sẽ rơi vào tình trạng đầu
voi, đuôi chuột.
Ông Trịnh Xuân Thanh xuất hiện
trên truyền hình Việt Nam vài tháng trước, hôm 04/8/2017, và cho hay ông đã tự
nguyện về Việt Nam 'đầu thú'.
"Những gì dư luận chúng ta
nghĩ lâu nay, ví dụ như vụ Trầm Bê, là bắt ông Trầm Bê và khởi tố và xét xử vụ
án Trầm Bê trước vành móng ngựa có ai nữa không?"
Cựu phóng viên báo 'Công an Quảng
Nam - Đà Nẵng' và báo 'Đại Đoàn kết' nhiều năm về trước, ông Trương Duy Nhất
cũng đặt dấu hỏi liên quan đến ông Trầm Bê và vụ án Trầm Bê, hay vụ án Trịnh
Xuân Thanh, liệu còn có 'trách nhiệm gì' của những quan chức hay cựu quan chức
lãnh đạo cao cấp nào đó trong chính quyền hiện nay, hoặc nhiệm kỳ trước hay
không.
Trợ thủ là ai?
Nêu quan điểm tiếp tại Bàn tròn
điểm tin tức tuần hôm 25/11 của BBC Việt ngữ, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, từ
Sài Gòn nói:
"Thực ra tôi hơi nghiêng về
cảm giác lo ngại của nhà báo Trương Duy Nhất là chiến dịch này có thể thành 'đầu
voi đuôi chuột' mà nếu 'đầu voi đuôi chuột', thì sẽ chẳng có ai mà đưa ra nữa,
không có nhân vật nào thêm để đưa ra nữa.
"Đúng như nhà báo Trương Duy
Nhất phân tích, từ khi ông Trầm Bê bị bắt, không có thêm thông tin gì cả, khi bắt
ông Phạm Công Danh, khi bắt ông Hà Văn Thắm, thì còn bắt thêm hàng loạt, bắt
ông Nguyễn Xuân Sơn ở Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu, ông Hà Văn Thắm - Ngân hàng Đại
Dương, ông Phạm Công Danh - Ngân hàng Xây dựng.
"Sau đó là một dây các lãnh
đạo của ngân hàng đó, rồi các trưởng, phó phòng ở các ngân hàng đó, kể cả chi
nhánh, nghĩa là mỗi vụ án như vậy còn kéo thêm từ 30 tới 40 người bị bắt.
"Ông Trầm Bê thì rất đặc biệt,
bắt từ đầu tháng 8/2017 cho tới giờ là gần bốn tháng rồi, nhưng chưa thấy bắt
thêm ai cả.
Ông Trầm Bê (trái), cựu lãnh đạo
Ngân hàng Sacombank, bị bắt hôm 01/8/2017, truyền thông Việt Nam cho hay ông đã
bị bắt cùng 15 người trong một vụ án.
"Và tôi không nghĩ là vụ việc
ông Trầm Bê chỉ liên quan một mình ông, mà chắc chắn là ông phải có trợ thủ của
ông, thế thì bây giờ trợ thủ của ông đâu? Và tại sao không có thông tin nào về
Trầm Bê?
"Thôi thì không có thông tin
thì đó là chuyện của công an, vì công an có quyền giữ bảo mật đối với báo chí về
chuyện này, nhưng tại sao bắt ông Trầm Bê lại không bắt thêm ai? Đó là một dấu
hỏi rất lớn," Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam nói.
Đầu voi đuôi chuột, giơ cao đánh
khẽ?
Và ông Phạm Chí Dũng nói thêm:
"Dấu hỏi thứ hai liên quan
chuyện 'đầu voi đuôi chuột' mà chúng tôi vừa đề cập, rõ ràng là trong năm 2017,
chiến dịch được cho là chống tham nhũng của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
chưa đâu vào đâu cả.
"Trường hợp một ông đã bị
cách chức Ủy viên Bộ Chính trị mà lại không cách luôn chức Ủy viên Trung ương Đảng,
trong khi đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã nhận định trong báo cáo của mình là
'rất nghiêm trọng', ông vẫn là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, thuộc Ban chấp
hành Trung ương, tại sao để đó?
"Và tại sao đến Hội nghị
Trung ương 6 lại không có vấn đề của ông đó và tại sao trước và sau Hội nghị
Trung ương 6 thì khẩu khí chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng khác hẳn so
với trước đó vốn quyết liệt, thậm chí nói như một triết lý mới, khẩu khí mới
nói ra như một sự xuất thần: 'lò đã nóng lên rồi, thì củi tươi đưa vào cũng phải
cháy'.
"Thế nhưng mà sau đó lại nói
là 'mở đường cho người ta tiến', đó là khẩu khí của ông Nguyễn Phú Trọng cũng
trong các cuộc họp, như vậy nhiều dư luận cho rằng ông dịu hẳn đi và dường như,
thậm chí một số lãnh đạo bây giờ cũng phải nhận xét 'trung ương thì nóng, nhưng
địa phương thì nguội', thế thì chống tham nhũng cái nỗi gì?
"Mà nếu không chống tham
nhũng được như vậy, thì chỉ 'giơ cao đánh khẽ' thôi và cuối cùng mọi chuyện sẽ
trở về 'đầu voi đuôi chuột', có nghĩa là nếu như vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ
án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có đưa ra xử đúng thời hạn, đúng thời điểm vào
tháng Giêng và tháng Hai năm sau, năm 2018, thì có lẽ là chỉ xử phần ngọn mà
thôi," Tiến sỹ Phạm Chí Dũng nêu quan điểm riêng.
Truyền thông Việt Nam trong tháng
10/2017 đưa tin về các hoạt động tiếp xúc cử tri của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
có tường trình một số phát biểu của ông, theo đó, nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt
Nam được dẫn lời nói:
"Có vụ án mấy năm không xử
được vì liên quan đến nhiều thứ khác, cần có thời gian. Nhiều vụ làm nhanh,
nhưng cũng có những vụ phải làm sao cho tâm phục khẩu phục, chứng cứ rành rành
không thể chối được nữa thì mới nhận tội... Thông thường anh nào cũng kêu oan,
anh nào cũng kêu nặng quá, nhưng dân thì bảo vẫn còn nhẹ, phải làm quyết liệt
hơn nữa".
Vẫn theo truyền thông Việt Nam,
ông Nguyễn Phú Trọng cho biết: "Những vụ việc được xử lý trong thời gian
qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục khẩu phục. Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm
ơn, các đồng chí bị kỷ luật nói rằng thi hành kỷ luật tôi rất đúng... Việc xử
lý cán bộ cốt để sửa, cốt để tiến bộ, để trưởng thành và tốt nhất là tự giác thấy
mà sửa đi..."
"Đấu tranh là để là để giữ ổn
định, phát triển; đấu tranh để đoàn kết tốt hơn chứ không phải để làm đổ vỡ đi.
Xử lý sao cho người ta giác ngộ, để thu hồi tài sản không để mất mát.
"Để tất cả mọi người thấy được
vết xe đổ ấy. Thế mới là thành công, không để gây bất mãn cho xã hội," ông
Nguyễn Phú Trọng được báo chí chính thống của Việt Nam dẫn lời nhấn mạnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét