LS Hồ Liên Thành
Nữ luật sư Hồ Liên Thành. Ảnh: FB Liên Thành.
Hôm trước khi hay tin Luật sư
Võ An Đôn bị Hội đồng khen thưởng, kỷ luật Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên
đưa ra họp xem xét đề nghị kỷ luật, tôi đã có bài viết TRĂN TRỞ VÕ
AN ĐÔN, được nhiều bạn bè trên trang FB đồng cảm, chia sẻ…
Hôm nay, tôi hay tin Luật sư Võ
An Đôn bị Ban chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên ra quyết định kỷ
luật bằng hình thức cao nhất: xóa tên khỏi Đoàn Luật sư, tôi thực sự
cảm nhận nỗi niềm đau xót.
Dù rằng tôi và nhiều người
không đồng tình về một số nội dung ý kiến phát biểu của Luật sư Võ
An Đôn trên trang FB Đôn An Võ và dù rằng tôi biết Luật sư Võ An Đôn có
những phản ứng quá lời khi nhận được góp ý của một số bạn bè, đồng
nghiệp… Nhưng, không vì vậy mà tôi nghĩ mọi người sẽ xa lánh Võ An
Đôn và không phải vì vậy mà tôi giữ im lặng khi Võ An Đôn gặp hoạn
nạn…!
“Nhân vô thập toàn”, huống gì
những điều Luật sư Võ An Đôn phát biểu nhận xét nó phản ánh một
hiện thực trần trụi, phũ phàng và nhức nhối mà mỗi ngày vẫn diễn
ra, mang tính phổ biến và chưa có phương thuốc chữa trị trong đời
sống pháp luật và của chính giới luật sư.
Tôi đã từng đưa ra ý kiến lý
giải phát ngôn của Võ An Đôn trên trang FB của mình:
“1. Nội dung phát ngôn của Võ
An Đôn chứa đựng một sự thật trần trụi và đau lòng, đó là địa vị
pháp lý của luật sư ở Việt Nam quá thấp và từng bước bị vô hiệu hóa,
để tồn tại được trong môi trường mà án tòa xử “sáng đúng, chiều
sai, đến mai lại đúng” hay “án dân sự muốn xử sao cũng được” thì
luật sư buộc phải “chạy án”, nhưng khi nói, viết thì vị luật sư này
không thèm rào trước, đón sau, không loại trừ và phân biệt luật sư tư
vấn với luật sư tranh tụng, không dùng từ “phần lớn” hay “bộ phận
không nhỏ” như cách nói của những người “khôn ngoan”…!
2. Có thể vì quá bức xúc
trước thực trạng hệ thống tư pháp còn nhiều bất cập, cơ quan công
quyền hành xử sai trái có hệ thống, người dân yếu thế gánh chịu
bất công và oan sai tràn ngập, chính thân chủ của luật sư bị chết
oan, bị bức hại, ngay luật sư cũng bị hành xử bất công, nên vị luật
sư này đã chọn cách thể hiện bằng ngôn ngữ “nói quá” như một sự
“khiêu khích” để lôi kéo chú ý và tạo ra ý kiến phản biện, nhằm đưa
vấn đề lên cao, cảnh báo trong toàn giới luật sư và trước công luận…!
3. “Trung ngôn nghịch nhĩ” hay
“Thuốc đắng giã tật, lời thật mất lòng” là lẽ thường tình và rất
đúng trong trường hợp phát ngôn gây phản ứng của Võ An Đôn. Vị luật
sư này chọn cho mình lý tưởng phụng sự công lý, hết lòng bảo vệ
người nghèo và người yếu thế, không thỏa hiệp với cường quyền, lẽ
cố nhiên là người không chấp nhận “chạy án” nên nội dung lời nói,
bài viết luôn là lời nói thẳng, nói thật, dễ gây mất lòng và khó
nghe với nhiều người, cũng là điều dễ hiểu. Ở một khía cạnh khác,
những lời nói khó nghe của Võ An Đôn trở nên có giá trị như những
liều thuốc đắng chữa trị các căn bệnh mãn tính, thậm chí là bệnh
an y trong đời sống xã hội Việt Nam!”.
Nếu nghe thấy Luật sư Võ An
Đôn bị xử lý kỷ luật mà nghĩ rằng Võ An Đôn là người xấu thì ắt
đó là suy nghĩ của đầu óc nông cạn! Nếu trong lúc đồng nghiệp mình
bị hoạn nạn, không lên tiếng bênh vực thì chớ, còn a dua xỉ vả, đạp
đổ thì đó chỉ có thể là lòng dạ của kẻ tiểu nhân!!
Theo tôi, với những thông tin
mà chúng ta có được, với sự cân nhắc và thận trọng, bằng tinh thần
trách nhiệm và tình đồng nghiệp, tôi đề nghị các vị luật sư chân
chính cần lên tiếng nói để bảo vệ đồng nghiệp Võ An Đôn trước quyết
định kỷ luật quá khắt nghiệt và áp đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét