Hai chiếc Boeing 747 được bán trên mạng mỗi chiếc với giá 20 triệu
euro.Philippe Delafosse
Ở Trung Quốc, kể từ giờ hầu như mọi
thứ đều có thể được rao bán và tìm mua qua mạng. Tại xứ sở có đến 730 triệu cư
dân mạng vốn rất mê mua sắm trên mạng, việc mua và bán đấu giá cả những chiếc
máy bay vận chuyển to lớn giờ không phải chuyện lạ. Theo nhận định của thông tín viên
RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, mua bán đấu giá qua mạng còn là những phi vụ
vàng cho các cơ quan quản lý nhà nước thanh lý tài sản tịch biên.
"Dưới sự chứng kiến của 800 000
cư dân mạng, hai chiếc máy bay vận tải Boeing 747 được bán đi như là những mẩu
bánh mì trên Taobao, một sàn mua bán qua mạng phổ biến của Alibaba, được mệnh
danh là « vua thương mại điện tử".
Được rao bán với mức giá ban đầu
là 17 triệu euro, nhưng cuối cùng giá bán mỗi chiếc là 20 triệu. Hai chiếc máy
bay vận tải này sẽ gia nhập đội bay của công ty vận tải SF Airlines, chi nhánh
của tập đoàn chuyển hàng nhanh SF Express.
Một phi vụ bằng vàng đối với tòa
án Thẩm Dương. Cơ quan này đã 6 lần thử bán nhưng không tài nào bán được những
chiếc máy bay này, vốn dĩ thuộc sở hữu của một công ty vận chuyển đã bị phá sản.
'Việc bán thành công hai chiếc Boeing này là những kinh nghiệm tốt nên phát huy
cho các vụ bán thanh lý máy bay', vị phó chủ tịch tòa án hoan hỉ tuyên bố.
Kể từ năm 2012, các vụ bán thanh
lý trên Taobao đã mang lại cho các tòa án hơn 9 tỷ euro. Ngoài ra, kho bạc nhà
nước, cảnh sát và hải quan cũng bắt đầu tham gia : bất kể đó là rạp chiếu bóng,
giấy phép khai thác mỏ than hay những tượng phật ngọc nhỏ – tất tất giờ được
bán và mua trên mạng, chỉ cần một cú nhấp chuột. »
Ấn Độ tìm cách ngăn chặn làn sóng
tự chụp ảnh mạo hiểm
Selfie – kiểu tự chụp ảnh nguy hiểm
chết người. Thông điệp này có thể là hơi cách điệu, nhưng có lẽ sẽ xuất hiện tại
một số khu vực du lịch tại Ấn Độ. Tại quốc gia này, một nửa các trường hợp tử
vong là do tự chụp ảnh và chính quyền đang tìm cách ngăn chặn thảm nạn này.
Một loạt các vụ tai nạn thảm khốc
đã xảy ra trong mấy tháng gần đây do chụp ảnh "tự sướng". Chẳng hạn
như vụ một thanh niên 28 tuổi bị voi dày xéo chết hồi tháng 7/2017. Nhưng thảm
thương nhất là vụ một người đàn ông bị chết đuối ở hồ trong lúc bạn bè của anh
ta mải mê tự chụp ảnh. Người ta còn nhìn thấy trên tấm ảnh đó hình ảnh người
đàn ông này đang trồi ngụp dưới hồ.
Du khách Ấn Độ tự chụp ảnh trước
thác Gira, gần vùng Saputara, tháng 8/2017.
SAM PANTHAKY / AFP
Nạn tự chụp ảnh dẫn đến tai nạn
chết người trở nên nghiêm trọng : theo thống kê của giới chuyên gia, từ giữa
năm 2014 đến cuối năm 2016, có ít nhất 127 người tử vong khi tìm cách tự chụp ảnh
một cách nguy hiểm và một nửa số vụ tai nạn này xẩy ra ở Ấn Độ, đa số bị rơi xuống
vực, hố sâu hoặc chết đuối.
Do đó, theo thông tín viên RFI
Sebastien Farcis tại New Dehli, chính quyền bắt đầu đề ra những biện pháp nhằm
hạn chế thảm nạn. Tại những khu vực du lịch được coi là nguy hiểm ở bang
Karnataka, khuyến cáo được dán khắp nơi : Hãy nói không với kiểu tự chụp ảnh,
hãy cẩn thận khi tự chụp ảnh hoặc, tự chụp ảnh thì khoái đấy nhưng có thể nguy
hiểm chết người. Chính quyền trung ương thì yêu cầu lập thêm hoặc gia cố các
hàng rào gần vực núi hoặc bờ hồ, những nơi mà du khách có thể lùi lại rất gần để
có được một tấm ảnh tự chụp rất đẹp.
Vẫn theo Sebastien Farcis, một số
nơi còn cho triển khai các phương tiện độc đáo để phòng ngừa các tai nạn này :
« Chiếc điện thoại thông minh có
gắn camera không chỉ gây tai nạn chết người mà còn có thể giúp phòng ngừa. Các
kỹ sư ở Viện Công nghệ Ấn Độ vừa trình làng một ứng dụng đưa ra những cảnh báo
khi chủ nhân chiếc điện thoại tiến lại gần những nơi được coi là nguy hiểm để tự
chụp ảnh.
Ứng dụng này có tên là SAFTIE, đã
thống kê được 127 địa điểm trên thế giới, những nơi xẩy ra các vụ tử vong do tự
chụp ảnh. Danh sách này có thể dài thêm với sự tham gia, bổ sung của những người
sử dụng ứng dụng : một nơi có tới 3 vụ chết người do tự chụp ảnh thì được coi
là có thể nguy hiểm.
Một tin nhắn SMS được gửi tới chủ
nhân điện thoại khi người này hiện diện trong khu vực. Đương nhiên, điều này
không ngăn cản những người liều lĩnh tìm kiếm những bức ảnh tự chụp độc đáo,
nhưng sẽ ngăn cản những người biết nghe theo lẽ phải không mạo hiểm khinh suất
chỉ vì một bức ảnh tự chụp ».
Đức cấm bán đồng hồ thông minh
dành cho trẻ em
Tại Đức cũng như ở những nơi
khác, đồng hồ đeo tay có thể kết nối mạng rất được ưa chuộng. Thế nhưng loại đồng
hồ thông minh này đã bị chính quyền Đức quyết định cấm bán trên thị trường.
Thông tín viên RFI Pascal
Thibautl tại Berlin giải thích về những công năng của đồng hồ thông minh và
nguyên nhân vì sao bị cấm :
« Đồng hồ thông minh có thể giúp
để biết giờ, nhưng đó là chỉ là tính năng phụ. Loại đồng hồ này có thể làm được
rất nhiều việc khác. Giới trẻ đeo đồng hồ bên trong có gắn chíp điện tử có thể
sử dụng như một dạng điện thoại di động nhỏ xíu, hoặc gần như vậy.
Thẻ SIM của điện thoại cho phép đồng
hồ kết nối với thế giới bên ngoài qua mạng. Với chức năng định vị GPS, các phụ
huynh có thể biết được là con cái của họ đang ở đâu, có đến đúng chỗ không, nhất
là có đến trường không ?
Thế nhưng, đồng hồ thông minh này
có thêm nhiều tính năng khác. Nhờ vào một ứng dụng được cài đặt, đứa trẻ không
hề biết là bố mẹ chúng đang kết nối với chiếc đồng hồ mà nó đang đeo ở tay và
có thể cho bật chức năng thu âm.
Chức năng trên giúp trấn an các bậc
phụ huynh và giúp họ biết được nhiều hơn, rõ hơn những việc mà con cái họ đang
làm. Thế nhưng, theo giới chuyên gia, chức năng thu âm này cũng có thể được
dùng để nghe bài giảng trên lớp và qua đó, có thể góp ý với giáo viên trong các
cuộc họp phụ huynh học sinh. »
Do vậy, theo giải thích của thông
tín viên Pascal Thibautl, khi ra quyết định cấm bán loại đồng hồ thông minh
này, cơ quan quản lý Internet Đức cho rằng hành động do thám kín đáo nói trên
là đi quá xa.
« Về nguyên tắc, cơ quan quản lý
cấm tất cả các thiết bị giống như những micro nghe lén cổ xưa trong các phim
gián điệp, được giấu trong chậu hoa hoặc ở những nơi khác. Đồng hồ thông minh
này không phải là điện thoại di động vì được gắn camera, micro, có thể thu âm.
Loại đồng hồ này cũng không phải là thiết bị trợ giúp thông minh Alexa Amazon,
bởi vì người ta biết rõ hậu quả của việc dùng thiết bị đó.
Thế nhưng, cơ quan quản lý
internet Đức không chấp nhận loại đồng hồ có gắn micro vì người ta không biết
hoặc không thấy là có micro theo dõi. Cũng vì lý do này mà hồi đầu năm, cơ quan
đã cấm bán một loại búp bê có chức năng gần như thế, tức là có gắn micro, giúp
bố mẹ biết đứa trẻ đang làm gì.
Do lệnh cấm nói trên, các cửa
hàng phải rút bỏ ngay lập tức loại đồng hồ này ra khỏi các quầy bán và cho hủy.
Các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo cũng được đề nghị là kiểm tra xem những đứa
trẻ có đeo loại đồng hồ thông minh này hay không và bảo tháo bỏ ».
Hoa Kỳ : Cơn bão tai tiếng quấy rối
tình dục
Vụ tai tiếng quấy rối tình dục tại
Mỹ chưa có hồi kết. Vụ việc bắt đầu làm chao đảo cả giới truyền thông, doanh
nghiệp và chính khách. Anne Corpet, thông tính viên đài RFI tại Washington cho
biết kể từ đầu tháng 10 và từ sau những tiết lộ về nhà sản xuất Harvey
Weinstein, gần như mỗi ngày đều có thêm những tai tiếng mới ở Hoa Kỳ.
« Hàng loạt các vụ kiện cáo xẩy
ra ở mọi lĩnh vực. Đầu tiên hết, Hollywood bị tác động sau vụ Weinstein. Rồi
sau đó, là lần lượt các đạo diễn và diễn viên bị nhắm đến và nhiều người trong
số họ buộc phải rời bỏ sàn diễn. Tuần này, vị giám đốc nghệ thuật lừng danh của
Disney, ông John Lasseter, thông báo tạm nghỉ 6 tháng do những cáo buộc của nhiều
phụ nữ bị xâm hại.
Cơn sóng dữ này còn chạm đến cả
khu Silicon Valley huyền thoại và những doanh nghiệp công nghệ mới. Trong ngành
truyền thông, thông tín viên tờ New York Times tại Nhà Trắng đã bị đình chỉ hoạt
động hôm thứ Hai (20/11) sau khi có nhiều phụ nữ trẻ tuổi cáo buộc người này có
hành vi quấy rối. Tương tự, Charlie Rose, một người dẫn chương trình truyền
hình kỳ cựu cũng đã bị bãi nhiệm trước những bằng chứng không thể chối cãi được
từ những nữ cộng tác viên cũ.
Giới chính khách cũng bị cuốn
theo làn sóng tai tiếng. Quốc Hội Mỹ hôm thứ Ba (21/11) đã mở một điều tra nội
bộ về vụ quấy rối tình dục nhắm vào John Conyers, gương mặt tiêu biểu của đảng
Dân Chủ và là dân biểu cao tuổi nhất ở Hạ Viện. Nghị sĩ đảng Dân Chủ Al Franken
cũng phải xin lỗi vì đã ôm hôn và sờ ngực một phụ nữ mà không có sự đồng tình của
đương sự.
Phía đảng Cộng Hòa, ứng viên thượng
viện bang Alabama Roy Moore bị cáo buộc đã quấy rối nhiều phụ nữ, trong đó có một
số người khi còn là vị thành niên. Cuối cùng, bản thân tổng thống Mỹ cũng không
tránh được : một người phụ nữ từng cáo buộc ông Donald Trump ôm hôn bà vào năm
2005, đã tuyên bố : 'Lửa lại bùng lên, mọi thứ sẽ sôi lên sùng sục và nắp nồi sẽ
nổ tung' ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét