Thứ Hai, 27 tháng 11, 2017

Đề xuất cải tiến cách viết Tiếng Việt: ồn ào, tranh cãi để làm gì?


Đề xuất cải cách tiếng Việt của tiến sĩ Bùi Hiển chỉ có giá trị tham khảo.

Mấy ngày nay từ báo lớn, báo nhỏ, lề trái, lề phải, mạng xã hội tràn ngập các bài viết phân tích, bình luận, đã kích thậm chí là chửi bới quanh câu chuyện đề xuất cải tiến cách viết Tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiển (nguyên Hiệu phó trường ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội). Chỉ cần lược qua những comment ở các trang báo điện tử lớn (dân trí, vietnamnet, lao động, tuổi trẻ, thanh niên, dân việt, báo pháp luật…) cũng đủ nhận ra rằng, đề xuất của TS Bùi Hiển đã gây ra một cuộc tranh cãi lớn trong dư luận.
Sự phẫn nộ của dư luận là điều dễ hiểu, bởi giả sử nếu thực thi đề xuất của TS Hiển thì xã hội sẽ loạn biết nhường nào, hậu quả vô cùng lớn và kéo dài. Hãy tưởng tượng cảnh cả nhà cùng đi học lớp 1 đã thấy bi hài. Sách vở tất tần tật, tiền, giấy tờ hành chính phải in lại tất cả, tốn kém biết bao nhiêu mà kể. Tên đường, tên phố, tên địa phương phải đổi lại hoàn toàn, rối vô cùng. Đó là chưa nói kể hàng trăm thứ tai hoạ khác phát sinh. Tuy nhiên, việc TS Hiển tuyên bố sống chết để hoàn thành công trình là chuyện cá nhân, đâu phải chuyện quốc gia đại sự mà phải tranh luận. Chúng ta góp ý, ông không nghe thì kệ, trừ khi ông ấy dùng tiền ngân sách để làm việc đó thì chúng ta mới nên chỉ trích, phản đối.

Đó là một cuộc tranh cãi không đáng có vì xét cho cùng đề xuất của TS Hiển chỉ đơn thuần là một công trình nghiên cứu về ngôn ngữ, phản biện và tranh luận là việc của các nhà nghiên cứu chuyên môn. Thực ra mà nói, đề xuất đó không có tính khả trong thực tiễn mà chỉ có giá trị tham khảo. Vậy tại sao chúng ta phải mất thời gian tranh luận, chỉ trích. Trong khi hàng loạt các vấn đề chính trị - xã hội khác liên quan trực tiếp đến cuộc sống cần chúng ta lên tiếng phản biện. Đó là chưa nói đến cái bẫy định hướng dư luận của chính quyền.
Đừng bận tâm đến những đề xuất ngớ ngẩn ấy nữa, đừng để báo chí định hướng mà hãy quan tâm đến các sự kiện chính trị - xã hội khác quan trọng hơn. Chẳng hạn:
Hãy tìm hiểu nguyên nhân vì sao đá lát vỉa hè ở Hà Nội có độ bền được tuyên bố 70 năm nhưng sau một năm sử dụng đã hỏng nặng. Phía Sở xây dựng Hà Nội nói rằng trạm điện, gốc cây có liên quan việc vỉa hè hư hỏng.
Hãy chứng minh việc cắt nhầm hai quả thận (BV Đa khoa Cần Thơ) là một tai biến y khoa và các bác sĩ đã làm đúng quy trình. Nội dung sự việc là, cuối năm 2011 bà Hứa Cẩm Tú (ngụ huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) đau vùng bụng nên đến BV Cần Thơ chụp CT. Kết quả thận phải tốt, thận trái bị ứa nước phải mổ. Ca mổ được thông báo là thành công nhưng sau đó bà Tú bị biến chứng, khi siêu âm lại thì không còn quả thận nào.
Hãy phân tích xem TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh ra sao khi mà chẳng biết đến bao giờ mới hết kẹt xe, hết ngập, nạn cướp dật và môi trường ô nhiễm. Liệu một thành phố được điều hành bởi những cái đầu kém thông minh thì có thông minh được? Chẳng nói đâu xa, chỉ riêng cái việc dẹp vỉa hè thôi mà làm không xong thì nói gì đến thông minh với thông…
Hãy quan tâm đến vấn đề Formosa Hà Tĩnh khi mà bộ TN-MT đặc cách cho họ xả khí thải vượt quy chuẩn Việt nam. Cụ thể Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp sản xuất thép năm 2013 (QCVN 51: 2013/BTNMT) chỉ cho phép áp dụng hàm lượng ô xy tham chiếu 7% nhưng Bộ TN-MT lại cho phép Formosa áp dụng ở mức 15%.
Hãy nghĩ đến ngân sách quốc gia, vấn đề nợ công. Ngày 13/11 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Theo đó tổng số thu ngân sách năm 2018 là hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng chi ngân sách là 1,52 triệu tỷ. Như vậy, năm 2018 ngân sách Nhà nước được lạm chi 204.000 tỷ đồng (tương đương 3,7% GDP, cao hơn 0,2% so với năm 2017). Nợ công tính đến thời điểm hiện tại là khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, dự kiến đến năm 2020 tăng lên 4,2 triệu tỷ đồng.
Hãy hỏi người đốt lò, củi tươi, củi khô đã chất đống sao còn chưa đốt. Vấn đề biệt phủ, lâu đài của quan chức sao không còn thấy nhắc tới nữa?
Hãy chia sẽ thông tin việc luật sư Võ An Đôn, một luật sư chân chính, bênh vực người nghèo chống lại cường quyền vừa bị Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên xoá tên khỏi danh sách Đoàn luật sư tỉnh này. Điều đó có nghĩa là từ nay luật sư Võ An Đôn không còn được hành nghề.
Nhưng vấn đề nêu trên chỉ là một vài trong hàng trăm ngàn vấn đề gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống người dân và tương lai của đất nước. Vậy tại sao chúng ta không quan tâm đến những vấn đề đó mà cứ loay hoay mãi với cái đề tài “dở hơi” của một ông tiến sĩ XHCN (thật giả chưa biết) mà mấy ngày trước chẳng mấy ai biết tên.
Cảnh Điền
Lê Nguyễn Duy Hậu: Tuần vừa rồi có 3 tin tức lớn.
Tin thứ nhất là về một phó giáo sư công bố đề án nghiên cứu cải tổ tiếng Việt của mình. Đề án nhanh chóng nhận được những ý kiến mà vị phó giáo sư gọi là "ném đá", "chửi thẳng mặt".
Tin thứ hai là về một tổ chức của Việt Nam phối hợp với một tổ chức của Thuỵ Điển công bố bản báo cáo về tình trạng của nhiều lao động nữ ở hai nhà máy Samsung ở Việt Nam. Một trong những phát hiện đó là những công nhân nữ này xem việc "sảy thai" trong quá trình lao động ở Samsung là "thường xuyên và có thể đoán được."
Và tin thứ ba là cách mà báo chí và dư luận quan tâm, hăng hái, mạnh mẽ tấn công nhân vật trong tin thứ nhất bất chấp việc ông có quyền tự do học thuật, và gần như phớt lờ hay im lặng với những gì được kể trong tin thứ hai dù là quyền sống và quyền lao động của rất nhiều người có dấu hiệu bị xâm phạm.
Nó nói lên rất nhiều điều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét