Thùy Dương
Lính Vệ Binh Cộng Hòa Pháp trước Điện Elysée (phủ tổng thống Pháp) tại Paris. Ảnh chụp ngày 28/08/2017.LUDOVIC MARIN / AFP
Đội Vệ Binh Cộng Hòa Pháp, trước đây là Vệ Binh Paris, được
thành năm 1666 dưới thời vua Louis XIV. Vào thời kỳ đó, 120 kỵ binh của đội Vệ
Binh Paris chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ nhà vua, bảo vệ thủ đô Paris cũng như dân
chúng sống trong thành phố. Dưới thời hoàng đế Bonaparte, vào đầu thế kỷ XIX, đội
Vệ Binh Paris trở thành một đơn vị của quân đội Pháp và tham gia công cuộc
chinh phục châu Âu.
Pháp là nước mà các nghi lễ quân đội đã ăn sâu bám rễ và trở thành truyền thống quốc gia. Vì thế, Vệ Binh Cộng Hòa có nhiệm vụ thực hiện các nghi thức, lễ nghi quân đội cấp nhà nước, tại các sự kiện có sự hiện diện của tổng thống Pháp hoặc các nguyên thủ nước ngoài. Đội nhạc và đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng hòa đặc biệt có vai trò quan trọng trong các buổi lễ chính thức như lễ diễu binh chào mừng ngày Quốc Khánh Pháp 14/07 trên đại lộ Champs-Elysées. Họ cũng có nhiệm vụ thực hiện nghi lễ tôn vinh chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện vào mỗi phiên họp của Hạ Viện và Thượng Viện.
Lính Vệ Binh Cộng Hòa đứng gác trong một sự kiện ngoại giao được tổ chức tại điện Elysée, ngày 10/04/2017.LIONEL BONAVENTURE / AFP
Vệ
Binh Cộng Hòa cũng có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho phủ tổng thống, phủ
thủ tướng, trụ sở Hạ viện và Thượng Viện, trụ sở Hội đồng bảo hiến, trụ
sở các cơ quan chính phủ như bộ Nội Vụ, bộ Tư Pháp, bộ Ngoại Giao, bộ
Quốc Phòng, tòa án Paris … Trong một số tình huống đặc biệt, Vệ Binh
Cộng Hòa được huy động làm nhiệm vụ tăng cường bảo vệ đại sứ quán Pháp
tại nước ngoài. Nhiệm vụ bảo vệ an ninh được 900 binh lính đảm bảo mỗi
ngày, trong đó có những lính bắn tỉa thiện xạ được đơn vị đặc nhiệm GIGN
của quân đội Pháp sát hạch hàng năm.
Nhiệm vụ thứ ba của Vệ Binh
Cộng Hòa là bảo đảm an ninh tại các nơi công cộng, quanh các sân vận
động, trên đường phố, tại các khu trung tâm có đông khách du lịch … Vệ
Binh Cộng Hòa có bảy trung đội chuyên làm nhiệm vụ truy tìm, khám xét
nơi ở của các đối tượng đặc biệt nguy hiểm, hộ tống các tù nhân đặc biệt
… Các lính lái moto của Vệ Binh Cộng Hòa thực hiện nhiều chuyến tháp
tùng, hộ tống nguy hiểm, đảm bảo an ninh trong các giải đua xe đạp,
trong đó phải kể tới giải đua xe đạp Vòng Quanh Nước Pháp kể từ năm
1953. Nhiệm vụ an ninh còn có sự góp mặt của khoảng 40 kỵ binh, được đặt
dưới sự chỉ huy của sở Cảnh Sát Paris.
Ngoài ra, với uy tín của
mình, Vệ Binh Cộng Hòa còn được nhiều nước mời ký kết đào tạo kỵ binh
hoặc các hỗ trợ thành lập các đơn vị kỵ binh cho các nước này.
Đội kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa
Trung
đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là đơn vị non trẻ nhất trong quân đội
Pháp, nhưng lại là đội kỵ binh lớn nhất thế giới, với tổng cộng 480 chú
ngựa. Ngoài 3 đơn vị kỵ binh (mỗi đơn vị có 3 sĩ quan và 115 hạ sĩ
quan), một trung tâm huấn luyện, một đội kèn trống, một đơn vị bác sĩ
thú y, một đơn vị thợ bịt móng ngựa và các xưởng nghề truyền thống :
xưởng may đo trang phục, xưởng chế tạo vũ khí và xưởng chế tạo yên ngựa.
Nói về nhiệm vụ của kỵ binh, Trung tá Philippe Delapierre, chỉ huy trưởng trung đoàn kỵ binh giới thiệu : «
Trung đoàn kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa là trung đoàn được thành lập
sau cùng trong quân đội Pháp. Kỵ binh có hai nhiệm vụ. Nhiệm vụ được
biết đến nhiều nhất là thực hiện nghi thức lễ tân với đoàn hộ tống bằng
ngựa. Mang tính biểu tượng lớn nhất là đoàn hộ tống trong lễ Quốc Khánh
Pháp 14/07 với 240 kỵ binh hộ tống tổng thống trên đại lộ
Champs-Elysées. Nhưng một nhiệm vụ khác, nhiệm vụ quan trọng nhất của
đội kỵ binh là bảo vệ an ninh công cộng : đi tuần tra bằng ngựa trong
thành phố Paris hoặc ở bất cứ nơi đâu trên lãnh thổ nước Pháp. Chẳng hạn
ở giải vô địch bóng đá châu Âu tháng Sáu 2016, chúng tôi chia thành
nhiều nhóm, bảo vệ nơi ăn ở hay tập luyện của nhiều đội tuyển và bảo vệ
khu vực fanzone ở quảng trường Champs de Mars. »
Xưa kia, đội
kỵ binh thường hoạt động ở nông thôn, nhưng nay họ lại hoạt động chủ
yếu ở thành thị. Tại Paris, nhiều nhóm kỵ binh làm nhiệm vụ tuần tra,
bảo vệ an ninh cho người dân Pháp và du khách quốc tế trước nạn trộm
cắp, móc túi, cướp giật, bán hàng rong trái phép trên phố, buôn bán ma
túy, tuần tra quanh các nơi diễn ra các sự kiện văn hóa - thể thao tập
trung đông người, và đặc biệt là khi Pháp tổ chức các sự kiện quốc tế
quy mô lớn như thượng đỉnh G8, thượng đỉnh G20, giải vô địch bóng đá thế
giới, giải vô địch bóng đá châu Âu. Các kỵ binh cũng tham gia các hoạt
động ở những nơi mà ngựa có ưu thế hơn xe cơ giới, chẳng hạn đi tìm kiếm
người mất tích trong rừng. Tổng cộng, đội kỵ binh thực hiện mỗi năm hơn
12.000 chuyến đi tuần tra. Ngoài ra, đội kỵ binh còn thực hiện các nghi
thức lễ tân, tổng cộng khoảng 500 lần, tại phủ tổng thống, phủ thủ
tướng, trụ sở Quốc Hội … và trong các buổi đón tiếp các nguyên thủ nước
ngoài.
Kỵ binh của Vệ Binh Cộng Hòa Pháp đi diễn binh qua Khải Hoàn Môn, nhân ngày Quốc Khánh 14/07/2017. Etienne Laurent/PoolReuters
Ngựa
của Vệ Binh Cộng Hòa là những con ngựa đẹp nhất, có giá nhất được tuyển
chọn trong toàn nước Pháp. Để được tuyển vào bầy ngựa của Vệ Binh Cộng
Hòa, những con ngựa phải cao to, ít nhất là cao 1,65m, để các kỵ binh có
thể nhìn bao quát toàn cảnh xung quanh. Chúng cũng phải vạm vỡ, xương
chân phải to, chắc khỏe để chở được các kỵ binh và thậm chí là thêm các
nhạc cụ nặng có khi tới 25-30 cân. Và để có đủ khả năng thực hiện các
nhiệm vụ an ninh và nghi thức lễ tân, các kỵ binh và cả những chú ngựa
phải tập luyện 4-6 tháng trong các trung tâm huấn luyện.
Anh Olivier Laurendin, phụ trách nhóm « vực ngựa » giải thích : «
Thường thì các con ngựa được Vệ Binh Cộng Hòa mua khi chúng mới 3 tuổi.
Chúng tôi huấn luyện ngựa trong khoảng 6 tháng. Chúng tôi tập cho ngựa
đeo yên, tập cho chúng để kỵ binh cưỡi trên lưng. Cần tập cho những chú
ngựa này thuần tính và huấn luyện chúng thành những chú ngựa biết đi
diễu hành trên đại lộ Champs Elysées. »
Trung tâm huấn
luyện ngựa của Vệ Binh Cộng Hòa được đặt tại vùng Saint-Germain-en-Laye,
ngoại ô Paris. Trong khóa huấn luyện, các học viên phải tập luyện mỗi
ngày 1 giờ, mỗi tuần 5 ngày với ngựa, theo các bài tập giả định tình
huống, chẳng hạn tập bắn thật nhanh và chuẩn xác khi đang cưỡi ngựa rồi
sau đó khẩn trường rời đi ẩn náu hoặc chuyển sang mục tiêu khác. Huấn
luyện viên Laurent Veillas giải thích các chú ngựa phải tập làm quen để
không sợ khói, không sợ tiếng ồn, tiếng súng và làm quen với hoạt động
theo nhóm để phát huy sức mạnh của cả đội. Ngoài ra, học viên còn phải
tập giao tiếp với các chú ngựa. Theo huấn luyện viên Laurent Veillas: "Về bản chất tự nhiên, ngựa hay bỏ chạy. Cứ sợ là chúng bỏ chạy. Ngựa
không phải loài săn mồi, vì thế phải tập cho chúng biết chiến đấu với
các buổi tập đều đặn, từng bước, từng bước một".
Thường thì
mỗi kỵ binh được giao phụ trách một chú ngựa riêng của mình và gắn bó
với chú ngựa đó cho tới khi chú ngựa về hưu. Các chú ngựa có thể phục vụ
Vệ Binh Cộng Hòa tới 15-16 năm. Khi về hưu, các chú ngựa lại được đưa
về chăm sóc tại một trại ngựa riêng ở nông thôn.
Mặc dù Vệ Binh
Cộng Hòa có một dàn nhạc, nhưng đội kỵ binh cũng có riêng đội kèn trống
gồm 52 người. Như vậy là các nhạc sĩ - kỵ binh vừa phải biết chơi nhạc
cụ như kèn, trống …, vừa phải cưỡi ngựa thuần thục. Còn các chú ngựa thì
đương nhiên cũng phải tập luyện để làm quen với những tiếng kèn, tiếng
trống vang lên ngay bên tai. Đây là một trong số ít ỏi các đội kỵ binh
chơi nhạc trên toàn thế giới.
Đội Vệ Binh trong lễ diễn binh mừng Quốc Khánh trên đại lộ Champs-Elysées, Paris, ngày 14/07/2017.Reuters
Trong
những năm gần đây, có nhiều tranh luận về việc có nên duy trì đội kèn
trống của kỵ binh hay không. Theo một báo cáo của Thẩm Kế Viện, Vệ Binh
Cộng Hòa đã tiêu tốn quá nhiều ngân sách. Đội kèn trống của kỵ binh bị
chỉ trích là chỉ thực viện nhiệm vụ nghi thức, nhưng nhiều người Pháp
tin rằng đội kèn trống của kỵ binh sẽ không bị giải thể, vì đó là một
biểu tượng cho các nghi thức lễ tân của Pháp. Không ai có thể tưởng
tượng một ngày lễ Quốc Khánh 14/07 mà lại thiếu vắng lính Vệ Binh Cộng
Hòa nói chung và đội kèn trống của kỵ binh nói riêng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét