Tân Phong
Đối với bầu không khí chính trị và báo chí tẻ nhạt như ở
Việt Nam thì sự kiện tổ chức tuần lễ cấp cao APEC 2017 quả là
một đề tài đáng để bàn tán sôi nổi bên cạnh những pha té
ghế và đôi môi “sự cố” của nàng hoa hậu đại dương trong những
ngày qua. Từ việc trang trí thành phố, những dàn xe Audi mới
cứng trị giá hàng chục triệu USD chỉ để phục vụ cho một tuần
hội nghị, đến những cuộc biểu diễn sức mạnh “cơ bắp” của bộ
máy an ninh cùng trang thiết bị quân sự hiện đại mới nhập
cảng... đều được hệ thống tuyên truyền ca ngợi hết lời.
Tia hy vọng mong manh?
Đà Nẵng, thành phố được coi là đô thị xanh sạch đẹp nhất
Việt Nam nơi mà “dấu ấn” Nguyễn Bá Thanh để lại đậm nét. Được
xây dựng phần lớn bởi tiền của những ông chủ người Hoa quyền
lực đứng trong bóng tối và giới “tư bản đỏ” đại diện cho
những gia tộc quan chức cấp cao CSVN qua các thời kỳ, thành phố
sông Hàn khoác lên mình bộ áo đầy sắc màu bởi hàng triệu
ngọn đèn và hoa tươi rực rỡ.
Hẳn là, người Đà Nẵng nói chung và những nhà lãnh đạo CSVN
đều có một cảm giác “tự hào” khi có dịp thể hiện với bạn
bè thế giới rằng mình cũng “bằng chị, bằng em”. Người ta mong
chờ nhiều vào sự kiện APEC 2017 với tuần lễ cấp cao tại thành
phố này sẽ đem lại nguồn sinh khí mới, thơm mùi “dollar” từ
những nhà đầu tư nước ngoài trong khối diễn đàn kinh tế Châu Á
Thái Bình Dương, sau hội nghị, sẽ thay đổi không khí đầu tư đã
bị “xì hơi” một thời gian dài từ 2008 đến nay.
9 năm vật lộn với suy thoái kinh tế, khối nợ công từng ngày
phình to như khối ung thư ác tính vô phương cứu chữa của thể
chế, hút hết phần lớn nguồn “dưỡng chất” của bộ máy nhà
nước. Những nhà “lập pháp” Quốc hội Việt Nam vào một ngày
đẹp trời nào đó bỗng giật mình “tỉnh ngủ” khi không thể đếm
nổi có bao nhiêu chữ số 0 trong con số 2,5 triệu tỷ đồng là số
nợ công phải trả, đã thoảng thốt kêu lên “đã đến lúc phải đổi tiền vì mệnh giá tiền đồng đã quá cao”.
Nỗ lực theo đuổi 10 năm với hy vọng TPP là lối thoát cuối
đường hầm đã tan thành mây khói khi vị tổng thống đầy thực
dụng Donald Trump lên nắm quyền đã thẳng tay hủy bỏ một hiệp
định nhiều rủi ro cho nước Mỹ. Hà Nội rơi vào một cơn khốn
quẫn về kinh tế triền miên không lối thoát và phải nhắm mắt “uống thuốc độc giải khát” từ những khoản vay Nhân dân tệ oan nghiệt của Bắc Kinh.
Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay, sự kiện APEC 2017 đối
với chế độ CSVN cũng không khác gì những ánh đèn màu đầy
huyễn hoặc nhưng những hậu duệ của AQ “thiên tài” vẫn có cái
để bấu víu và tự động viên nhau “nhìn tổng quát, đất nước đã bao giờ được như vậy không?”
APEC 2017: Thế chiến quốc, thế xuân thu?
Chỉ vài ngày nữa, tuần lễ cấp cao hội nghị APEC 2017 với
sự có mặt của những nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất hành
tinh sẽ tiến hành nhóm họp trong khuôn khổ cuộc họp thường niên
của diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương tại Đà Nẵng,
Việt Nam.
Sau khi đã rút khỏi TPP, việc có mặt của TT Donald Trump trong
chuyến công du Châu Á lần này có ý nghĩa quan trọng và động
thái của ông với các đối tác trong khu vực được quan tâm hơn bao
giờ hết. Thay vì đóng vai trò mạnh thường quân của các tổ
chức quốc tế mang tính chất biểu trưng, “bao sân” và tự ràng
buộc như trong những hiệp định song phương TPP hay UNESCO, hiệp
định biến đổi khí hậu Paris, hiệp định tự do thương mại Bắc
Mỹ NAFTA và thỏa thuận hạt nhân IRAN... vốn trước nay không mang
lại lợi ích thiết thực cho nước Mỹ.
Một Donald Trump lão luyện trong thương trường với tất cả
những ngón nghề mà người Trung Quốc bấy lâu nay tự coi mình là
“chân truyền” của nhà mưu lược đại tài trong lịch sử cổ đại
thời Xuân Thu Chiến Quốc là Tôn Tử, đang từng bước thay đổi
luật chơi ở Châu Á – nơi mà người Trung Quốc đã có 3 thập kỷ
“múa gậy vườn hoang” khi Đảng Dân Chủ nắm quyền ở đất nước Cờ
hoa.
Chuyến đại công du của TT Donald Trump kéo dài từ ngày 3/11
đến ngày 14/11 có thời lượng dài nhất trong 25 năm qua kể từ
thời Goerge H.W.Bush vào năm 1991, với lộ trình là Nhật Bản,
Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Thay vì hợp tác
đa phương, tác giả của “The art of the deal” đang chơi một
ván cờ vây với những nhà lãnh đạo Trung Cộng tại bàn cờ Đông
Á trên mọi lĩnh vực từ kinh tế cho đến chính trị, quân sự.
Điều mà TT Trump quan tâm hàng đầu trong chuyến công du 12 ngày
của ông ở Châu Á ngoài việc xiết chặt “vòng kim cô” với chế
độ Bắc Hàn, thương mại là mục đích quan trọng nhất. Với máu
kinh doanh ăn sâu vào huyết quản, vị tổng thống gây nhiều tranh
cãi nhất trong lịch sử nước Mỹ đang theo đuổi một chính sách
đầy thực dụng.
Chúng ta nhớ lại chuyến công du đầu tiên sau khi mới nhậm
chức của TT Donald Trump đến các nước Arab vào tháng 5.2017, hợp
đồng trị giá 350 tỷ dollars tiền bán vũ khí trong 10 năm trong
đó 110 tỷ dollars là “tiền tươi” ngay trong năm 2017 là những gì
mà người ta thấy ở Trump: hiệu quả thể hiện bằng những con
số!
- Hội Nghị APEC 2017 sẽ diễn ra từ ngày 3-14 tháng Mười Một tại Thành phố Đà Nẵng.
Những thương vụ hàng chục tỷ USD theo kiểu “ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” là điều mà Donald Trump sẽ quan tâm, theo hướng nào thì người Mỹ cũng ở “chiếu trên”.
Khi nước Mỹ dư thừa dầu mỏ thì “rồng Trung Hoa” đang khát khô
cổ. Khi nước Mỹ có Tesla Motor thì Trung Quốc có rất nhiều
tiền ở giới trung và thượng lưu, khi nước Mỹ cần việc làm và
thêm năng lượng sạch thì Trung Quốc có Sinopec đang khao khát thị
trường Bắc Mỹ.
Trong khuôn khổ các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các quốc gia
ASEAN ngoài Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017, một đối tác
được đặc biệt lưu ý hơn là Philippines. Dường như tính cách
thất thường và lối phát ngôn đầy kích động của vị tổng thống
Durette chẳng mấy làm cho TT Trump quan tâm hay mếch lòng.
Xuất thân từ giới kinh doanh, vị nguyên thủ từng khởi nghiệp
bằng quán bar và hộp đêm này chắc chắn không phải là đối thủ
để có thể làm khó cho Donald Trump trong một thương vụ chính
trị có lợi với Manila.
Việt Nam đứng ở đâu trong bàn tiệc APEC 2017?
Có thể nói thật sự là lạc lõng và lỗi thời khi mang đến
diễn đàn 21 nền kinh tế APEC 2017, trong giai đoạn mà các nước
“tư bản” đã bước vào nền kinh tế công nghệ cao những phát biểu
ngây ngô về “lợi thế quốc gia” là lao động giá rẻ, tài nguyên
giàu có và con người thân thiện,… vốn được các nhà lãnh đạo
CSVN “nhai đi, nhai lại” suốt hơn 30 năm qua. Gia công lắp ráp, may
mặc, nông thủy sản, xuất khẩu tài nguyên khoáng sản thô vẫn
chiếm tỷ trọng cao ở “nền kinh tế 4.0” theo “định hướng xã hội
chủ nghĩa”. Nói về điều này, nhận xét đầy châm biếm của một
nhà kinh doanh Trung Quốc khi đến Việt Nam từng phát biểu “Việt Nam nỗ lực làm những điều mà chúng tôi đã làm từ 20 năm trước và đang phải cố quên đi”.
Ngoài 2 trong số 4 nội dung Việt Nam ưu tiên đề xuất với APEC
2017 mang phạm vi cụ thể trong lĩnh vực thúc đẩy phát triển
nông nghiệp bền vững theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu;
hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tham gia vào chuỗi
giá trị toàn cầu. Hai đề xuất đầu tiên của Việt Nam khá “mù
mịt” và mang tính khái niệm và phạm vi trừu tượng khi đưa ra
một thuật ngữ tính từ “sáng tạo và bao trùm” với
mục đích là thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước
thành viên trong diễn đàn kinh tế và đẩy mạnh tính kết nối,
hội nhập trong khu vực.
Có lẽ, sau một thời gian dài suy thoái triền miên từ 2008,
khi mà các nền kinh tế trong khu vực đã phục hồi và phát
triển tốt, Việt Nam vẫn tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng
kinh tế với các nguyên nhân nội tại của thể chế. “Ngôi sao Việt
Nam” chưa kịp sáng, đã tắt. Thậm chí, người hàng xóm trước
nay vẫn bị Việt Nam coi thường là “chiếu dưới” như Cambodia và
Laos đang từng bước có những phát triển chắc chắn, rất ấn
tượng với những toan tính chính trị có lợi cho mình nhất trong
thế cuộc biển Đông mà phần thiệt thòi nhất thuộc về Việt
Nam.
Nếu những nhà lãnh đạo CSVN có liêm sỉ và lòng tự tôn dân
tộc, hẳn phải thấy hổ thẹn khi hôm nay người lao động Việt Nam
phải xếp hàng để xin visa và lao động thuê ở đất nước mà trong
tiềm thức trước nay bị họ miệt thị gọi là “mọi Miên”. Một
thực trạng chua xót không thể nào che giấu là Việt Nam đang nằm
ở những nước cuối cùng của Đông Nam Á về mức độ phát triển
và sức hấp dẫn của môi trường đầu tư. Kết quả sau 10 năm say
sưa “đốt tiền” thời Nguyễn Tấn Dũng với di họa khôn cùng của
những tập đoàn tham nhũng, lợi ích nhóm khủng khiếp, Hà Nội
hôm nay đang hoang mang cực độ khi nhận ra thảm trạng “dưới đáy hố của khu vực” của mình và kêu gào “thu ngắn khoảng cách phát triển” và tăng cường “kết nối và hội nhập”.
Dọn cỗ cho người khác xơi
Trong một điểm tin ngày 1.11.2017 của VCCI (phòng thương mại
và công nghiệp Việt Nam) đã phải thừa nhận một thực trạng
rằng “Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) dù đóng góp
lớn cho tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm nhưng lại tham gia vào mạng
lưới thương mại toàn cầu và xuất nhập khẩu với tỷ lệ rất thấp, thấp hơn
so với các nước trong khu vực”.
Trong một môi trường kinh tế có quá nhiều tầng nấc bóc lột,
thuế má kinh hoàng, thủ tục hành chính nhiêu khê, tham nhũng
thì việc tiếp cận nguồn vốn vay, công nghệ tiên tiến và thị
trường nước ngoài quả là một sự thách thức quá sức khi mà
phần lớn doanh nghiệp trong khối tư nhân chỉ lo việc tồn tại qua
ngày cũng đã mệt mỏi.
Những ồn ào về Khải silk thực ra là một câu chuyện cũ rích
về đạo đức kinh doanh và sự dối trá thiển cận của giới doanh
nhân Việt Nam. Nếu nói không ngoa thì hơn 80% hàng tiêu dùng các
loại ở Việt Nam đều do Trung Quốc kiểm soát. Những thương hiệu
đình đám của Việt Nam nhưng “hồn Trương Ba, da hàng thịt” không
có gì đáng ngạc nhiên cả.
Trung Quốc có thể dễ dàng thao túng, giựt dây mọi hoạt động
thị trường Việt Nam từ con gà, con heo, cà phê, hạt tiêu, gạo,
muối đến sắt thép, máy móc công nông nghiệp. Thâm hụt thương
mại của Việt Nam với Trung Quốc mỗi năm hơn 30 tỷ dollar và
không ngừng tăng.
- Ảnh minh họa từ Internet
Trước khi TPP bị hủy bỏ, hàng loạt các công xưởng may mặc
lớn của Trung Quốc đã đầu tư sang Việt Nam để tận dụng lợi
thế từ hiệp định này có thể mang lại. Rõ ràng, việc tự mình
hủy hoại năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt bởi
một hệ thống chính trị, thuế má và quản lý hành chính “ăn
trên đầu trên cổ” người dân làm cho doanh nghiệp Việt không thể
lớn nổi.
Bên cạnh đó, thói “ăn xổi ở thì”, “treo đầu dê bán thịt
chó” được hình thành từ môi trường làm ăn chụp giựt, nhóm lợi
ích, độc quyền của doanh nhân Việt đã tự loại bỏ mình mãi
mãi khỏi những cơ hội phát triển xa hơn. Câu chuyện về cái
bulong, ốc vít sau hơn 42 năm độc lập với hàng nghìn nghị quyết
của Đảng về phát triển công nghiệp nhưng đến nay không thể sản
xuất nổi đúng tiêu chuẩn yêu cầu của những doanh nghiệp như
Samsung hay Toyota thực sự là một bi hài kịch của cái gọi là “nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Và rồi khi ánh đèn hoa lệ của tuần lễ cấp cao APEC 2017 ở
Đà nẵng tắt, những hy vọng mong manh về một sự thay đổi có
thể cứu vãn thế cuộc cũng tàn lụi, bài toán tồn tại cho một
thể chế lạc điệu với thế giới, tham nhũng và bất tài sẽ
loay hoay trong một núi nợ có thể xập đổ bất cứ lúc nào không
biết có làm cho những AQ “thiên tài Đảng ta” bớt đi thói “kiêu
ngạo cộng sản” hay không. Nhưng chắc chắn một điều rằng chẳng
có một phép lạ nào sẽ xảy ra cả và sự kết thúc của thể
chế này sẽ rất “đúng qui trình” với qui luật lịch sử và biện
chứng khách quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét