Tiết kiệm là một chủ trương lớn của
nhà nước Việt Nam ít nhất cũng bằng lời nói, chẳng phải bây giờ mà từ rất lâu rồi.
Tôi không biết lần đầu nhà nước hô hào tiết kiệm là thời gian nào, chỉ biết là
ngay từ khi đang đánh nhau với Pháp. Tôi lớn lên đã nghe nói đến. Lớn tí nữa
thì thấy trên các đường phố, nơi công cộng có những khẩu hiệu hô hào tiết kiệm.
Hồi năm 197x, có lần đi trên đường phố thị xã Sơn Tây tôi thấy một cái pano viết:
“Tiết kiệm nhà nước hô hào /Anh chị đã gửi đồng nào hay chưa?”. Đọc thấy bật cười
vì ngồ ngộ về chữ nghĩa nhưng rõ ràng nó phản ánh chủ trương tiết kiệm của nhà
nước. Tới thập niên 80 thì thấy nâng tiết kiệm lên thành “quốc sách”, rồi “quốc
sách hàng đầu”. Nói thế để biết nhà nước ngày càng coi trọng tiết kiệm, càng nợ
nần, càng hô hào mạnh.
Đấy là đề cập tới chuyện nói chứ
không phải chuyện làm. Cứ xem các quan lớn phá của dân, ăn chơi trác táng, trụy
lạc thì đủ biết họ có tiết kiệm không. Chuyện này các quan biết, dân biết, người
lớn tới trẻ con đều biết nên không kể ra ở đây.
Tiết kiệm ngoài hạn chế tiêu pha
còn là sử dụng hợp lý đồng tiền, vật tư, lao động trong sản xuất kinh doanh, trong
tiêu dùng. Gửi tiền nhàn rỗi lấy lãi suất là một nội dung của tiết kiệm, là hưởng
ứng hoặc hợp với chủ trương của nhà nước. Ngân hàng làm tốt điều này thì người
gửi và người vay đều có lợi. Vậy mà gần đây, việc gửi tiền vào ngân hàng lại bị
chỉ trích nặng nề. Trong khi luật sư Lương Thanh Đức cho rằng gửi tiền vào ngân
hàng là “kinh doanh”, người gửi ham lãi suất thì phải chịu rủi ro là đúng thì
chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho gửi tiết kiệm không chỉ là ham lãi nữa mà
là mang “giấc mơ làm giàu” cần phải “thức tỉnh” bằng cách cho ngân hàng phá sản.
Nếu chỉ cảnh báo đừng đặt lòng
tin vào ngân hàng yếu kém thì không nói làm gì. Nhưng chỉ trích, qui kết người
gửi như thế là không nên. Ý kiến của ông
Thành và ông Đức nhận được nhiều lời chê bai trên mạng xã hội.
Vậy ngân hàng đã đem lại cho người
gửi tiền những gì? Khi mang tiền nhàn rỗi của mình ra ngân hàng gửi, họ đã rất
tội nghiệp. Họ phải gửi vì không có khả năng hoặc điều kiện kinh doanh nên
không biết làm gì hơn. Cái gọi là lãi tiền gửi chỉ nhằm bù đắp hoặc bù đắp phần
nào giá cả tăng do lạm phát, tức là đối phó với sự mất giá của đồng tiền. Vì vậy,
không thể nói họ có thể làm giàu từ tiền gửi. Đã xảy ra những chuyện dở khóc dở
cười như “12 sổ tiết kiệm trị giá căn nhà: Sau 20 năm còn 3 bát phở”, “Gửi tiết
kiệm một chỉ vàng, hơn 30 năm sau nhận lại...20.000đồng”, “Gửi tiết kiệm 2 chỉ
vàng sau 34 năm còn 0 đồng”
Còn chuyện tiền gửi bị “bốc hơi”,
mất hàng trăm tỉ hiện nay không hiếm, báo chí đã thông tin khá nhiều.
Gán cho có giấc mơ làm giàu, ham
lãi suất nhưng huy động vốn trong dân không dễ.
Đợt khủng hoảng tiền tệ năm
1986-1988 do cải cách Giá-Lương-Tiền đã cuốn phăng ghế của một ủy viên Bộ Chính
trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mà trước đó đã có “triệu chứng” Chủ tịch Hội
đồng Bộ trưởng. Lạm phát lên tới 774%, một số mặt hàng tăng giá gấp vài nghìn lần
so với 10 năm trước. Lãi tiền gửi có lúc lên tới 12% /tháng. Nhiều người không
dám gửi tiết kiệm mà đi mua hàng… cất đi như một hình thức giữ của đã gây nên
tình trạng thiếu giả tạo, hàng tiêu dùng đã khan hiếm lại càng khan hiếm thêm.
Vốn trong dân hiện nay còn nhiều
dưới dạng vàng, ngoại tệ, tiền Việt nhưng thu hút đâu có dễ. Nhà nước đang tính
cách huy động nguồn vốn này nhưng chưa biết bằng cách nào. Thế nhưng một ông
chuyên gia kinh tế và một ông luật sư lại chỉ trích những người gửi tiền vào
ngân hàng là mang giấc mơ làm giàu rồi “dọa” cho ngân hàng phá sản để trị căn bệnh
ham lãi. Vừa chỉ trích, vừa “dọa”, điều này tác động rất nhiều đến tâm lý người
dân và vì vậy việc huy động tiền nhàn rỗi trong dân đối với các ngân hàng sẽ gặp
khó khăn. Tiền không huy động được trong khi doanh nghiệp lại thiếu vốn sản xuất
kinh doanh thì nền kinh tế làm thế nào “cất cánh”?
Và như thế sẽ sinh ra khả năng tiền
nhàn rỗi trong dân lại tìm đến tư nhân hoặc họ lại tiêu pha cho hết hay mua nhà
đất rồi để đấy. Khi đó, nguồn vốn không được tham gia vào quá trình tái sản xuất
và lại gây ra tình trạng giá ảo. Sự tin cậy đối với các ngân hàng thương mại sẽ
không còn nữa. Cho tư nhân vay dẫu có rủi ro nhưng không rủi ro bằng việc chỉ bảo
hiểm tiền gửi với mức 75 triệu đồng/sổ, nhiều người hàng tỉ đồng sẽ bị mất trắng.
Nếu như trước đây, người dân tin tưởng ở ngân hàng mà đem tiền đi gửi, từ chối
cho tư nhân vay dù lãi gấp nhiều lần vì có nhiều rủi ro thì bây giờ, nếu độ rủi
ro khi gửi tiền vào ngân hàng cao hơn thì xu hướng của đồng tiền nhàn rỗi có thể
đảo lại. Tạo điều kiện cho dân thực hiện “giấc mơ làm giàu” nhưng đâu có dễ được
chấp nhận.
Chính sách bất công, vô lý
Vì vậy mới có nhiều ý kiến cảnh
báo về những hệ lụy khi cho ngân hàng phá sản. Đành rằng việc cho ngân hàng phá
sản có cơ sở pháp luật nhưng với việc hạn chế số tiền bảo hiểm ở mức 75 triệu đồng
rõ ràng là không ổn. Có những điều rất không công bằng ở đây. Vốn chủ sở hữu bị
âm, ngoài do nợ xấu, nợ khó đòi còn do tiền người gửi chui vào túi quan chức
ngân hàng. Những vụ án ngân hàng đã nói lên điều đó. Làm ăn be bét nhưng lương
nhân viên ngân hàng lại cao hơn hẳn nhiều ngành nghề khác. Sinh viên ra trường
“chui” được vào ngân hàng là một ước mơ. Tiệc tiễn một ông phó thống đốc ngân
hàng nhà nước về hưu vừa rồi xa hoa lãng phí như vậy chỉ là một ví dụ. Tiền ở
đâu ra nếu không phải là tiền của người gửi? Ông Bùi Kiến Thành khăng khăng
không thể tăng bảo hiểm tiền gửi vì ngân
hàng không có tiền. Tại sao không có tiền? Tiền của người gửi đi đâu? Nó đã bị
các quan chức ngân hàng sử dụng bừa bãi, đút vào túi riêng hoặc để cho kẻ khác
chiếm đoạt. Đến khi phá sản chỉ trả cho khổ chủ một khoản qui định là xong khác
nào ăn cướp thì hỏi công bằng ở đâu? Chỉ cần một tuyên bố phá sản, họ đã cướp
không của người gửi hàng nghìn tỉ đồng. Không thấy ai nói trách nhiệm của quan
chức ngân hàng trước pháp luật như thế nào? Có tịch thu tài sản của kẻ tham
nhũng, vô trách nhiệm để phát mại, bù đắp cho người gửi ra không. Họ phủi tay
đơn giản như thế chăng?
Các quan chức nhà nước “hơn người”
ở chỗ đó. Nếu như chủ doanh nghiệp tư nhân cần có đầu óc kinh doanh, ngày đêm
lăn lộn trên thương trường vốn đã không có cạnh tranh bình đẳng, làm ăn thua lỗ
phải chịu một mình thì các quan nhà nước không cần trình độ, cứ ung dung ngồi đấy
mà đục khoét, làm việc bằng cái đầu cũng rỗng của cấp dưới còn ông ta chỉ biết
ký. Doanh nghiệp hết vốn được nhà nước
rót tiếp, thua lỗ thì được khoanh nợ, treo nợ, xóa nợ. Thật lạ lùng khi quan chức
nhà nước làm chủ tịch cũng được, bí thư cũng được mà giám đốc ngân hàng cũng được.
Bằng chính trị cao cấp có thể thạo về xây dựng đảng chứ biết gì về nghiệp vụ
ngân hàng mà “dám đốc”. Một điều hết sức vô lý như vậy nhưng đường lối thì vẫn
khăng khăng kinh tế nhà nước làm chủ đạo. Phải chăng vì doanh nghiệp nhà nước
là phương tiện để làm giàu bất chính cho không chỉ giám đốc mà cho các quan chức
nói chung?
Cách gì thì người dân cũng chịu
thiệt hại. Đáng tiếc rằng có những người mang tiếng là danh vị này nọ không bệnh
vực lại còn chỉ trích họ như những những người xấu tính, vào hùa với kẻ trấn lột
như ông chuyên gia kinh tế và ông luật sư trên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét