Thứ Tư, 10 tháng 8, 2016

Vì sao Thái Lan ủng hộ dự thảo hiến pháp?

Jonathan Head BBC News 

Cuộc trưng cầu dân ý tại Thái Lan diễn ra hôm Chủ Nhật 7/8

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan khiến những nhà quan sát khắp thế giới khó hiểu.
Tại sao một cử tri từng chối bỏ bất cứ điều gì được chính quyền nói ra kể từ cuộc đảo chính hai năm trước, lại đi bỏ phiếu chấp nhận thông qua một hiến pháp chỉ cho họ một nền dân chủ nửa mùa?
Một hiến pháp bị lên án bởi những nhóm nhân quyền và bị hai đảng chính trị lớn cho rằng đây chỉ là phương tiện để quân đội núp bóng cai trị trong nhiều năm tới?

Kết quả không chính thức của cuộc trưng cầu cho thấy hơn 61% số người đi bỏ phiếu đã ủng hộ thông qua hiến pháp.

Hơn 58% cũng chấp nhận một đề nghị gây tranh cãi thứ hai, cho phép các thượng nghị sĩ không thông qua bầu cử được quyền chọn ứng viên tiềm năng làm thủ tướng không thông qua bầu cử. Kết quả cuối cùng cho thấy khoảng 54% người đi bỏ phiếu đồng ý điều này.

Nhưng thế cũng đủ cho chính quyền quân sự, vốn đang mất dần sự tín nhiệm vì những thể hiện kỳ quặc. Kết quả đã bật đèn xanh để áp dụng lại chính quyền dân chủ có kiểm soát.

Rất nhiều yếu tố có thể viện dẫn đến kết quả trưng cầu. Không khí đàn áp trước kỳ trưng cầu là một. Tất cả các hoạt động chiến dịch đều bị cấm, và hàng loạt nhà hoạt động nỗ lực phê phán bản hiến pháp đều bị bắt và truy tố.

Điều này có nghĩa rất ít người Thái xuất hiện tranh luận về những sai sót và giá trị bản hiến pháp: Chỉ có một số ít người có bản dự thảo hiến pháp trong tay và những người có bản hiến pháp hầu như không thể hiểu hết 279 điều trong đó.

Vì thế hầu hết người dân đến điểm bỏ phiếu nhưng hiểu biết rất ít về những gì được ghi trong hiến pháp.
Người dân Thái phải lựa chọn có/không với câu hỏi có thông qua dự thảo hiến pháp hay không

Người ta thỉnh thoảng nghe về các tranh luận trong bản dự thảo hiến pháp nói dự thảo sẽ tránh tham nhũng trong chính trị và tái thiết đất nước. Nhưng rất ít người nghe được quan điểm đối lập.

Một số người tin rằng chính phủ dự định xây dựng lại một nền dân chủ có định hướng. Một số người tin các tướng lĩnh quân đội làm đúng. Nhưng rất nhiều cử tri đơn giản là mệt mỏi với cuộc khủng hoảng bất tận của Thái Lan, và nhận thấy hiến pháp là cách duy nhất để đất nước quay trở lại bình thường theo cách nào đó.

Quân đội vẫn chưa cho biết chính xác điều gì sẽ xảy ra nếu hiến pháp bị từ chối, nhưng đã nói rõ họ vẫn sẽ nắm quyền.
Chuẩn bị cho bầu cử

"Đây không phải tiêu chuẩn của nền dân chủ mà chúng tôi trông đợi vào ngày này và trong thời đại này", Abhisit Vejjajiva, lãnh đạo của đảng lớn thứ hai ở Thái Lan, Đảng Dân Chủ, nói với BBC, "nhưng tôi tôn trọng ý nguyện của người dân đã bỏ phiếu".

Nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban Dự thảo Hiến pháp là đưa ra 10 luật cơ hữu, sẽ điều hành hệ thống chính trị mới.

Không ai biết rõ liệu sẽ có gì trong các điều luật này, nhưng các đảng chính trị lo sợ một điều có thể buộc họ buộc phải tự giải tán, và tái cấu trúc, có thể dẫn tới việc phân hóa thành các đảng nhỏ.

Hệ thống bầu cử cân đối mới trong bất cứ tình huống nào cũng sẽ khiến cho các đảng lớn gặp khó khăn hơn trong việc chiếm đa số, dẫn đến chính quyền liên minh sẽ yếu hơn.

Một khi các luật được hoàn tất, lý tưởng là trong vòng tám tháng, một cuộc bầu cử có thể sẽ được tổ chức vào cuối năm tới.

 

Sau khi chính phủ mới được bầu, chính phủ này sẽ được Thượng viện gồm 250 thượng ghị sĩ giám sát. Và Thượng viện sẽ do quân đội và các đồng minh chỉ định.

Chính phủ mới này cũng sẽ bị kiểm soát chặt chẽ hơn bởi các cơ quan lập hiến, như tòa án tối cao.

Việc buộc tội các chính trị gia có thể dễ dàng hơn. Và sẽ có khả năng một người không phải đại biểu quốc hội cũng có thể trở thành thủ tướng, trong trường hợp xảy ra bế tắc trong các liên minh đa đảng; một số người thậm chí thấy đây là phương tiện để tướng quân đội thực hiện đảo chính Prayuth có thể tiếp tục giữ chức thủ tướng trong chính phủ đầu tiên được bầu cử.

Chính phủ tương lai cũng được yêu cầu phải tham gia vào kế hoạch 20 năm tái thiết đất nước.
Người thua cuộc

Quân đội vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền chính trị Thái Lan nhiều năm nữa.

Những người thua cuộc rõ ràng nhất là Đảng của thủ tướng Yingluck Shinawatra, Đảng Phuea Thai từng bị lật đổ, dưới các tên khác nhau, từng thắng tất cả các buộc bầu cử từ năm 2001.

Hệ thống bầu cử mới có thể khiến đảng này mất 10 -20% số ghế mà họ từng thắng trong quá khứ, và bà Yingluck, người thắng cử được bầu nhiều nhất của đảng này, đã bị quốc hội do chính quyền quân đội chỉ định cấm tham gia chính trường trong 5 năm.

Anh trai của bà Yingluck, ông Thaksin, sống trong tình trạng tự lưu vong, sau khi bị cáo buộc lạm dụng quyền lực năm 2008.

Dù đảng Phuea Thai, hay một phiên bản mới hơn của đảng này, có thắng cử bằng đa số phiếu, các đảng khác vẫn có thể tổ chức, có lẽ với sự nhúng tay ngầm của quân đội, như từng xảy ra năm 2008, hình thành một liên minh có thể chối bỏ kết quả này.
Bà Yingluck Shinawatra nói bà chấp nhận kết quả trưng cầu dân ý

Nhà cầm quyền quân đội Thái Lan không giấu diếm sự khó chịu với đế chế của gia đình Shinawatra, và rất khó để biết liệu hiến pháp có phải là thứ khiến họ không thể quay lại chính trường hay không.

Sức khỏe yếu của Nhà vua Bhumibol Adulyadej đang là vấn đề phủ bóng lên tình hình hiện tại.

Đây là đề tài cấm kỵ ở Thái Lan, nhưng tất cả mọi người đều biết họ sắp phải đối mặt với tương lai không còn nhà vua.

Trong 70 trị vì, nhà vua đã được đưa lên vị trí cực kỳ cao quý trong hệ thống của Thái Lan đến mức ông trở thành người quan trọng của chính quyền trong việc kết nối các lực lượng, ông là trọng tài tối cao.

Sự ra đi không thể tránh khỏi của ông, và sự lên ngôi của hoàng tử kém uy tín hơn ông rất xa, sẽ dẫn đến biến động trong hệ thống các tướng lĩnh quân đội, các quan chức cao cấp, nhà tài phiệt và các cận thần đang gây ảnh hưởng trên đỉnh cao quyền lực, cùng với hệ quả không lường trước được xảy đến với sự ổn định của nền chính trị Thái Lan.

Lực lượng vũ trang tự hào vì họ đứng trên bất kỳ ai, là người bảo vệ hoàng gia. Họ sẽ không buông ra cho đến khi quá trình chuyển giao ngai vàng hoàn tất.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét