Biên dịch: Trần Xuân Thủy | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Nguồn: Thitinan Pongsudhirak, “Defusing Asia’s Arms Race”,
Project Syndicate, 12/07/2016
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, hiện nay
châu Á chiếm gần một nửa chi tiêu mua sắm vũ khí của thế giới, nhiều hơn hai lần
tổng mua sắm của các nước ở Trung Đông và nhiều hơn 4 lần so với châu Âu.
Việt Nam, nước vốn chỉ khôi phục quan hệ ngoại giao với Mỹ
năm 1995, hiện đang xem xét cho phép hải quân Mỹ sử dụng căn cứ hải quân Cam
Ranh – vốn được không quân Mỹ xây dựng và sử dụng trong chiến tranh Việt Nam
(và sau đó được hải quân Liên Xô và Nga sử dụng). Việt Nam cũng đã mua một đội
tàu ngầm do Nga sản xuất, và chi phí cho mua sắm quốc phòng đã tăng tám lần
trong giai đoạn 2011 đến 2015 so với giai đoạn 5 năm trước đó. Thái Lan cũng muốn
có tàu ngầm cho hải quân của mình, mặc dù nước này chỉ có vùng nước nông trong
Vịnh Thái Lan và không có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Philippines, nước đã đưa vụ kiện chống lại Trung Quốc ra tòa
La Haye, cũng đang tăng cường sức mạnh quân sự của mình, với việc mua các máy
bay chiến đấu từ Hàn Quốc và các khoản đầu tư mới vào hải quân, được hỗ trợ
không chỉ bởi Mỹ mà còn cả Nhật Bản. Philippines cũng đang khôi phục lại quan hệ
đồng minh quân sự với Mỹ, đánh dấu một bước chuyển 180 độ đối với quyết định trục
xuất hải quân Mỹ ra khỏi căn cứ quân sự tại vịnh Subic của nước này năm 1991.
Cũng trên tinh thần đó, Hạm đội 7 của Mỹ đã tăng cường hoạt động tuần tra đảm bảo
tự do hàng hải (FONOPs) ở Biển Đông.
Cuối cùng, Nhật Bản cũng đang có được ảnh hưởng trong khu vực
bằng cách dịch xa khỏi “hiến pháp hòa bình” hậu Thế chiến II của mình. Cho đến
nay, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã diễn giải lại điều 9, vốn từ bỏ (quyền
tiến hành) chiến tranh, để cho phép Nhật Bản tham gia phòng vệ tập thể cùng các
đồng minh của nước này. Chính phủ cũng đang xem xét lại các đạo luật về an ninh
cho phép xuất khẩu công nghệ vũ khí cho các nước đối tác trong khu vực, qua đó
tăng cường khả năng quốc phòng của mình.
Tất cả những nước này đang phản ứng với sự trỗi dậy nhanh
chóng của Trung Quốc như là mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực. Trên
thượng nguồn sông Mekong, Trung Quốc đã và đang xây dựng các con đập cướp đi
nguồn tài nguyên nước sống còn của các nước hạ nguồn như Campuchia và Việt Nam.
Ở Biển Đông, Trung Quốc tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa
chúng với các đường băng và các cơ sở quân sự; nước này cũng lên gân sức mạnh hải
quân của mình với một tàu sân bay mới tinh, và còn nhiều tàu khác đang được chế
tạo.
Trước giờ phán quyết của PCA, Trung Quốc đã gióng trống khua
chiêng về sự ủng hộ từ các nước châu Phi xa xôi, nơi nước này có các khoản đầu
tư, và từ các thành viên dễ bị ảnh hưởng trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam
Á, như Brunei, Cambodia và Lào. Mục tiêu của Trung Quốc là nhằm ngăn cản các
thành viên ASEAN đoàn kết chống lại nước này và giảm nhẹ vai trò của luật pháp
quốc tế trong khu vực nơi mà Trung Quốc đang tìm kiếm địa vị thống trị về mặt
chiến lược. Đáng lo ngại hơn, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động tại Biển
Đông bất chấp quá trình trọng tài đang diễn ra, tuyên bố từ trước đó rất lâu rằng
sẽ làm ngơ tất cả các phán quyết khiến các tuyên bố chủ quyền của mình trở
thành vô giá trị.
Chạy vũ trang ở châu Á là cuộc chạy đua lớn nhất kể từ sau
Chiến tranh Lạnh, và nó đang tăng tốc trong bối cảnh tình hình quốc tế ngày
càng không thuận lợi. Nước Mỹ đang bận tâm với Nhà nước Hồi giáo và các mối đe
dọa khủng bố khác từ bên ngoài, và bây giờ là với chiến dịch bầu cử tổng thống
trong nước. Một châu Âu đang bị xáo trộn sau khi Liên hiệp Vương quốc Anh bỏ
phiếu rời khỏi Liên minh châu Âu, điều diễn ra sau 8 năm tăng trưởng yếu, thắt
lưng buộc bụng và các cuộc khủng hoảng kéo dài.
Nếu có thể, đây nên là thời điểm để châu Á đảm nhiệm vai trò
lãnh đạo toàn cầu. Buồn thay, những xung đột địa chính trị gay gắt trong khu vực
đang ngáng đường, do sự thiếu vắng của một khuôn khổ mang tính thể chế để ngăn
chặn, giảm nhẹ và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Trừ khi, và cho đến khi,
một khuôn khổ như thế được thiết lập, rủi ro về xung đột sẽ tăng lên, gây nguy
hại cho quá trình chuyển biến kinh tế trong khu vực, vốn giúp một tỷ người châu
Á thoát khỏi đói nghèo trong những thập kỷ gần đây.
Tạo dựng một khuôn khổ an ninh khu vực có thể đứng vững được
là điều không dễ dàng, trong bối cảnh các xung đột địa chính trị tại châu Á dường
như đều rất khó giải quyết. Những xung đột này bao gồm tranh chấp Kashmir giữa Ấn
Độ và Pakistan, đối đầu giữa hai miền Triều Tiên, quan hệ sóng gió giữa Trung
Quốc và Đài Loan, và các yêu sách của Trung Quốc đối với các vùng lãnh thổ chủ
quyền của Nhật Bản và Ấn Độ, thêm vào đó là của Philippines và Việt Nam.
Giải quyết các cuộc tranh chấp này tối thiếu cần các luật
chơi cơ bản của trò chơi, có thể được phát triển và thực hiện chỉ trên cơ sở đa
phương, không phải đơn phương theo cách mà Trung Quốc đòi hỏi. Ví dụ, ASEAN
đang soạn thảo một Bộ quy tắc ứng xử để quản lý Biển Đông, nhưng nỗ lực này đạt
được rất ít tiến triển vì sự ngoan cố của Trung Quốc.
Nếu như Philippines không quá đà với chiến thắng tại La Haye
của mình, và nếu các bên liên quan khác lùi bước một chút và cho Trung Quốc một
khoảng trống để nhận ra sự nguy hiểm trong thái độ hung hăng của mình, thì các
lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ trở nên sẵn sàng hơn để đàm phán một thoả thuận
khu vực. Lựa chọn khác – leo thang hơn nữa cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á – sẽ
không đem lại lợi ích cho bên nào cả.
Thitinan Pongsudhirak là Giáo sư và Giám đốc của Viện Nghiên
cứu An ninh và Quốc tế, Khoa khoa học chính trị, Đại học Chulalongkorn,
Bangkok.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Defusing Asia’s Arms
Race
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2016/08/09/thao-ngoi-chay-dua-vu-trang-chau-a/#sthash.oUIBwn8g.dpuf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét