Thứ Sáu, 12 tháng 8, 2016

Sinh viên với “Mê – Lác”



Thanh Huyền


Bọn sinh viên chúng tôi thường đùa với nhau đọc ngược từ Mác – Lê (*Mác – Lênin) thành “Mê Lác” mỗi khi có tiết học này trên lớp. Bởi đây là môn học giết người không cần dao kiếm, chỉ bằng lý thuyết mà giảng viên có thể ru ngủ hơn 2/3 lớp. Nếu có được sự lựa chọn môn thay thế, tôi tin chắc sẽ có hơn 50 cánh tay giơ thẳng dứt khoát đồng ý thay đổi. Các anh chị sinh viên sắp ra trường cũng đồng tình với tôi vấn đề này.

Nói không ngoa, bởi sinh viên chúng tôi rất “ngán” môn học trên. Tài liệu thì dày cộp, giảng viên thông qua slide bài giảng phóng lên màn chiếu và nói không ngừng như cái máy phát thanh. Sinh viên ở dưới thì làm việc riêng, một vài bạn thì nghe cho có, số còn lại thì ngáp ngắn ngáp dài khi những thuật ngữ quan điểm, khái niệm, xã hội chủ nghĩa (XHCN), nguyên nhân ... được lặp đi, lặp lại.

Nói về giảng viên, dường như họ đã quen với không khí lớp học “đầy” con người nhưng “thiếu” sinh lực nên tranh thủ lướt bài. Phần nào không phải là trọng tâm có nhiều khả năng ra thi thì sẽ nhanh chóng được bỏ qua theo phương châm đôi bên cùng có lợi. Sinh viên được giảm căng thẳng với môn học, giảng viên được giảm trách nhiệm trong truyền đạt kiến thức.

Nếu ai từng ngồi trên ghế giảng đường đại học, sẽ đánh giá được môn học nào sinh viên ít hoặc không có tương tác với giảng viên trong suốt quá trình học. Đó là môn “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin”. Chính vì thiếu sự tương tác, thắc mắc không biết hỏi ai mà sinh viên chúng ta đã bỏ qua cơ hội là chính mình, vuột mất cơ hội thay đổi xã hội từ những bài học đầu tiên.

Nếu cho tôi được lựa chọn lại, tôi sẽ không giơ tay để thay thế môn học “Mê – Lác” này bằng môn học khác. Tôi chấp nhận học nó, để có cơ hội phản biện: “Cách mạng XHCN là cuộc cách mạng nhằm thay thế chế độ tư bản chủ nghĩa lỗi thời bằng chế độ XHCN, trong cuộc cách mạng đó, giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo và cùng với quần chúng nhân dân lao động xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” (Trích nguyên văn). Vậy chủ nghĩa tư bản có lỗi thời hay không? XHCN là tiến bộ hay lỗi thời? Công bằng, dân chủ, văn minh có đúng như giáo trình đã viết hay không?


Nguồn: www.danluan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét