Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Xung quanh nghề giúp việc nhà ở Việt Nam


Năm 2012, TAND quận Ba Đình (Hà Nội) đưa ra xét xử vụ bạo hành người giúp việc gây phẫn nộ trong dư luận tại phường Kim Mã. Bà chủ Trần Thị Tuyết M. đã thường xuyên chửi mắng, đánh vào người vào mặt người giúp việc tên Phạm thị P., đấm đá, ghè đầu người giúp việc lớn tuổi này vào tường nhà. Khi bắt gặp bà P ăn vụng bánh trên bàn thờ, bà M.đã bắt bà P. phải bới thùng rác tìm phân cháu ngoại của bà M. để… ăn; cho rằng bà P. lười tắm bà M. đã ép bà P, vào phòng tắm, xối nước nóng vào bụng, mông, vùng kín khiến bà P. bị bỏng, rồi nào bắt nạn nhân ăn 2 lạng ớt cay v.v... Phiên tòa đã xử bà M. 18 tháng tù giam.

Mấy ngày nay dư luận lại xôn xao, phẫn nộ nhưng lần này lại là chuyện một người phụ nữ giúp việc ở Hà Nam bạo hành bé gái chỉ mới có 1 tháng mười mấy ngày tuổi, hết đánh vào mặt vào đầu lại rung lắc, tung hứng bé lên cao mặt cho bé khóc thét, chỉ vì bé khóc dỗ không nín. Người phụ nữ tên là Nguyễn Thị H. đã bị công an huyện Phủ Lý, Hà Nam bắt giam.

Đây chỉ là 2 trong nhiều câu chuyện gây sốc có liên quan đến người giúp việc ở VN. Bài viết này không muốn nói thêm về sự độc ác của hai nhân vật người chủ và người giúp việc kể trên, mà chỉ muốn nói về cái công việc ở VN chúng ta vẫn thường hay gọi là nghề giúp việc, ôsin (xuất phát từ bộ phim truyền hình nhiều tập Osin của Nhật Bản được chiếu ở VN nhiều năm trước), thậm chí tệ hơn: con ở, đi ở đợ, người hầu v.v...

Trước hết phải nói rằng giúp việc nhà là một cái nghề khá phổ biến ở VN. Nhất là trong thời buổi hiện tại, khi tầng lớp trung lưu cho tới khá giả ở VN tăng lên, thêm vào đó, phần lớn trong các gia đình VN bây giờ cả vợ cả chồng đều đi làm, công việc bận rộn khiến họ không có thì giờ vừa đi làm, vừa chăm lo coi sóc con cái cơm nước giặt giũ chợ búa...thế là đành phải thuê người giúp việc. Mà lương của người giúp việc ở VN thì rẻ, thuê người làm việc nhà vì vậy không có gì là ngoài tầm tay của các gia đình từ trung lưu trở lên. Mười nhà ở các thành phố lớn thì có đến 3, 4 nhà có người giúp việc, nhà có tiền còn thuê tài xế riêng, thuê gia sư về nhà kèm cặp cho con học, thuê người đến tận nhà massage, làm đẹp, hư cái gì là kêu thợ...

Chả bù cho ở các nước phát triển, gia đình giàu có cũng không dám thuê người giúp việc hoặc sang lắm thì thuê theo giờ, một ngày chừng 2,3 giờ vì trả lương cho người giúp việc không nổi, vợ chồng con cái đành phải chia nhau mà làm cho hết việc nhà.

Nói lan man một chút để thấy rằng việc thuê người giúp việc khá là phổ biến ở VN, nhất là tại các thành phố lớn. Đa phần người Việt muốn thuê người ăn ở luôn trong nhà, chuyện thuê theo giờ ít hơn, vì họ muốn người giúp việc có sẵn đó, lúc nào cần việc gì cũng có. Phổ biến nhưng cái nghề này lại không được tôn trọng và không phải lúc nào cũng được người thuê đối xử tử tế. Công việc thì bất cứ việc gì người thuê cần, giờ giấc bất kể giờ nào, hết việc trong nhà thì thôi, thứ Bảy Chủ Nhật ngày lễ gì cũng vậy. Có người sống với nhà chủ gần như cả cuộc đời, mỗi năm chỉ về nhà thăm gia đình vào dịp Tết, mà nếu không có gia đình thì coi nhà chủ như nhà mình.

Giờ giấc công việc như vậy, nhưng điều đáng nói hơn là cái nhìn của xã hội đối với công việc này vẫn là cái nhìn coi rẻ, gọi là người giúp việc còn đỡ, như đã nói ở trên, nhiều người còn gọi là nghề đi ở, ở đợ, người hầu kẻ hạ trong nhà...Cho nên chẳng mấy ai có học một chút hoặc có gia đình đàng hoàng lại chịu đi làm người giúp việc, đa phần là những người phụ nữ nội trợ, thất nghiệp ở nông thôn ra thành phố đi làm giúp việc để có thu nhập nuôi gia đình ở quê, và nghĩ rằng mình đi làm xa nhà nên họ hàng, xóm giềng cũng không biết mình ra thành phố làm nghề gì.

Chính vì người giúp việc đa phần là người ở nông thôn, ít học nên người thuê cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề như phải «huấn luyện» họ quen với đời sống ở thành thị, với cách sử dụng các loại phương tiện, máy móc, thói quen ăn uống nấu nướng trong nhà, nếu để họ chăm sóc con cái thì con cái vốn sống với người giúp việc nhiều thời gian hơn với cha mẹ sẽ ảnh hưởng một số thói quen, nếp sống, cho tới ngôn ngữ rặt tiếng địa phương của người giúp việc v.v...Chuyện giữa người thuê và người giúp việc hài lòng nhau, tin tưởng lẫn nhau, người thuê đối xử tử tế mà người giúp việc tận tâm hết lòng... được xem như chuyện may rủi, còn lại bao nhiêu gia đình thuê người giúp việc thì toàn thấy than phiền chuyện này chuyện kia, được dăm ba tháng một năm lại thấy đổi người...

Đó là chưa nói đến những mặt trái của cái nghề này, về phía người giúp việc, vì thường là tìm người thông qua người quen giới thiệu hay đăng báo nên không biết được thân nhân người giúp việc ra sao, có khi bị người giúp việc «khoắng» hết tiền vàng bạc rồi biến mất không một lời từ giã, có người vợ thuê cô giúp việc trẻ xinh xắn một thời gian mất luôn cả chồng vì đi làm suốt, ở nhà cô ôsin chăm chồng giỏi hơn mình. Ngược lại, người giúp việc nhiều khi cũng gặp nhiều bi kịch cay đắng, nào nhà chủ đối xử quá tệ, hay ông chủ quấy rối tình dục, thậm chí cưỡng bức có thai...

Ở VN sau này có nhiều gia đình người nước ngoài đến sinh sống làm việc lâu dài và họ cũng cần người giúp việc. Nhưng cách đối xử của những gia đình người nước ngoài này đối với người giúp việc khác hẳn. Thường thì họ chỉ thuê theo giờ, ít khi nào ăn ở toàn thời gian như người Việt. Công việc được thỏa thuận rất cụ thể, nếu làm thêm việc là tính thêm tiền, làm ngoài giờ, làm vào ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, ngày lễ... là tính lương kiểu khác. Hai bện đối xử tôn trọng nhau. Những người giúp việc cho các gia đình người nước ngoài tất nhiên phải biết ngoại ngữ, nên có khi các cô sinh viên hay một số người có công việc cũng chịu đi làm thêm, có người mỗi tháng đi làm cho 3 gia đình người nước ngoài là thu nhập hơn cả công nhân viên chức.

Từ ví dụ này và từ thực tế ở các nước phát triển, có lẽ xã hội VN cần phải có cái nhìn thay đổi về nghề giúp việc. Phải xem đó là một công việc, một nghề như bao nhiêu nghề khác và phải được đối xử đàng hoàng chứ không phải là người hầu. Lương, giờ làm việc, công việc như thế nào phải cụ thể, rõ ràng. Hoặc chỉ nấu cơm dọn dẹp hoặc đưa đón lũ trẻ, chăm sóc trẻ em, hoặc chăm sóc người già. Nếu chăm sóc trẻ em hoặc chăm sóc người già thì phải được học qua những lớp huấn luyện, nhà nước phải tính đến chuyện mở những khóa đào tạo chăm sóc trẻ, hộ lý, chăm sóc người già...

Ở nước ngoài người đi làm những công việc này phải đăng ký với các cơ quan tìm việc-tìm người, phải có giấy tờ chứng minh thân nhân, khi người thuê đến các cơ quan này thì đã được bảo đảm về lý lịch, nhân thân của người giúp việc, không thể có chuyện người giúp việc một ngày biến mất cùng với tài sản của mình mà không sao tìm ra chẳng hạn. Ngược lại, cơ quan cũng biết được ai thuê người giúp việc để lỡ có chuyện bạo hành, đối xử không tử tế với người giúp việc thì người ta còn biết.


Những chuyện đó có lẽ chưa thực hiện được ở VN. Trước mắt, chỉ cần thay đổi cái nhìn của xã hội, coi đó là một nghề, phải có huấn luyện tùy theo từng nhóm công việc cụ thể. Như vậy sẽ bớt đi những trường hợp không yêu trẻ, không biết chăm sóc trẻ nhưng vẫn làm công việc giữ trẻ hoặc không thích mà vẫn phải chăm người già, như câu chuyện người phụ nữ bạo hành trẻ kể trên có thể vì không quen chăm trẻ con, vì tính cách không phù hợp với công việc này. Khi đã được xẻm là một nghề đàng hoàng, thậm chí sẽ có những cô sinh viên, những cô giáo về hưu đi làm thêm, và người thuê sẽ yên tâm hơn khi giao nhà cửa, con cái cho họ. Ngược lại, khi đã là một nghề thì phải được đối xử đàng hoàng, bình đẳng, không có chuyện bắt người giúp việc phải ăn cơm thừa canh cặn, hở chút thì mắng chửi, đánh đập.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét