Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Việt Nam sẽ mò mẫm đi trong cách mạng 4.0



  
Việt Nam sẽ mò mẫm đi trong cách mạng 4.0 – đó là một viễn cảnh tồi tệ, nhưng có thể xảy ra.
Vì cho là đau đầu và mất thời gian, ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Hải đã từ chối không xài Facebook, Youtube đến Zalo. Trong khi đó, Cục An toàn thông tin lại có chức năng – nhiệm vụ là cơ quan trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về an toàn thông tin.

Cuộc cách mạng 4.0 mà Đảng và Nhà nước kỳ vọng được xây dựng trên cơ sở như vậy – những người như ông Nguyễn Thanh Hải.

Nhưng đây không phải là hiện tượng đầu tiên trong nhà nước Việt Nam XHCN.

Vào thập niên 60 – 70 của thế kỷ XX, công nghiệp hóa trong sự nghiệp xây dựng XHCN miền Bắc thất bại, vì lý do “yêu cầu miền Bắc phải tiến hành phát triển công nghiệp nặng”, dù lúc này miền Bắc vẫn còn là nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nông nghiệp còn nhỏ yếu, công nghiệp thì chưa phát triển.

Vào năm 2016, ông Vũ Huy Hoàng (là Bộ trưởng Công Thương) thừa nhận: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH HĐH) đất nước vào năm 2020 cơ bản là không đạt được. Và tất nhiên, công nghiệp phụ trợ (vốn là tiền đề cho ngành công nghiệp ô tô nội địa) cũng nối đuôi theo. Bởi nền tảng về công nghiệp không những không có đủ, mà còn thiếu sự hỗ trợ về mặt cơ chế, khi ngay trong Chiến lược phát triển 2011-2020 cũng chỉ nhắc đến công nghiệp phụ trợ trong vỏn vẹn 7 từ: “Phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ”. Và Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội lần thứ XI – vốn mang tính chỉ đạo chiến lược cũng chỉ đề cập một cách chung chung là phải “từ chủ yếu là công nghiệp gia công, lắp ráp sang đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghiệp phụ trợ”.

Và giờ, cách ông Cục trưởng Cục An toàn Thông tin với sự tiếp cận “công nghệ” như nêu trên cũng phần nào báo hiệu cuộc cách mạng công nghệ sẽ tiếp nối tinh thần “thất bại” của các “bậc đàn anh” đi trước đó.

Ông Nguyễn Thanh - Cục trưởng Cục An toàn Thông tin
Năm 2015, Fanpage “Thông tin Chính phủ” được ra mắt lần đầu tiên sau hơn 10 năm Facebook len lỏi vào Việt Nam. Năm 2016, lần đầu tiên Nhà nước cho ra mắt trang Chính phủ điện tử và trang Thông tin doanh nghiệp; tiếp đó vào đầu năm 2017 lại ra mắt kênh thông tin tương tác giữa Chính phủ với người dân. Nhưng những trang thông tin như thế này trên nền tảng internet hay Facebook sẽ chẳng thể nào lấp đầy khoảng trống của một tư duy quản lý an ninh mạng nhưng “ngại rắc rối” như ông Nguyễn Văn Hải.

Trong khi đó, Nhà nước Việt Nam lại đang tìm cách siết chặt tự do internet lại bằng việc thi hành một dự án luật mang tính ràng buộc và kiểm soát. Bởi mới đây nhất, Bộ Công An đang tìm cách trình Quốc Hội và thúc đẩy thông qua Dự Luật An ninh mạng, với điều khoản buộc Facebook và Google phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Đây là một cách đi tương tự như cách đi của Trung Quốc trước đó, tìm mọi cách kiểm soát và xử lý theo chế tài luật (vốn còn lắm mơ hồ, thậm chí áp dụng sai cách) của Việt Nam.

Dự án Luật An ninh mạng này sẽ vẫn lấy lý do là vì “an ninh quốc gia” như nhiều thể chế độc tài khác để thi hành, và buộc sự tự do ngôn luận phải cúi đầu hợp tác.

Hãy mường tượng về một Việt Nam bị kiểm duyệt, khi đó, một đăng tải sai trái trên Facebook hay Youtube đều bị “404” nhanh chóng.

Nhưng liệu Bộ Công an hay các vị ĐBQH sắp tới có thực sự hình dung tác động của dự án luật này lên nền kinh tế không?

Nếu như Facebook và Google rút đi, nó không chỉ ảnh hưởng đến một nhóm người và cả lên khối doanh nghiệp (đặc biệt là Doanh nghiệp tư nhân và FDI).

Bởi Facebook không chỉ là mạng xã hội, nó là hệ sinh thái từ Ads manager cho đến livestream, video call,…

Bởi Google không chỉ là trình duyệt web, nó là hệ sinh thái từ Adword, Gmail cho đến Maps, Translate, Youtube, News.

Bởi thân Facebook và Google là công cụ hỗ trợ cho Doanh nghiệp trong quá trình vươn ra biển lớn, nếu bị tác động xấu (Google, Facebook rút ra khỏi thị trường Việt Nam) thì đồng nghĩa nhà nước mất đi nguồn thu lớn.

Nhưng lớn hơn cả là cuộc cách mạng 4.0 sẽ bị biến chất, trở thành một cuộc cách mạng ngăn chặn tự do ngôn luận, xóa bỏ tư duy kinh doanh công nghệ, và tạo nút thắt chai cho những con tàu đang tìm cách ra biển lớn.

Cách Bộ Công An trình làng dự án Luật An ninh mạng, hay cách ông Cục trưởng Cục An toàn thông tin từ chối công nghệ vì lo ngại đều cho thấy sự đi lên của tư duy quản lý cũ kỹ -“quản lý được đến đâu, mở ra đến đó”.

Có lẽ ông Mai Liêm Trực – cựu Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Bộ Thông tin & Truyền thông) sẽ phải uất nghẹn vì điều này. Vì chính ông là người  tìm cách vận động cho internet vào Việt Nam vào những năm cuối Thế kỷ XX, người đã từng thuyết phục Bộ Công an và Bộ Văn hóa Thông tin phải bỏ tư duy cũ, để thay vào đó là tư duy: “Năng lực quản lý phải theo kịp với yêu cầu phát triển”.

Và giờ đây, tư duy cũ, những con người vẫn lạc vào thế kỷ cũ lại đang ngự trị trên tầm lãnh đạo. Việt Nam sẽ mò mẫm đi trong cách mạng 4.0 – đó là một viễn cảnh tồi tệ, nhưng có thể xảy ra.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét