Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Từ Đồng Tâm đến Thẩm phán: niềm tin, pháp luật hay mị dân


Sự kiện Đồng Tâm
Ông ĐBQH Dương Trung Quốc trong phát biểu vào sáng ngày 2/11 đã nhấn mạnh: 'Vụ Đồng Tâm là vấn đề niềm tin chứ không thuần tuý án hình sự'

Luật gia Hà Huy Sơn, người chuyên bào chữa cho các vụ án liên quan đến 79, 88, 258 trong một phản ứng đã cho rằng: Chỉ có vụ án dân sự, hình sự hoặc hành chính. Không có vụ án lòng tin. Hoạt động Quốc hội phải dựa trên luật pháp. Diễn đàn Quốc hội ko phải chỗ để mị dân, tào lao. Xét cho đến cùng, thì quan điểm của hai người phải được hiểu ở 2 khía cạnh khác nhau, dù rằng, cùng 1 điểm về Đồng Tâm.

Có lẽ, tính chấp pháp phải được đặt ra ngay trong vụ việc liên quan đến đất đai này.

Ông Dương Trung Quốc đã đúng khi đặt vấn đề về tính thượng tôn pháp luật, khi mà những người dân Đồng Tâm đã và đang bị xử lý thì đến nay, “những cán bộ công an đánh dân, bắt dân không đúng quy định của luật pháp vẫn hoàn toàn đứng ngoài pháp luật.”

Tính chất phân vùng xử lý giữa đối tượng là lực lượng vũ trang và nhân dân đã khoét sâu tính niềm tin, và vì thế Đồng Tâm không còn là án pháp luật, mà trở thành án của niềm tin. Nếu giải quyết không đúng theo các quy định pháp luật đề ra thì đồng nghĩa với sự phá vỡ niềm tin.

Nhưng trong cả chiều dài câu chuyện, khi ông Dương Trung Quốc đề cập đến niềm tin, thì liệu rằng ông có tự hỏi, mình đã phản bội lại niềm tin của người dân Đồng Tâm như thế nào.

Ông chứng kiến cảnh đối thoại, hòa giải giữa chính quyền Hà Nội và người dân Đồng Tâm, cũng là người thuyết phục người dân thả trên cơ sở đồng thuận là không truy tố trách nhiệm hình sự. Ấy thế mà khi CA Hà Nội tiến hành khởi tố, ông lại ba phải khi nhấn mạnh: Khởi tố điều tra vụ Đồng Tâm là cần thiết để làm sáng tỏ. 

Và giờ đây, đứng trước hội trường Quốc Hội, ông cho rằng, ơn thế nữa, việc dùng chữ đầu thú ở vụ Đồng Tâm là không ổn nhưng chính ông lại người tán đồng cụm từ khởi tố.

Tính chất ba phải của một ĐBQH khiến người dân nhìn vào dễ tin, nhưng hẳn đó là mị dân. Và sự mị dân này khiến niềm tin vào tính thực thi lý tính xuyên suốt, thống nhất dễ dàng bị phá vỡ.

Cách ông Dương Trung Quốc vẽ nên câu chuyện không khác gì là một biểu tượng đặc trưng chấp pháp của chế độ, tính năng “giơ cao đánh khẽ” và “giơ cao đánh mạnh” luôn được ưu ái dành riêng cho từng đối tượng, mặc dù dưới cán cân pháp luật thì ai cũng phải như nhau.
Vào năm 2016, trong dự thảo đề án đổi mới trang phục Thẩm phán và hội thẩm mà TAND TC đang triển khai xây dựng đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi, theo đó Thẩm phán khi xét xử sẽ mặc áo thụng đen dài tay. Bởi theo đại diện của TAND Tối cao, việc cấp trang phục riêng cho thẩm phán khi xét xử nhằm nâng cao hình ảnh Tòa án, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đề cao tác phong lễ tiết, danh dự nghề nghiệp và trách nhiệm cá nhân.
Mọi thứ thật tuyệt vời, nhưng liệu đó có phải là điều cần thiết? Liệu rằng cái áo có làm nên người thầy tu?
Mới đây nhất, ông Trân Thanh Toàn - Thẩm phán TAND huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị tố cáo là vòi tiền đương sự liên quan đến vấn đề giải quyết ly hôn. Và ông ta đã “vòi tiền” bằng cách ngâm hồ sơ, sau đó nhắn tin, nói chuyện trực tiếp với đương sự với số tiền từ 2 triệu đồng lên đến 200 triệu đồng.
Và trả lời báo chí, ông Thẩm phán điềm nhiên cho biết: Tôi làm bằng cả tấm long; những lần “vòi tiền” là để thử xem họ [đương sự] thế nào?
“Ngâm đơn” là cách nhiều Thẩm phán trên cả nước đã và đang làm để trục lợi; và phán xét theo chiều hướng kim tiền là cách hành xử của nhiều tòa án.
Một trong những tin nhắn vòi tiền của thẩm phán Trần Thanh Toàn - Ảnh: H.LỘC
Lúc này, tư pháp – hành pháp đã bị bẻ cong, tất nhiên, trong nhiều màu áo khác nhau.
Câu chuyện niềm tin của người dân đối với hệ thống hành pháp, tư pháp, thậm chí là lập pháp là “bị đánh cắp”. Nhưng đi xa hơn bị đánh cắp là bị bẻ gãy bởi những lời mị dân, phô trương trong nghị trường Quốc Hội.
Luật sư Hà Huy Sơn có thể ám chỉ về câu nói của ông ĐBQH Dương Trung Quốc, nhưng nhìn tổng thể thì thực ra cả quá trình làm ra pháp luật và thực thi quyền lực nhà nước qua pháp luật ở Việt Nam dựa trên lý thuyết là nhiều. Nơi mà đại biểu đưa cử tri đắm chìm vào các điều khoản luật được cho là “tiến bộ, phổ quát” để phô trương tính pháp quyền, nhưng khi vào thực tế - thì vỡ mộng.
Pháp luật bất công bằng với đối tượng là người dân và người của Đảng; Thẩm phán hay phiên tòa phán xét không dựa trên công lý mà dựa vào chức quyền và khả năng tài chính của người đang đứng dưới.
Tất cả biến cả một nền luật pháp quốc gia trở thành trò hề, mà công lý không hề được tìm thấy.
Trở lại vụ Đồng Tâm, nó là án gì? Là hình sự (pháp luật) cũng đúng, là niềm tin cũng đúng nhưng suy cho cùng, nó có ý nghĩa gì đâu?
Cứ cho là lực lượng vũ trang nhân dân liên quan đến vụ này bị đem ra xét xử, vậy thì án sẽ được áp dụng đến như quy định đã nêu, hay là áp dụng hình thức nhẹ nhất trong bản án, làm sai lệch tính chất “lỗi” để có thể “treo án”. Và dù ở khía cạnh nào, thì án sẽ đi theo xu hướng “hình thức” hơn là thực chất phải được áp dụng. Trong khi người dân thì ngược lại, đằng nào cũng sẽ phải gánh một cái tội nặng.
Lý do vì sao, vì sau lời phát biểu của ông ĐBQH Dương Trung Quốc, thì ông ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh, dù bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của ông Dương Trung Quốc nhưng vẫn lưu ý rằng, “phải chú ý tình trạng lợi dụng những bức xúc của dân để phục vụ “ý đồ đằng sau”. Mà theo đó, “Quốc hội phải hết sức thận trọng khi đưa ra quyết định, hết sức tỉnh táo để xem đó có phải là bản chất hay không”.
Vì mọi con sông mang tên Công lý đều gánh trên mình hàng tá phế thải mang tên XHCN mà thôi, và khi ra tới cửa biển – nó đã bị hủy hoại – bốc mùi nồng nặc, và đó cũng chính là thứ người dân sẽ nhận được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét