Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Trần Huỳnh Duy Thức và Jack Ma, ta nên khóc vì ai?



Chứng kiến câu chuyện về một bạn trẻ Việt Nam vái lạy, bật khóc khi được gặp Jack Ma, tôi chợt nhớ về Trần Huỳnh Duy Thức. Một người được nhà nước Trung Quốc bảo hộ, ăn cắp ý tưởng làm giàu từ nước ngoài, giành giật thị trường trong nước, cạnh tranh bằng cách lợi dụng lợi thế độc tài chính trị. Một người không chấp nhận làm giảm giá trị thương hiệu của riêng mình, từ chối chạy theo trào lưu bằng một nhãn hiệu nước ngoài giả, xây dựng thương hiệu Việt Nam cạnh tranh ra thị trường quốc tế, đấu tranh vì quyền lợi của quốc dân đồng bào. Ai đáng ngưỡng mộ hơn?

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, văn bản

Jack Ma, tài năng chứ không phải thiên tài

Suốt nhiều ngày qua báo chí liên tục nhắc đến những phát ngôn mạnh mẽ, tấm gương vĩ đại, nghị lực phi thường của Ma. Nhưng chúng ta quên đi một việc, ông này có ý tưởng về kinh doanh liên quan tới internet sau khi đi Mỹ, trở về Trung Quốc lập ra Alibaba sau khi tìm hiểu về eBay và Amazon. Lập ra Alipal sau khi eBay đưa Paypal vào Trung Quốc 1 năm.

Chúng ta đôi khi nghĩ đơn giản rằng người đi sau có thể sẽ thành công hơn người đi đầu do năng lực. Tuy nhiên Jack Ma không như vậy, ông này sử dụng các thủ đoạn và lợi thế chính trị để đá các tập đoàn đối thủ khỏi Trung Quốc, lợi dụng tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc của ngừoi Trung Quốc để độc quyền thị trường. Các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản cũng lợi dụng lòng tự tôn dân tộc như vậy ư? Không, họ vẫn để các công ty quốc tế ở lại trong nước và cạnh tranh sòng phẳng.

Jack Ma có tài thì mới thành tỷ phú, nhưng có phải là thiên tài đáng làm tấm gương cho giới trẻ? Được sự bảo trợ của nhà cầm quyền (xin không bàn tới trường hợp hối lộ, nếu có, ở chính trường cộng sản Trung Quốc), độc quyền kinh doanh trong thị trường 2 tỷ dân thì có khiến ngừoi ta tâm phục khẩu phục?

Những phát ngôn, những triết lý của Ma nhận rất nhiều sự ủng hộ của giới trẻ, nhưng những câu nói này liệu rằng là của ông ấy hay được ai đó soạn sẵn? Và nếu nó là chân lý và ông này giỏi như vậy thì tại sao chất lượng con người tại Trung Quốc ngày càng xuống cấp? Ông này không thể tác động được ý thức xã hội trong nước thì đi dạy ai?

Trần Huỳnh Duy Thức, nhà trí thức, doanh nhân yêu nước đang bị lãng quên trên chính quê hương mình.

Sinh sau Jack Ma 2 năm, nhưng biết đến công nghệ thông tin từ khi chưa 20 tuổi. Tự lắp ráp máy vi tính từ năm 27 tuổi, khi mà Việt Nam còn chưa có internet. Tự mở 1 "cửa hàng nhỏ nhưng không chấp nhận làm giảm giá trị thương hiệu EIS của riêng mình, từ chối chạy theo trào lưu bằng một nhãn hiệu nước ngoài giả, cho dù khi đó thị trường Việt Nam vừa được mở cửa rất ưa chuộng hàng ngoại nhập. Nhờ chất lượng sản phẩm và các dịch vụ hậu mãi, doanh thu của EIS tăng nhanh, EIS trở thành thương hiệu chi phối phân khúc máy tính gia đình trên thị trường thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1994" (theo Wikipedia).

10 năm sau, EIS tấn công thị trường Singapore, Mỹ, Úc, Canada. Ông trở thành một doanh nhân thành đạt, đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin bằng chính khả năng của mình mà không dựa vào nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam.

Trần Huỳnh Duy Thức thấy được những bất cập ở cơ quan quản lý nhà nước, ông đấu tranh chứ nhất định không vì lợi ích cá nhân mà tiếp tay cho cái xấu. Ông hợp tác với các nhân sĩ trí thức khác cùng viết sách "Con Đường Việt Nam" nhằm đưa ra ý tưởng về con đường đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng, tiến đến phát triển bền vững trên nền tảng quyền con người.

Sau việc đó, từ một doanh nhân thành đạt, ông mất tất cả. Bị đảng cộng sản Việt Nam tuyên án 16 năm tù, tịch thu tài sản. Trong trại giam tăm tối, bị tra tấn, bị nhục hình, ông vẫn kiên cường đấu tranh. Dù nhà cầm quyền nhiều lần đề nghị phóng thích ông theo dạng trục xuất sang các nước tự do, nhưng ông vẫn chọn ở lại. Ông ở lại vì muốn giữ ngọn lửa đấu tranh trong lòng những người dân yêu nước. Ông ở lại để cùng đòi lại quyền làm người, quyền làm chủ quốc gia, không phải cho cá nhân ông, mà là cho cả dân tộc này.

Ông không được ai chống lưng, ông không có nhiều những phát biểu hùng hồn, nhưng ông là hình tượng mà bất cứ người Việt yêu nước nào cũng cần phải noi theo.

Jack Ma và Trần Huỳnh Duy Thức, hai con người cùng một độ tuổi, sinh ra ở 2 quốc gia tương đồng nhau về văn hoá xã hội chính trị. Đều là doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhưng lại có sự khác biệt vô cùng to lớn về tính cách, tình yêu nước và lòng tự tôn dân tộc.

Và bây giờ bạn có thể khóc vì được nắm tay một thần tượng âm nhạc ngoại quốc, hay khóc khi được diện kiến một tên gian thương giàu sụ với khối tài sản kếch sù. Bạn không nhớ tới những người bình dị, những thiên thần trong bóng tối đang âm thầm hi sinh cả cuộc đời họ vì quyền sống, quyền làm người của bạn. Để đến một khi nước mất nhà tan, ngoại bang xâm lược, bạn sẽ khóc vì chính bản thân mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét