Thứ Ba, 7 tháng 11, 2017

Tổng thống Donald Trump làm thế giới mất phương hướng





 media
Chính sách đối ngoại của tổng thống Donald Trump làm thế giới đảo điên. Ảnh minh họa.

REUTERS/Toru Hanai


Ông Donald Trump vẫn đang thu hút chú ý của báo chí Pháp với chuyến công du dài ngày ở châu Á và đặc biệt là ngày mai, 8/11, đánh dấu đúng một năm ông đắc cử tổng thống Hoa Kỳ với khẩu hiệu nổi tiếng « nước Mỹ trước tiên ». Nhật báo Công giáo la Croix nhân sự kiện này nhìn lại phong cách và những việc đã làm của người lãnh đạo cường quốc số 1 thế giới. Tựa trang nhất của La Croix nhận định : « Trump làm thế giới mất phương hướng ».

Xã luận của La Croix viết : Với khẩu hiệu tôn chỉ « America first - Nước Mỹ trước tiên », một năm sau khi đắc cử tổng thống, « Donald Trump đã thành công trong việc làm suy yếu mọi logic của quan hệ đối tác vô cùng cần thiết trong một thế giới bất ổn ». Một năm, Donald Trump cũng đã cho thấy ông là một vị tổng thống với « nguyên tắc hoài nghi ».

La Croix nhắc lại : Trả lời truyền hình Mỹ trước chuyến công du dài 12 ngày tại châu Á, khi phóng viên lưu ý ông là ở bộ Ngoại Giao Mỹ vẫn còn có nhiều vị trí khuyết chưa bổ nhiệm, nhất là các vị trí cho khu vực châu Á (cho đến giờ vẫn chưa có đại sứ Mỹ ở Seoul), tổng thống Trump đã ngạo nghễ nói : « Ngoại giao Mỹ là tôi, chỉ có tôi ». Ông cũng nhấn mạnh thêm « Tôi là một doanh nhân» vì thế mọi quyết định cuối cùng phải thuộc về cá nhân ông.

La Croix nhận định : Với phong cách lãnh đạo của là một doanh nhân, ông Trump thích tạo mối tương quan lực lượng. Tổng thống Mỹ phủ nhận các mối quan hệ quốc tế đa phương, một phương thức vẫn tồn tại trong hầu hết các tổ chức quốc tế hay định chế tài chính kinh tế. Trong năm 2017, theo ý kiến của ông, Hoa Kỳ đã rút ra khỏi nhiều tổ chức hay thỏa thuận ngoại giao, thương mại. Lý do chỉ vì ông Donald Trump nhận thấy các tổ chức và thỏa thuận đó chỉ gây bất lợi cho lợi ích trước mắt của công dân Mỹ. Đó là các thỏa thuận TPP ngay ngày đầu bước vào Nhà Trắng tháng Giêng, rồi đến thỏa thuận khí hậu Paris tháng 6, gần đây nhất là rút khỏi Unesco và hôm 13/10 vừa qua ông thông báo có thể không phê chuẩn thỏa thuận hạt nhân Iran….

La Croix nhận xét : Donald Trump vừa qua hai đêm ở Nhật Bản, ông sẽ còn một đêm ở Seoul trong khi đó mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên liên quan đến Hàn Quốc nhiều hơn cả. Đơn giản là vì tân tổng thống Hàn Quốc, một người ủng hộ đối thoại với Bắc Triều Tiên, không hợp ông Trump lắm.

Sau màn đấu khẩu hiếu chiến trên Twitter với Bắc Triều Tiên và Kim Jong Un, ông Donald Trump lại bất ngờ tuyên bố có thể sẵn sàng gặp lãnh tụ Bắc Triều Tiên.

Theo La Croix, những ngày tới ở Trung Quốc mới là thách thức lớn của tổng thống Trump. Chuyến đi sẽ cho thấy mối ưu tiên thực sự của Mỹ ở châu Á có phải là mối lo ngại sự gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc ? Liệu Mỹ có còn giữ được ưu thế chiến lược ở châu Á ?

Với Trung Quốc, người ta đã thấy những lời nói tiền hậu bất nhất của ông Trump. Khi còn tranh cử tổng thống, ông Trump không ngớt lời mắng nhiếc Trung Quốc « đánh cắp công ăn việc làm của người Mỹ ». Nhưng trên cương vị tổng thống, tiếp chủ tịch Tập Cận Bình tại Florida hồi tháng 4, ông Trump lại ve vãn ca ngợi lãnh đạo Trung Quốc hết lời. Thế nhưng ba tháng sau ông lại lớn tiếng chỉ trích Trung Quốc thụ động trong hồ sơ Bắc Triều Tiên.

La Croix nhấn mạnh : Không ai ở châu Á giải mã được chính sách ngoại giao của Donald Trump. Hơn nữa, « phương pháp » của ông không thể hiện rõ ràng ngay từ đầu với người đối thoại. Chuyên gia Jean-Eric Branaa về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Paris 2 - Assas, đánh giá phương pháp của vị tổng thống thứ 45 của Mỹ như sau : « Donald Trump thích làm đảo lộn các lá bài . Chính sách của ông ta dựa trên cái gọi là 'nguyên tắc không chắc chắn' ».

Theo nhà phân tích Branaa tổng thống Mỹ chưa hẳn là người khó lường mà ông muốn tỏ cho thấy mình là người không thể hiểu được. Ông làm rối tung vấn đề lên để sao cho thế giới phải chạy theo ông ta và như vậy ông ta làm chủ cuộc chơi.


Thách thức của Mỹ ở châu Á

Vẫn liên quan đến chuyến công du châu Á của tổng thống Mỹ Donald Trump tại châu Á, trên trang « ngôn luận » của nhật báo Le Figaro có bài phân tích « Thách thức nào cho nước Mỹ tại châu Á ? ».

Theo tác giả Renaud Girard, tổng thống Mỹ biết ông có hai thách thức chiến lược phải vượt qua ở châu Á, một ngắn hạn và một dài hạn. Về ngắn hạn, ông phải giải quyết vấn đề đang đặt ra cho nước Mỹ và các đồng minh lịch sử là Nhật Bản và Hàn Quốc. Đó là sự gia tăng đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo đến từ Bắc Triều Tiên.

Về dài hạn, ông phải tìm được thỏa hiệp với Trung Quốc, quốc gia đang ngày càng tỏ tham vọng bành trướng trên biển làm tổn hại đến thế thượng phong của hải quân của Hoa Kỳ trong khu vực châu Á (vốn đã được duy trì từ năm 1945 đến giờ). Đồng thời đà gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gây lo ngại cho nhiều quốc gia nằm bên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Tác giả nhận định : Ông Trump khẳng định Hoa Kỳ sẽ không thể chấp nhận thấy Bắc Triều Tiên trang bị vũ khí hạt nhân. Thế nhưng Hoa Kỳ sắp tới đây sẽ không còn lựa chọn nào khác là chấp nhận thực tế đó. Tất cả mọi người từ ở Mỹ đến Nhật Bản hay Hàn Quốc đều hiểu rằng một cuộc chiến tranh với Bắc Triều Tiên sẽ là thảm họa cho cả Mỹ cũng như cho các đồng minh. Một thách thức khác của ông Trump là làm sao để Nhật-Hàn gạt sang một bên những hiềm khích lịch sử, bắt tay nhau đoàn kết trước mối đe dọa Bắc Triều Tiên.

Về lâu dài, theo tác giả bài viết, Mỹ sẽ phải chấp nhận phần nào tham vọng lãnh thổ và ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, nhất là khi Bắc Kinh đang cố gắng đẩy Mỹ ra ngoài các tranh chấp chủ quyền trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng khu vực.

Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố sự hiện diện của Mỹ ở châu Á không còn chính đáng nữa. Trong khi đó tất cả các nước ven biển trong khu vực này đều mong muốn Mỹ trở lại. Tác giả nhận định : Trong mối tương quan Mỹ-Trung, Hoa Kỳ đang bị thiếu chiến lược dài hạn như kiểu « Con đường tơ lụa » mà tập Cận Bình đã vẽ lên. Nhưng Hoa Kỳ lại có những người bạn thực sự ở Đông Á, trong khi Trung Quốc thì không có ai.

Vụ Paradise Papers : vấn đề đạo đức hay kẽ hở của hệ thống ?

Một thời sự khác được các báo Pháp chú ý nhiều là vụ « Paradise Papers » phát lộ một hệ thống cất giấu tài sản để né thuế trên quy mô toàn cầu, liên quan đến hàng trăm quan chức và những nhà tài phiệt, các tập đoàn giầu có nhất thế giới.

Le Monde là tờ báo tham gia vào cuộc điều tra quốc tế này cho nên Paradise Papers là chủ đề lớn phủ kín nhiều trang báo ra hôm nay. Tựa lớn trang nhất của Le Monde nêu con số ấn tượng : 350 tỷ (euro) bí mật trốn thuế. Đây là số tiền mà các quốc gia trên thế giới bị thâm hụt được ước tính từ những khối tài sản được cất giấu nhằm tránh thuế trong vụ Paradise Papers, vừa được 95 hãng truyền thông trên thế giới vừa đồng loạt công bố.

Tuy nhiên theo Le Monde : « Khác với vụ Panama Papers, cuộc điều tra mới này không liên quan mấy đến các hành vi rửa tiền bẩn từ gian lận thuế hay các hoạt động phạm pháp khác (như buôn bán vũ khí, ma túy…). Trong vụ này chỉ là những thao tác tài chính hợp pháp do một đội chuyên gia tiến hành giúp khách hàng trốn tránh nghĩa vụ đóng thuế dựa trên những kẽ hở của hệ thống quản lý thuế quốc tế ».

Vậy ai là những người tránh thuế ? Cuộc điều tra của le Monde chỉ ra nhiều cái tên thân cận với tổng thống Mỹ Donald Trump, thủ tướng Canada Justin Trudeau, nữ hoàng Anh Elizabeth II và không ít các tập đoàn đa quốc gia giàu có. Những thao tác cất tiền tránh thuế trong hồ sơ Paradise Papers không hề vi phạm luật, nhưng đạo đức và lương tâm của những người muốn lẩn tránh nghĩa vụ thuế là vấn đề cần phải bàn. Chỉ một nhóm nhỏ các công ty và cá nhân khá giả được ưu ái về kinh tế nhưng lại không muốn tuân thủ quy định bình đẳng với những công dân bình thường. Xã luận của Le Monde gọi vụ Paradise Papers là « mặt trái của toàn cầu hóa »

Nga không muốn gây chia rẽ xã hội vì Cách Mạng Tháng 10

Hôm nay đánh dấu 100 năm sự kiện Cách Mạng Tháng 10 Nga. Tuy nhiên, sự kiện lớn có tầm ảnh hưởng toàn cầu này được « nước Nga của Putin kỷ niệm một cách kín đáo » như ghi nhận của báo Les Echos.

Thông tín viên của Les Echos tại Matxcơva ghi nhận : « Đúng một trăm năm sau cuộc cách mạng Bôn-sê-vích, giờ đây ở nước Nga của ông Vladimir Putin, Lenin vẫn được nhìn nhận tích cực nhưng ông không còn vị thế của người anh hùng dân tộc nữa ».

Thời điểm 1917 giờ đây cũng chỉ là một trong nhiều mốc lịch sử đất nước. Trong tuần lễ này, chính quyền Nga thận trọng không muốn kỷ niệm ồn ào cuộc Cách Mạng Tháng 10 cũng như tôn vinh cha đẻ của nó, V. Lenin. Thậm chí nhiều người có cảm giác là cuộc cách mạng này đang bị lãng quên ở Nga cho dù vẫn có một số hoạt động của các nhà chuyên môn về lịch sử trước thời điểm kỷ niệm.

Chính quyền Nga cho thấy họ có ưu tiên là không muốn gây thêm chia rẽ mới trong xã hội về di sản cách mạng còn gây nhiều tranh cãi này, theo nhận định của Les Echos.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét