Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Quá hiếm thương hiệu cao cấp Việt được thế giới công nhận

Nhớ hồi đầu tháng 3 năm nay, đi họp ở DC, mình tìm mua một món quà Việt Nam tặng đối tác Mỹ. Vào Whole Foods, thấy nhiều hàng ghi hiệu Việt Nam, hữu cơ và thượng hạng, nhưng đọc kỹ, toàn sản xuất ở nước khác, thương hiệu thuộc công ty nước khác. Nên lúc tổ chức tọa đàm với theLeader về “phát triển tài nguyên bản địa”, nghe chị Nguyễn thị Kim Hạnh, bà chủ của thương hiệu Yellow Chair Specalty Coffee đang nuôi ý định làm sản phẩm Cà phê Việt Nam thượng hạng, với chiến lược và đầu tư nghiêm cẩn, mình đã khấp khởi mừng. Vậy mà sáng nay, đọc một bài trả lời phỏng vấn báo nước ngoài của chị, rồi nhớ tới tâm trạng các “tín đồ” hàng hữu cơ mình vừa gặp, mới thấy thật thấm thía. Trả lời phỏng vấn, chị Nguyễn thị Kim Hạnh bày tỏ: “Chúng tôi rất lo sẽ bị ảnh hưởng. Trước đây những người có tiền, có thể mua sản phẩm giá cao thì tin vào chất lượng tốt nên không e dè khi mua. Nhưng sau vụ Khải silk, những người đang bán hàng chất lượng cao, giá cao đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Khách hàng sợ bị lừa mua phải hàng “made in China”.

Mà sự nghi ngờ chất lượng hàng thì lâu nay đã có sẵn trong tâm trạng người tiêu dùng Việt. Họ thường bị lừa mua nhầm hàng Tàu, lại thường gặp hàng Việt mà có chất lượng không ổn định, chất lượng thấp hơn quảng cáo, tệ hơn nữa là phản bội lòng tin của họ.

TẬP TÍNH "GIAN LẬN DO MÔI TRƯỜNG"

Trong giới sản xuất kinh doanh, từ nông dân tới hộ sản xuất nhỏ, các công ty, bàng bạc khắp nơi một thứ lề luật là phải len lách, thích nghi, chạy, lo, biết điều, từ nhỏ tới lớn, từ cấp xã phường lên mọi cấp, từ cấp thấp nhất đã có hệ thống “luật” rồi. Làm kinh doanh ở Việt Nam, mọi người mặc nhiên chấp nhận là mình phải ít nhiều “gian lận bởi môi trường”. Nhìn chung, do môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa minh bạch, chưa tạo thuận lợi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách công bằng, nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn phải bươn chải, đối phó đủ điều để tồn tại. Và bây giờ thực tế cũng cho thấy, với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng chất lượng cao, có thương hiệu mạnh thì càng khó, vì họ cần lòng tin mạnh mẽ của người tiêu dùng (do sản phẩm có chi phí sản xuất cao, chí phí duy trì thương hiệu cao nên buộc phải bán giá cao).

Rõ ràng Khải Silk đang làm hại hàng Việt nói chung và làm khổ các thương hiệu cao cấp của Việt Nam trong khi họ lao tâm khổ tứ dốc “mười thành công lực” trong kinh doanh. Nhưng chính qua cái nạn Khải Silk mà rất nên mổ xẻ cái tập tính kinh doanh “gian lận vì môi trường” (chính thực trạng này mới là chuyện trầm kha và tác hại lâu dài), sau Khải Silk đang đi đến đâu, và cần quyết liệt thay đổi ra sao, cả chính sách và doanh nghiệp, mới hòng cạnh tranh hội nhập.


Bà chủ của Yellow Chair Specialty Coffee tại studio của BSA trong chương trình livestream câu chuyện chuẩn bị một thương hiệu cà phê Việt hảo hạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét