Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2017

Nhốt quyền lực – Một ý tưởng thiển cận

Nguyễn Đình Cống



Ý tưởng về chiếc lồng nhốt quyền lực được hàng trăm, hàng ngàn người ủng hộ, ca ngợi, được hàng triệu người hoan nghênh, nhưng cũng có hàng chục triệu người nghi ngờ, hàng chục vạn người chế diễu. Theo tôi chiếc lồng đó chỉ là một ý tưởng thiển cận, sự ủng hộ mang tính bệnh hoạn, của một cách nhìn quá hạn hẹp và định kiến.

Nhiều tệ nạn xuất phát từ những kẻ có chức tước. Chúng lợi dụng quyền lực, dẫm lên pháp lý, chà đạp lên đạo đức, phớt lờ dư luận, bất chấp tội ác, chỉ lo vơ vét cho đầy nặng túi tham. Vậy để ngăn hành động tàn ác và bẩn thỉu thì cách hay nhất là hạn chế quyền lực của chúng, bằng cách tạo ra cái lồng, nhốt chúng lại.

Lập luận nghe quá hay, quá hợp lôgic. Có biết đâu nó ẩn chứa sai lầm. Tôi đọc nhiều bài ca ngợi cái lồng, do những người có học vị, học hàm cao viết. Đọc xong cứ băn khoăn, liệu động cơ thực sự của những lời ca ngợi đó là gì, bao nhiều phần trăm là giả dối, lừa bịp, bợ đỡ ở trong đó. Viết bài này tôi xin vạch ra tính chất thiển cận của ý tưởng về nhốt quyên lực.

Quyền lực là 1 trong 3 nguồn sức mạnh của con người: phẩm chất, tài sản và quyền lực. Phẩm chất bao gồm trí tuệ, tình cảm, tài năng của thân thể, quan hệ, một phần do Trời phú, phần khác do rèn luyện, tu dưỡng. Tài sản, tiền bạc có được từ một số nguồn, chính đáng hoặc bất chính. Quyền lực, một phần do tự tạo ra dựa vào phẩm chất hoặc tài sản, phần khác, quan trọng hơn. do sự ban phát của thế lực cao hơn, do sự chấp nhận hoặc tôn vinh của tổ chức, của quần chúng. Sức mạnh quyền lực của ngươi chỉ được thể hiện trong tổ chức hoặc giữa quần chúng chịu sự chi phối. Ở ngoài các nơi ấy ngươi chẳng có tí gì của sức mạnh, ngươi chẳng là cái thá gì.

Phát hiện ra một tên quan tham nhũng. Có tham nhũng là do kết hợp của một số nguyên nhân sau: 1- Do hắn có lòng tham; 2- Do xuất hiện các điều kiện để hắn thực hiện lòng tham đó. 3-Do hắn không lường trước những tác hại hoặc bị mờ mắt vì cái lợi. Nói quyền lực đẻ ra tham nhũng cũng đúng như nói người mẹ sinh ra đứa con, nhưng một mình người mẹ không cách nào sinh ra con được mà còn phải kết hợp.

Quyền lực chỉ là một phần trong các điều kiện của tham nhũng. Ngoài quyền lực còn phải có thêm một số điều kiện khác. Trong lịch sử rất nhiều người có quyền lực mà không tham nhũng. Họ có 2 loại. Loại 1 tuy có lòng tham nhưng không có thêm điều kiện thuận lợi khác, muốn tham mà không tham được. Loại 2, không tham hoặc chiến thắng được lòng tham, họ thanh liêm.

Đối với người có tài năng và không tham, quyền lực là rất cần thiết để phát huy khả năng, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Nếu không có quyền Lực thì Lý Quang Diệu không thể tạo nên một Singapore thịnh vượng, Thiên trị Minh hoàng không cải cách được nước Nhật, Hoa Thịnh Đốn không kiến tạo được nước Mỹ.

Vậy lỡ ra để cho kẻ tham có quyền rồi thì làm sao. Thì đã có Hiến pháp, pháp luật. Theo tôi chừng ấy là quá đủ để ngăn ngừa những kẻ tham lam, cần gì phải tạo thêm những cái lồng, Nhưng ở VN, tại sao Hiến pháp và pháp luật không phát huy tác dụng. Tại vì người ta đặt Đảng cao hơn . Với đảng viên còn có điều lệ Đảng, cần gì phải đề ra 19 điều cấm. Khi đề ra chúng nhiều người hý hửng, tưởng là sẽ làm cho bọn tham nhũng bó tay, nhưng…Bây giờ lại tạo ra cái lồng, một lồng chứ đến 19 lồng cũng không ngăn được tham nhũng, các lồng để riêng hoặc lồng vào nhau cũng không ngăn được. Vì sao vậy. Vì các nguyên nhân cơ bản vẫn còn nguyên. Đó là sự độc tài của những kẻ vừa ngu vừa tham. Chúng nó được sinh ra từ sự kết hợp giữa 2 yếu tố: Một là những yếu kém trong truyền thống văn hóa của dân tộc ( ích kỷ, tham lam, lợi mình hại người, háo danh v.v…) Hai là những độc hại trong Chủ nghĩa Mác Lênin ( độc quyền toàn trị, đấu tranh giai cấp, công hữu hóa ruộng đất v.v..). Sự kết hợp ấy hàng giờ, hàng ngày sinh ra, nuuoi dưỡng đủ loại tệ hại.

Ở các nước dân chủ với tam quyền phân lập không thấy đảng cầm quyền nào đề ra các điều cấm đảng viên, không thấy nước nào đan lồng nhốt quyền lực. Phải chăng người ta ngu dốt cả, chỉ có mình ta là sáng suốt, hay ngược lại. Ở Singapore tiêu chuẩn để lựa chon công chức chỉ có năng lực và liêm khiết, họ cần có tự do để phát triển tài năng, mọi thứ khác đã có luật pháp. Còn ở ta, tiêu chuẩn chọn cán bộ. trước hết là lòng trung thành rồi đến cơ cấu, rồi hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, sau mới đến trí tuệ. Thế thì lấy đâu ra người có năng lực và liêm chính, phần lớn ôm vào một lũ cơ hội vừa ngu vừa tham.

Phân tích như trên để thấy cái lồng nhốt quyền lực chỉ là sản phẩm của một trí tuệ quá non kém, quá thiển cận, còn những lời tụng ca lại thể hiện hoặc sự hèn kém hoặc tâm lý bệnh hoạn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét