Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2017

Nhẹ dạ, cả tin

Thiên Hạ Luận – Trân Văn



                                       Hình ảnh "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái.


Dù ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Việt Nam vừa tung thêm một đòn trí mạng vào cả công chúng lẫn báo giới nhưng trong đám đông, nhiều người vẫn cố níu vào niềm tin vốn đã mơ hồ như sương khói.

Ảo tưởng vào thành tâm, thiện ý của giới lãnh đạo Đảng CSVN - “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” dường như vẫn còn chỗ để cắm… dùi. Cam kết “chống tham nhũng” của giới lãnh đạo Đảng CSVN – một thứ quốc nạn khiến Việt Nam tan hoang – vẫn còn có thể nhen nhóm hy vọng dẫu cho giới lãnh đạo Đảng CSVN liên tục chứng minh hy vọng ấy là ảo vọng.

Tháng 6 năm nay, báo chí Việt Nam nêu ra hàng loạt điểm bất thường quanh việc gia đình ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái, xây dựng tư dinh tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái với một số biệt thự, nhà sàn, hồ nước, vườn hoa,… Ngoài những thắc mắc liên quan đến chuyện ông Quý đào đâu ra tiền để tạo lập tư dinh với quy mô như thế (?), báo chí Việt Nam còn nêu ra một thắc mắc khác, đáng chú ý hơn là tại sao chính quyền thành phố Yên Bái lại ký tới sáu quyết định, cho phép gia đình ông Quý chuyển đổi các phần đất vốn là rừng, ruộng, vườn,… thành thổ cư rồi cấp giấy phép xây dựng một cách dễ dàng, nhanh chóng như vậy.

Sau đó, báo giới phát giác, chính quyền thành phố Yên Bái đã sử dụng “Quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020” do chính quyền tỉnh Yên Bái ban hành năm 2014 để ra các quyết định vừa kể. “Quyết định điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020” do bà Phạm Thị Thanh Trà – lúc đó là Chủ tịch tỉnh Yên Bái và là chị ruột của ông Quý ban hành. Giờ, bà Trà là Bí thư tỉnh Yên Bái.

Áp lực của dư luận đã buộc Thủ tướng Việt Nam phải chỉ đạo thanh tra về những vấn đề có liên quan đến ông Quý và chỉ ông Quý mà thôi.

Đúng ra Cục Chống Tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Việt Nam phải công bố kết luận thanh tra liên quan tới ông Quý vào tháng 8 nhưng mãi tới cuối tháng 10 vừa qua, Thanh tra Chính phủ Việt Nam mới làm chuyện này. Theo đó, ông Quý chỉ “không trung thực khi kê khai tài sản”. Ngoài dinh thự làm dân chúng choáng váng về mức độ xa hoa như đã kể, ông Quý còn là chủ một căn nhà 600 mét vuông, một thửa đất 1.000 mét vuông cùng nằm ở trung tâm thành phố Yên Bái, một trang trại diện tích 2 héc ta trị giá 1 tỉ đồng ở Yên Bái, một apartment trị giá 2,5 tỉ tại chung cư cao cấp Mandarin Garden ở quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ mặc nhiên chấp nhận giải thích của ông Quý: Khối tài sản khổng lồ đó sinh sôi nảy nở từ nguồn vốn mà ông tích lũy nhờ… bện chổi, làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá lúc còn trẻ và… thừa kế từ cha mẹ!

Việc xử lý ông Quý được Thanh tra Chính phủ giao lại cho hệ thống công quyền tỉnh Yên Bái – nơi chị của ông đang giữ vai trò “vua bà”. Tỉnh ủy Yên Bái quyết định “cảnh cáo” đảng viên Phạm Sỹ Quý, cách chức Bí thư Đảng ủy và loại ông Quý ra khỏi Ban Chấp hành Đảng bộ Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Yên Bái. Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái cũng hành xử tương tự, “cảnh cáo” công chức Phạm Sỹ Quý, cách chức Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường và điều động ông Quý sang làm Phó Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái.

Bất chấp sự phẫn nộ của công chúng, ông Đạt khẳng định như đinh đóng cột: Xử lý ông Quý như thế là nghiêm minh!

Cần nhắc lại rằng, hệ thống công quyền Việt Nam đã từng xử lý ông Quý rất nghiêm minh như thế. Năm 2005, ông Quý là một trong những người bị bắt quả tang đang đánh bạc tại một căn nhà ở thành phố Yên Bái. Tại Việt Nam “đánh bạc” là tội hình sự nhưng ông Quý vẫn “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” trên quan trường. Một ngày trước khi thôi làm Chủ tịch tỉnh Yên Bái để bước lên làm “vua bà” ở Yên Bái. Bà Trà đã ký quyết định bổ nhiệm ông Quý làm Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường (cơ quan quản lý toàn bộ đất đai, tài nguyên) của tỉnh Yên Bái...


***


Facebooker có nickname Justice Công Lý bình luận, sự “nghiêm minh” mà ông Phạm Trọng Đạt đề cập là “sự bao che của bè lũ quan lại tham nhũng” khuyến khích nhau “tham nhũng nữa đi”. Đăng Hoàng thì cho rằng “nghiêm minh” như thế “khác gì chuyển từ chèo sang cải lương”. Có lẽ do cạn lời, Phạm Văn Hùng chỉ thốt được một câu: Nghiêm minh? Tổ cha chúng mày, lũ khốn nạn! Tương tự, Hoang Manh cũng hết ý thành ra chỉ có thể nhận định: Bọn này không có tí liêm sỉ nào nên gian trá một cách trơ trẽn mà không thấy xấu hổ.

Chẳng phải công chúng mà ngay cả báo giới cũng bị sốc. Tờ Công Lý của Tòa án Tối cao đăng “Chúc mừng ông Phạm Sỹ Quý” vì ông chỉ bị “hạ độ cao” chứ không phải “hạ cánh”. Giống như nhiều tờ báo khác và không ít người dùng Internet, tờ Công Lý nêu thắc mắc, vì sao không truy cứu nguồn gốc tài sản sản của ông Quý trong khi làm như thế sẽ giúp “lấy lại niềm tin trong nhân dân”.

Nhìn một cách tổng quát, trong vụ thanh tra – xử lý ông Phạm Sỹ Quý, công chúng, công luận chẳng có gram nào. Thật ra, xây dựng, khôi phục, củng cố, phát triển… niềm tin của dân chúng nơi hệ thống công quyền ở Việt Nam chỉ là cách nói khiến đám đông ngộ nhận rằng họ vẫn còn vai trò nhất định nào đó. Trong thực tế, giới lãnh đạo Đảng CSVN không cần thứ cống vật trừu tượng ấy. Khi công chúng chấp nhận sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối như mặc định thì cần gì tin hay không tin!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét