Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2017

Miến Điện: Thời điểm của nghi ngờ và suy xét



 media
Lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi (G) trong cuộc họp báo tại thượng đỉnh ASEM, ở Naypyidaw, ngày 21/11/2017. REUTERS/Stringer


Một nghịch lý đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á Miến Điện : chính khi sắc dân Hồi Giáo thiểu số Rohingya rơi vào thảm cảnh, những lời chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây, lại khiến dân tộc Miến Điện, vốn có truyền thống bị chia rẽ, trở nên đoàn kết hơn. Trên đây là nhận định của ông Olivier Guillard, chuyên gia về châu Á thuộc viện Quan Hệ Quốc Tế Và Chiến Lược (IRIS), Paris.

Trong bài viết « Miến Điện : Thời điểm của sự nghi ngờ và suy xét » đăng trên trang mạng về châu Á Asialyst, chuyên gia Olivier Guillard nhận định đã đến lúc suy xét kỹ lưỡng để đánh giá về trách nhiệm của chính quyền dân sự (lãnh đạo Aung San Suu Kyi và chính phủ thuộc đảng Liên Đoàn Quốc Gia Về Dân Chủ - LND) và tập đoàn quân sự. Quan hệ giữa chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự vốn rất băng giá nay trở nên nồng ấm hơn qua cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Năm năm sau khi tập đoàn quân sự thu gọn quyền lực sau nửa thế kỷ lãnh đạo liên tục và tiến hành chuyển giao quyền lực (quá trình chuyển giao hiện vẫn chưa hoàn tất), vào ngày 08/11/2015, cuộc tổng tuyển cử tự do được tổ chức tại Miến Điện.

Hiến Pháp Miến Điện do tập đoàn quân sự soạn thảo để phục vụ cho cho lợi ích của họ, nên còn nhiều hạn chế về thủ tục hành chính, nhất là điều kiện trở thành tổng thống, vốn được đề ra nhằm chống bà Aung San Suu Kyi. Mặc dù vậy, vào năm 2015, các nhà quan sát, thăm dò ý kiến và cử tri không trông chờ gì hơn ngoài chiến thắng của đảng LND của bà Aung San Suu Kyi trong kỳ bầu cử Quốc Hội năm đó.

Trái ngược với năm 1990, khi tập đoàn quân sự không công nhận kết quả bầu cử có lợi cho đảng LND, vào năm 2015, các tướng lĩnh quân đội Miến Điện lại điềm nhiên chấp nhận kết quả bỏ phiếu mang lại thắng lợi cho đảng LND. Và đó là một sự sỉ nhục đối với đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển USDP.

Bối cảnh chính trị khi đó ở Miến Điện tương đối thuận lợi cho đảng LND, nhất là đảng của bà Aung San Suu Kyi có một thời gian chuẩn bị lãnh đạo đất nước.

Một năm rưỡi sau những bước đi đầu tiên của chính phủ dân sự, sau những kỳ vọng và sự phấn khởi tột bậc của dân chúng, cũng như những lời cổ vũ, khen ngợi của cộng đồng quốc tế, nhất là phương Tây (mà theo chuyên gia Olivier Guillard là quá sớm) về thắng lợi của nền dân chủ, người ta thấy những nhận xét ít thiện cảm hơn và cách nhìn nhận thực tế hơn về tình hình Miến Điện.

Chính quyền LND ngay từ đầu nhiệm kỳ đã vấp phải sự thiếu kinh nghiệm về quản lý và giải quyết các vấn đề quốc gia. Chính vì thế, họ phải liên minh với tập đoàn quân sự vốn vẫn còn những ảnh hưởng vô cùng lớn, trong khi hai bên vẫn chưa thực sự được hòa giải. Và chính phủ Miến Điện cũng vấp phải một chuỗi hồ sơ phức tạp và chồng chéo, chẳng hạn tiến trình hòa bình và hòa giải quốc gia, phát triển kinh tế, quan hệ với tập đoàn quân sự cũ và giới lãnh đạo Phật Giáo mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa, quan hệ với thế giới bên ngoài, từ Washington tới Bắc Kinh …

Trong bối cảnh phức tạp đó, hồi tháng 09/2017, một cuộc khủng mới lại bùng nổ : từ miền bắc bang Arakan, vài trăm ngàn dân thường thuộc sắc dân thiểu số Hồi Giáo Rohingya rơi vào thảm cảnh, phải sang lánh nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cuộc khủng hoảng người Rohingya đã làm xấu đi hình ảnh của Miến Điện thời hậu chính quyền quân sự.

Liên Hiệp Quốc, các nước phương Tây và các quốc gia Hồi Giáo, giới hoạt động nhân quyền và các tổ chức nhân đạo từ đó không ngừng chỉ trích hành động của cả chính quyền dân sự và giới lãnh đạo quân sự Miến Điện, coi họ là thủ phạm chính gây ra thảm họa cho người Rohingya. Thậm chí, nhiều người còn gọi đó là nạn thanh lọc sắc tộc hoặc diệt chủng.

Thế giới phê phán chính quyền Naypyidaw, tố cáo bạo lực ở Arakan, thương cảm trước nỗi đau của các nạn nhân, áp đặt lệnh trừng phạt. Nhưng chuyên gia Olivier Guillard đặt câu hỏi liệu có ai thực sự muốn biết sự thật về đặc quyền và khả năng của từng bên : chính quyền dân sự và các tướng lĩnh quân đội ? Ai có thể tới hiện trường ở bang Arakan để tìm hiểu chi tiết về cuộc khủng hoảng và cho toàn thể nhân loại biết sự thực và đánh giá rạch ròi trách nhiệm của lực lượng an ninh, quân đội và nhóm phiến quân Rohingya cực đoan ARSA ?

Bà Aung San Suu Kyi đang ở đâu trong cơn bão Rohingya ? Liệu bà có còn là một biểu tượng ? Là nữ cố vấn về dân chủ của chính quyền Miến Điện, khôi nguyên giải Nobel hòa bình 1991, người mà dân chúng Miến Điện đặt nhiều kỳ vọng, một thần tượng luôn điềm tĩnh và mỉm cười trong mắt phương Tây vốn khát khao dân chủ, tự do và đề cao nhân quyền, bà Aung San Suu Kyi đã không vượt qua được cơn bão tố bùng lên từ bang Arakan. Không ai hiểu nổi sự yên lặng của bà trong hồ sơ này. Nhiều người đã kêu gọi tước danh hiệu khôi nguyên Hòa Bình của lãnh đạo Aung San Suu Kyi : cộng đồng quốc tế đã vỡ mộng và coi đó là đòn trừng phạt nhắm vào cá nhân bà.

Sự thay đổi mạnh mẽ trong thái độ của quốc tế khiến xã hội Miến Điện, vốn là một điển hình của sự chia rẽ nội bộ, đã đoàn kết vượt qua những khúc mắc chính trị, sắc tộc, xã hội để sát cánh ủng hộ các lãnh đạo dân sự và tập đoàn quân sự trong hồ sơ Rohingya.

Còn quan hệ giữa lãnh đạo chính quyền dân sự, bà Aung San Suu Kyi và lãnh đạo quân đội, vị tướng quyền hành Min Aung Hlaing ? Mặc dù bị chỉ trích, họ đã tận dụng cuộc khủng hoảng trầm trọng này để hàn gắn phần nào vết thương. Bà Aung San Suu Kyi đã không chỉ trích trước công luận hành động bạo lực của phe quân sự tại bang Arakan trong hai tháng qua, cho dù bà bị quốc tế chỉ trích là thụ động và thiếu lòng trắc ẩn. Theo chuyên gia Olivier Guillard, đó là vì bà ấy không muốn liều lĩnh hứng đòn phản công ngay tức khắc của tập đoàn quân sự, cũng như sự phản đối của dân chúng mà đa phần theo Phật Giáo.

Và đương nhiên, lãnh đạo Aung San Suu Kyi chọn giải pháp giữ yên lặng và nói giảm nói tránh để làm nhẹ về nỗi đau khổ và điều kiện sống cùng cực của hơn nửa triệu dân thường ở bang Arakan, hiện đang tị nạn tại nước láng giềng Bangladesh. Cũng không nên quên rằng ở nhiều vùng khác, nhất là các bang Shan, Kachin, Karen, hàng triệu người, đa phần là các sắc dân thiểu số, đang phải gánh chịu thảm cảnh do xung đột giữa quân đội và các nhóm vũ trang sắc dân thiểu số.


Chuyên gia Olivier Guillard kết luận thay vì chỉ trích và đưa ra những đánh giá chung chung, cộng đồng quốc tế nên suy xét kỹ hơn để hiểu rõ về nội bộ xã hội Miến Điện, xác định trách nhiệm của từng bên (chính quyền dân sự và tập đoàn quân sự) và xem xét kỹ lưỡng trong việc áp đặt lệnh trừng phạt. Với nhiệm kỳ lãnh đạo 7 năm của đảng LND trên nền tiến trình chuyển giao dân chủ rất phức tạp và vô cùng ngoắt nghéo, khao khát của đất nước Miến Điện và 55 triệu người dân là có một tương lai tươi đẹp hơn chứ không phải là bị tẩy chay, cấm vận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét