Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2017

Khai thác mỏ Thạch Khê “điếc không sợ súng”



Thế giới, không thiếu những nước tài nguyên khoáng sản nghèo nàn, nhưng đã trở thành nước rất giàu có, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hồng Công, v.v…

Việt Nam không thể dựa vào tài nguyên thiên nhiên để phát triển được vì tài nguyên khoáng sản của nước ta rất nhỏ bé, manh mún và hàm lượng cũng không cao. Thậm chí không có khoáng sản nào có lợi thế để cạnh tranh có hiệu quả (nhập khẩu còn rẻ hơn khai thác), kể cả than, dầu, khí, nước ngọt, cát, đá, sỏi và đất. Than, dầu khí thì sắp hết (30 năm nữa là đóng cửa bể than Quảng Ninh). Ngay cả đá vôi làm xi măng, trữ lượng khai thác được và có hiệu quả cũng chỉ có khoảng 2 tỷ tấn.

Qua các thông tin đại chúng, người dân được biết Bộ Công thương đang cho các đơn vị đầu mối của bộ tập hợp các kiến nghị, đề xuất của tỉnh Hà Tĩnh, đánh giá, rà soát lại toàn bộ dự án, đặc biệt là vấn đề môi trường, hiệu quả kinh tế, xã hội để có quyết định cuối cùng trước khi đề xuất Thủ tướng trong việc có tiến hành hay dừng không khai thác dự án mỏ sắt Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

Điếc không sợ súng

Chưa nói đến quy hoạch ngành thép và bất cập của việc tiêu thụ sản phẩm, ‘điếc không sợ súng’ hay ‘bất chấp’ ở đây là do người trong cuộc vì cái lợi trước mắt không chịu tìm hiểu về công nghệ khai thác một mỏ sâu dưới mặt nước biển và ngay bên cạnh biển, về độ phức tạp đầy rủi ro, chi phí khai thác rất cao như mỏ Thạch Khê. Họ bất chấp rủi ro về môi trường, và thảm họa khai thác, trong khi quặng sắt đang tràn ngập thị trường với giá ngày càng giảm.

Mỏ thân quặng của Thạch Khê nằm sâu dưới mực nước biển, cụ thể nóc quặng (đỉnh) bắt gặp nông nhất ở độ cao khoảng từ -15 tới - 45m (âm), đáy quặng từ - 400 đến - 650m. Thân quặng nằm ngay sát bờ biển khoảng 1,5 km cho nên vài năm qua TKV đã bốc mở một điểm tới đỉnh thân quặng, nước biển đã ngập ngay điểm mở. Có thể suy ra toàn thân quặng thấm ngập nước biển.

clip_image001

Như vậy, vấn đề nước biển ngấm vào moong mỏ là thực tế, cần một hệ thống bơm lớn, bơm liên tục mới khai thác được. Có thể cấu tạo karster hiện diện ở đây, thì nước biển chảy vào qua các hang ổ là khó giải quyết. Cty Braunkohle của Đức đã chạy một mô hình toán học vấn đề tháo nước ở đây khi các tập đoàn Krupp, Lonrho Mining Pacific, Mitsui tiến hành nghiên cứu mỏ này. Chắc chắn chỉ có thể khai thác lộ thiên, nên sẽ ảnh hưởng môi trường và cuộc sống của cư dân trên diện rất rộng lớn.

Quan điểm của các nhà đầu tư

Đã có vài công ty lớn đến rồi đi, như BHP của Australia, Krupp, Glencore, Mitsui…. Liên kết Krupp-Lonrho và Mitsui đưa ra lý do rút khỏi dự án là hàm lượng kẽm cao.

Còn BHP đến khảo sát kỹ, nhưng nhận thấy khai thác mỏ Thạch Khê sẽ gặp nhiều khó khăn vì mỏ nằm ngay sát biển và thân quặng chìm dưới mặt nước biển nên cũng rút lui.

Chất lượng

Hàm lượng kẽm trong quặng rất cao: 0,037 % đối với quặng giàu, 0,028 % đồi với quặng nghèo. Trong quá trình luyện gang, kẽm sẽ bốc hơi dưới dạng ô xít. Hơi kẽm thấm vào thành (xốp) gạch chịu lửa, và làm nứt gạch thành lò cao, dẫn đến phá hủy thành lò.

Bình thường một lần xây thành lò cao, sẽ dùng được 4-5 năm. Nhưng nếu dùng quặng có kẽm cao như mỏ Thạch Khê thì tiểu tu, trung tu và đại tu thành lò cao sẽ phải thường xuyên hơn. Như vậy rất tốn kém, ảnh hưởng đến sản lượng. Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.

Xin lưu ý, chỉ quặng Thạch Khê thôi không thể luyện gang thép được, mà phải pha trộn với các loại quặng khác. Tỷ lệ quặng Thạch Khê trong trộn lẫn này sẽ thấp hơn hẳn, nghĩa là tỷ lệ quặng nhập về để luyện gang thép với quặng Thạch Khê sẽ cao hơn.

Năng lực tài chính

Ngày 17/5/2007 Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) đã ra mắt với 9 cổ đông sáng lập, vốn điều lệ 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số cổ đông đã không góp vốn đúng cam kết, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hoạt động của công ty. Sau đó, Bộ Công thương đã tiến hành tái cơ cấu lại TIC theo hướng Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ cổ phần chi phối, loại bỏ một số cổ đông.

Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh dự án mỏ Thạch Khê còn hơn 12.200 tỷ nhưng dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.

Lời kết

Nếu cho tư nhân kể cả quốc doanh khai thác mỏ Thạch Khê, khi không có lời nữa thì họ bỏ cuộc với đủ lý do, hậu quả để lại không biết bao giờ xử lý được. Dẹp dự án này càng sớm, càng đỡ tốn kém về kinh tế, và nguy hại đến môi trường.

Nếu chỉ để đáp ứng nhu cầu trong nước thì nhập khẩu nguyên liệu là rẻ nhất, tránh được vấn đề môi trường do khai thác tạo ra. Trong khi quặng sắt, nếu VN có nhu cầu, rất có sẵn trên thị trường thế giới.

Riêng cơn bão số 12 vừa qua cho thấy sóng biển đã cao hơn rất nhiều so với cách tính trong thiết kế bãi thải của dự án. Với tần suất khoảng 10 năm một lần, những cơn bão như vậy sẽ san bằng mỏ sắt Thạch Khê (bãi thải ngoài biển, và khai trường trong bờ) chỉ trong chớp mắt là không tránh khỏi.


Quan điểm của lãnh đạo Tỉnh Hà Tĩnh đề nghị dừng, không khai thác mỏ Thạch Khê, hoàn trả nguyên trạng, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân và chỉ nghiên cứu khởi động lại dự án khi đủ các điều kiện nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững là chính xác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét