Thứ Hai, 6 tháng 11, 2017

‘Giam’ máy chủ: ‘Nhu cầu đấu đá nội bộ’ làm sao tồn tại?


Cali Today
Vừa lộ thêm một bằng chứng hùng hồn về tình trạng các cơ quan “bảo vệ pháp luật” của chính thể Việt Nam vi phạm quá lộ liễu cam kết quốc tế.
Khoản 4, Điều 34 Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam có quy định: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Theo quy định này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype, Gmail, Uber… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Nếu quy định trong Dự thảo này được thông qua và trong trường hợp các doanh nghiệp lớn như Google, Facebook không tuân thủ, nhiều người cho rằng sẽ rất thiệt thòi cho sự phát triển của Internet nói riêng, kinh tế số Việt Nam nói chung, đặc biệt trong kỷ nguyên 4.0 hiện nay.
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), “quy định đặt cơ quan đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, trong cam kết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam.
Cam kết trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng tương tự”.
“Như vậy, quy định về việc đặt cơ quan đại diện tại Việt Nam tại Khoản 4, Điều 34 của Dự thảo là trái với cam kết WTO và EVFTA của Việt Nam”, Đại diện VCCI nhấn mạnh.

Làm thế nào để “nhu cầu đấu đá nội bộ” có thể tồn tại trong thời gian tới nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt? Ảnh Vietnamnet

Về việc đặt máy chủ, trong nội dung Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Việt Nam ký kết tháng 2-2016, Chương Thương mại điện tử, Khoản 2, Điều 14.13 (địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin) quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”.
VCCI cũng cho rằng cần hết sức cân nhắc và không nên đặt ra quy định pháp luật trong nước đi ngược lại hướng của TPP vì hiện nay, dù TPP chưa được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn nhưng Việt Nam và 10 nước còn lại, trừ Hoa Kỳ, vẫn tiếp tục đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng.
Cần nhắc lại, Luật An ninh mạng được cơ quan chủ trì là Bộ Công an soạn thảo trong khoảng một năm qua và đang được trình cho Quốc hội thông qua. Song tại nghị trường quốc hội, nhiều ý kiến phản bác rằng Luật An ninh mạng bị trùng lắp về nội dung và chồng chéo với một văn bản luật đã được ban hành vào năm 2015 là Luật An toàn thông tin mạng.
Sau khi có Luật An toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã cấp tập “làm việc” với đại diện của Google, Facebook… để yêu cầu những hãng này ‘gỡ bỏ thông tin xấu và độc hại”. Đáng chú ý, một số trong “thông tin xấu và độc hại” bị này yêu cầu gỡ bỏ lại là nhiều bài viết phản biện những bất cập và bất công trong các chính sách của nhà cầm quyền. Do đó, đề nghị này của Bộ Thông tin Truyền thông đã vi phạm trầm trọng quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà chính thể Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 1982.
Sau một chiến dịch “vừa răn đe vừa thuyết phục” đối với Google, Facebook nhưng có vẻ chẳng mang lại kết quả nào đáng kể, chính quyền Việt Nam lại xoay sang hướng… học tập kinh nghiệm Trung Quốc.
“Kinh nghiệm Trung Quốc” là việc quốc gia độc trị này đã bắt Google phải đăng ký máy chủ quản lý dữ liệu với ngành công an và quản lý thông tin và do đó có thể kiểm soát được toàn bộ nội dung trên mạng xã hội. Trong suốt một thời gian khá dài, giới quản lý của Tung Quốc đã o ép mạng xã hội không mấy kém thua việc họ đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền tại đất nước này. “Chịu hết nổi”, đến tháng 3/2010, Google đã phải chính thức rút khỏi thị trường Trung Quốc.
Nhưng giới chóp bu Việt Nam liệu có dám mạnh tay như “chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”?
Có quá nhiều khác biệt về vị thế chính trị, kinh tế, quốc tế mà đã và sẽ khiến chính quyền ở Việt Nam không thể áp dụng nguyên trạng “thành tích” của Bắc Kinh.
Chính một con số thống kê của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam đã cho biết có tới hơn 80% người Việt dùng mạng xã hội. Cơ chế cấm cản mạng xã hội ở Việt Nam sẽ có thể ngay lập tức dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống thông tin trong khối doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khiến GDP – vốn đang quá èo uột – sẽ tăng tốc sụt về số âm.
Ngoài ra, còn có một nguồn cơn rất “tế nhị” và khác hẳn Trung Quốc: trong khi ở Trung Quốc vẫn chưa xuất hiện “nhu cầu đấu đá nội bộ thông qua mạng xã hội”, thì từ năm 2012, ở Việt Nam đã chính thức diễn ra cuộc chiến nội bộ đảng với trang mạng xã hội có tên Quan Làm Báo. Đến cuối năm 2014, một trang mạng còn ghê gớm hơn là Chân Dung Quyền Lực đã hiện hình và khuynh đảo cả chính trường. Trước đại hội 12 của đảng cầm quyền, một số trang mạng xã hội cũng làm mưa làm gió với những tin tức thuộc loại “Tối Mật”, Tuyệt Mật” của đảng và chính quyền. Từ đó đến nay, ngày càng nhiều trang mạng xã hội nặc danh được tung ra với ngồn ngộn thông tin phanh phui giới quan chức trong nội bộ về nạn tham nhũng, tài sản khủng, bồ nhí con riêng, thủ đoạn chạy chức chạy quyền…
Làm thế nào để “nhu cầu đấu đá nội bộ” có thể tồn tại trong thời gian tới, đặc biệt trong cuộc chiến sát phạt thâu tóm giữa các nhóm quyền lực mới – lợi ích mới đối với các nhóm quyền lực cũ – lợi ích cũ, nếu mạng xã hội bị chính các cơ quan quản lý Việt Nam siết chặt?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét