1. Cơ thể con người hoàn toàn giống
nhau về mặt sinh học. Như những cái máy tính. Chỉ có “phần mềm” tức nhận thức,
thái độ, hành động ra ngoài khiến con người ta khác nhau. Người vĩ đại, kẻ bình
thường, kẻ tiểu nhân. Kẻ hiền người ác, kẻ thiện người dữ. Kẻ may mắn người xui
xẻo. Để tiểu nhân trở thành người bình thường, hay người bình thường trở nên vĩ
đại, người ác trở nên thiện, người dữ trở nên hiền, người xui xẻo trở nên may mắn,
người ta phải CÓ MỘT ĐỨC TÍNH DUY NHẤT LÀ HÀO SẢNG. Khi tập được tính CHO ĐI,
và sẵn sàng CHO ĐI, các đức tính tốt đẹp khác sẽ từ đó phát sinh. Còn càng tập
tính LẤY VÀO, thì họ càng ích kỷ, càng nhỏ nhoi, mọi thứ trên người họ càng
ngày càng xấu. Nên xấu tốt, thiện ác, hiền dữ, may rủi…không phải bất biến mà
hoàn toàn có thể thay đổi theo nhận thức, theo thời gian. Hoàn toàn do mình tạo
ra.
Một ngày nào đó, một người ngủ dậy,
bàng hoàng nhận ra hôm nay mình khác. Họ thấy cuộc đời này, thân xác này chỉ là
vay mượn của tạo hóa để sống mấy chục năm trên trái đất. Và khi mất đi, cái người
ta nhớ đến chỉ là trí tuệ và tấm lòng. Còn cơ thể sinh học, thì mồ mả có xây to
đẹp cỡ nào, thì chỉ vài ba thế hệ nó nhớ đến mà thôi. Ít ai trong chúng ta biết
ông cố của ông cố mặt mũi ra sao, mồ mả ở đâu…trừ được ghi vào sử sách là một
hiền nhân.
2. Nhiều bạn hỏi hào sảng là gì.
Vì xưa giờ chưa nghe ai nói. Hào sảng đơn giản là sự cho đi mà không tính toán,
là sự buông bỏ để làm lại từ đầu. Hào sảng là không ích kỷ, không cá nhân chủ
nghĩa.
Tony có 2 người bạn, A và B, đều
là chủ 2 công ty thương mại lớn. Cả hai đều ly hôn. Ngày chia tay, mọi thứ với
anh A đều chia đôi. Con 2 đứa, vợ chồng anh chia mỗi người nuôi một. Đũa anh lấy
1 chiếc vợ 1 chiếc, cả củ gừng trong tủ lạnh anh cũng bẻ đôi. Những gì không
chia đôi được như tivi, tủ lạnh, máy nước nóng… thì anh quy thóc, định giá bằng
giá mua. Cô vợ thì không chịu, nói giá mua 5 triệu bây giờ đã là đồ cũ chỉ có 2
triệu thôi, cãi nhau ầm ĩ đàm phán tòe loe, cuối cùng cô vợ phải chấp nhận mức
3 triệu và trả lại cho anh 1.5 triệu. Nhìn hành lý anh gánh ra khỏi nhà lỉnh khỉnh
đồ đạc, lẽo đẽo với đứa con gái nhỏ, ai trông cũng hết sức thương cảm. Anh làm
ăn cũng có tiền, nhưng không phát triển được. Anh ngồi thở dài miết, nói sao
tôi không thành tỷ phú nhỉ? Gương mặt anh khôn thiệt khôn, quắt queo trong cái
nắng Sài Gòn tháng 1…
Anh B cũng ly hôn, để lại hết gia
tài cho vợ, bước ra khỏi nhà và đêm đó thuê khách sạn ngủ, bắt đầu lại từ đầu.
Sự hào sảng của anh gặp phải sự chỉ trích khủng khiếp từ cha mẹ người thân, bảo
là “cái thằng ngu chưa từng có”, “cái đồ u mê, cái đầu chỉ để đội nón”. Anh cười
khảy, vì anh biết vợ cũ của anh vẫn cứ tiếp tục nuôi con, và mình là đàn ông
đàn ang, phải biết hào sảng buông bỏ. Đến giờ, công ty anh càng ngày càng lớn,
khách hàng ngày càng nhiều, đối thủ cạnh tranh cũng nể, anh chia sẻ đơn hàng với
họ, họ chia sẻ đơn hàng lại với anh. Tới mua hàng, nếu anh hết hàng đó, hoặc
không có, anh sẽ giới thiệu qua một đơn vị cung cấp khác. Người ta nợ 1 món nợ
ân tình, trả hoài không hết…
3. Có 2 sức mạnh lớn của một con
người. Một là sức mạnh lấy vào, the power of taking. Cố gắng học để có bằng cấp,
để có kiến thức, kiếm tiền thật nhiều, mua nhà nhỏ rồi nhà to rồi biệt thự, đất
vàng, xe xịn. Cố gắng đẻ nhiều con đặng “hào con, hào của”. Tài khoản ngân hàng
phải nhiều chữ số. Từ vô danh, họ bỏ tiền ra mua danh hiệu để được nổi tiếng, để
được mọi người biết đến, được trọng vọng, nể phục. Mọi thứ, họ đều muốn sở hữu,
càng nhiều càng tốt. Từ tay trắng, nhiều người đã có tất cả những gì họ từng mơ
ước, với sức mạnh của sự lấy vào này. Họ có thể thức đêm hôm, nếm mật nằm gai,
chịu bao cực khổ để CÓ TẤT CẢ. Nhưng có một sức mạnh lớn hơn, chính là sự cho
đi, the power of giving. Đó là đang CÓ mà BỎ HẾT. Đỉnh cao như đức Phật, từ bỏ
hoàng cung để ra cây bồ đề ngồi. Đang trên đỉnh vinh quang, nhiều người sẵn
sàng về quê với cuộc sống an nhàn, mà bị người đời chê là dại. Bậc đại trí Nguyễn
Bỉnh Khiêm từng viết “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao
xao”.
Có hoa hậu nọ đăng quang xong,
sau 2 năm trả hết nghĩa vụ từ thiện, đi nước ngoài du học, lấy chồng sinh con,
từ chối mọi cuộc phỏng vấn hay xuất hiện chốn đông người, sống cuộc sống bình
yên. Tony thật sự ngưỡng mộ, vì cô buông bỏ được những lời tán dương đẹp đẽ, những
son phấn nước hoa, những siêu xe, những ánh đèn màu và những xấp đô la lấp
lánh, cô đã bỏ được những phù phiếm xa hoa để lấy giá trị bình yên của riêng
mình. Thay vì nổi tiếng, nhiều người chọn giải pháp âm thầm giúp đỡ người khác,
lặng lẽ không danh xưng danh hiệu, thậm chí phải chịu đựng sự soi mói, nghĩ xấu,
nghi ngờ…của những mái đầu nhỏ hẹp, thiển cận. Nhưng họ bình thản bỏ qua, vì chỉ
là “lời ong tiếng ve”. Đại bàng quan tâm chi đến lời của mấy con ong, con ve?
Người đẳng cấp, họ bình thản trước mọi thị phi. Chỉ có họ biết, họ hiểu, hoặc
cao lắm là có 1 vài người biết, hiểu. Vậy là quá đủ với họ.
Tony có quen một MC được nhiều
người ưa thích. Bạn đang hot nên chạy sô liên tục, xuất hiện ở mọi chương trình
đến nhẵn mặt. Khán giả bắt đầu ớn, vì câu nói nào cũng giống câu nói nào. Tony
khuyên thôi em nghỉ một thời gian đi, đi du học đi rồi 2 năm sau về, dẫn chương
trình bằng tiếng Anh luôn, bạn sợ, nói em ráng khai thác thêm chút tiền nữa. Với
bạn, sức mạnh của sự lấy vào quá lớn so với sức mạnh của sự cho đi, nên cuối
cùng bạn rơi vào ngõ cụt của sự nghiệp, vì tài năng không có thời gian phục hồi.
Một người bạn khác của Tony là giảng viên ĐH, anh nhận làm giảng viên, sáng dạy
chiều dạy tối dạy, không có thời gian nghỉ ngơi đọc sách nâng cao trình độ, nên
có nhiêu đó nói miết, nói hoài…Rồi anh bị lao lực, đang giảng bài thì bị đột quỵ,
phải cấp cứu. Những đồng tiền kia cũng cắp nón ra đi theo hóa đơn dài ngoằng của
bệnh viện. Giờ anh nằm ở nhà, chèo queo một mình, rồi luôn miệng giá như, giá
như…
4. Buông bỏ thật sự là rất khó,
phải tập luyện mới có. Buông bỏ không có nghĩa là mất, mà là “có chỗ trống” để
đón nhận cái lớn hơn. Nhưng nhiều người với tư tưởng tiểu nông vụn vặt, sợ “mất
cả chì lẫn chài” nếu buông bỏ, nên cố bám víu, riết đầu óc càng nhỏ hẹp, sự ích
kỷ cá nhân và giúp sự tham lam chế ngự hết tâm trí, u u mê mê, không phân biệt
cái gì đúng, cái gì sai.
Để có thể làm cái gì đó lớn lao,
chúng ta phải tập tính sẵn sàng cho đi, SẴN SÀNG BUÔNG BỎ. Vì được đó, mất mấy
hồi. Mất đó, được mấy hồi. Lúc sinh ra, mình trần truồng chẳng có gì. Người đời
mới đeo vàng đeo bạc đeo bằng cấp phấn son lên người, nhưng khi chết đi, chui
vô hòm nằm, cũng chỉ là những mảnh vải trắng quấn quanh thân. Vua chúa ngày xưa
chôn theo nào là châu báu bạc vàng nhưng mồ mả của họ chả yên ổn vì cứ bị trộm
đào miết.
Cái gì của mình, thì MÃI MÃI là của
mình, không muốn nó cũng TỰ ĐẾN. Cái gì không phải là của mình thì KHÔNG BAO GIỜ
GIỮ ĐƯỢC.
5. Như câu nói trong bức hình
trên “Tôi cho đi không phải vì tôi dư dả, mà vì tôi hiểu cảm giác của sự không
có”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét