1. Tôi không phủ nhận toàn bộ học
thuyết Mác, nhất là mảng ông thừa hưởng và nâng cao lý thuyết của Hêghen,
Phơbách. Tôi cũng không có điều kiện nghiên cứu nhiều về học thuyết Mác để phân
tích toàn diện nó hay, dở như thế nào. Chỉ biết rằng, khi những người cộng sản
áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn thì học thuyết Mác đã bộc lộ ra những
sai lầm chết người. Nước nào đã thoát ra khỏi cái bóng của nó thì họ không có
gì phải nuối tiếc nếu không nói là vẫn còn kinh hoàng.
2. Hệ thống chủ nghĩa xã hội đã từng
được xây dựng ở gần ba chục quốc gia, nếu tính cả sự tồn tại trong một thời
gian ngắn thì còn nhiều hơn. Nếu tính những nước áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin một
cách triệt để nhất, có sự liên minh chặt chẽ nhất, hăng hái đương đầu với Hoa Kỳ
và Phương Tây nhất thì con số ấy là 13 mà Cu Ba là nước sau cùng. Thế nhưng tới
cuối thập niên 80 sang đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, cả hệ thống xã hội chủ
nghĩa đồng loạt sụp đổ như một ngôi nhà mà tất cả các cột đã mọt ruỗng, và lượng
đổi dẫn đến chất đổi ở Liên Xô và các nước Đông Âu gần như cùng một lúc. Bây giờ,
chỉ còn trơ lại 5 cái cột mà người ta đang cố gắng gia cố bằng đủ mọi thứ vật
liệu vớ được, không biết nó đổ hoàn toàn lúc nào.
Sự sụp đổ của Liên Xô và các nước
Đông Âu nhanh đến mức, chính họ và các nước cộng sản còn lại cũng bàng hoàng.
Hoa Kỳ và các nước Tây Âu, nói chung cả thế giới cũng kinh ngạc. Tổng thống
George H. W. Bush (nhiệm kỳ 1989–1993) cho rằng, chủ nghĩa xã hội là sai lầm tạm
thời của nhân loại. Ông đã từng dè dặt mong muốn, trong thập niên 90 (của thế kỷ
20) tách được Hunggari và Ba Lan ra khỏi hệ thống XHCN. Mục tiêu ấy với Hoa Kỳ
cũng đã là đủ. Vì vậy, thực tế đã diễn ra đối với George H. W. Bush là quá ngoạn
mục.
Khi CNTB bộc lộ những khiếm khuyết
của nó, thì lý thuyết cộng sản ra đời như một món thần dược hy vọng giải phóng
người cùng khổ, người lao động và giai cấp công nhân. Thế giới đón nhận nó như
một liều thuốc chữa bệnh cho họ. Ngay lúc đó, Đức Giáo Hoàng Lêô XII đã cảnh
báo: “Hãy cảnh giác, coi chừng liều thuốc chữa bệnh lại còn nguy hiểm hơn căn bệnh
mà bệnh nhân đang mang“. Thực tế đã chứng minh câu dự đoán này chính xác.
3. Mục tiêu của các đảng cộng sản
là xây dựng một xã hội không có giai cấp với những đặc điểm mà ai cũng phải thừa
nhận là ưu việt. Tuy nhiên, chẳng có đảng chính trị nào lại nói, chúng tôi sẽ
đưa đất nước suy thoái về kinh tế, băng hoại về đạo đức, tụt hậu về toàn diện.
Hiển nhiên, mục tiêu họ đưa ra bao giờ cũng tốt đẹp. Vấn đề ở chỗ, để đạt được
mục tiêu tốt đẹp đó phải có những bước đi, bằng biện pháp thế nào và liệu có khả
thi. Điều này xem ra ở Việt Nam hiện nay còn rất mơ hồ.
Vì thế, người ta mới cần xem đến
việc làm và nhất là những việc làm đã có kết quả (thành quả, hậu quả) để trông
cậy hay nghi ngờ.
Điều dễ nhận ra là nền kinh tế
các nước XHCN chậm phát triển so với các nước tư bản. Trả lời câu hỏi tại sao,
người ta giải thích là do xuất phát điểm khi “tiến lên” (không biết tiến lên
hay chui xuống) CNXH còn lạc hậu. Thế nhưng xét riêng trong một quốc gia bị
chia cắt, rõ ràng trước đó, nền kinh tế và mọi lĩnh vực khác là như nhau, thế
nhưng nửa nào theo XHCN thì khốn khó, ì ạch, còn nửa kia phát triển với tốc độ
rất nhanh. Điều này ta có thể thấy rõ khi so sánh giữa Bắc với Nam Việt Nam,
CHDC Đức với CHLB Đức trước đây và Triều Tiên với Hàn Quốc, Trung Hoa lục địa với
Đài Loan cho đến lúc này. Tuy nhiên, phần phát triển tư bản chủ nghĩa thường bị
phần bên kia đe dọa về quân sự.
Ở các lĩnh vực khác cũng đều có
những điều bất ổn. Sự kém cỏi của CNXH không chỉ riêng lĩnh vực kinh tế.
Với Việt Nam, sự tụt hậu tới mức
thảm hại. Theo Báo cáo phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới, thu nhập
bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Inđônêxia, 95 năm so
với Thái Lan và 158 năm so với Singapore.
Việt Nam từng tự hào với Sài Gòn,
hòn ngọc Viễn Đông. Thế nhưng khi tiến lên CHXH thì Sài Gòn khiêm tốn xếp sau
bao nhiêu thành phố trong khu vực?
Phương thức sản xuất XHCN đã triệt
tiêu động lực sản xuất và các động lực khác cho sự phát triển xã hội, đem lại bức tranh đen tối cho các nước XHCN
trước đây và hiện nay.
4. Giải thích về sự sụp đổ của hệ
thống XHCN, người ta đưa ra nhiều nguyên nhân như quan liêu, duy ý chí, sự tha
hóa về đạo đức, về phẩm chất chính trị, xa rời nhân dân của “một bộ phận” lãnh
đạo cao cấp, không theo kịp sự phát triển của cách mạng khoa học – kỹ thuật hiện
đại và cuối cũng không quên đổ cho “thế lực thù địch” chống phá.
Những nguyên nhân từ nội tại đưa
ra đều đúng nhưng đó chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Còn nguyên nhân sâu xa là do
áp dụng chủ nghĩa Mác-Lênin thì người ta lại không dám chỉ ra.
Cứ theo cách lý giải nguyên nhân
như chủ quan, duy ý chí, không theo kịp sự phát triển chung, lãnh đạo suy thoái
thì cũng là do con người. Nhưng cái gì đã đẻ ra những con người như vậy? Nói chủ
nghĩa Mác hay, đến khi áp dụng không thành công thì lại đổ cho con người vận dụng
nó, vậy thì cái gì có thể vận dụng nó để tiến tới chủ nghĩa cộng sản? Chắc chắn
không thể là người ngoài hành tinh.
Mỗi khi có sai lầm, những người cộng
sản thường đổ cho khách quan, cho một “bộ phận không nhỏ” chứ không chịu tìm ra
nguyên nhân gốc rễ mà ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch quốc hội gọi là “lỗi hệ
thống”.
Vậy học thuyết của Mác chi phối
những người cộng sản khi vận dụng nó vào xây dựng CHXH như thế nào. Dưới đây chỉ
nêu lên hai luận thuyết mà sự ảnh hưởng của nó rõ nét nhất đối với các quốc gia
đi theo con đường xây dựng CNXH
5. Về luận điểm “đấu tranh giai cấp
là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của xã hội”: Luận điểm này cùng
với thuyết chuyên chính vô sản mang nặng tính trấn áp của Lênin đã gây ra bao
nhiêu tai ương cho loài người. Nó đã gây ra các cuộc thanh trừng, bắn giết ở
Liên Xô, cách mạng văn hóa, sự kiện Thiên An Môn ở Trung Quốc, giết đi 1/3 dân
số Cămpuchia dưới thời Khơme đỏ. Ở các nước khác, cũng có những cuộc bắn giết với
qui mô nhỏ hơn. Có tài liệu ước tính, nạn nhân của những cuộc tàn sát đẫm máu ở
riêng 3 quốc gia: Liên Xô, Trung Quốc, Cămpuchia lên tới 70 triệu người. Lời hô
hào phải tiến hành cách mạng xã hội để giành chính quyền đã kích động bạo lực,
gây nên các cuộc nội chiến ở nhiều quốc gia.
Ngoài ra, một số quốc gia cộng sản
còn đem quân đi trấn áp các nước khác như Liên Xô xâm chiếm Ba Lan, gây ra vụ
thảm sát rừng Katyn giết 22 nghìn người, đem quân trấn áp quân nổi dậy ở
Hunggari năm 1956, và ở Tiệp Khắc năm 1968. Bắc Triều Tiên tấn công Nam Triều
Tiên làm bùng nổ cuộc nội chiến xuất phát từ ý thức hệ năm 1950 – 1953 cướp đi
sinh mạng của hàng triệu binh lính và dân thường. Ở Việt Nam, sau Hiệp nghị
Giơnevơ, chiến tranh còn tiếp diễn 20 năm sau đó, cướp đi khoảng 5 triệu sinh mạng
…
Kết quả là, đấu tranh giai cấp
thúc đẩy sự phát triển đâu không thấy, chỉ thấy các nước XHCN, nếu không chiến
tranh liên miên thì xã hội cũng phát triển ì ạch và bộc lộ ra rất nhiều điều bất
ổn trong tất cả các mặt của đời sống xã hội. Tất nhiên, nguy cơ tiềm ẩn của chiến
tranh không chừa một khu vực nào của thế giới.
6. Nhưng sức tàn phá ghê gớm nhất
và là nguyên nhân chính khiến cho phe XHCH sụp đổ xuất phát từ học thuyết về
giá trị thặng dư của Mác.
Theo thuyết này thì khi nhà tư bản
bỏ vốn ra mua thiết bị, nguyên vật liệu, thuê nhân công, sau khi bán sản phẩm
thì thu được một giá trị lớn hơn. Điều đó là đương nhiên. Vấn đề cần nói là cái
giá trị lớn hơn đó, Mác gọi là giá trị thặng dư và cho đó là phần mà nhà tư bản
bóc lột công nhân.
Khi thừa nhận máy móc, nguyên vật
liệu … nhà tư bản đã trả đúng giá cả của nó và nhất là thừa nhận đã trả đúng
giá cả sức lao động thì sao gọi là bóc lột? Sự mua bán trong quá trình sản xuất
diễn ra một cách tự nguyện trên tinh thần thỏa thuận. Trong luận thuyết này,
Mác đã không tính đến lao động của nhà tư bản. Phần gọi là giá trị thặng dư, thực
chất là lao động (trí óc) của nhà tư bản. Nếu nhà tư bản bỏ tiền ra mà không nhằm
thu lại cái gì, chắn chắn người ta bảo họ bị điên. Giá trị tăng thêm trong quá
trình sản xuất không phải ở trên trời rơi xuống. Không có họ, làm gì có cái mà
Mác gọi là giá trị thặng dư? Chỉ khi nhà tư bản bỏ vốn ra và hành động thì mới sinh
ra giá trị tăng thêm đó. Như vậy giá trị tăng lên trong mỗi chu kỳ sản xuất là
nhờ nhà tư bản nên phải thuộc nhà tư bản.
Nếu cho phần giá trị tăng lên ấy
là nhà tư bản bóc lột lao động làm thuê thì tại sao, người công nhân vẫn cứ muốn
bị bóc lột? Tiếc rằng chưa có con số thống kê nào đưa ra có bao nhiêu trăm triệu
lao động ở các nước XHCH thất nghiệp, lâm vào cảnh bần hàn, muốn được bóc lột
mà không có nhà tư bản nào bóc lột cho.
Học thuyết về giá trị thặng dư được
các nhà lý luận cộng sản cho là đó là cống hiến vĩ đại nhất của Mác. Thực ra,
Mác đã lập lờ, đánh tráo khái niệm khi đưa ra thuyết giá trị thặng dư.
Cho đấy là một phát hiện thiên
tài của Mác, các nhà nước cộng sản chủ trương tiêu diệt kinh tế tư bản, đánh đổ
giai cấp địa chủ, giai cấp tư sản. Kinh tế tư nhân chỉ được thoi thóp tồn tại với
qui mô nhỏ, bị chèn ép và cũng chỉ được phép trong từng giai đoạn. Cùng với việc
xóa bỏ kinh tế tư bản, tư nhân là sự hình thành một nền kinh tế tập trung dựa
trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, đưa đất đai vào sở hữu nhà nước.
Ở Việt Nam, có thể kể ra cuộc cải
cách ruộng đất 1953 – 1956, cải tạo tư bản tư doanh và hợp tác hóa ở miền Bắc
sau 1954, cải tạo tư sản ở miền Nam sau năm 1975. Những việc làm này dẫn tới nền
kinh tế kiệt quệ, tới năm 1985-1986 cả nước lâm vào thế đứng bên bờ vực thẳm.
Việc thiết lập nền kinh tế tập
trung nhằm mục đích kế hoạch hóa được nền kinh tế, xóa bỏ bóc lột giá trị thặng
dư. Và rồi, với kiểu làm ăn chung chạ, cha chung không ai khóc, trình độ quản
lý non kém đã khiến cho năng suất lao động ngày càng thấp. Người ta không hiểu
rằng, tư hữu là một thuộc tính của con người. Giá trị thặng dư không được sinh
ra vì thua lỗ kéo dài và nếu có thì lại chui vào túi nhà tư bản đỏ dưới các dạng
tham nhũng.
Động lực sản xuất không còn, giai
cấp vô sản quen làm thuê không quen quản lý nên không biết làm gì với đống tài
sản tịch thu được sau khi đã chia chác chưa hết, dẫn đến nền kinh tế ngày càng
tiêu điều.
Cùng với những luận điểm khác của
chủ nghĩa Mác, thông qua sự áp dụng của những người cộng sản đã kéo lùi tiến
trình phát triển của nhân loại nhiều trăm năm, nếu kể cả những hậu quả dai dẳng
của nó.
7. Lênin còn phát triển chủ nghĩa
Mác khi khẳng định cách mạng vô sản nổ ra không chỉ trong lòng xã hội tư bản
phát triển cao mà với sự giúp đỡ của giai cấp vô sản ở các nước phát triển,
cách mạng vô sản có thể nổ ra ở các nước còn kém phát triển. Với luận điểm này,
một loạt nước XHCN hình thành ở châu Á,
Phi và Mỹ latinh, mà phần lớn, thử nghiệm được một thời gian rồi phải xóa bỏ.
Mác đưa ra được một nguyên lý
đúng “quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản
xuất“. Luận điểm xuất khẩu cách mạng sang các nước còn lạc hậu của Lênin đã
trái với nguyên lý này, vì thế, sự thất bại là không tránh khỏi.
8. Đảng cộng sản Việt nam cũng đã
từng phát triển, nâng cao chủ nghĩa Mác-Lênin với tư tưởng làm chủ tập thể.
Theo họ, khái niệm làm chủ tập thể còn cao hơn khái niệm dân chủ: dân chủ là phạm
trù lịch sử còn làm chủ tập thể là phạm trù vĩnh viễn. Khái niệm dân chủ đương
nhiên mất đi khi xây dựng thành công chủ nghĩa cộng sản, còn khi đó, làm chủ tập
thể sẽ được phát huy trên tất cả mọi mặt của đời sống xã hội. Tư tưởng làm chủ
tập thể được ghi vào văn kiện đại hội Đảng lần thứ 4 khiến cho các nhà lý luận,
những người viết giáo trình đau đầu, diễn giải loanh quanh, đọc xong mà không
hiểu nó là cái gì. Cũng may, một thời gian ngắn sau đó, người ta không nhắc tới
nữa.
9. Chủ nghĩa Mác với mục tiêu xây
dựng một thế giới đại đồng, trên cơ sở chế độ cộng sản chủ nghĩa là một thứ
hoang tưởng. Mong muốn xây dựng một chế độ không có giai cấp, chủ nghĩa Mác muốn
xóa đi cái riêng của mỗi con người, biến con người ai cũng như nhau. Điều này
là không thể vì mỗi cá thể có tính cách, phẩm chất khác nhau và như trên đã
nói, tư hữu là thuộc tính của con người. Vấn đề là phải phát huy được tối đa khả
năng của họ trong việc xây dựng một xã hội văn minh chứ không phải là xóa đi
cái tôi của họ, biến họ thành những rô bốt. Giờ đây, kể cả những người vẫn cổ
súy cho chủ nghĩa Mác khó mà nói họ vẫn tin vào nó. Việc hô hào ấy, chẳng qua họ
muốn dùng chủ nghĩa Mác như một bình phong để đạt được mục đích cá nhân mà
thôi.
Khi chủ nghĩa Mác đã bộc lộ hết
những bất cập của nó, kể cả trong lý luận lẫn thực tiễn và trước sự sụp đổ của
Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, nhà nước cộng sản Trung Quốc sau đó là Việt
Nam buộc phải có những bước điều chỉnh. Một trong những điều chỉnh mang tính
phá vỡ nguyên tắc là thừa nhận nền kinh tế thị trường, thừa nhận kinh tế tư bản,
tư nhân. Từ chỗ cấm đảng viên thuê lao động (để bóc lột giá trị thặng dư) đến
chỗ cho phép họ kinh doanh. Rõ ràng, những điều này đã phạm những nguyên lý cơ bản
nhất của chủ nghĩa Mác. Về thực chất, Việt Nam và Trung Quốc đã và đang xóa bỏ
chủ nghĩa Mác. Trên hành tinh này, Triều Tiên là nước duy nhất còn trung thành
với chủ nghĩa Mác mà thôi. Chính sự trung thành ấy đã biến Triều Tiên thành một
đất nước quái đản mà ai cũng kinh hãi.
[Nói thêm về công cuộc đổi mới của
Việt Nam. Việc đổi mới kinh tế được manh nha từ đầu thập niên 80 của thế ký trước
khi khủng hoảng kinh tế – xã hội nổ ra, lạm phát tăng với tốc độ phi mã, tới
900%. Công cuộc đổi mới chính thức được phát động từ Đại hội Đảng CSVN lần thứ
6 (năm 1986), đã đem lại cho nền kinh tế Việt Nam một diện mạo mới. Ông Đỗ Mười,
nguyên tổng bí thư Đảng CSVN tự hào nói rằng “không có Đảng thì không có đổi mới”.
Câu nói này của ông đã bị phê phán, chế giễu. Người ta cho rằng, cái gọi là đổi
mới chẳng qua là sửa sai mà thôi, từ chỗ cấm đến chỗ không cấm, từ trói đến nới
lỏng. Tuy nhiên, xét cho cùng, ông Đỗ Mười nói vẫn đúng theo lôgic: không có Đảng
thì không có cấm, không có cấm thì không có bỏ cấm (đổi mới), tuy đó không phải
là ý của ông Mười. Nó chẳng khác gì một tên đầy tớ nhốt ông chủ trong phòng, đến
khi không thấy lợi lộc gì thì thả ông ra rồi bắt ông phải cám ơn vì cái sự thả ấy.
Chỉ tiếc rằng, sự đổi mới về kinh
tế không được tiến hành song song với đổi mới chính trị nên Việt Nam lại lâm
vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội hiện nay]
Thế nhưng không hiểu sao, trong dự
thảo sửa đổi hiến pháp 1992, Đảng CSVN vẫn đưa chủ nghĩa Mác vào để làm “nền tảng
tư tưởng“, vẫn “dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin” trong khi trên thực tế,
họ đang vứt bỏ nó. Khó mà tin rằng, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn tin và trung
thành với chủ nghĩa Mác-Lênin.
Chỉ khi nào, bóng ma chủ nghĩa
Mác không còn lởn vởn trong đời sống xã hội của nước ta thì mới có thể tính đến
chuyện chấn hưng đất nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét